Bữa rày ông Bảy hay vênh mặt lên trời bởi đã kịp xây xong căn nhà hai tấm “khè” thiên hạ. Đợi khi cơn mưa tới, ông Bảy có thú vui mới, đứng ở mé hiên ngó nghiêng sang nhà hàng xóm, hả hê nhìn mấy ống thoát nước nằm chót vót trên mái nhà mình thu trọn nước mưa rồi đổ ập xuống vườn nhà ông Bành. Năm nào vào mùa này, mưa cũng tầm tã như trút giận cho ông trời, và từ nay dòng nước xối xả tuôn xói đất kia sẽ thay ông Bảy dìm “đối thủ” mấy chục năm qua. Mưa lớn lên đi, ai lùn chết chìm! Ông Bảy chõi miệng la lớn để phía bên kia bờ tường nghe thấy.

Đợt trước, xã quy hoạch làm con đường nhựa chạy ngang xóm. Dân ăn nên làm ra, rục rịch thay da đổi thịt cùng với thôn quê cũ. Lúc xây lại nhà, bốn phía ai cũng đổ thêm đất nâng nền cao hơn mặt đường. Chỉ mỗi vợ chồng ông Bành chạy ăn từng bữa chưa cất sửa được nhà nên tự nhiên như vùng trũng giữa xóm. Đã thế, ông Bảy còn gom nước xả thẳng qua, chỉ một buổi mưa to vườn ông Bành liền biến thành ao nước. Mưa càng dai, nước nối liền từ mảnh đất nhỏ rí của ông Bành ra con đường cái phía trước, dâng gần tới ống quyển, tràn vào nền nhà lênh láng ngập hơn mắt cá chân. Bì bõm trong nước. Cho đáng đời cha già mắc dịch. Từ hồi ông Bảy dọn về đây sống, có ngày nào được yên ổn với thằng chả đâu.

***

Năm đó, ông Bảy dành dụm mãi mới mua được miếng đất cao giữa xã, vị trí cực đẹp. Chưa vui được bao lâu, đã gặp chuyện gà bay chó sủa bởi ông hàng xóm bên nhà. Cứ trưa nắng, ông Bành gom rác trong vườn lại thành đống to, đốt lên khói bay xộc qua nhà ông Bảy. Ở quê đốt lá khô là chuyện thường, nhưng phải vào chiều tối, hoặc khi trời âm ẩm se lạnh. Có ai đời giữa nắng oi nắng gắt, ông Bảy đang tòng teng đưa võng thiu thiu mơ một giấc ngủ trưa thư thái mát mẻ, thì gió thổi khói mù mịt xông tới. Lại thêm nào lá xanh, bao ni lông, mớ dây điện đốt vỏ lấy lõi bán đồng phế liệu. Lửa chẳng cháy rực, cứ ngun ngún khói, khét lèn lẹt. Trời ơi là trời, ai chịu cho nổi!

Bữa khác, bà vợ ông Bành phơi mấy mâm cá tươi làm khô. Muốn cá khô ngon thì phải lựa khi nắng giòn nắng chói. Xui rủi sao đận đó ngày nào trời cũng âm u khó chịu, ông mặt trời trốn biệt đi đâu, cá không kịp khô rủ ruồi nhặng tới bâu xà quần thấy gớm, mùi thum thủm hôi tanh ập sang ám vào nhà ông Bảy. Bữa cơm inh mùi cá ươn, áo quần hôi rình hôi rích, tóc tai gội vỏ bưởi vẫn vương hơi cá. Hai vợ chồng ông Bành đi mần mướn tới tối mịt mới mò về, bợ mấy mâm cá đổ bọc ni-lông đem vứt, nhưng cái mùi vẫn còn thoang thoảng tận mấy ngày sau. Ông Bảy tức cành hông. Toàn làm những thứ khùng điên, bực tới nỗi muốn uýnh cho phát.

Còn ti tỉ những thứ chọc chửi khác mà nhà ông Bành gây ra. Ví như nửa đêm khuya khoắt lại ầm ì cốc keng giã đập thịt heo làm ruốc, làm dăm bông. Bán được nhiêu đồng mà phiền hà xóm giềng không cho ai yên ắng ngủ nghê. Ông Bảy có cái nết xấu ngủ, luôn quạu bực dọc mỗi khi có ai dám phá ngang giấc nồng. Tới con chó sủa ma canh nhà còn bị ông cầm dép táng kêu ẳng ẳng.

Đỉnh điểm nhất là vụ bụi sặc nằm giữa ranh giới của hai khu vườn. Cây sặc cao lút đầu người, mọc um tùm chiếm một khoảng đất rộng. Bụi sặc ở đó như cái hàng rào chung dựng tạm, thuộc sở hữu của hai bên, có từ thuở nào không ai nhớ rõ. Thế mà, thằng con trai ông Bành cứ bẻ dần mỗi ngày một, hai cây, tước vỏ gặm ngấu nghiến. Ngon ngọt gì đâu thứ rỗng ruột, xơ xốp. Chỉ vì có hình thù hơi giống cây mía trắng mà bị nhầm lẫn.

Con nít ranh không chấp, đằng này ông Bành cũng chặt trảy dần. Đọt non lá tươi cho bò, cây già lá to phơi khô để chụm bếp. Từng nhát dao phay giơ lên chặt mấy cây sặc, khoét dần cái hàng rào gần hai mét đất chạy dài theo khu vườn, là từng nhát như phăng ngang vào mặt ông Bảy. Đáng lý ranh giới phải nằm giữa bụi sặc, rốt cục tới khi xây lại bờ tường gạch đỏ, ông Bảy bị lấn hết bụi sặc, hụt một mét đất bề ngang, ngót nghét hăm tám mét vuông tổng.

Bà vợ xua tay, thôi cho người ta nhiêu đó cũng được chớ báu chi. Nhưng ông Bảy nhứt quyết chửi cho đã tức. Phải tính chớ, tấc đất tấc vàng mà. Rõ ràng ông Bành bày mưu lấn đất, đồ đem cho khác thứ bị cướp. Kể từ vụ tranh cãi đất đai đó, ông Bảy tuyên bố, cha già Bành mà hó hé bước sang nhà mình là ổng quánh gãy giò liền.

leftcenterrightdel

Minh họa PHẠM HÀ

Gió giật đùng đùng từng cơn, xô tán cây ngả nghiêng rung lắc. Gió thổi vào lòng người những sợ hãi không thôi về khả năng xuất hiện cơn áp thấp có thể mạnh dần lên thành bão. Trời vẫn trút nước mù mịt. Bão chưa thấy, nhưng nghe thời sự báo, trận mưa sẽ kéo dài, nước ở các sông đã dâng cao, chắc lụt sắp về. Ở cái xứ èo uột cong mình như cái đòn gánh đỡ hai đầu đất nước, bão hay lụt đều là nỗi ám ảnh với mỗi con người.

Vùng ông Bảy ở phần đất cao nhất xã mà trước đường còn ngập qua đầu gối, chắc các nơi khác đã chìm trong biển nước mênh mông. Ông Bảy ngó nghiêng sang nhà hàng xóm, hỉ hả chưa được bao lâu đã thấy chán ngắt. Nhìn cảnh cả nhà bên cạnh lăng xăng mang ủng lội nước kê cao đồ đạc, ông Bảy chớm xót xa trong lòng. Mưa lụt là chuyện của ông trời, nhưng cái sự ngập của căn nhà sát mé hông cũng có một phần do ông góp nước. Có lẽ giống như bộ phim nổi tiếng nào đó từng nói, người ta thường tốt bởi vì họ giàu. Dư dả miếng ăn, thừa mứa vật chất, còn chấp nhặt dăm ba chuyện vặt vãnh làm gì. Ông Bảy hà tất phải so đo nợ cũ với thằng cha khốn khó nhà bên.

Bà vợ cắt ngang dòng suy nghĩ của ông Bảy bằng tiếng gọi í ới dưới bếp. Trời đang mưa gió, được bữa con trai, con dâu nghỉ làm nên xúm lại đổ bánh xèo ăn cho ấm bụng. Người giã ớt tỏi làm mắm, người lặt rau sống, người tráng bánh xèo, rôm rả căn bếp mới. Miếng bánh vàng ruộm, thơm nức, cắn một phát nghe như bao mỹ vị nhân gian đều ở trong miệng. Nụ cười giòn tan. Từ bữa xây xong căn nhà tới chừ, nay mới là lần đầu tụ họp đông đủ thành viên. Con cháu lớn lên đều có công ăn chuyện làm và mối bận tâm riêng, mấy khi có dịp rảnh rang. Còn mỗi ông Bảy đi ra đi vào trong căn nhà thênh thang với thằng cháu nội xí lô xí là đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Người ta nói niềm vui tuổi già là có con cháu quây quần ở cạnh, quả không sai.

***

“Ông Bảy ơi ông Bảy, nhanh ra đây tui bảo!” Ai gọi đầu ngõ nghe như cha già mắc dịch nhà bên. Trời đánh tránh miếng ăn, thằng chả vác xác qua chọc tức gì ông nữa. Ông Bảy bước từng bước mạnh từ căn bếp tiến ra phía hiên nhà.

Người ông Bành ướt mem đang khom lưng kéo theo một cái thúng tre. Kìa thằng cháu nội bốn tuổi của ông Bảy đang ngồi trong thúng, mặt mũi hoang mang tái bợt, tay chân run lẩy bẩy, thân mình ướt nhẹp như con cún con bị đem nhúng nước. Mới lúc nãy khi nó ngồi chơi trước hiên, ông Bảy bày cách gấp thuyền giấy thả trên dòng nước, cu cậu còn nhảy cẫng vỗ tay. Chỉ tại ông Bảy mải săm soi để ý nhà hàng xóm ngập tới đâu, rồi loay hoay đổ bánh xèo với vợ con dưới bếp, quay qua quay lại quên mất tiêu thằng cháu.

Con nít chẳng chịu ngồi yên. Cháu nội ông Bảy thấy người ta lội nước, cũng bắt chước thả chân xuống dòng đuổi theo chiếc thuyền giấy đang trôi. Ai ngờ đâu nước lụt theo mưa đã dâng tới bắp vế người lớn từ bao giờ. Thằng cháu nội chới với giữa mênh mang nước chẳng kịp kêu la. Nó trôi theo dòng lụt được một khúc xa trước khi ông Bành rẽ nước chạy theo chụp lại. Quỷ thần thiên địa ơi! May mà cứu được. Cả nhà ông Bảy cuống quýt cảm ơn, mừng rớt nước mắt.

Ông Bành nhất quyết không bước chân vào cửa dù bà vợ ông Bảy năn nỉ hết lời. Đợi thằng cháu nội hoàn hồn, con trai ông Bảy thay ba qua nhà hàng xóm nói chuyện cảm ơn một chặp. Trời vẫn hăm hở dội nước chưa có dấu hiệu dừng. Nếu ông Bành còn ở yên trong nhà thì đêm nay chỉ còn cách mặc áo mưa leo lên cái bàn gỗ cao một mét hai để ngủ ngồi. Mái tôn lủng lỗ, nước dột khắp nơi, căn nhà rách nát không thể chở che cho vợ chồng ông Bành thêm nữa.

Ông Bảy đứng ở mé hiên ngó sang ao nước bên cạnh, trong lòng rộn rạo như có kiến bò. Đúng cha già cứng đầu, chắc tới chết vẫn tự ái. Thiệt phiền hết sức, chuyến này ông Bảy đành phải “xuống nước” qua bên đó rước lão. Đang giữa cơn mưa gió nguy hiểm, dăm ba chuyện lúc trời nắng nôi thôi để sau hẵng tính tiếp.

Lụt về. Dòng nước ngầu đục ôm bao rác đến từ đâu chảy mải miết. May mà, con nước lớn đã trả lại đứa cháu trai quý báu cho ông Bảy. Còn mối hận thù không đội trời chung giữa hai ông hàng xóm có bị dòng nước lụt cuốn trôi thì cứ mặc kệ, chớ ai thèm vớt lại làm gì.

Dư âm của cơn bão Yagi mới đây và hậu quả lũ lụt thảm khốc sau đó đã là nguồn cảm hứng cho tác giả Ny An viết truyện ngắn “Giữa mênh mang nước”. Câu chuyện rất đời của hai ông già hàng xóm làm cho độc giả có thêm niềm tin vào sự nhân hậu, thiện lành của con người trong những hoàn cảnh khó khăn, trong nguy nan, bất trắc. Được viết bằng giọng văn giản dị, hồn hậu, với những từ ngữ đậm màu sắc địa phương, rủ rỉ như một lời kể chân tình, ấm áp, chi tiết đơn giản, sáng rõ, truyện ngắn “Giữa mênh mang nước” là một áng văn đẹp về tình nghĩa, tình thương, sự giúp đỡ, cưu mang, đùm bọc của con người - truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của người Việt, đúng như câu “Lá lành đùm lá rách”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. (Tiến sĩ HÀ THANH VÂN) 

Truyện ngắn của NY AN