Một lát sau, ông quay ra dẫn theo một người đàn ông mặc bộ quần áo bà ba nâu rồi nói:

 - Đây là đồng chí Thạo, cán bộ giao liên xã, sẽ đưa đồng chí vào cơ sở cơm nước nghỉ ngơi. Sáng mai sẽ có người ra đón đồng chí đến gặp lãnh đạo xã.

Theo chân giao liên Thạo, tôi lặng lẽ bước trên con đường đất trải đầy lá dừa xiêm. Sau chừng 20 phút, chúng tôi có mặt tại một gia đình cơ sở, nằm sát bìa rừng, trước mặt có con suối nước chảy róc rách. Vừa bước chân vào nhà, tôi đã có cảm giác căn nhà u tối quá. Hóa ra, chiếc đèn cầy đã cháy gần hết nên không đủ soi sáng cho căn phòng. Chủ nhà là một ông già người Nam Bộ, ngồi lặng lẽ hút thuốc lá, nhả khói lơ đãng. Nhận ra cậu giao liên quen thuộc, ông lên tiếng:

- Chú Thạo, có khách hay sao đấy?

- Vâng thưa bác! Đây là khách của xã, nhờ bác lo cho đồng chí ấy ăn uống, đêm nay nghỉ lại đây, sáng mai cháu sẽ đến đón.

Nói xong, anh ta gật đầu chào rồi biến vào màn đêm đen đặc.

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHÙNG MINH

Tôi chào hỏi ông chủ và đưa mắt quan sát căn nhà. Đó là một căn nhà tranh ba gian hai chái, vách đất, mái được lợp bằng lá dừa xiêm thưa thớt khiến tôi tưởng tượng ra cảnh nếu trời đổ mưa thì trong nhà cũng ướt như ngoài sân. Ông chủ nhà sau một hồi xuống bếp đã bê lên mâm cơm có đĩa cá linh kho, đĩa đậu phộng luộc, bát canh rau tập tàng và bát cà muối xổi. Đang đói, nhìn mâm cơm quá ngon lành, tôi ngấu nghiến ăn liền mấy bát, sau đó tôi ra bàn cùng ông ngồi uống nước. Nói chuyện chừng vài phút, tôi xin phép ông đi ngủ sớm sau một chặng đường dài đi xe đò rồi lại cuốc bộ mệt lử. Trời về khuya, nằm trên chiếc võng chật chội, muỗi bay vo ve, tôi không tài nào ngủ được. Ngoài kia, gió thổi rít từng cơn hòa cùng tiếng côn trùng kêu u u nghe buồn man mác. Tôi nằm thu lu và cố gắng khép mắt để chìm vào giấc ngủ nhưng con mắt chả chịu nghe lời cứ tỉnh thao láo. Tôi đành ngồi dậy, đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài, bất chợt ngửi thấy mùi hoa bưởi quen thuộc, phảng phất đâu đây. Một lúc sau, nhờ ánh đèn pháo sáng địch bắn từ xa mà tôi nhận ra phía sau vườn có hai cây bưởi hoa trổ trắng ngần làm tôi thấy nhớ quê nhà da diết. Những kỷ niệm về quê hương lại hiện về chầm chậm trong ký ức. 

***

Làng Yên Xá quê tôi nằm bên bờ tả ngạn con sông Hoàng, phù sa màu mỡ, ruộng vườn tốt tươi, có cây cầu gỗ trăm năm thi gan cùng tuế nguyệt. Đa phần người dân quê tôi quanh năm làm ruộng và canh tác hoa màu. Sau đó không lâu, ông bà ngoại rồi thầy mẹ tôi lần lượt rủ nhau về miền cát bụi, để lại chị em tôi cho dì nuôi dưỡng. Tôi nhớ hồi còn bé, cứ độ tiết xuân tháng Giêng, tôi theo dì ra cánh đồng làng xem bà con trồng màu, mải mê ngắm nhìn những luống lạc, luống đậu, luống khoai lang non tơ sương mù phủ li ti trên từng cánh lá, ngọn cây. Và kìa, có mấy chú nhện con miệt mài giăng tơ trên những ngọn đậu vương đọng những hạt sương long lanh. Tôi cứ thích thú đứng ngắm từng làn khói bay mờ mờ, chờn vờn từ những chân ruộng người nông dân đốt cỏ rác, lan ra cả một vùng xa tít tắp. Rồi dì kéo tay tôi theo dì vào xóm cho tôi được thỏa thuê ngắm nhìn những vườn bưởi hoa nở trắng tinh khôi. Tôi thích thú quan sát mấy tổ chim nằm vắt vẻo trên những cành bưởi. Dì tôi nói “loài chim này chịu thương chịu khó lắm, hằng ngày, chúng bay đi tha những lá cây, ngọn cỏ về xây tổ ấm. Lá cỏ to, chúng bọc lót bên ngoài, lá cỏ nhỏ, non mềm, chúng trải xuống làm ổ đấy con”. Vào ngày mùa, khi người nông dân chở lúa từ cánh đồng về sân kho hợp tác xã, đàn chim mỏ chì kéo về nhảy nhót kín mặt đường, nhặt những hạt thóc rơi vãi ăn thỏa thuê.

Quê tôi nhiều thập kỷ qua nổi tiếng gần xa với giống bưởi quý chua rôn rốt đã trở thành thương hiệu. Chẳng vậy mà người dân trong làng, nhà nào cũng trồng vài vạt bưởi trong vườn. Vào dịp giáp Tết cổ truyền, bưởi cho thu hoạch, thương lái kéo đến mua bán tấp nập, tiếng cười nói rộn vui khắp làng trên xóm dưới. Nhà ông bà ngoại tôi xưa cũng có vườn bưởi rộng hàng trăm mét vuông nằm sát bên chân con núi Lĩnh. Vào mùa xuân, hoa bưởi nở từng búp trắng phau trên cành, tôi háo hức theo sau dì nhặt những chùm hoa bưởi rụng rơi đầy lối đi, thơm nức. Đôi khi, dì bỗng dừng lại cúi xuống nhặt những nụ hoa tung lên cao rồi hồn nhiên mỉm cười. Lúc đó tôi có cảm giác dì đẹp như tiên nữ vậy.

Sau những ngày đó, tôi lên tỉnh học cấp ba, còn chị gái tôi học xong đại học, ra trường rồi lấy chồng trên thành phố, để lại dì một mình ở quê nhà. Vào dịp cận Tết, bao giờ chị em tôi cũng bảo nhau thu xếp về quê ngoại thăm dì. Nhìn dì già nua dần theo thời gian, tôi thấy lòng ngậm ngùi khi dì cả đời cứ một thân một mình vò võ chẳng người đầu gối tay ấp. Sau này, nghe chị tôi kể, tôi mới biết, xưa kia dì yêu say đắm một chàng trai trong làng, là mối tình đầu của dì. Hai người yêu nhau được một thời gian thì chú đi bộ đội rồi hy sinh tại Mặt trận phía Nam. Từ đó, dì không yêu ai nữa mà ở vậy thờ phụng người đàn ông chưa cưới như thể chồng mình. Rồi dì lại dành hết tâm sức chăm sóc hai đứa cháu. Đã nhiều lần, chị tôi muốn đón dì lên tỉnh ở hẳn với vợ chồng chị, nhưng dì lấy lý do ở lại còn hương khói ông bà tổ tiên, chăm lo nhà cửa ruộng vườn nên luôn từ chối. Một lần nọ, tôi rủ bạn gái về thăm dì. Tối đó, sau bữa cơm chiều, ngồi bên chiếc chõng tre, dì kể cho hai đứa tôi nghe chuyện tình đầy sóng gió của thầy mẹ tôi.

Thầy tôi xưa kia là tá điền, đi làm thuê cho gia đình ông bà ngoại. Thấy thầy hiền lành, chất phác, mẹ đem lòng thương yêu. Ông bà ngoại ban đầu đã một mực phản đối bởi không môn đăng hộ đối. Thậm chí ông bà còn nhốt mẹ trong buồng không cho hai người có cơ hội gặp nhau. Cấm đoán mãi, dùng biện pháp cứng không thành, cuối cùng “đất không chịu trời thì trời phải chịu đất”, ông bà đành đồng ý cho thầy mẹ cưới nhau. Thầy về ở rể, rồi mẹ sinh hai chị em tôi. Ông bà ngoại thấy thầy chịu thương chịu khó, lễ phép với cha mẹ và thương yêu vợ con dần yêu quý con rể. Tiếc rằng, thầy mẹ đều ra đi sớm quá...

Sáng sớm hôm sau, trước lúc tôi và bạn gái tạm biệt dì để trở về thành phố, dì còn dẫn hai đứa ra thăm cánh đồng làng, thăm vườn bưởi rộng lớn nhà ông bà ngoại. Dì đã hái mấy quả bưởi ngon nhất đưa cho bạn gái tôi mang về làm quà cho gia đình. Chiều hôm trước, dì còn dẫn chúng tôi ra bờ đê con sông Hoàng, nơi có những cánh buồm nâu no gió, ngồi ngắm hoàng hôn buông trong bóng chiều chạng vạng.

Tôi bồi hồi nhớ lại ngày còn đi học ở quê, tôi thường rủ lũ bạn trong làng ra bờ đê đổ nước bắt dế mèn, thi thả diều cho đến lúc hoàng hôn chìm khuất sau dãy núi xanh lam cả lũ mới í ới gọi nhau về. Nhiều lần mải chơi mà bỏ bê học hành, theo bạn đi đánh cù, tôi bị dì mắng. Bình thường dì rất hiền lành và ít nói, nhưng lại rất nghiêm khắc với việc học tập của chị em tôi. Nhớ ngày chị tôi sinh cháu, dì không quản ngại đường xa, bỏ hết công việc ở quê lên thành phố giúp chị tôi mấy tháng trời. Một lần khác khi dì lên chơi, ngồi chưa ấm chỗ, dì đã bảo: Dì vào chơi với thằng cu Tũn ít phút rồi dì về luôn. Nhà còn mấy mẹt vừng phơi dở, lũ gà và mấy con chó không ai cho ăn...

Chị em tôi cố giữ dì ở lại ăn cơm, nhưng dì nhất quyết đòi về cho bằng được. Chị tôi đành bảo tôi đèo dì ra bến xe. Vừa ra đến cửa, chợt nhớ ra điều gì, dì lại quay vào nhà lôi từ trong túi ra cái lọ nhựa đựng đầy hoa bưởi nhỏ dúi vào tay chị tôi, bảo biếu ông thông gia ướp trà tiếp khách.

Sau khi vào bến, trước lúc lên xe, dì gọi tôi lại dúi vào tay tôi một xấp tiền rồi nói:

- Dì không có nhiều để cho cháu. Đây là số tiền bấy lâu nay dì dành dụm được từ tiền bán bưởi, cháu cầm lấy lo học hành thành tài, cưới vợ, có cháu sớm cho dì bế bồng.

Tôi gạt đi, bảo dì giữ lại số tiền đó sau này dưỡng già, nhưng dì nói: “Cháu không cầm là phụ lòng dì đó”. Tôi đành nhận tiền dì cho mà lòng nghẹn ngào. Sau này, khi dì không còn trên cõi đời, mỗi khi nghĩ đến dì, tôi lại không kìm được nước mắt.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, tôi bỏ dở năm cuối đại học, giã từ gia đình và bạn gái lên đường vào Nam chiến đấu. Những năm cùng đồng đội bám chốt trên nhiều trận địa, lúc vượt sông Vàm Cỏ dưới làn mưa bom bão đạn, lúc cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích nằm vùng bám trụ kiên cường chiến đấu, tôi vẫn không phút nào nguôi nhớ làng quê, nơi ôm chứa cả tuổi thơ của tôi với bao nhiêu kỷ niệm cùng dì.

***

Đêm sâu lắng, gió mơn man thổi vào từng cơn mát rượi, tôi trở vào võng nằm xuống, dần thiu thiu chìm vào giấc ngủ với những hình ảnh bình yên ở quê nhà, nơi có dì tôi cùng vườn bưởi nở đầy hoa. Dì như chùm hoa bưởi làng Yên Xá trinh trắng tinh khôi luôn giữ trọn tình yêu thủy chung với người lính năm xưa đã khuất. Ngoài kia, mưa lất phất bay quyện cùng hương bưởi thơm tỏa ngọt dịu.

Truyện ngắn của PHẠM CÔNG THẮNG

leftcenterrightdel
 Tác giả Phạm Công Thắng

Tôi biết Phạm Công Thắng nổi tiếng từ lâu với những tấm ảnh đầy chất thơ, những giải thưởng ảnh quốc tế sang trọng. Anh còn nổi tiếng với thú vui ý nghĩa là sưu tầm kỷ vật nhiếp ảnh mà người ta biết đến một không gian "Ký ức nhiếp ảnh". Nhưng nghệ sĩ tài hoa thường đa tài. Anh còn viết văn. Truyện ngắn “Hương bưởi” của Phạm Công Thắng làm tôi nhớ vì chất thơ của nó, vì những kỷ niệm của anh bộ đội miền Bắc đi chiến đấu ở phương Nam khi nhớ về quê nhà. Truyện ngắn như một hoài niệm về quê hương. Hương bưởi ám ảnh tôi như một bài thơ về mối tình đầu với người bạn gái, như một hoài niệm quê với bà dì chân chất thương cháu như ruột thịt.

(Nhà văn LÊ TUẤN LỘC)