Đó là căn nhà cấp 4 được chủ nhân cũ của nó “cơi nới” lên thành nhà hai tầng. Với diện tích ấy, vợ chồng ông Bình thấy cũng ổn. Khu tập thể này nhỏ nên ít cư dân, thêm nữa, ban ngày trẻ em đi học hết, người lớn cũng đi làm, nên khá yên ắng. Đến buổi tối cũng gần như nhà nào yên vị trong nhà nấy. Âm thanh chỉ là tiếng xe máy nổ phành phạch vào buổi sáng hoặc cuối giờ chiều.
Ở nhà mới được ít ngày, chợt ông Bình thấy buồn vì nó quá yên tĩnh. Đành rằng với người cao tuổi như ông thì khu tập thể này được đánh giá là thích hợp. Nhưng vắng vẻ quá, gần như thiếu đi những âm thanh của cuộc sống. Vài lần ông Bình ra đứng một mình trước cửa, ông thèm có được chút nào đó âm thanh, thứ âm thanh nhẹ nhàng vừa đủ xua đi vẻ yên ắng của khu tập thể.
Thấy ông Bình cứ đứng như thế nên bà vợ cũng khó hiểu. Bà nhẹ nhàng hỏi: “Ông sao thế?”. Ông Bình quay lại: “Tĩnh vắng quá. Tôi thèm nghe được chút âm thanh nào đó”. Bà vợ ông Bình thở dài một tiếng rồi quay trở về với công việc bếp núc của mình. Trước khi quay vào bếp, bà còn nói thêm: “Hay là ông sang nhà hàng xóm chơi. Tôi thấy khu này cũng có mấy người tuổi xêm xêm như ông đấy”. Ông Bình nghe vợ góp ý như vậy cũng thấy hay, nhưng mấy ông già cùng khu tập thể lại có kiểu sống khác hẳn ông Bình. Có ông thì mới sáng ra đã ra ngõ bên cạnh ngồi uống nước chè, nửa buổi gần trưa mới về. Ông Bình lưỡng lự, món la cà hàng quán ông vốn không quen. Cả cuộc đời của ông kể từ khi bước chân ra khỏi nhà là phần lớn quãng thời gian công tác ông cùng đơn vị đóng quân ở các tỉnh miền núi. Bà vợ ông cũng mấy lần nói ra nói vào bảo ông tính toán xem để xin chuyển về Hà Nội công tác cho gần vợ con. Ông Bình nghe vợ nói thế cũng nghĩ ngợi. Xa nhà lâu lại thấy cần có trách nhiệm với gia đình nhiều hơn, nhưng nghĩ chuyện xin chuyển công tác về gần nhà, ông Bình thấy có quá nhiều cách rách. Mà những chuyện phải lòng vòng ông thấy không hợp với suy nghĩ của mình.
Có lần vợ ông góp ý: “Hay là ông nghĩ làm một cái gì đó, chứ suốt ngày ru rú trong nhà như thế này, tôi thấy nó làm sao ấy”. Ông Bình ứ hự kiểu như sẽ nghe vợ nhưng cũng thấy ngại. Bao năm trong quân ngũ, ông chỉ quen với điều lệnh, súng ống, quen với những buổi huấn luyện, tập tành. Lên đến chức chỉ huy trung đoàn rồi mà ông vẫn giữ thói quen như những ngày còn là chiến sĩ. Nghĩa là ông thường dành thời gian xuống đơn vị để nói chuyện với anh em chiến sĩ. Đó là những buổi chuyện trò hết sức vui vẻ. Dù sao thì cũng “lính tráng” với nhau. Ăn nói kiểu lính quen rồi, nay tiếp xúc với dân phố, ông thấy nó không hợp. Đành rằng chuyện ăn nói của lính mới nghe có vẻ tếu táo nhưng là cái tếu táo của lính, đem cái tếu táo ấy mà nói chuyện với mấy ông mấy bà bên ngoài nó chẳng ăn nhập gì. Thêm nữa, hình như giờ người ta chỉ bàn tới, chỉ nhắc tới chuyện mua đất, chuyện đầu tư chứng khoán, chí ít thì là những câu chuyện cả đời ông Bình chưa nói tới bao giờ. Vậy là ông ở lì trong nhà, làm bạn với chiếc ti vi. Cùng lắm là buổi sáng ông lên sân thượng làm bài thể dục mà hồi còn trong quân ngũ sáng nào ông cũng tập cùng anh em. Buổi chiều, bước chân ra ngoài phố, ông thấy sao nó xa lạ, đành rằng thành phố này là nơi ông sinh ra và lớn lên.
Một hôm có vài đồng đội tới nhà rủ ông Bình sang thăm làng gốm Bát Tràng. Những người bạn già đi thăm thú là chính chứ mua bán gì đâu. Lòng vòng quanh chợ gốm, ngắm nghía đủ các loại gốm sứ, cái nào nhìn cũng thích mắt nhưng mấy ông cũng chỉ nhìn ngắm chứ không mua.
Chợt vẳng lên đâu đó những âm thanh lảnh lót. Âm thanh vừa đủ vang ngân lại vừa đủ nhẹ nhàng. Ông Bình khựng lại, từ trong ký ức của người lính già vọng về những tiếng mõ trâu kêu lách cách, tiếng gió thổi qua cánh rừng đầy lá rụng nghe xào xạc. Rồi tiếng suối chảy róc rách. Tiếng củi nổ lép bép. Những âm thanh không rõ từ đâu đang vẳng tới làm ông thẫn thờ. Ông chợt nhớ rừng, chợt nhớ núi tới nôn nao.
Định hình lại, ông Bình kéo mấy người bạn già đi về phía phát ra âm thanh đó. Thì ra nơi đó người ta treo và bán những chiếc chuông gió đủ kích cỡ, những chiếc chuông gió được làm bằng gốm mang hình dáng những chiếc nón nom rất dân dã và phát ra âm thanh nghe cũng có chất dân dã. Ông Bình kêu lên thích thú như vừa phát hiện ra điều gì đấy. Ông chọn mua một chiếc.
Mang về nhà, quanh đi quẩn lại tìm nơi treo chuông gió, cuối cùng ông Bình quyết định treo nó ở ngay trước cửa ra vào. Chỗ đó thỉnh thoảng có cơn gió nhẹ thổi từ đầu khu tập thể vào nên chiếc chuông gió gốm phát huy được ngay giá trị. Cứ vào chiều tối, lúc ngồi xem ti vi lại là lúc gió thổi tới nhiều đợt hơn nên tiếng chuông cũng vang ngân nhiều hơn. Ông Bình ngồi trong nhà thích thú tận hưởng thứ âm thanh ấy. Ông cảm thấy đỡ tẻ nhạt hơn. Ông cảm thấy như mình được sống lại những tháng năm nơi rừng núi cùng đồng đội.
Một chiều, khi ông đang ngồi thưởng thức tiếng chuông gió thì bất chợt có tiếng trẻ con ríu rít, tiếng người mẹ trẻ vừa cười theo vui vẻ vừa bón cơm cho con. Ban đầu, ông Bình không để ý đến chuyện đó nhưng thành lệ, buổi chiều tối nào hai mẹ con cũng đứng ngay trước cửa nhà ông, vừa cười ríu rít vừa dỗ con ăn.
Tự dưng ông Bình thấy khó chịu. Trước tiên là hai mẹ con cứ đứng trước cửa nhà ông mà cười nói rất tự nhiên. Thứ hai là người mẹ trẻ còn dùng chiếc quạt nan để với lên quạt thêm cho chuông gió kêu nhiều lần hơn. Ông Bình bước ra ngoài, vẻ mặt nghiêm nghị có chút khó chịu. Người mẹ trẻ chợt như sực nhớ ra chuyện “bất cẩn” của mình nên vội vàng chào và xin lỗi. Cô thú thực: “Cũng tại con nhà cháu khi ăn nó thích được nghe tiếng chuông gió này ạ”. Ông Bình nói khéo: “Người ta bán nhiều lắm, cháu tìm mua về treo cho con chơi”. Người mẹ trẻ hiểu ý cúi đầu: “Cháu xin lỗi bác. Nhưng không hiểu sao con nhà cháu lại rất vui khi chơi ở đây bác ạ”. Nói rồi, người mẹ chào ông Bình và dẫn con về.
Ông Bình tính quay vào nhà thì bất chợt đứa bé-một bé gái chừng hơn một tuổi-nhoài người giơ tay về phía ông Bình cười toe toét. Tình huống khá bất ngờ, bất ngờ đến nỗi như một phản xạ tự nhiên, ông Bình giơ cả hai tay ra đón đứa bé như vẫn đón những đứa cháu mình vậy.
Đứa bé để yên cho ông Bình bế. Mẹ nó thấy vậy thì cười vui rồi tranh thủ đút cơm cho con ăn. Lại vừa dùng quạt quạt mát cho cả hai ông cháu. Thi thoảng người mẹ trẻ lại quạt cả lên chiếc chuông gió. Tiếng chuông gió vang lên lảnh lót. Đứa bé cười thích thú. Chẳng hiểu vì được ông bế hay vì được nghe tiếng chuông gió mà con bé ăn cứ thun thút, mấy chốc đã hết bát cháo. Trước khi về, người mẹ trẻ cứ cúi đầu cảm ơn ông mãi. Ông Bình thấy vui vui. Ông cảm thấy như mình mới nhận được một món quà đơn giản mà đầy bất ngờ.
Một tối, trời đổ mưa rào, những cơn gió thổi mạnh kèm theo mưa sầm sập tới làm chiếc chuông gió đứt dây và rơi xuống đất. Vốn làm bằng gốm nên chuông gió vỡ tan tành. Ông Bình tiếc ngẩn ngơ. Tiếc nhất là từ bữa đó khu tập thể hay đúng hơn là căn nhà của vợ chồng ông lại trở lại sự tĩnh vắng đến buồn cả người. Nhiều chiều ông Bình ra đứng trước cửa, mắt cứ ngóng lên chỗ treo chiếc chuông gió. Cũng từ bữa đó, hai mẹ con người phụ nữ trẻ không dẫn nhau đến trước cửa nhà ông Bình nữa. Tự nhiên ông Bình cũng thấy thiêu thiếu, nhớ tiếng cười vui vẻ của con trẻ.
Có tiếng chuông cửa. Ông Bình đứng dậy bước ra. Ngay trước mặt ông là hai mẹ con người phụ nữ hay đến trước cửa nhà ông dỗ nhau ăn. Cô cúi đầu chào rồi giơ lên một chiếc chuông gió y hệt chiếc chuông gió cũ của ông đã rơi vỡ. Cô nói: “Cháu phải nhờ mãi mới mua được chiếc chuông này. Mẹ con cháu tặng ông ạ”.
Ông Bình hơi ngẩn người vì bất ngờ nhưng rồi ông nhận ra vẻ mặt của đứa trẻ cũng như đang hân hoan. Ông cảm ơn rồi đưa tay đón chiếc chuông gió từ tay người phụ nữ. Ông quay vào nhà lấy ghế ra rồi treo chiếc chuông gió lên đúng vị trí cũ. Một cơn gió thổi từ đầu khu tập thể tới. Tiếng chuông gió vang lên thánh thót, vang lên nhẹ nhàng, vang lên vui vẻ. Ông nhìn mẹ con người phụ nữ: “Từ nay về sau, hai mẹ con cứ đến đây chơi và nghe chuông gió với ông nhé!”. Người mẹ trẻ cũng nói thêm: “Con nghe ông nhắc chưa? Nhưng con không được đòi ông bế đâu nhé, kẻo ông mệt. Con phải tự đứng chơi và ăn ngoan thì ông mới vui”. Người mẹ trẻ cười vui vẻ. Đứa bé trên tay mẹ như cũng hiểu điều mẹ nó nói, toét miệng cười. Tiếng chuông gió lại vang lên, vang lên lảnh lót.
|
|
Tác giả Nguyễn Trọng Văn. |
Ông Bình rời quân ngũ, trở về với đời thường. Ban đầu ông cảm thấy mình lạc lõng. Có lúc ông rút vào cố thủ trong cái “tổ kén” những tưởng là tìm được sự yên tĩnh. Nhưng chỉ nhờ một chiếc chuông gió mua ở làng nghề cổ Bát Tràng mà cuộc sống tinh thần của ông Bình được cải thiện. Nhờ nó, ông giao hòa với đời, với mọi người qua sự tiếp xúc với mẹ con người cùng ngõ... Văn hóa suy cho cùng là cách sống cùng nhau. Tác giả đã tạo ra tiếng chuông gió trong văn chương khi tôn vinh vẻ đẹp bình thường của người lính trong đời thường. Đó là món quà vô giá mà mỗi con người ao ước được ban tặng chí ít một lần trong đời. (Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG)
|
Truyện ngắn của NGUYỄN TRỌNG VĂN