Lần này cũng vậy, trời tháng bảy nắng như đổ lửa, mặt đường cứ loang loáng, hoa hết cả mắt, vậy mà lão ấy vẫn háo hức. Ngồi sau xe lão nghĩ mà tức lộn ruột. Nếu không kết hợp về thăm quê và thắp cho các cụ đôi bên nén hương thì cũng chẳng ai về theo làm gì. Nhưng thôi, mặc xác lão, làm gì thì làm!

*   *   *

Đêm vùng quê yên tĩnh, gió xào xạc reo trên tán cây. Lão ngồi uống trà, chuyện trò cùng ông anh rể. Mắt lão dán vào hai bức di ảnh, một già, một trẻ. Đấy là di ảnh hai cụ thân sinh lão, cũng tức là bố mẹ chồng tôi. Nhấm hớp trà nóng, anh rể nói:

- Còn ít ngày nữa là giỗ bố. Sao cậu không để đến ngày đó rồi đưa mợ và các cháu về luôn?

- Em làm sao quên được ngày giỗ bố. Đến ngày ấy, vợ chồng em và các cháu lại về.

- Ấy là... tôi thấy trời nắng nóng, đường sá xa xôi, đi lại nhiều lần khổ cậu mợ và tụi nhỏ. Hôm ấy thì cậu phải về rồi, còn hôm nay cậu về hay không cũng có sao đâu!

Một khoảng im lặng kéo dài. Lão bỏ ngang chén nước xuống bàn, mắt nhìn ra khoảng sân trống vắng. Rồi lão chầm chậm kể về “thời xa vắng” như để thanh minh cho lần về này. Đôi mắt lão chùng xuống. Dường như có giọt nước ứa ra. Ôi chao! Chẳng nhẽ lão ấy khóc? Bao năm chung sống với lão, có bao giờ thấy lão ấy khóc đâu! Tôi cứ ngồi lặng im chắp vá câu chuyện của lão...

*    *   *

Ngày xưa, làng lão nghèo lắm. Những mái tranh buồn bạc phếch dưới nắng mưa. Đường làng bầm nát những vết chân trâu. Màn đêm vừa thả xuống, mọi nhà đã đóng cửa, chỉ thấy leo lét những ánh đèn dầu. Đường làng vắng tanh, thoảng những đốm lập lòe của bầy đom đóm trong tiếng xào xạc của bờ tre. Nhà lão chỉ như một túp lều, thông thốc gió lùa. Bố mẹ suốt ngày nắng mưa trên đồng nhưng đến tháng ba ngày tám là đứt bữa. Mẹ mang bầu đứa thứ ba mà đói rời đói rạc. Nhiều hôm cả nhà ngồi quanh rổ rau má dài ngoằng, ngai ngái, chỉ nhìn thôi đã thấy cồn cào. Ngày mẹ trở dạ, bố chạy quanh làng vay đâu được nhúm gạo đùm trong vạt áo mang về nấu cháo. Bố múc cho mẹ và cho chị em lão bát đầy, còn bố chỉ vét nồi. Bố bảo: “Ngày ở Trường Sơn, có khi cả tháng không biết hạt gạo tròn hay méo mà chẳng sao, giờ bố ăn thế này là đủ rồi”. Đêm ấy mẹ vượt cạn không thành, bố ôm cả mẹ và đứa con đỏ hỏn mà khóc: “Anh có lỗi với mẹ con em. Là thằng đàn ông mà không lo nổi miếng ăn cho vợ, cho con”. Đôi vai ông rung lên từng đợt, nước mắt nhạt nhòa. Nhưng nước mắt chỉ xoa dịu phần nào chứ không thể hòa tan hoàn toàn những mất mát lớn lao trong ông.

Kể từ ngày ấy, lão không còn được gọi hai tiếng "mẹ ơi". Gian nhà nhỏ vắng đi đôi bàn tay vun vén của người đàn bà tần tảo. Chị cả và lão còn quá nhỏ, mọi việc trong nhà đều một tay bố lo. Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Nỗi đau rồi cũng dần nguôi ngoai. Bao người khuyên bố đi bước nữa nhưng bố chỉ cười trừ và yên lặng, chấp nhận ở vậy nuôi hai chị em lão. Anh thương binh chân đi cà nhắc, ngày ngày lăn lộn trên những sào ruộng khoán. Giáp hạt, bố con lại sắn khoai, rau cháo qua ngày. May sao, nhà lão có mấy bụi tre. Mưa xuống, những mầm măng vùi trong lòng đất lại cựa quậy vươn lên. Hết gạo, bố vác cuốc ra vườn, miệng lẩm nhẩm: “Hết rau rồi, em có lấy măng không?”. Món măng luộc chấm muối vừng của bố đến giờ lão vẫn thấy ngọt bùi nơi cổ. Thương bố vất vả, mới học lớp sáu, chị cả phải bỏ bút sách, cầm cuốc, cầm liềm đỡ đần cho bố nuôi lão ăn học. Lão gầy còm cõi nhưng thông minh, lanh lợi. Năm nào cũng đạt học sinh giỏi, lại còn nằm trong đội tuyển của trường đi thi huyện, thi tỉnh. Bố lão lấy đó làm vui:

- Con học được thì cố mà thi đại học. Việc nhà đã có bố và chị lo.

- Thôi bố. Nhà mình nghèo, có đỗ đại học cũng chẳng có tiền mà theo.

Bố lão nghẹn ngào: “Bố nghèo khó, không lo cho các con có được cuộc sống đầy đủ như người ta. Nhưng bố vui khi thấy con học hành nên người. Con cứ chịu khó học, chi tiêu tằn tiện chắc bố cũng lo được”.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Trời chẳng lấy đi của ai tất cả. Lão đỗ đại học trong niềm vui, niềm tự hào vô hạn của bố và chị. Cuộc sống gia đình đầy ắp tiếng cười nhưng khó khăn cũng thêm chồng chất. Đồng trợ cấp thương binh của bố dành hết cho lão ăn học mà vẫn chật vật. Vậy là, những lúc nông nhàn, bố đi bán vé số. Đôi chân cà nhắc của bố đi khắp thôn trên làng dưới, đi khắp xó chợ, quán hàng... Có ngày, trời nắng cháy da, bố đi bộ ra tận phố huyện, tối mịt mới về, mồ hôi muối nhuộm trắng lưng áo. Bố không khéo mời nên ngày bán cũng chẳng được bao nhiêu. Các bác cựu chiến binh trong xã thương bố, thường mua ủng hộ, động viên. Chẳng bao giờ thấy bố ngưng tay. Những ngày mưa to gió lớn, không thể đi bán vé số được, bố lại ra mảnh vườn nhỏ sau nhà nâng niu từng cọng lá, mầm cây. Bố trồng mà không đợi ngày ăn trái.

Học đại học năm ba, lão đạt một giải gì đó của trường. Sẵn tiền bố vừa gửi, lão cao hứng mời bạn bè ra quán uống bia hơi. Những tiếng cười, những lời chúc làm lão phấn khích, chẳng nghĩ gì tới khoản tiền chi phí sinh hoạt cả tháng. Vừa về đến ký túc xá, nghe bác cán bộ quản lý báo tin, lão hoảng hốt, mặt tái nhợt, ngụm bia như nghẹn lại nơi cổ. Lão vội về phòng khoác ba lô lao đi. Bạn bè chẳng hiểu chuyện gì, ngơ ngác vì “đang vui bỗng đứt dây đàn”.

*    *   *

Lão vội bắt xe về đến nhà ngay trong đêm. Bố nằm lặng im trên chiếc giường ọp ẹp, đôi mắt nhắm nghiền. Thân hình bố gầy gò như que củi, lọt thỏm trong chiếc chăn chiên cũ rích. Lão nghẹn ngào: “Bố ơi, bố ơi!”. Đôi mắt bố khẽ khàng mở ra, miệng mấp máy như muốn nói điều gì. Lão đưa hai tay ôm ngang tấm chăn đang đắp trên người bố. Chị gái lão ngồi bên mé giường, giọng nấc nghẹn: “Từ chiều đến giờ bố cứ nhắc em mãi. Em về chắc bố vui lắm”. Nước mắt lão lăn dài: “Bố ơi! Con về với bố rồi đây!”.

Bố cố mở đôi mắt đờ đẫn nhìn chị cả rồi nhìn lão. Dường như bố muốn nói điều gì. Lão ghé sát tai nghe bố thì thào, đứt quãng: “Gắng học thành người con nhé! Có mấy triệu của các bác trong Hội Cựu chiến binh mới tới thăm, bố để dưới gối, con cầm lấy mà trang trải học hành. Thiếu thì nhờ chị cả vay mượn phụ thêm. Ra trường, đi làm lo trả nợ, đỡ đần chị”. Nói rồi bố nhìn chị cả như muốn gửi gắm điều gì. Rồi đôi mắt bố từ từ khép lại. Khép lại và chẳng bao giờ mở ra nữa. Lão úp khuôn mặt đầm đìa nước mắt vào khuôn ngực khô gầy, lép kẹp của bố với những dải xương sườn nhô lên sau chiếc chăn mỏng. Nước mắt lão tuôn trào, đôi vai rung rung, tiếng nấc nghẹn lại nơi cổ. Chị gái gào lên: “Bố ơi! Bố đừng bỏ chúng con”.

Bên ngoài, gió đồng quê cứ thổi mênh mang. Nghe thoang thoảng hương hoa huệ. Mảnh sân trước nhà trở nên chật chội bởi từng dòng người, từng dòng người đã và đang kéo đến sẻ chia nỗi đau cùng chị em lão. Rất nhiều trong đó mang bộ quân phục bạc màu, những người đồng đội của bố. Nhiều bàn tay đưa lên gạt ngang mắt.

*   *   *

Lời lão như nghẹn lại. Lão đưa tay dụi dụi đôi mắt đỏ hoe: “Em nợ các bác trong Hội Cựu chiến binh của bố nhiều lắm. Ngay nếp nhà anh chị đang ở đây cũng nhờ các bác ấy trợ giúp để bố sửa lại trước ngày cưới của anh chị, em vẫn còn nhớ”. Nói rồi lão móc ví, lấy ra một sấp tiền đưa cho anh rể: “Anh cầm ít tiền này, ngày giỗ bố làm thêm mấy mâm để em mời các bác trong Hội Cựu chiến binh đến uống ly rượu tưởng nhớ bố”.

Tôi lẳng lặng đến sau lưng, đưa hai tay ôm vòng qua cổ lão, nước mắt tự nhiên cứ lăn dài. Chưa bao giờ tôi thấy thương và yêu lão chồng hâm của tôi đến thế!

leftcenterrightdel
Tác giả Đỗ Ngọc Thứ 
Một lần về thăm quê, tôi đến thắp hương cho một thương binh trong xóm vừa mới qua đời. Gia đình anh nghèo lắm, vợ chồng đã phải rất vất vả để có tiền nuôi con ăn học. Con trai út của anh đã rất xúc động, ngưỡng mộ khi kể về tình nghĩa đồng đội mà các chú, bác trong Hội Cựu chiến binh xã dành cho bố, nhất là khi bệnh nặng và những ngày cuối đời. Tôi cũng có đồng đội khác là Bộ đội Trường Sơn. Các con anh gọi Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn 19-5 là “Ngày của bố”, luôn ủng hộ các hoạt động của bố và đồng đội. Anh xòe bàn tay trước mắt tôi và khoe: “Đây, chiếc nhẫn vàng này là con dâu mua tặng tôi nhân “Ngày của bố”... Những câu chuyện như thế đã để lại trong tôi nhiều nghĩ suy. Tôi ngộ ra rằng, lớp trẻ vẫn luôn trân trọng và biết ơn lớp lớp cha anh đã hy sinh cả cuộc đời mình để chúng có cuộc sống thanh bình như hôm nay. Và tôi muốn viết điều gì đó để lan tỏa nghĩa tình đồng đội cũng như lan tỏa tấm lòng của thế hệ trẻ hôm nay đối với các thế hệ đã hy sinh máu xương mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

 

Truyện ngắn của ĐỖ NGỌC THỨ