Cả mấy xã của huyện trồng sen nhưng sen dâng đình, dâng chùa phải được cắt đúng ở đầm sen của làng ông, ngôi làng có nghề trồng sen, ướp trà sen từ cách đây mấy trăm năm. Các cụ trong làng truyền lại, ngày xưa, sen của làng được chọn để dâng lên các vị thánh thần mỗi dịp lễ lạt, ướp trà dâng lên vua chúa, mang vào cung hầu các bà phi.

Những đầm sen của làng ông nằm giữa một bên là sông, một bên là núi. Con sông lúc nào nước cũng trong vắt, thoang thoảng hương thơm của loài rêu lạ mọc hai bên bờ, nắng hạn hay giá rét vẫn cứ mướt xanh chẳng lụi tàn. Ngọn núi bao quanh làng cao vút, tưởng như có thể chạm đến mây. Các cụ bảo, mùa xuân, tiên hay về tụ hội trên đỉnh núi múa hát và ban phúc cho làng. Bởi vậy, sen làng ông trồng bao giờ hoa cũng thắm hơn, hương cũng thanh khiết hơn, trà ướp trong búp sen lúc nào cũng đậm vị, uống vào thanh tỉnh cả đầu óc, lá sen gói xôi, gói cốm lúc nào cũng khiến vị của hạt gạo nếp được đậm đà hơn.

Đất lành, nước mát sẽ sinh ra những con người hiền lành, chất phác. Con gái làng ông nổi tiếng xinh đẹp, đảm đang. Trai làng thời chống Pháp, chống Mỹ vẫn có tiếng là gan dạ, dũng cảm. Ông Tâm hứng những giọt sương sớm đọng trên lá sen trong veo như hạt ngọc trời vào chiếc bình đeo bên hông, nhấp từng ngụm nước mát lành, thấm đẫm tận gan ruột mùi hương tinh khiết của đất trời, ông dặn vợ:

- Bà nhớ hái thêm một bó để tôi mang sang thắp hương cho Chiến. Mai là ngày giỗ của nó.

Bà Thảo nhẹ đáp lại lời chồng. Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi đỏ bừng sau vành nón. Những ngón tay gầy dịu dàng bó những búp sen hồng giấu trong tấm lá sen xanh biếc. Chẳng còn trẻ trung gì nữa mà bàn tay bà vẫn đẹp như tay con gái, mặc bao tháng năm tảo tần, vất vả, từ một cô điều dưỡng trẻ, thương ông rồi về làm vợ ông, chăm chồng, dạy con, phụng dưỡng bố mẹ hai bên. Ông Tâm hay bảo, chắc tại tay bà mấy chục năm trời được ngấm hương sen, ngấm dòng nước mát lành Tiên ban phép từ đầm sen quê nhà nên da dẻ đẹp, trẻ lâu.

Thuyền sen vừa cập bờ, đứa con gái út của ông bà bước thấp bước cao chạy trên bờ cỏ rối rít gọi bố. Mấy lần nó suýt vấp ngã. Ông Tâm vội chạy đến chỗ con, vừa đỡ con vừa trách:

- Làm gì mà cứ như ma đuổi ấy hả? Con gái con đứa mà lúc nào cũng vội vội vàng vàng.

Con Út biết bố chiều mình nên níu lấy tay bố, cười hì hì:

- Anh Lương gọi điện cho bố không được. Anh bảo có việc gấp lắm, con phải đi gọi bố về ngay cho anh gặp.

Linh tính như mách bảo ông rằng việc mà ông đau đáu suốt mấy chục năm nay đã có kết quả. Ông dặn đứa con gái ở lại giúp mẹ mang sen về rồi chạy ngay về nhà. Chẳng hiểu thế nào, nước mắt cứ giàn giụa trên má ông, không cách nào ngăn lại được. Chiến ơi! Có phải hôm nay là ngày giỗ của mày nên mày phù hộ cho Mai, cho cháu Lương, cho vợ chồng tao tìm được Thắng phải không!

Năm xưa, ông Tâm, Chiến, Thắng và Mai cùng tuổi, học cùng nhau từ bé ở trường làng, cùng chăn trâu, cắt cỏ, mò ốc, bắt cá. Ba thằng con trai thân nhau, gắn bó như hình với bóng, làm gì cũng làm chung rồi chia đều cho nhau, chẳng bao giờ tị nạnh. Mai là con gái nên nhẹ nhàng, lại khéo tay nhất xóm. Mỗi khi ba thằng con trai nổi nóng, tranh cãi nhau không đứa nào chịu nhường đứa nào, Mai là người giảng hòa cho cả nhóm. Nhà Mai nghèo, bố Mai mất sớm, mẹ lại đau ốm quanh năm nên ba thằng con trai lúc nào cũng nhường nhịn Mai, bắt được con cá to cũng phần Mai mang về cho mẹ. Ngược lại, quần áo vì nghịch ngợm của ba đứa lúc thì bục chỉ, lúc rách toạc được Mai khâu, vá lại. Nhờ thế mà tránh được bao nhiêu trận đòn. Thắng học giỏi nhất bọn. Chiến đánh trận giả cừ khôi. Còn Tâm thì chịu khó. Trâu của cả đám được Tâm chăn chưa chiều nào về mà bị đói nên công chăn trâu hợp tác xã chấm lúc nào bốn đứa cũng được khen.

Nhóm bạn lớn lên khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang vào giai đoạn ác liệt. Thắng trở thành sinh viên Đại học Tổng hợp. Chiến và Tâm cùng viết đơn xung phong vào chiến trường. Trước ngày lên đường, Thắng từ trường học về, ba thằng nằm bên nhau trên chiếc ổ rơm ở bếp như ngày còn bé, trò chuyện như pháo rang. Cả ba đứa đều thầm thương Mai, cô bạn xinh đẹp, hiền lành và chịu khó nhất làng. Không muốn phá vỡ tình bạn nên đứa nào cũng đè nén tình cảm lặng thầm của mình. Trước khi lên đường lại càng không thể nói. Tên bay đạn lạc, biết có trở về được không mà bày tỏ để người ở nhà phải bận lòng. Chẳng ai bảo ai, Chiến và Tâm bắt Thắng phải hứa chăm sóc tốt cho Mai, “nếu không thì dù có chết, chúng tao cũng hiện hồn về đánh mày”. Thắng cười như mếu, bảo chưa lên đường chúng mày đã nói lời xui xẻo. Sáng nay tao đã ra đền xin Thành hoàng làng phù hộ cho chúng mày chân cứng đá mềm rồi. Thành hoàng làng mình thiêng lắm!...

Tâm bị thương nặng với một viên đạn găm ở mạng sườn và được đưa về tuyến sau điều trị khi cuộc kháng chiến của dân tộc đang bước vào giai đoạn ác liệt. Thắng lúc ấy đang là phóng viên tập sự của một tòa soạn, xung phong vào chiến trường dùng ngòi bút, dùng máy ảnh để phản ánh không khí chiến đấu của quân và dân ta. Đám cưới của Thắng và Mai được tổ chức trước ngày Thắng lên đường gần một tuần. Tâm biết tin nhưng còn yếu và ở xa không về dự đám cưới bạn được đã gửi quà cưới là chiếc võng mang từ chiến trường với lời nhắn “để dành ru thằng Thắng con nằm ngủ”. Trước lúc lên đường, Thắng mượn đâu được chiếc xe đạp, tranh thủ đi mấy chục cây số đến thăm Tâm, đưa cho bạn mấy chiếc kẹo cưới rồi tạm biệt bằng lời hẹn ngày chiến thắng trở về.

Chiến không về nữa. Đứa bạn đánh trận giả giỏi nhất làng mà Tâm và Thắng hay bảo đúng là hậu duệ của vua Đinh Bộ Lĩnh đã hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên, giữa những cánh rừng già huyền bí. Mấy tháng sau ngày Chiến hy sinh, gia đình nhận được tấm ảnh chụp Chiến trong giây phút bình yên hiếm hoi nơi trận địa. Tấm ảnh loang một vệt máu khô bầm lại nơi góc. Nhưng phải mấy năm sau, người nhà mới nhận được giấy báo tử của Chiến. Tấm ảnh nhận được lúc trước được phóng ra thành ảnh thờ.

leftcenterrightdel
 Minh họa: MẠNH TIẾN

Ông Tâm đặt bình hoa sen lên bàn thờ, lập cập thắp nhang cho người bạn thân từ thời thơ ấu. Nhìn nụ cười hiền hậu của Chiến trên tấm ảnh đã mờ dần theo thời gian, ông đứng lặng trước ban thờ thật lâu. Chiến ơi, phù hộ cho tao chuyến này đưa Thắng về nằm cạnh mày nhé.

Năm năm trước, ông Tâm mới đưa được Chiến từ Tây Nguyên trở về nằm giữa bờ bãi quê hương, giữa hương sen thơm ngát đã ấp ôm Chiến từ ngày cất tiếng khóc chào đời. Cũng giữa mùa sen ngát hương như hôm nay. Phải tìm được Thắng nữa thì ông mới có thể yên lòng, mới có thể thanh thản trong những năm cuối cùng của đời người, mới không hổ thẹn khi đi gặp những người bạn cũ nơi miền mây trắng.

Thắng hy sinh sau Chiến mấy tháng, khi chẳng bao lâu nữa đất nước được thống nhất. Tấm ảnh chụp Chiến bên chiến hào khi đôi bạn thân gặp nhau trên đường ra trận được Thắng để sẵn vào phong bì, ghi địa chỉ. Nhưng chưa kịp gửi về quê thì Thắng cũng hy sinh khi vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu với địch. Lá thư Mai báo tin mừng về một mầm sống đã được hoài thai, kết tinh từ tình yêu của hai người, báo tin Tâm đã nên duyên với Thảo, cô y tá chịu thương chịu khó cùng làng, người đã chăm sóc Tâm trong những ngày ở trung tâm điều dưỡng, Thắng chưa kịp nhận được. Lúc chôn cất Thắng, đồng đội tìm thấy phong bì thư trong túi áo, đã thay Thắng gửi về nơi quê nhà. Tấm ảnh của Chiến thấm một vệt máu của Thắng.

Ông Tâm gục mặt xuống bàn, nước mắt mặn chát thấm qua đôi môi khô nứt nẻ. Bà Mai từ lúc nhận được tin cũng không giữ được bình tĩnh. Mỗi năm, những đợi chờ, mong ngóng cứ ngỡ đã vô vọng, biết đâu một ngày vỡ òa trong nước mắt.

*

Khói nhang bảng lảng quyện với hương sen thanh khiết. Mấy chục năm trời, lần đầu tiên Lương mới được gặp người bố anh hùng của mình. Lương vừa chào đời, bố Tâm, mẹ Thảo đã nhận anh làm con, trở thành người nhà, điểm tựa cho hai mẹ con Lương suốt mấy chục năm qua. Bố hy sinh khi còn chưa biết có Lương trên đời. Hình ảnh người bố ruột được Lương ghép lại qua lời kể từ ký ức của mẹ, của bố Tâm. Bố Tâm cũng phụng dưỡng ông bà nội Lương, phụng dưỡng cha mẹ bố Chiến như cha mẹ ruột của mình, lo cho ông bà đến tận khi nhắm mắt xuôi tay. Bố cũng coi Lương như con ruột, chiều chuộng Lương, bảo ban, lo cho Lương. Ngày bé, Lương hay khoe với các bạn rằng mình có ba ông bà nội, có hai người mẹ dịu dàng, có ba người bố đều là những người bộ đội anh hùng. Bạn bè của Lương ngưỡng mộ Lương lắm.

Được đón bố Thắng, bố Chiến về giữa hương sen quê nhà không chỉ là tâm nguyện của mẹ Mai, của bố Tâm, mẹ Thảo mà còn là khát khao cháy bỏng của Lương. Đó cũng là một lý do để anh trở thành một quân nhân luôn đau đáu, tâm huyết với nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Có lẽ các bố và đồng đội linh thiêng đã phù hộ để anh tìm được bố Chiến, rồi tìm được bố Thắng đều vào mùa sen thắm.

Chân nhang cháy đỏ, hình như những búp sen thắm hé miệng cười ngát hương...

leftcenterrightdel
Tác giả Đào Thu Hà. 
Đọc những câu chữ trong truyện ngắn “Về giữa hương sen” của Đào Thu Hà, dường như tôi thấy mình chìm trong hương sen với ký ức của những Mai, Thắng, Tâm... về một thời đạn bom khói lửa và tình bạn trong sáng đẹp đẽ của những thanh niên đầy hoài bão, ngùn ngụt ngọn lửa yêu nước. Khéo léo đan cài những chi tiết giữa tình người, tình thân với sen; không khí của truyện cứ thế mà nhẹ bẫng, thoang thoảng như hương sen và lan vào tâm khảm mỗi người những thông điệp nhân văn khi đọc câu chuyện này. (Nhà văn NIÊ THANH MAI).

Truyện ngắn của ĐÀO THU HÀ