Nơi đó có một mái nhà, có bầy cháu con và mảnh vườn để những năm cuối đời nhổ cỏ trồng rau, vui thú với thiên nhiên, làng xóm. Con bìm bịp lại kêu râm ran làm dì chợt thấy tủi lòng. Sống cực cách mấy, dì dượng cũng cố gắng vượt qua, nhưng trời trớ trêu bỏ quên đôi uyên ương mấy mươi năm không có đứa con nào. Vợ chồng ngày một già đi, mơ ước một mái nhà vẫn còn xa lắc mà hy vọng về tiếng khóc trẻ thơ thì dần khép lại phía xế chiều.

Một bữa buồn, dượng rủ dì đem mớ tiền dành dụm mua chiếc ghe con, bán hàng tạp hóa dưới ghe, rày đây mai đó. Rị mọ mấy hôm cho việc sơn “nhà”, dượng vẽ hai bên hông dòng chữ “ghe hàng”. Dì tính coi dân xứ sông thì cần mua gì nhất, mà vẫn không quên lấy thêm sữa, thuốc cảm mạo, đau lưng, huyết áp... thứ mà dân nghèo sâu trong kinh cùng ngọn cụt ít có cơ hội dùng. Nhưng không sao, ai khá thì mình bán, ai nghèo quá thì mình cho!

“Làm ăn kiểu như bây có ngày bán ghe không đủ trả nợ”-lời của một bà già chín mươi mốt tuổi, sống đơn thân trong một cái chòi, nói với ra khi dì đem lên tận nơi bán miếng tàu hủ mà tặng phẩm đi theo là năm ký gạo và chai dầu cù là. Dì còn khuyến mãi nấu cho bà cụ một nồi cháo đậu. Mắt tèm lem, miệng bà già móm mém cảm động nhưng vẫn bảo: “Muốn thơm, bây phải ngâm đậu với thứ này!”. Vừa nói bà cụ vừa móc trong cái giỏ đệm ra một vị thuốc nam. Bà bảo đó là bí quyết, nhiều năm qua bà già chỉ ăn cháo mà không ngán, đứng khỏe re trước những mùa gió cúm. Món này bà chỉ dạy lại cho những đứa cháu con thân thuộc. Từ bữa đó, hễ vắng lâu không nghe tiếng bà già cằn nhằn là đôi vợ chồng “chớm già” lại thấy nhớ.

Rồi một đêm khuya chủ nhật giữa tháng sáu, trước mùa bão nổi, chiếc ghe hàng còn thắp đèn ngoài phía xa. Bà già ra bến sông đang đầy sương gió, cố giọng gọi “con ơi...”. Ghe nổ máy tấp vào bờ nhà, bà đã chờ sẵn ở đó từ lâu. Chỉ cái giỏ đệm bàng treo phía mui ghe, tay còn lại bà dúi vào dì cái túi nhỏ: “Bây cho má đổi củ sâm này lấy cái giỏ, có người bạn ở xa gửi tặng, má uống mấy năm nay chán rồi, còn lại chút này, cho má đổi”. Đưa cái giỏ đệm cho bà má, dì nói: “Con cho má, con không lấy sâm của má đâu”. Bà già có vẻ giận, đứng ngó trân trân. Bất giác bà đẩy mũi ghe về phía sông, dì vẫn không kịp trả bà cái túi. Tiếng bà trôi vọng trên sông: “Khuya rồi ngủ đi, má cũng ngủ, mai tính!”

Đó là câu nói cuối cùng của bà, cũng là tiếng vọng của đời người, khát tiếng cháu con kề bên để hong khô nỗi buồn tuổi già cô độc. Như ngọn đèn cạn dầu, bà lặng lẽ ra đi trong đêm vắng. Dì tự trách, sao đêm qua không hỏi coi má mua giỏ đệm làm gì? Sao không cố gắng chút nữa để trả củ sâm lại cho bà? Phải chi đêm qua rủ má xuống ghe để nấu cho bà già nồi cháo đậu, hay lên ngủ với má một đêm... Biết đâu!

Bà già cô đơn, sống nương nhờ trong cái chòi bỏ hoang trên đất người ta. Khi mất không ai thờ cúng. Vợ chồng dì mang hũ tro của bà lên ghe. Trong tấm ảnh căn cước mới chụp, được rọi ra để thờ, bà cười thật tươi. Cái ngày chiếc ghe hàng chở bà ra xã để làm giấy, người ta hỏi bà đi với ai. Nhìn quanh bà nói, đi với vợ chồng nhỏ con gái ở xa mới về. Nói xong bà ngồi vào ghế, nụ cười hạnh phúc còn nở trên môi, kịp lúc máy ảnh vừa chớp lên ghi lại. Bây giờ khoảnh khắc ấy đọng lại trọn vẹn trong bức ảnh trên ghe cùng cái hũ sành, từ nay theo những đứa con trên đường rong ruổi.

Suốt những ngày chiếc ghe không thôi tắt khói nhang tang chế, cứ ngó cái chòi cũ phía bờ là dì lại khóc. Buồn quá nên hai vợ chồng nhổ sào, đi sang xứ khác. Nhớ má, dì nấu cháo đậu bán, như thấy bà già vẫn ở cạnh mình mỗi bữa chợ họp tan...

Mùa đông ghe hàng ghé lại Xóm Côi, dì bày mớ bàn ghế cóc ra sân chợ, cùng với nồi cháo đậu thơm lừng. Trong số những người khách lạ nơi đây, có người mẹ gầy gò, dắt theo đứa nhỏ ốm nhom, xanh xao như suy dinh dưỡng. Hai mẹ con đi lang thang, chỉ có mỗi cái ba lô xẹp lép là hành trang, gương mặt chằng chịt dấu chân chim nói lên được sự khắc khổ của cuộc đời. Ghé vào hàng cháo, người mẹ gọi một tô nhỏ thôi, không để ớt. Đứa nhỏ và mẹ chia nhau ăn, chốc lát hết tô, nó lại đòi thêm nữa. Mẹ nó lắc đầu không ưng bụng, đứa nhỏ nhìn nồi cháo bốc khói thơm lừng rất lâu, không dùng dằng cự nự. Chứng kiến đầu đuôi cảnh ấy, dì múc thêm hai tô riêng cho hai mẹ con, bảo rằng: “Ăn đi cho no, tô này tui tặng, không lấy tiền đâu”. Ban đầu có vẻ hơi ái ngại, nhưng rồi hai mẹ con cúi mặt ăn cho hết tô cháo. Ăn như giải cơn đói đang cồn cào trong ruột. Nhìn đứa trẻ gầy gò, má hóp sâu nhưng vẫn không sao giấu được hai cái đồng điếu, dì bỗng thấy thương đứa nhỏ quá chừng. Dì hỏi mẹ nó:

- Sao cô không mặc áo dài tay cho thằng nhỏ, đi nắng mà bận áo ba lỗ vầy nắng ăn đen thui.

Người phụ nữ lần này ra vẻ như không hề nghe thấy gì cả, cứ im im ăn tiếp một cách chậm chạp và dứt khoát. Đứa nhỏ đã ngưng ăn từ nãy giờ, nó có vẻ khát tiếng người nên ngước cổ lên trả lời rành rọt: “Con có đồ, mà dơ, rách hết rồi, mẹ con không có tiền mua”.

Dì nhìn đứa nhỏ, mắt có phần xúc động:

- Vậy thôi để tôi mua cho nó mớ đồ mới!

Lần này thì người phụ nữ ngước mắt lên, gương mặt chị không rõ cảm xúc đang vui hay đang buồn, duy nhất đôi mắt là sáng lên như vừa bắt được một suy nghĩ gì đó sáng lóa. Chị trả lời bằng thứ chất giọng của một người mệt mỏi sau cơn dài rong ruổi trong cơn đói:

- Dạ chị lo được cho nó vậy tôi biết ơn khôn xiết.

Dì thấy chị nói nên lời, lòng mừng, dắt tay đứa nhỏ đi vào chợ. Thử mấy bộ đồ mới, đôi mắt đứa trẻ sáng lên niềm vui mừng như trước giờ chưa bao giờ được mẹ dắt đi chợ. Nó hớn hở chạy về khoe, nhưng đến nơi mẹ không còn ở đó. Dượng nói: “Ban nãy cổ bước vô chợ theo bà, cứ tưởng là đi theo lựa đồ”. Bà trấn an đứa nhỏ: “Không sao đâu con, chắc mẹ đi đâu đó, chút nữa sẽ về à!”. An ủi đứa nhỏ hơn chục lần như vậy, nhưng vẫn không cách nào làm chợ bớt xao động và đứa nhỏ bớt lo sợ, hoang mang.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ 

Nó vẫn chưa thôi khóc, cho đến ngày thứ mười ba sau bữa mẹ đi mất biệt. Vợ chồng dì thay nhau chăm sóc, hy vọng bù lại cho đứa nhỏ sự mất mát xa vòng tay mẹ cha. Cuộc tìm kiếm người mẹ vẫn không nguôi dù mấy năm qua biệt tăm gần như không còn hy vọng. Đứa nhỏ đã quen cảnh sống dưới sông và mỗi sáng chạy lăng xăng quanh hàng cháo của “ba má”. Tiếng nói cười trẻ con làm cho hạt mầm gia đình nằm yên khô bao năm bắt đầu cọ mình tách vỏ.

Không khí gia đình như cái cây lớn dần theo mấy mùa qua. Một lần nhân dịp tiết thanh minh, ngồi phía mũi ghe chăm chú lau hũ sành đựng tro cốt bà má, mắt dì không thôi nhìn những đoàn người đi tảo mộ phía bờ, trong khi đứa nhỏ đang nhìn dì chăm chú. Trong lúc lơ đễnh nhìn những hàng mộ chưa ráo nước vôi, hũ sành chợt rơi xuống lòng sông nghe vang lên tiếng “chủm...”. Dì nhảy ngay xuống nước theo cái hũ sành, cái ghe tròng trành như có sóng. Đứa nhỏ chỉ kịp gọi “ba ơi” rồi nó nhảy theo dì. Dượng phóng ngay xuống sông từ phía sau ghe, hụp lặn mấy hơi thì níu được thằng nhỏ lên thuyền, cùng lúc dì vừa nắm níu lại được hũ sành.

Đứa nhỏ ướt nhẹp nằm giữa ghe. Mặt dượng xanh lè vì sợ, ông cố ép hai tay lên lồng ngực con, hy vọng níu lại hơi thở vừa bị nước cuốn trôi. Dì hoảng hốt nhìn thằng bé nằm ngay đơ rỉ nước, thấy như mình đang đứng trước miệng vực thẳm, tai ong ong tiếng gió. Đứa nhỏ thở khì mấy hơi khó nhọc, ọc ra mớ nước từ mũi, miệng. Chạy vào trong ghe, dì lấy cái túi có những lát sâm đặt vào miệng đứa nhỏ. Nó không nhai, hơi thở đã quay về, da từ tái nhợt dần hồng hào lại. Nó chậm chạp nhìn quanh, rồi nói: “Con sợ má chết bỏ con”. Dì nghẹn ngào ôm lấy đứa con. Túi sâm của bà má trên tay, như vừa được tưới nước mắt nở hoa!

***

Chiều tối bữa đó, ghe đi ngang chợ Xóm Côi. Thằng con ngồi trong ghe ngó lên bờ qua cái ô cửa nhỏ. Trong tiếng máy tàu sình sịch nhịp nhàng, nó bỗng dưng kêu “má, má”. Lúc đó dì đang lặt rau trước mũi ghe, dượng cầm lái phía sau, đều nhìn dáo dác. Không thấy một bóng ai, chợ chiều tối vắng người, đìu hiu làm lòng dì dượng buồn leo lét. Lòng xao động như con sóng qua sông, dì quay ra sau nhìn chồng bối rối khôn nguôi. Biết là mình luôn muốn tìm ra gốc tích cho đứa nhỏ lớn lên đỡ tủi, nhưng không hiểu sao nghe nó kêu gió “má, má”, dì nghĩ đến cảnh người mẹ nghèo gầy gò khắc khổ đến đòi đứa nhỏ, rồi bắt nó lang thang rày đây mai đó, lòng dì nhói lên, không chịu được.

Đêm đứa nhỏ đã ngủ say, tiếng ngáy ro ro quen thuộc. Dì trở mình mấy lần không ngủ được, đành nói với chồng đang gác tay lên trán, mắt in lên nóc ghe.

- Biết phải sao giờ, ông ơi?

Dượng cũng không biết làm sao cho phải. Bởi lúc này trong đầu đang lan man về những ý nghĩ khác. Lâu sau, dượng ngồi dậy nói một câu gọn hơ, năm sau thằng nhỏ sáu tuổi, mình phải lên bờ cho nó đi học đàng hoàng, bà ạ!

leftcenterrightdel
Tác giả Lê Quang Trạng. 
“Hoa của dòng sông” là truyện ngắn cảm động với cốt truyện gọn, chắc, cùng những chi tiết ám ảnh, ngôn ngữ mang đậm dấu ấn vùng sông nước Nam Bộ của nhà văn Lê Quang Trạng. Từ bà má đơn độc trong túp lều hoang đến cặp vợ chồng “chớm già” hiếm muộn; từ người mẹ tội nghiệp lang thang đến đứa trẻ bị bỏ rơi giữa chợ trong cơn đói; từ những lênh đênh trôi dạt đến một ước ao neo đậu; từ những thân phận xa lạ đến sự gắn kết ân nghĩa, gia đình... Lê Quang Trạng sinh năm 1996 tại An Giang, là một trong những nhà văn trẻ nhất được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. (TS Nguyễn Thanh Tâm)

Truyện ngắn của LÊ QUANG TRẠNG