Đêm tàn. Bếp lửa đầu hôm đã tắt ngúm, đám than hồng cũng bị vùi trong tro tàn, nhưng hơi nóng vẫn còn quanh quẩn, chỉ đợi một cơn gió, hay một làn hơi thổi nhẹ thì lửa sẽ lại bùng lên rực rỡ. Chẳng cần lửa, H’Oai cũng có thể nhìn được ở góc khuất nơi lòng hang, hai đứa trẻ đang ôm nhau ngủ say trong đống vải vụn. Cách H’Oai một bếp lửa là Găm đang ngồi bó gối như một bức tượng. Râu tóc Găm để dài, gương mặt như sắt lại trong bóng tối âm trầm của hang lạnh. Cả H’Oai lẫn Găm đều không muốn động đậy, sợ rằng nếu mình động đậy thì âm thanh quen thuộc từ dưới chân núi đang ngân lên sẽ biến mất. H'Oai và Găm biết tiếng chiêng này không phải chiêng hội, mà là chiêng Pơ Thi. Gió trên miệng hang thổi xuống khiến đống than bùng lên, bắt vào những cành củi khô H’Oai đút vào từ nãy, len lén bắt lửa. Lửa bập bùng soi vách hang. Lửa khiến bóng người nghiêng ngả như có nhịp điệu.

H’Oai bất ngờ cũng nhịp nhịp chân, cái miệng bỗng muốn hát, cái chân, cái tay cũng muốn bước, muốn vung lên theo cái nhịp đã ngấm vào trong máu, trong hồn của mình. Rồi chẳng biết tự lúc nào, H’Oai đã đứng bên đống lửa, nhưng không phải như mọi đêm là để ngồi dựa vào Găm nữa mà để xoang. Mắt của H’Oai chẳng để vào hang mà đã bay về làng Bối-ngôi làng nhỏ êm đềm bên rừng ngol xanh lá, nhựa ngol dùng để khơi lửa những căn nhà ấm áp. Thắp sáng nhà, thơm đượm mùi gió, mặc cho muội than đen sẽ ám cả căn nhà, nhưng H’Oai thích mùi khói, thích khói bám vào từng tấm dồ, từng cái áo, cái váy, để khói nhắc nhở người đàn bà nhớ khơi bếp hồng vào mỗi sáng, nhớ thêm củi, ủ tro vào bếp khi ngày tàn cho căn nhà lúc nào cũng có hơi lửa.

Nhìn bóng mình trên vách hang phủ lên cái dáng co ro vì lạnh của con, H’Oai bần thần. Gió mạnh hơn, cây rừng xao xác, tiếng chiêng dưới núi vọng lên càng mạnh mẽ, đội chiêng như say, như muốn đọ chiêng với nhau nên nhịp càng lúc càng nhanh. Tai H’Oai như đuổi theo đếm từng nhịp chiêng, rồi chân H’Oai bắt đầu bước. Chân H’Oai chưa từng trật nhịp, tay H’Oai cũng vẫn còn dẻo như con công xòe đuôi múa, cứ tự nhiên xoang theo tiếng chiêng ngân. Găm cũng muốn vậy, lúc đưa H’Oai cùng các con rời nhà đi, Găm không hề nghĩ đến tiếng chiêng, không hề nhớ đến làng Bối hiền hòa của mình. Pơ Thi nào cũng phải ba ngày, ba đêm. Vậy còn phải chịu thêm hai ngày, hai đêm nữa, nhưng có chịu được không khi mà tiếng chiêng đã ngập trong hồn cả nhà như vậy? H’Oai muốn dắt con xuống Pơ Thi, chẳng muốn ở trên cái hang này đợi Ươi nữa.

Đỉnh Ngok Lum Heo ẩn mình trong mây trắng, nắng rải đều lên những tán cây xanh rì lặng gió, những tảng đá đầy hình thù kỳ dị gồ mình lên, nhẫn nại phơi tấm lưng trần trong nắng rát. Chỉ cần qua được bên kia núi là sang được nước bạn. Từ đấy không cần đi đường rừng nữa mà sẽ có xe đưa đón sang Thái. Chỉ cần ở trong hang núi mà Ươi đã chuẩn bị sẵn, đợi ở đó vài ngày là sẽ có người đưa đi. Găm nhìn lòng hang lạnh lẽo, chỉ có mấy thùng mì tôm để trong hốc, có một chiếc nệm phủ đầy vải như giẻ rách ở cuối hang để nghỉ tạm, chẳng nói gì mà lẳng lặng đẩy hai đứa nhỏ đang mệt đừ vào đó ngủ. H’Oai rũ rượi, tóc rối đi về phía giữa hang, ngó lên phía trên lộng gió. Rồi rùng mình vì lạnh, H’Oai nhìn xung quanh, thấy có bó củi và dấu bếp lửa thì cứ thế kéo củi lại. Chạy lại chỗ con nằm, H’Oai lục trong túi đồ mang theo một bó ngol nhỏ, tách một mẩu ngol thơm nồng dài hơn gang tay rồi bước lại nhóm bếp. Ngọn lửa bắt được nhựa ngol cháy bùng lên, thơm nồng mùi khói. Lửa ngol cháy bền và mạnh, nên chẳng mấy chốc bếp lửa giữa hang đã xua đi cái lạnh, nhìn ra, Găm đã mang về một xô nước. Vậy là ở lại được rồi.

Găm nhìn xuống chân núi, chẳng thấy ai. Chẳng lẽ Ươi quên mất ngày hẹn? Hay Ươi đang đằm mình vui chơi trong Pơ Thi, đang vít cần cười nói với mọi người, để mặc Găm và H’Oai ở nơi này với niềm tin ngày một lung lay. Găm lắng tai nghe, nhưng đáp lại chỉ có gió, có tiếng cây xào xạc, tiếng chim, sóc đã kịp quen sau ba ngày theo Ươi vượt núi tìm đường đến xứ sở giàu sang.

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHẠM HÀ

Lúc ấy, Găm chỉ nghe thấy lời của Ươi, đi nhanh thôi, bán cà phê xong rồi, có tiền rồi thì đi theo mình sang Thái. Chỉ cần đặt chân đến Thái là sẽ giàu thôi. “Sao có thể giàu nhanh thế được?”, Găm nghi ngờ hỏi lại. “Mày ngu quá, nước người ta giàu, người ta làm du lịch hết cả rồi. Nhưng người làm việc nhà, người lái cái xe đi cắt cỏ, đi thổi lá, đi làm vườn không có, nên người ta cần thuê người làm. Làm gì bên đó cũng có máy làm với, nên không mệt như làm rẫy cà phê đâu. Chỉ cần có sức là nhanh có tiền lắm...”. Những lời của Ươi như mật rót vào tai Găm mỗi ngày. Mỗi lần rủ đi uống cà phê, Ươi đều giành phần trả tiền. Cái ví của Ươi đầy tiền, mỗi lần trả tiền uống nước hắn đều cố gắng xòe cái ví về phía Găm và mấy người khác.

Trong lúc Găm còn đang suy nghĩ, thì Ngươi, Tênh, Rơ Chăm Ma đã nhanh chóng kẻ bán cà non, kẻ bán bò dự án để đi theo Ươi rồi. Mới đi có ba tháng thôi mà Ươi đã cho Găm xem hình Tênh cười tươi rói đang xòe một xấp tiền. Ngẫm đi, nghĩ lại, Găm thấy mình chẳng thua gì mọi người, mọi người đi được để làm giàu thì Găm cũng đi được thôi.

Lời H’Oai mềm mỏng như gió, rồi lời nặng như đá, rồi nỉ non như mưa dầm. Nhưng ý Găm đã quyết, chỉ cần đi theo Ươi thôi, như tiếng Tênh nói trong video, một ngày chỉ cần làm một buổi thôi mà tiền công đã bằng ở nhà làm năm ngày rồi. Mình ở xa tới nên người ta nuôi ăn, cho ở. Chỉ cần đưa cho Ươi hai mươi triệu đồng thôi là Găm có thể đi rồi. Giọng Ươi lại thủ thỉ: “Nhưng nhà Găm vừa bán cà phê, có nhiều tiền như thế nên đi cả nhà. Ươi thương Găm thật thà nên nếu đi cả nhà bốn người, Ươi chỉ lấy sáu mươi triệu đồng thôi. Tính đi, sáu mươi triệu đồng, nếu cả nhà Găm cùng chịu khó làm thì chỉ mất có mười hai ngày đã đủ tiền trả cho chuyến đi rồi. Còn lại, Ươi sẽ làm cho Găm cái thẻ ngân hàng để đút tiền vào đó để dành...”

Găm quyết rồi, H’Oai không đi thì Găm cũng đi. Phải đi thôi.

Trăng vẫn sáng. Lửa trong hang vẫn cháy, mùi sắn H’Oai vùi dưới tro đã thơm nhưng chẳng có người. Ươi tức tối đá gộc lửa. Cuộc bàn bạc đã xong, giờ hắn quay lại nhận tiền, đón người để xuống núi thì chẳng còn ai, Ươi lầm bầm: "Đêm Pơ Thi chết tiệt. Chắc chắn là nhà Găm đã xuống núi để dự Pơ Thi rồi. Hỏng hết cả việc, vượt biên chứ có phải là đi chơi đâu".

Găm kéo tay H’Oai chạy băng băng xuống núi. Hai đứa con bám sát theo sau. Chạy nhanh thôi. Chạy về phía tiếng chiêng. Người làng ở đó. Sắp xa nơi này rồi, Găm muốn cho cả nhà được đắm vào vòng xoang, đắm vào đêm Pơ Thi. Con hoẵng nhỏ này làm quà. Nhà Găm ở xa tới, chủ nhà chắc chẳng biết, nhưng chỉ cần có quà để làm ma thì người làng sẽ vui vẻ mời vào thôi. Với lại nay là đêm cuối rồi, người múa đã mệt, đã say rồi. Sẽ chẳng ai để ý tới người lạ đâu, nhà Găm sẽ vào chơi rồi về trước khi trời sáng, vậy thì Ươi cũng không biết, mà H’Oai và bọn trẻ sẽ vui.

Tiếng chiêng của người say không hề lạc nhịp mà trở nên giục giã vang vọng hơn. Lửa chẳng còn rực, nhưng vẫn âm ỉ đỏ bên các gộc than to. Đoàn người say nghiêng ngả, bên bếp vẫn còn thịt, dưới cột vẫn còn nhiều ghè rượu đầy. Nhà Găm chia nhau ra ăn uống, rồi tụ lại vòng xoang nhỏ nơi nhà mồ vừa mới dựng xong, vẫn còn sáng đèn để xoang. Bước chân đang nhịp nhàng thì khựng lại, bàn tay Ươi cứng như gỗ túm chặt lấy tay Găm không cho đong đưa, rồi kéo ra ngoài. Găm cúi mặt bước theo, tay không quên nắm chặt tay H’Oai. Ra ngoài bìa rừng, Ươi không nhịn được cơn tức, liền đấm thẳng vào mặt Găm cảnh cáo. Găm ngã phịch xuống đất ngơ ngác.

- Sao dám bỏ hang?

- Mình chỉ muốn xuống đó một lát thôi mà.

- Muốn giàu mà như vậy à? Tao dặn mày ở yên trên hang cơ mà. Chúng mày có biết nguy hiểm lắm không mà bỏ đi chơi hả? Ươi nhào vào định đạp thêm cho Găm mấy đạp. Cơn tức giận tràn lên khiến hắn không kìm lại được.

- Không được đánh chồng tao. H’Oai nhào vào kéo Găm ra, nhưng sức yếu nên bị Ươi hất văng ra ngoài. Đi làm thì phải đi ban ngày, đi xe chứ đi như đi trốn thế này là mày định lừa người phải không? Tiếng H’Oai trở nên tức giận.

*

Mấy cán bộ xã G’La và người làng Bối ra đồn biên phòng nhận người khi được bộ đội thông báo chuyện nhà Găm. Nhìn những gương mặt quen thuộc ào vào ôm mình, Găm mừng mừng tủi tủi. May mà có vụ xô xát nên người ở lễ Pơ Thi gần đó chạy ra can ngăn, đúng lúc Bộ đội Biên phòng đi tuần tra qua đã nhận ra Ươi-kẻ mà bộ đội đã chú ý theo dõi từ lâu. Bộ mặt Ươi đã bị bóc trần. Ươi chỉ là một tên lừa đảo chuyên dắt người vượt biên trái phép, mặc kệ người làng ở đấy chật vật kiếm sống vì phải trốn chui trốn lủi. Nghe những lời thú tội của Ươi, Găm bừng tỉnh. Nếu không nhờ tiếng chiêng, nếu không nhờ Pơ Thi thúc giục, có lẽ Găm đã theo chân Ươi vượt biên mà chịu khổ rồi.

Găm nhìn thấy rừng ngol xanh ngắt ở lối rẽ vào làng. Hai đứa trẻ và H’Oai cũng ồ lên vui mừng. Về đến làng rồi. Ngôi nhà của Găm sau mười ngày đi vắng trở nên lạnh lẽo, ẩm mốc. Việc đầu tiên H’Oai làm là bắt tay vào chất bếp, bật quẹt, châm một thanh ngol nhỏ bằng ngón tay, đặt vào giữa đống củi. Chẳng mấy chốc, mùi khói, mùi nhựa ngol hòa quyện vào nhau bay lên sưởi ấm căn nhà...

leftcenterrightdel
Tác giả Kim Sơn. 
Mã văn hóa luôn là căn cước của tâm hồn khiến mỗi người không thể ly khai khỏi không gian sinh tồn của họ, dù có phải chia xa thì cũng là “sống ở thác về”. Bất cứ cuộc rời bỏ quê hương, đất nước ra đi nào, dù là chủ động hay bị động, thì cội rễ luôn là thứ giằng níu. Nhưng ý niệm này thường được các nhà văn khai thác ở cảnh huống khi sự đã rồi, ở cái lúc khắc khoải hồi cố, còn Kim Sơn đã sử dụng ngay ở lúc nhân vật sấp ngửa ra đi. Làn khói ngol (cây thông) như một sợi dây tâm linh đánh thức những dự cảm bất an nơi gia đình H’Oai và Găm, kéo họ về với Pơ Thi (lễ bỏ mả), cũng là về lại mảnh đất dung dưỡng cho đời sống tinh thần của họ. (Nhà văn NGUYỄN XUÂN THỦY)

Truyện ngắn của KIM SƠN