Vậy mà năm nay khí hậu xảy ra rất nhiều điều kỳ lạ. Mới ngày hôm trước mưa như trút thì ngày hôm sau trời lại nắng gay gắt. Dòng suối Ia Ruai cũng dần cạn khô. Cái nắng kéo dài khiến những mảnh ruộng trở nên khô hạn, nứt nẻ. Nhìn cánh đồng lúa, rẫy cà phê đang dần khô héo mà H’Ly không khỏi chạnh lòng. Hơn một nửa làng chuyển qua trồng cà phê, riêng gia đình H’Ly vẫn trồng lúa rẫy truyền thống.

- Lâu lắm rồi, Tây Nguyên mới bị hạn nặng như vầy. Yang phạt chúng ta rồi con ạ!-Ama (cha) tay cầm tẩu thuốc, nhả những sợi khói lên bầu trời không chút gợn mây, đầy trầm ngâm.

H’Ly nghĩ có lẽ Yang nổi giận nên phạt dân làng thật, bởi từ ngày có con đường mới được làm chạy ngang, ngôi làng của H’Ly không còn sống biệt lập giữa vùng đồi núi nữa. Việc giao thông thuận tiện nhưng cũng lại là nỗi buồn cho những người yêu sự yên bình như H’Ly. Những "cơn sốt" đất nổi lên, những rẫy lúa, rẫy mì tổ tiên để lại được bán cho những ông trùm bất động sản chia lô ra để kinh doanh khiến cho người lạ vào làng H’Ly nhiều hơn. Cuộc sống cũng thay đổi nhiều, những ngôi nhà sàn đã được thay bằng những ngôi nhà cấp bốn, những nương rẫy, những cánh rừng bên cạnh làng đã trống huơ hoác, chẳng còn mấy ai mặn mà với việc làm nương rẫy nữa.

*

H’Ly về đến nhà thì trời đã nhá nhem tối, trong nhà vắng lặng. H’Ly vào nhà bật đèn, thấy ama đang nằm dưới sàn nhà bên chai rượu đã cạn, tiếng ngáy đều đều. Cô đỡ ông vào giường rồi ra cửa ngồi, mắt nhìn xa xăm về phía trước. H’Ly nhìn vào bóng tối với bao ý nghĩ không định hình trong đầu, cô ngồi đến lúc người lạnh mới vào nhà ăn tạm cơm nguội qua bữa. Căn nhà của H’Ly, góc nào cũng trở nên trống trải khi thiếu hơi ấm của amí (mẹ).

Amí ra đi đột ngột sau một cơn đột quỵ trên rẫy khi đang hái bông về xe sợi dệt, bỏ bố con H’Ly đã ba mùa rẫy rồi. Thời gian chớp mắt nhanh như con nước trôi. Amí, một người phụ nữ đảm đang, thạo rất nhiều công việc như dệt, đan lát, đặc biệt rất mát tay trong việc đỡ đẻ cho trâu, bò, lợn, nên có việc gì cần nhờ, dân làng đều gọi amí sang giúp. Dù đang đêm, amí cũng nhiệt tình đi nên mọi người đều yêu mến amí. H’Ly được thừa hưởng nét đẹp thanh tú từ amí, nhưng sự khéo léo thì gần như không thừa hưởng được. Amí dạy H’Ly bao nhiêu lần về cách dệt, nhưng vì ham chơi nên cô làm cho những sợi len rối mù. Kiên trì lắm thì H’Ly chỉ dệt được tấm vải nhỏ không có hoa văn, hoặc khó hơn là những đường kẻ ngang khác màu, chỉ đủ để làm đai cột. Vậy mà amí vẫn khen cô khéo tay, động viên H’Ly rất nhiều.

Nhìn cái khung dệt của amí treo trên tường mà lòng H’Ly chợt nghẹn thắt. Từ ngày amí mất, H’Ly càng không thích cái khung dệt hơn nữa. H’Ly lục lại những tấm thổ cẩm của amí dệt cho cô để mặc trong những dịp đặc biệt. Hoa văn chủ đạo là png tơngan, một loại hoa văn biến thể của hoa văn rau dớn-k’toanh, sắc nét nằm trong hai dải hoa văn dọc. Dải hoa văn ngang viền đậm dài hoặc tạo thành các hình gẫy góc nối thành những đường ngoằn nghèo, uốn lượn, được sắp xếp trên và phía dưới hoa văn chính png tơngan. Trên thân váy, hoa văn png tơngan trang trí thành từng cặp và là hoa văn chủ đạo, được amí dệt lặp đi lặp lại trong một ô hình chữ nhật, bố trí thành dải ngang. Những đường nét sắc sảo cùng với sự sáng tạo của amí khiến tấm vải thổ cẩm của amí lúc nào cũng tinh xảo, đẹp nhất làng. Amí dệt tấm vải nào xong là hầu như đều có người mua hoặc đã đặt trước nên giờ H’Ly chỉ còn một vài tấm thổ cẩm amí dành cho. Vì thế, H’Ly cất mãi không dám lấy ra mặc. H’Ly mân mê từng đường nét trên tấm vải thổ cẩm. Rồi cô cũng quyết định lấy cái khung dệt trên tường xuống, bắt đầu lau chùi những vết bụi bám. Lời hứa của H’Ly với amí có lẽ cô sẽ không lần khất nữa, khi nghe yă (bà) kể amí đã đặt niềm tin và hy vọng về H’Ly nhiều đến thế, yă tin H’Ly sẽ là hậu duệ, nối tiếp những ước mơ còn dang dở của amí. H’Ly sẽ học dệt lại dù biết là vô cùng khó khăn bởi những người dệt thành thạo nay còn rất ít, những khung cửi dệt trong làng ai cũng treo cất hoặc đã bán đi, hầu như chẳng còn ai chăm chút cho nghề dệt nữa.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Những ngày cuối tháng 5, khí hậu càng hanh khô hơn. Ngay đường xuống bến nước, dân làng dựng một cái cổng và một cái giàn, treo lên một bộ da con chó, đặt một thanh đao và cột một đoạn chỉ màu đen để ngăn chặn sự xâm nhập của ác quỷ với dân làng. Nhà H’Ly ở đầu nguồn bến nước, được chọn là nơi để làm lễ cúng cầu mưa Hơ Jan. Già Ksor Hlun-chủ lễ chậm rãi bước đến ngồi trước ba ghè rượu. Đặt tay lên ghè rượu đầu tiên, già Ksor Hlun lầm rầm đọc bài khấn bằng tiếng Gia Rai, bày tỏ nguyện vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng bình an, khỏe mạnh, ấm no. Bài tế diễn ra trong khoảng 10 phút, sau đó, già Hlun múc nước đựng từ chiếc thau đồng đổ đầy vào từng ghè rượu, rồi già khẽ vít cần uống một ngụm rượu. Ama của H‘Ly được chủ tế mời lên uống rượu. Lần lượt nhấp đủ rượu ở ba cái ghè, sau đó ama mời rượu lại chủ lễ để cảm ơn. Sau lễ cầu mưa, thanh niên là những người đầu tiên khai rượu, sau đó đến các cụ lớn tuổi trong làng. Dân làng tập trung lại uống rượu cần cùng tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống và điệu xoang nhịp nhàng.

Sau mùa khô hạn, mất mùa, lâu lắm rồi dân làng của H’Ly mới có một dịp tụ tập đông đủ như vậy. H’Ly mặc bộ đồ thổ cẩm mà cô tự dệt. Nếu amí biết cô đã tự dệt cho mình được tấm váy áo như thế này chắc amí sẽ vui lắm. H’Ly nhớ amí. Amí rất thích vẽ. Mỗi lần đi chăn bò trên rẫy hay lúc ở nhà, mỗi khi cho đàn gà nuôi ở phía sau vườn nhà ăn, amí hay vẽ lên nền đất. Amí kết hợp những kỹ năng dệt thổ cẩm được yă truyền dạy cùng với sự sáng tạo, khả năng vẽ của mình để dệt nên những tấm thổ cẩm vừa có họa tiết, hoa văn truyền thống của dân tộc Gia Rai, vừa có những bức hình miêu tả đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân trong làng. Dì H’Tau cũng học được những căn bản từ yă và sự sáng tạo của amí nhưng thổ cẩm của dì vẫn không sắc sảo bằng amí. Bằng tất cả sự cố gắng, kiên trì của mình, cùng sự chỉ dạy của dì H’Tau, H’Ly đã không làm rối chỉ và bắt đầu dệt nghiêm túc vào những thời gian rảnh hoặc vào buổi tối. Từ học dệt tấm thổ cẩm trơn, sau đó cô học dệt những đường hoa văn cơ bản. Khi đã dệt thành thạo các bước trên mới đến bước học dệt những hoa văn phức tạp hơn và cuối cùng là dệt những hoa văn theo sự sáng tạo của riêng mình.   

Sau một thời gian đất hết sốt, những người bán đất và mua đất lần lượt rời khỏi ngôi làng nhỏ của H’Ly, để lại một không gian trống trải và trơ trọi. Những thanh niên trẻ trong làng sau khi tiêu hết số tiền bán đất vào việc mua xe, mua điện thoại, quần áo đẹp thì cũng chẳng còn đất để canh tác; một số kéo nhau vào thành phố để làm thuê, một số vẫn ở lại làng ai gọi gì làm đó. Mỗi lần đi qua những miếng đất bỏ hoang, giăng đầy kẽm gai đánh dấu của chủ, H’Ly không khỏi buồn. Đất ngày xưa của làng chạy dọc hết mấy cái đồi, chạy dài đến tận chân suối Ia Ruai, vậy mà giờ đất trống chỉ còn lại một khoảng nhỏ. Cái rẫy của nhà H’Ly hiện tại còn giữ là mảnh đất rẫy lớn nhất làng. Hồi ấy, nhiều người tới hỏi mua nhưng ama không bán, bởi đó chính là mảnh đất tâm huyết của ama và amí ngày xưa đi khai hoang, gieo trồng trên đó, mảnh đất đem lại cái cơm, cái áo, con trâu, con bò; mang lại sự đầy đủ cho cuộc sống gia đình nên ông chẳng nỡ đem ký ức của mình bán đi.

Đường phố thông thương, người ghé làng nhiều hơn. Họ thích con suối, cái cây, thích sự hoang sơ nơi núi rừng và thích cả những trang phục thổ cẩm của H’Ly và dì H’Tau mặc. Dì H’Tau bán được một số miếng vải thổ cẩm dệt trong thời gian qua. H’Ly vận động dì và một số phụ nữ trong làng hiện tại không có việc làm cố định quay lại với nghề dệt để làm sản phẩm bán cho khách đến thăm làng.

Thế là dì H’Tau đứng ra mở lớp dạy lại nghề dệt cho phụ nữ trong làng, còn H’Ly thì ở bên cạnh trợ giúp dì. Sợi len bây giờ có thể mua dễ dàng, không cần phải trồng bông, nhuộm màu nữa nhưng muốn chắc và dễ dệt thì vẫn phải ngâm qua nước gạo trước khi dệt. Mọi người cũng giống như H’Ly, khi dệt thổ cẩm, việc bắt chỉ làm hoa văn là công đoạn khó nhất, đặc biệt là những hoa văn phức tạp, đòi hỏi phải thật khéo léo. Hoa văn của người Gia Rai là cả một thế giới sống động về thiên nhiên và cuộc sống của chính họ, được thể hiện lên thổ cẩm rất sinh động mà ai một lần nhìn thấy cũng mê mẩn. 

Lớp dạy nghề truyền thống của dì H’Tau và H’Ly được bà con trong làng cũng như chính quyền ủng hộ và hưởng ứng tích cực. Các anh Bộ đội Biên phòng cũng chung tay cùng với trai làng giúp dựng lớp học, điều đó đã tạo động lực to lớn cho H’Ly biết việc mình đang làm là đúng.

*

Tích cóp hơn 6 năm, gia đình H’Ly cũng dành đủ tiền để làm lễ Pơ thi cho amí. Trai gái trong làng trổ tài múa xoang, đánh chiêng quanh nhà mồ, cùng ánh lửa bập bùng rực cháy. H’Ly ngồi bên cạnh mồ, mút cơm bỏ xuống cho amí. Bên cạnh là những miếng vải thổ cẩm của H’Ly tự dệt để khoe với amí. H’Ly thầm hứa với amí sẽ cố gắng không để nghề dệt truyền thống mai một. H’Ly ngồi khóc, kể và ôm lấy ngôi mộ của amí trước những hàng tượng mồ lặng im, hòa trong tiếng cồng chiêng ngân vang. Cô biết qua đêm nay, linh hồn của amí sẽ đi theo những Pram từ thế giới atâu về với Yang. Còn H’Ly sẽ tiếp tục đi trên con đường đã chọn như dòng suối Ia Ruai vẫn miệt mài chảy trên hành trình đưa nguồn nước tươi mát của mình đến với cây cỏ.

leftcenterrightdel
 Tác giả Lê Vi Thủy.
 Tôi sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất đỏ bazan Tây Nguyên giàu bản sắc văn hóa truyền thống và hồn hậu, thắm đượm tình người. Chứng kiến sự phát triển của xã hội và nguy cơ bị mai một của những giá trị truyền thống; người già lay lắt giữ gìn, truyền thụ văn hóa truyền thống; thanh niên thì thờ ơ, bị hấp dẫn bởi nhiều thú vui hiện đại... Văn hóa truyền thống của dân tộc đang bị lãng quên từng ngày. Chính vì vậy, tôi muốn viết về Tây Nguyên của tôi, muốn góp chút sức nhỏ bé của mình vào việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên quê tôi trước những thay đổi của cuộc sống.

Truyện ngắn của LÊ VI THỦY