Có lần tía nói ngoại có thể quên, có thể bỏ tất cả những câu chuyện nào đó trong cuộc đời mình, riêng chuyện sông Trăng thì ngoại không bao giờ quên, càng không bỏ nó lẫn đâu trong mớ ký ức đã bắt đầu phôi phai bởi thời gian phủ bóng phận người. Con người ta có trăm ngàn mối lo, có vạn thứ để tìm thấy. Nhưng với ngoại, chỉ cần thấy sông Trăng ắp lẵm nước, đó đã là một điều mãn nguyện của đời mình. Cả phần đời gắn mình vào đất. Đất nơi này như máu thịt ruột rà của ngoại.

Cũng có bận, khi hai anh em lên phía bìa rừng cắt lá dong về gói bánh, Nghĩa nói với anh Nhân sao ngoại có thể sống mãi với sông Trăng này. Thằng anh chỉ tay về phía sông, mày không dám hỏi ngoại thì đi hỏi sông. Ngoại nói sóng nước xứ mình thiêng lắm! Sóng biết nói, nước biết hát. Chứ mày không thấy ngoại hay nói chuyện với sông à? Mày chưa bao giờ nghe ngoại hát với nước à? Trăm dòng nước, ngàn con sóng có trôi ra biển thì cũng quay lại với sông Trăng này mà thôi. Hỏi chi nhiều, không kịp cắt lá về thì Tết này khỏi có bánh ăn. Cái Tết năm 12 tuổi trôi qua, dắt dây mãi đến tận năm Nghĩa 18 tuổi thì mới thấy ngoại nói chuyện với sông, ngoại hát với nước. Đó là một mùa Tết xa nhà đầu tiên của anh Nhân đang theo học trường sĩ quan Quân đội.

***

Sông Trăng uốn theo đất Tân Hưng một dòng chảy miên mải. Xóm biên giới nằm gói gọn trong mấy chục nóc nhà, phía bên này là đất mình, cách một dòng trôi là đất bạn. Đường biên trải dài tít tắp tận trăm cây số. Đôi khi mấy chú Bộ đội Biên phòng hai bên giao lưu, bên chia cần xé xoài vừa chín vàng hươm, bên đưa lại dăm ba thúng trái rỏi rừng. Cứ Tết Việt thì lại thấy mấy anh biên phòng nước bạn qua cười tươi rói giao lưu, ăn Tết. Tết Việt vui, có bánh tét ăn ngon, có dưa hấu ngọt lịm, có luôn mấy bài vọng cổ nghe cứ vỗ đùi đen đét tấm tắc gật gù. Mấy anh biên phòng xứ bạn gói bánh tét riết thành quen nếp. Có bận từ nhà chạy ra đồn biên phòng, trên chiếc xuồng côi nhỏ xíu mà ngoại cũng ráng nhét đầy hai chục đòn bánh tét, cả một xửng chả giò, thêm chục trái bưởi vườn nhà. Lúc đưa các chú bộ đội, ngoại không quên dặn: “Chia đều nhen con, mình một nửa, mấy ông bạn một nửa”. Dân sông Trăng quen gọi mấy anh biên phòng nước bạn bằng từ "bạn" ngọt xớt.

Hết cấp ba, Nghĩa chọn ở nhà với đám cây trái bầu bí, đám lúa đồng hai mùa, đám rau nhà tập tàng. Tía rồi cả anh Nhân khuyên nó cũng lắc đầu nhảy dựng. Tía ra mé sàn lãng nhấp rượu đế Gò trứ danh sông Trăng rồi thở dài thườn thượt. Năm đó Nghĩa mười tám, anh Nhân hai mươi bốn. Ngày Nghĩa quyết định ở nhà, cũng là ngày anh Nhân nhận nhiệm vụ ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài tận Tây Ninh.

Ngoại nhìn thằng cháu lớn già cái đầu nhưng luôn là người bày trò để ngoại vui. Thằng cháu mỗi tối giăng mùng cho ngoại ngủ, bắt cải lương ngoại nghe. Hỏi nó sao không đi học nữa mà ở nhà quanh quẩn ruộng đồng. Làm nông cực, gặp xứ heo hút vùng biên lại tứ bề nắng mưa, chưa kể thất mùa, giá thấp. Thằng cháu bận đó nói như đinh đóng cột. Chữ nó không chịu nhìn con thì làm sao con học thêm nữa.

Đêm đó mé sàn lãng, tía với anh Nhân ngồi nhậu cùng sông. Trăng chiếu cả khoảng đêm thâm u vùng biên. Anh Nhân chọn chung nghề với tía, cũng là phải biền biệt xa nhà. Ngoại thắp nhang lên bàn thờ cho má khoe anh Nhân theo nghề của tía, của ông đó. Ngoại cười mà khóe mắt mấy hột lệ cứ lấm tấm lăn dài. Cái Tết nhà có hai bố con là Bộ đội Biên phòng vắng nhà. Giờ Nghĩa mới hiểu người biên giới ăn Tết muộn là vì sao. Bộ đội Biên phòng chia nhau bám đồn. Nhà này có Tết thì nhà kia đợi Tết. Hèn chi mai rừng nơi biên giới nở muộn và nở dai có khi hết tháng Giêng vẫn vàng rưng rức.

***

Bây giờ đã gần cạn Chạp, gió ngọt lừ mùi phù sa. Mấy cây mai vàng bum búp nụ. Người ta rộn ràng tính chuyện Tết nhứt. Mấy nhà có con cái lên Sài Gòn làm ăn cũng lót tót quảy ba lô về. Năm nay có khu công nghiệp cho nghỉ mấy ngàn công nhân. Có đứa về mà hiu hắt mặt buồn nói ăn Tết dài hạn. Chừng nào công ty có hàng họ mới kêu lên lại. Nghĩa cho chiếc xuồng côi tách bến chợ, lòng đựng đầy những mông mênh.

Năm nào ngoại cũng biểu sắm Tết nhiều, mua thịt thà để đầy nhà, ngoại ngóng Tết hay ngóng hai Bộ đội Biên phòng nhà mình cũng giống y hệt nhau. Ngóng Tết thì ngoại ra hiên nhà ngó mấy cây mai rồi tước lá, đếm búp. Ngóng bộ đội nhà mình ngoại ra mé sàn lãng ngồi. Năm đầu anh Nhân trực đồn mùa Tết, đêm Ba mươi tía cũng không về, ngoại thắp nhang ngoài hiên rồi thở dài. Nhà cách đồn chạy xe đâu có cả tiếng nhưng chưa năm nào tía có cái Tết trọn vẹn với gia đình. Đồn trưởng không bám đồn thì lỡ có tình huống bất ngờ sao xử lý kịp. Ngoại nói với Nghĩa vậy rồi sai thằng cháu chở thịt kho, chở bánh tét, chở mứt dừa, mứt bí ra đồn. Đêm trừ tịch năm đó mùi nhang trầm ngan ngát cả nhà. Nghĩa thấy ngoại đi ra mé sàn lãng thủ thỉ với sông. Nghĩa ngồi trong chái bếp nghe tiếng được tiếng mất. Gió lào xào tiếng hát ngoại trầm đục như phù sa lắng vào sóng nước. “Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ưng tu kế cửu an”. Câu xế xảng trong tuồng cải lương “Lá chắn biên thùy” mà mấy chục năm rồi Nghĩa nghe riết đâm ra thuộc luôn tuồng tích. Câu hát treo niềm vọng Tết của ngoại lên mây trời gió trăng vùng biên. Cứ vậy mà mang mang vào lòng xuân.

Chiếc xuồng côi vừa mới vào ngã ba kinh thì Nghĩa thấy có ghe lạ chạy cập theo dòm ngó Nghĩa một đỗi như ý dò xét. Xóm biên giới chục nóc nhà, người quen ráo trọi, ghe cũng quen luôn, nhìn là biết. Cớ gì ghe lạ, người lạ vào con kinh heo hút này. Nghĩa tỉnh rụi nói to qua chiếc ghe lạ: “Muốn đi chợ Lồng sắm Tết thì quay lại, chứ đường này là vô trạm Bưng Ràm mấy chú ơi. Còn qua nước bạn thì tới ngã ba quẹo phải nhen”. Nghĩa thong dong nhìn chiếc ghe lạ gật đầu rồi tăng tốc bỏ lại Nghĩa phía sau. Nghĩa vội lấy điện thoại ra bấm vài dòng tin nhắn rồi lặng lẽ giữ khoảng cách chạy theo.

Đâu chừng nửa tiếng sau đã nghe tiếng xuồng vỏ composite quen thuộc áp sát phía mạn trên sông Trăng. Nghĩa cười tươi rói chạy ngang khi thấy mấy chú Bộ đội Biên phòng nhóm Nguyệt Giang chuyên bắt người vượt biên trái phép đã áp tải được đối tượng lai ghe vào bờ. Xứ này trăm con kinh rạch chi chít, lẩn vào rừng cây lùm xùm là trốn sang được đất bạn. Mùa này mấy cái casino bên đó hay lừa người nhẹ dạ cả tin “việc nhẹ lương cao” mà vượt biên sang đó. Cứ nghe dụ làm mùa Tết kiếm cả trăm triệu. Tiền đâu chưa thấy chứ đánh đập bắt nhốt, lừa đảo đầy rẫy ra. Vậy mà thiên hạ tin sái cổ ra. Lúc đi háo hức, lúc muốn về phải tốn tiền chuộc lên mấy trăm triệu. Nghĩa chạy ngang mấy chú bộ đội làm bộ ngơ ngác như hổng biết chuyện gì. Thấy trên bờ tía đã đứng sẵn để phối hợp bắt đối tượng. Nhìn mặt đám người lạ cũng toàn mấy thằng choai choai chắc bị dụ sang biên giới với lời đường mật. Tết năm nào Bộ đội Biên phòng lại không căng mình trực chiến mấy vụ này.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Tía về kể cho ngoại nghe thằng cháu đã lập công lớn khi phát hiện nhóm đối tượng vượt biên khiến ngoại cười tươi rói. “Hèn chi bữa kêu đi chợ sắm đồ Tết, đi từ sớm mơi mà trưa trời trưa trật mới về. Hỏi nó đi đâu nó nói nó đi làm việc nghĩa. Tên Nghĩa thì phải làm việc nghĩa là đúng rồi”. Chiều Ba mươi Tết, tía tranh thủ về để có bữa cơm gia đình rồi vào đơn vị trực, sáng mồng Một lại giao lưu chúc Tết với biên phòng nước bạn sang thăm. Ngoại gật gù nhưng vết chim di xếp lớp lên đuôi mắt.

Nhưng bữa cơm chiều chưa kịp xong thì đã nghe tiếng xe máy nơi đầu cổng rào. Bóng anh Nhân thấp thoáng. Phía sau là cô gái nhỏ nhắn có mái tóc dài đen nhánh. Anh Nhân được thưởng phép dịp Tết năm nay bởi thành tích năm rồi tham gia giải cứu được mấy đứa trẻ người Việt bị lừa đảo qua tỉnh Svay Rieng giáp với cửa khẩu Mộc Bài. Trong câu chuyện kể ngày cuối năm, có luôn câu chuyện anh Nhân khi bị nhóm tội phạm bắn trúng lúc đang vây bắt đối tượng. Cô gái nhỏ nhắn này chính là cô quân y đã tận tình trong đêm theo xe cấp cứu chuyển anh lên bệnh viện tuyến trên. Tình yêu cũng chớm nở trên vùng biên cỗi cằn. Tía nhìn thằng con nay là đồng đội rắn rỏi và cô gái cạnh bên mà cười gật gù ra chiều ưng ý.

Đêm Giao thừa năm nay nhà ấm khói nhang, ấm luôn tiếng cười. Ngoại dắt cô gái quân y ra mé sàn lãng ngó về đầu nguồn sông Trăng. Ngày đó chuyện của ngoại với ông cũng là từ một anh Bộ đội Cụ Hồ với cô chiến sĩ giao liên. Sông Trăng muôn đời vẫn vậy. Đất này ôm người chiến sĩ của những năm tháng kháng chiến vào lòng. Sóng nước hóa phù sa người con gái ký thác đời mình vào bồi lở sông Trăng. Chồng và con gái nằm đây nên cả đời ngoại luôn gắn với sông Trăng. Ngoại mong cô gái quân y từ miền Đông đất đỏ anh hùng sẽ về làm cháu ngoại cũng phải thương sông Trăng như thương những phận đời biên trấn. Đêm Giao thừa gió ngọt nước đồng. Sông hát lời sum vầy. Trăng nơi này cũng dày nghĩa nhân.

Truyện ngắn của TỐNG PHƯỚC BẢO