Mặt trăng ngày đầu tháng chỉ hắt chút ánh sáng lên bầu trời thẳm, tiếng chiêng vang vọng trong khu rừng mả bị gió đẩy vào đêm khuya sâu hun hút khiến mọi thứ trở nên mênh mang, khó nắm bắt. Chêp đứng trên tảng đá lớn của núi Kor nhìn về phía ánh lửa bập bùng nơi rừng mả, tiếng chiêng vang ra từ đó, tiếng chiêng bỏ mả. Còn hai đêm nữa thôi, lễ Pơ thi(*) của chị Huơ sẽ kết thúc. Chị Huơ đi về cõi mang lung, sẽ chẳng còn vướng bận đến người sống được nữa. Đến ngày kia, Gei sẽ phải nối dây với Khel. Mọi thứ nhòe đi trong sương, trong ánh trăng mờ. Lời của anh Khel cứ ung ung bên tai Chêp: "Gei phải lấy tao làm chồng, Gei phải nối dây với tao thôi".

Chị Huơ của Gei mất rồi. Chị mải làm rẫy ngày mưa, về cứ đau sốt liên miên rồi cứ thế yếu dần đến một sáng chị chẳng dậy nhóm bếp được nữa. Hai đứa cháu còn nhỏ quá, cứ bám chặt lấy dì Gei mà khóc. Gei nhìn chúng mà đứt ruột, đôi tay dang ra như đôi cánh gà mẹ để che chở chúng. Gei biết chị Huơ thương cái tổ ấm của mình biết bao nhiêu. Chị chẳng dám đi đâu xa, đến cả đi rẫy cũng chỉ muốn nhanh được về nhà với chồng con. Gei thường hay trêu chị, không biết chị muốn về nhanh với anh Khel hay về nhanh với con.

- Ơ, Gei, mày không nghe lời cha mẹ thì mày làm mất danh tiếng của mày, của cả cha mẹ. Danh không có là kẻ bỏ đi, tiếng không vang là người chưa lớn. Mày như chiêng đã lạc, như trống đã thủng. Mày phải nghe lời để cha mẹ chỉnh mày như chỉnh chiếc chiêng lạc bộ, rèn mày như rèn con dao đã cùn. Mày đừng cứng đầu như cây tre già không uốn cong được nữa, đừng như nước nhiễm phèn mãi không hết đục. Lời cha bảo mày không thèm nghe, lời mẹ dạy mày không chịu nhớ. Chuyện nhỏ mà sai thì nộp phạt bằng gà, chuyện to thì chịu phạt bằng heo. Chuyện quá đáng thì phạt bằng trâu, bằng bò, chuyện thân người thì phải đền bằng mạng.

- Khi cột nhà gãy thì phải thay, sợi dây đứt thì phải nối lại. Con Huơ chết rồi thì phải có người khác thay, để thằng Kyu, con Ngai được chăm sóc. Nếu mày không thương cháu mà thay vào cho con Huơ thì nhà nó tan tác, sẽ như dòng suối không có nước. Mày gánh không nổi, vác không kham mà còn cố bướng. Nay nhà mình không có trâu, không có bò đền cho thằng Khel thì phải thay bằng mày thôi.

Gei biết, lời cha mẹ nói như vậy nhưng lòng cha mẹ cũng đau lắm. Cha thương cô nhất. Từ ngày chị Huơ bắt được anh Khel về ở cùng nhà, cha nhìn chị Huơ tươi tắn cùng chồng ra ra vào vào như đôi chim, cha lại càng yêu thương Gei nhiều hơn, chờ đợi Gei sẽ lớn rồi tự mình nói chuyện với bà mối để bắt chồng về cho nhà thêm đông, thêm vui. Từ ngày Gei đi học trường nội trú tỉnh, con gà nuôi chỉ để lấy trứng cho cô cuối tuần mang lên trường ăn, con heo nuôi chỉ đợi lớn, đợi có người hỏi mua mà bán cho cô có tiền đóng học, mua áo đẹp. Cha không nói ra, nhưng cha luôn tự hào khi thấy Gei có thể đi xa khỏi làng, học hành giỏi giang. Nếu không vì ba, bốn năm trở lại đây, việc làm rẫy ngày càng lụi, cà phê ngày càng mất giá thì cha đã mua cho Gei cả chiếc xe tay ga để cô có thể chạy từ trường về nhà trong ngày chứ không cần đợi đến cuối tuần.

Vậy mà giờ, từ khi chị Huơ mất, mẹ ốm đến ngơ ngác chẳng thể trông được cháu, hai người đàn ông ra vào như chiếc bóng chỉ đợi cuối tuần Gei về thì căn nhà mới bừng lên sức sống cần có của một ngôi nhà. Anh Khel nói: “Phải nối dây thôi. Nhà không có đàn bà không được. Gei đã đủ tuổi lớn rồi. Không cần phải học nữa đâu, về làm vợ anh Khel, làm mẹ của thằng Kyu, con Ngai thôi”. Cha trầm ngâm nhìn mẹ nằm còng queo ôm hai đứa cháu nhỏ bên bếp lửa lạnh tanh, không gật đầu mà cũng chẳng lắc đầu, cha đang nhớ về một bếp lửa đầm ấm, thơm mùi cơm mới mỗi sáng. Đến khi quyết định đó được nói ra, Gei lắc đầu, bỏ chạy. Phải gác lại tất cả. Gei không thể. Nhưng cái chân không thể đưa Gei chạy xa, bởi dáng ngồi bó gối như tượng của cha, cha cũng như cô, chỉ mạnh được lời chứ trong bụng cũng đau đớn lắm.

*

*   *

Anh rể muốn bắt Gei phải nối dây, đấy là tục lệ không có gì phải bàn cãi. Tình yêu mới chớm của Chêp với Gei vội tàn. Bài hát mà Chêp hay hát đang vận vào Chêp. Giờ Gei lánh mặt Chêp, chỉ còn mình Chêp cùng lời ca vỡ vụn, những trăng gió triền miên trôi qua tháng ngày.

Chêp hát như bản năng, say sưa, rộn rã, chỉ cần hát là Chêp sẽ ngời sáng, cái sân khấu rộng đến mấy Chêp cũng có thể lấp đầy bằng những động tác tự nhiên, bằng giọng ca nội lực khắc khoải. Khi Chêp hát, không cần đàn, Chêp sẽ tự gõ nhịp bằng tất cả những gì có được bên người, những bản nhạc cao vút và phóng khoáng mang đầy tâm hồn nắng gió được tiếng ca trải dài đến ngút ngàn. Không biết có phải bởi Chêp đặc biệt nổi bật trong lớp vì giọng ca, vì các bài vẽ mang đậm chất Tây Nguyên mà Gei say mê, hay vì cái tính thích lang thang tìm hiểu đây đó mà hai đứa thân với nhau. Rồi chẳng biết từ lúc nào, tiếng hát của Chêp hướng về Gei khiến Gei rung động. Chẳng như những thanh niên ở làng trao nhau vòng hẹn, cả Chêp và Gei đều âm thầm đợi ngày tốt nghiệp để nói ra những lời trong lòng. Gei biết Chêp chọn học ngành sư phạm mỹ thuật vì yêu những sắc màu, hình ảnh của mảnh đất nắng gió. Còn Gei chọn sư phạm tiểu học vì ước muốn được trở thành cô giáo dạy những em nhỏ trong làng. Ngày cầm kết quả đậu vào ngôi trường cả hai cùng mơ ước, Gei đã vui đến nhường nào. Nhưng giờ, mỗi lần về nhà nhìn vào bếp tro nguội lạnh, nghe những lời nói rì rầm như nước của cha, Gei đã chẳng có dũng khí bước đi nữa.

*

*    *

Tiếng chiêng đều đều hòa nhịp, người đã say nghiêng ngả, vậy mà chiêng không say, không lạc đi một nhịp. Vài ghè rượu đã lăn lóc, đống lửa vẫn đều đều sáng, tỏa hơi than rực ấm cả một vùng... Sương bắt đầu trổ xuống từ các đuôi lá, hơi lạnh của đêm len vào những tấm dồ khiến người ngủ say cũng phải khẽ co mình lại cho đỡ lạnh. Cô giáo Vân đưa mắt tìm, bóng đêm nhập nhòe giữa sương và lửa. Vân vô thức bước đi, bàn chân trần trên đất, đất bị những bước chân giẫm cho tơi bụi. Mùi thức ăn, mùi rượu, mùi máu của động vật hòa với sương đêm hỗn độn khiến ai không quen chắc sẽ phải bịt mũi, bước chân quen với giày dép sẽ trượt vào bụi. Vậy mà Vân vẫn điềm nhiên bước. Vân bước theo tiếng của đêm, một tiếng khóc rỉ rả như lời hát của dế, của côn trùng nỉ non, bước sâu vào khu nhà mồ.

Trăng đầu tháng, cong lên mỏng mảnh, ánh mắt quen với đêm đã thấy sáng đường hơn, nhưng vẫn hơi rờn rợn vì bóng cây đan cài lên nhau. Vân dần bước vào nơi có mùi gỗ mới, những bức tượng gỗ có hình thù kỳ dị khiến những người yếu bóng vía sợ hãi giờ đây lại khiến Vân yên tâm hơn. Cô nghiêng tai lắng nghe trong ing oang nhịp chiêng, có tiếng khóc rất khẽ. Cô bước dần về phía cổng nhà mồ, tiếng khóc nghe rõ hơn, Vân dừng chân định hình lại một chút. Ngay chân cái tượng nhà mồ hình một người phụ nữ ôm bụng bầu tròn là một cái “tượng” khác, đen như bóng đêm, đang co người lại.

- Gei!-Vân gọi khẽ. Bóng đen quay ngoắt lại, ánh mắt chạm vào trăng sáng lạnh lên một khắc, rồi vỡ òa. Gei nhào vào lòng Vân nức nở. Vân im lặng, vuốt ve cái thân hình mảnh dẻ, dường như những cảm xúc của Gei đã có nơi để trút bỏ. Chỉ có những tiếng nấc, chỉ có những giọt nước mặn ấm này mới xua tan những ấm ức trong lòng Gei nên Vân để mặc cô học trò khóc.

- Cô tới lúc nào?... Sao cô lại biết?-Hồi lâu sau Gei mới rời vòng tay cô giáo để hỏi chuyện.

- Cô mới xuống làng lúc chiều tối. Chêp rủ về cùng.

- Thế Chêp đâu?-Gei vụt đứng lên nhìn quanh quất-Chêp đâu rồi?

- Chêp đang ở chỗ uống rượu cần. Gei sao rồi?

Nước mắt Gei trào ra, rồi lại úp mặt vào tay cô giáo Vân tức tưởi. Cả năm qua, ngực của Gei cứ căng tức, cái căng tức đến nghẹt thở mỗi khi thấy Khel-anh rể của cô. Chẳng như lúc còn chị Huơ để vui cười, mỗi khi chạm vào mắt anh Khel là ánh nhìn của Gei lập tức đổi hướng, nó chúi ngay xuống đất như con gà đang tìm thóc ăn. Gei biết, nỗi căng tức đang bóp nghẹt tim cô là gì, đó là sự uất ức, là tức giận, là ghét bỏ, là xua đuổi. Nhưng Gei nào có quyền đó, bởi bàn tay hai đứa trẻ đang níu sau váy mình.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ 

Cô Vân biết mình đã bỏ lỡ điều gì đó, vì khi nhìn những bức tranh của Chêp, cô thấy nó lạc mất vũ điệu tươi vui, chỉ còn những sắc màu rợn ngợp, u uẩn. Bằng sự nhạy cảm của mình, cô Vân kết nối trạng thái rời rạc của Chêp với cô gái mắt nâu đã lâu không còn cùng Chêp đến xưởng vẽ.

“Trâu bò không ai ép thừng, trai gái không ai ép duyên. Nếu Gei đã có người thương thì mày phải nói ra, đừng như con rùa rụt cổ nữa”. Tiếng cha cất lên khi căn nhà vừa được Gei thổi lửa. Mẹ giật mình ngồi dậy, chiếc chăn mỏng rớt xuống sàn, ánh lửa bùng lên soi rõ những khuôn mặt quanh bếp. Hai đứa cháu sau một ngày chạy chơi cùng lũ trẻ đã lăn ra ngủ ngon lành cạnh bếp, gương mặt như còn vương lại nụ cười vui vẻ.

- Con muốn học-tiếng Gei ắng lên trong cổ-con cũng đã có Chêp trong lòng, con không muốn nối dây với anh Khel, nhưng con sợ...

- Đã không muốn thì phải nói-tiếng mẹ ho húng hắng, bàn tay gầy guộc lần xuống nắm lấy tay Gei-đừng lo, cha mẹ vẫn còn lo được cho hai đứa nhỏ. Chỉ cần đền cho thằng Khel là được thôi mà.

Chêp cúi người bước vào khung cửa đã ấm áp ánh lửa. Chêp còn trẻ lắm, Chêp vẫn chưa biết hết những gì đợi mình và Gei ngày mai. Chêp chẳng trách Gei, nhưng mắt Chêp còn nóng hơn cả bếp lửa đang cháy. Đôi mắt thẳng thắn chẳng chút sợ hãi, chỉ nhói lên những chờ đợi thương nhớ. Chêp đến ngồi cạnh cô Vân, nhìn Gei và mỉm cười. Chắc chắn sẽ có cách mà, những đứa trẻ đều phải lớn, những người già sẽ già đi, còn những người trẻ như Gei và Chêp sẽ là người mạnh dạn bước tiếp đến ngày mai thôi...     

      --------

(*) Pơ thi hay còn gọi là lễ bỏ mả, là nghi lễ quan trọng của đồng bào Tây Nguyên với ý nghĩa tiễn đưa người thân đã chết về với thế giới của Yàng (trời), thường được làm sau khi mất từ một năm.

Truyện ngắn của LÊ THỊ KIM SƠN

leftcenterrightdel
Tác giả Lê Thị Kim Sơn.