Chuẩn bị đi ngủ, như thói quen, Lý Cấu lướt qua Facebook một lượt xem Mùa Và có đăng bài bán thổ cẩm nữa không, thì thấy hiện lên trên nhóm bản Nặm Khao một cặp trâu mẹ con gầy guộc được chủ rao bán với giá 20 triệu đồng. Ngắm đôi mắt buồn của con vật bị kéo ách cày trên thửa ruộng cằn cỗi, tự dưng mũi anh cay cay, Lý Cấu lập tức gọi điện hẹn chủ trâu sáng mai ở nhà để anh lên xem.

Cha anh nằm ở gian ngoài ló đầu ra khỏi chiếc chăn bông cất giọng ngái ngủ:

- Năm nay trâu, bò mất giá, mày mua để làm gì? Nhà có một con trâu tháu nghịch như quỷ sứ chưa đủ mệt cho tao hay sao?

Lý Cấu bảo cha ngủ sớm, sáng dậy nếu rét quá thì anh sẽ đi xem trâu một mình. Cặp trâu gầy đó khiến Lý Cấu nhớ đến “con trâu ông Ghi” năm nào, hồi anh còn học cấp ba. Buổi đó, học xong 5 tiết ở lớp, vừa tắt con đèo Khau Có về đến bờ rào đá, Lý Cấu thấy trong vườn mình có con trâu cái già, lông trụi gần hết như bộ xương da di động lẩn trong đám cỏ tranh đã úa vàng. Nó mải miết gặm cỏ đến quên cả phe phẩy cái đuôi thẳng đuột qua hõm mông. Cha ngó ra đầu hồi, trông xuống bảo:

- Chiều nay, mày không đi học thì chăn nó nhé. Dắt lên khe đồi Cốc Cai mà thả, ở đó còn nhiều nách lúa nếp.

- Sao cha mua con trâu xấu thế? Đọ thế nào với trâu nhà thằng Dếnh, thằng Hòa? Con ứ đi chăn đâu!

- Ơ cái thằng này buồn cười nhể, trâu tao mua về để cho chúng mày thi thố với nhau à?

Ăn bữa trưa xong, Lý Cấu phụng phịu dắt con trâu già mũi dai nhách lên khe đồi Cốc Cai theo lời cha dặn. Con trâu sà xuống đám ruộng nếp một vụ đứng chôn chân ăn cụt cả thân cây lúa nếp người ở bản đã hái hết bông. Bọt trắng trào ra hai bên mép mỗi lần nó vớ được nắm cỏ bờ lá mới chuyển màu đỏ mận lên nhai lấy nhai để. "Chủ mày tệ quá, chắc cột nhẵn gốc tre nên mày mới tội nghiệp thế, trâu à!". Lý Cấu lấy chiếc chuông thòng vào cổ con trâu rồi trèo lên thân cây sau bị mưa xối bật gốc, ngồi vắt vẻo thổi sáo. Bọn thằng Dếnh, thằng Hòa, cái Lỷ nghe thấy bài sáo “Núi cao” quen thuộc cũng lần theo, lùa cả đàn trâu đến. Lũ trâu nghé rửng mỡ cọ cặp sừng mới nhú vào nhau chán chê thì nhảy cẫng lên, rảo chân phi thẳng xuống những đám ruộng bậc thang làm những con trâu đực điên tiết mài sừng vào bờ ruộng, mắt vằn lên những tia máu chuẩn, nghiêng đầu ngắm thế chuẩn bị chọi nhau.

- Con trâu thằng Lý Cấu rụt cổ như ông Ghi vậy, chúng mày ơi. Gọi nó là “con trâu ông Ghi” nhé!

Cả bọn ôm bụng cười nắc nẻ. Chúng đi mót bông lúa nếp người ta quên hái đem về gom từng thành cụm nhỏ, bật diêm châm những lều rơm của người bẫy chim cu rừng cho nổ lép bép thành bỏng rồi cắn chắt với nhau. Thằng Hòa ngắm nghía “con trâu ông Ghi” của Lý Cấu, phán câu xanh rờn: “Cặp sừng của nó ác đấy”. Con trâu đực của cái Lỷ chọi thua, quay đầu bỏ chạy. Những con trâu còn lại hăng máu lao theo. Mấy đứa vội vàng chạy theo về hướng bờ sông, nơi đó người trong bản trồng cải bắp, su hào, khoai tây... không để đất nghỉ lấy một ngày. Cốc Cai chỉ còn nghe tiếng ăn cỏ lặng lẽ của “con trâu ông Ghi”. Nó kễnh bụng tròn vo cũng là lúc mặt trời tắt nắng. Lý Cấu dắt nó theo lối mòn xuyên khu rừng, lá đỏ bay lòa xòa xuống gốc, dệt thành tấm thảm thơm thoang thoảng.

leftcenterrightdel
Minh họa: HẠM HÀ 

Chỉ mấy tháng chăn dắt, con trâu trút bỏ lớp vảy mốc thếch trên người, thay bằng nước da đen bóng. Lông của nó mọc trở lại và bộ xương di động đã biến mất lúc nào không hay. Nó ngụp chán chê trong lòng suối, dưới ánh nắng lấp lánh sau rặng tre ngà, cặp sừng nhọn hoắt ngạo nghễ nhô lên khỏi mặt nước khiến con chuồn chuồn ớt tưởng chỗ đậu vững chãi đã sà cánh xuống hỏi thăm. Lý Cấu còn ngạc nhiên hơn khi thấy thằng em Lý Cán quặp ngón chân vào cẳng sau của nó, ì ạch trèo lên lưng làm chiếc quần tuột xuống nửa mông mà vẫn không leo lên được. Thằng bé mon men ra đằng trước, sờ cặp sừng của con trâu đang cắm cúi gặm cỏ trên bờ ruộng thủ thỉ điều gì đó rồi đặt chân lên đầu nó, trèo ngược lên lưng và xoay người lại cười khanh khách. Cả buổi, thằng bé ngồi vắt vẻo như thế, nắm cuộn dây thừng thỉnh thoảng giật giật không để trâu lè lưỡi liếm mất cụm lúa ven bờ. Thế mà về nhà, cha đem roi đánh Lý Cán một trận vì tội nó dám cho trâu xuống Vằng Ngước tắm, lại còn bám vào đuôi trâu tập bơi ở đó. Vằng Ngước là đoạn suối sâu nhất, có những vách đá ngầm thông xuống tận cửa sông Cụt. Người ở bản Nà Đăm nói đó là chỗ ở của thuồng luồng chuyên bắt trẻ con và thiếu nữ đẹp. Mùa lũ, mấy lần bè mảng của người trên ngược chở trúc sào ngang qua bị hút xoáy của nó đánh tan. Cái xoáy nước đầy bọt đỏ ngầu, réo ồ ồ có thể nuốt chửng 10 con trâu mộng... Tiếng khóc của thằng em làm Lý Cấu cũng rơm rớm theo.

Một lần, Lý Cấu đi chăn, nó ăn no thì lững thững xuống bờ suối uống nước rồi bất ngờ bơi qua khúc Vằng Ngước sang tận đồng Nà Khao, nơi đó có nhà chủ cũ của nó. Nhớ trận đòn của thằng em, Lý Cấu vội vã chạy dọc bờ suối đến chỗ cầu treo sang bên kia mới vòng lại đón đầu con vật. Tìm bở hơi tai, Lý Cấu thấy nó đang đọ sừng với một con trâu cái cao lớn, mỡ màng. Hai con chọi nhau kịch liệt, cuối cùng, con trâu kia “ngứ nghẹ” lên đau đớn rồi quay đầu bỏ chạy. Mấy ông ké, bà cụ đi chăn trâu gần đó trầm trồ: “Con trâu này nhà ai mà đẹp quá! Trông 4 cái xoáy của nó kìa, đều tăm tắp...”; “Cháu con nhà ai?... Ồ, tận Nà Đăm sang đây á? Sao đi chăn xa thế?”... Lý Cấu chào mọi người rồi dắt trâu về, trong lòng vui sướng vì nhận được nhiều lời khen cho đến khi cả người lẫn trâu dừng lại bên bờ suối vắng, trời đã nhập nhoạng tối. Không đời nào con trâu chịu đi qua cây cầu treo đu đưa tận trên kia, nhưng không thể ở mãi bờ bên này đợi cha đi tìm được. Nghĩ làm liều, Lý Cấu trèo lên lưng trâu, thúc hai chân vào mạng sườn của nó. Con vật lúc lắc cặp sừng xua đàn muỗi, ruồi ong ong bên tai rồi lội xuống nước. Nó bơi qua được nửa con suối thì thích tắm mài người ra đầm bùn, ngụp đầu xuống. Lý Cấu cuống cuồng hối nó đi tiếp. Con vật bơi xuôi dòng nước, chẳng mấy chốc lại đến gần Vằng Ngước. Lý Cấu nhắm chặt mắt lại, mồ hôi vã ra. Mẹ thường bảo thuồng luồng náu dưới vực sâu, chực kéo người xuống nước ăn thịt cho nên người ta mới lập miếu thờ. Nhưng bà ngoại từng nói thuồng luồng là loài vật linh thiêng, chỉ trừng trị kẻ ác, còn người hiền lành thì nó giúp đỡ, ban phát của cải cho đem về. Chẳng phải Lý Cấu chăm chỉ, con trâu này đã được truyền cho sức mạnh chiến thắng con trâu to lớn ở Nà Khao hồi nãy sao? Bỗng toàn thân Lý Cấu được nhấc lên khỏi mặt nước, cậu mở mắt đã thấy mình với con trâu đang ở trên bờ, thủng thẳng đi về Nà Đăm dưới ánh trăng mờ ảo. Lý Cấu òa lên khóc vì thoát nạn.

Con trâu cày khỏe, khi Nà Đăm có máy cày đảm nhiệm những đám ruộng bằng thì nó vẫn cần mẫn lôi ách trên ruộng bậc thang, lội ruộng lầy, thậm chí cày rọc bờ chỗ máy cày không vào sát khúc cua được. Nhờ thế, cha Lý Cấu trở thành thợ cày có tiếng. Nó không ngán chọi với cả những con trâu đực bướng bỉnh khiến Lý Cấu càng thêm tự hào với chúng bạn. Ba năm hai lứa, nó đẻ lần nào cũng được con nghé đẹp mã. Nhờ thế mà nhà Lý Cấu thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Cho đến một ngày đông, nó nằm gác đầu lên gióng cửa chuồng, mãi mãi không dậy nữa.

***

Lý Cấu đi bộ đội trên biên giới. Những cơn gió mùa Đông Bắc đem theo nỗi nhớ Nà Đăm đến với anh mỗi lúc thay ca. Đường tuần tra, bước chân anh không mỏi. Thỉnh thoảng theo cán bộ xuống bản làm công tác dân vận, Lý Cấu nhận ra không phải nơi bản cao, ai cũng yên phận với cái nghèo. Ở nơi có rừng hoa lê nở, anh gặp Mùa Và, cô gái có nụ cười duyên đến say lòng. Nhà Mùa Và có 4 chị em gái nhưng ai cũng chăm chỉ làm lụng, học hành đến nơi đến chốn. Trang trại của nhà cô có đủ lợn rừng, trâu, bò, gà, vịt... với máy băm cỏ, máy xay xát, máy cày. Mùa Và còn tự học thêm tiếng Anh để bán thổ cẩm trên mạng cho khách nước ngoài. Mỗi lần lên nhà chơi, ngồi nói chuyện với chị em Mùa Và bên bếp lửa, Lý Cấu càng thêm khâm phục rồi nuôi dưỡng ước mơ của riêng mình.

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về Nà Đăm, việc đầu tiên Lý Cấu làm là đăng ký đi học lớp trung cấp thú y. Đận trước, Mùa Và bảo anh rằng nếu chịu khó thì lên nhà gặp người lớn, cha mẹ cô sẽ cung cấp con giống tốt cho anh đem về chăn nuôi. Lý Cấu quyết định tập trung công sức làm trang trại ở chính khu đồi nhà mình. Anh dựng lán, bắc nước, thuê máy đào ao thả cá, xây chuồng trại.

Vào những ngày cuối năm, cái nắng vừa hửng lên sau trận mưa nhè nhẹ như hơi thở của núi, không khí dìu dịu giữa không gian yên ả. Cặp mẹ con trâu được chủ nhà buộc ở gốc cây nhãn đầu sân, không đến nỗi gầy như “con trâu ông Ghi” năm nào nhưng cũng thuộc dạng thiếu cỏ, thường xuyên bị đói. 20 triệu đồng chuyển qua tay người đàn bà đơn thân không một lời mặc cả, Lý Cấu thuê xe chở trâu về Nà Đăm, dắt tắt cánh đồng Cốc Cai lên trang trại của mình. Vừa xuống đến đám ruộng chưa kịp cày ải đông, con trâu căng sợi dây thừng, phì phò mũi đòi chúi xuống gặm cỏ. Cả thời niên thiếu hiện về như mới ngày hôm qua, con trâu già cõng anh qua Vằng Ngước ở con suối năm nào như đã trở lại. Trên đời này có thuồng luồng không? Không ai biết và khẳng định điều đó, nhưng lời của người già khuyên bảo nhau không nên đến chỗ nước sâu, vực xoáy, nhất là trẻ em dễ bị đuối nước thì luôn luôn chính xác.

Hè tới, Lý Cấu sẽ cùng đoàn thanh niên Nà Đăm dạy trẻ em học bơi miễn phí. Cỏ sẽ mọc đến tận chân trời, nơi con suối bắt đầu đón những dòng nước chắt ra từ lòng núi. Lý Cấu biết nơi đó có tình yêu vừa thắp lên trong ngực mình với nỗi nhớ Mùa Và. Đợi nhau thêm một mùa hội nữa thôi, chàng trai Tày sẽ đến bản ở lưng chừng núi hỏi cô gái Mông về làm vợ. Môi trường trong quân ngũ đã rèn cho Lý Cấu có bản lĩnh, niềm tin, không đầu hàng khó khăn, quyết tâm bám đất, xây dựng quê hương giàu mạnh. Tiếng sáo vi vút trong thung lũng, tràn xuống bản Nà Đăm, dội vào vách núi vọng trở về đằm đẫy lời thương.

Truyện ngắn của HOÀNG THỊ HIỀN

leftcenterrightdel
Hoàng Thị Hiền là nữ tác giả người dân tộc Tày ở Hòa An, Cao Bằng;
hiện công tác tại Cơ quan thường trú khu vực Đông Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam.