Chú Huy đã vắt cái khăn lên vai định đi tắm những vẫn quay lại hỏi tôi:

- Mai cháu bận rồi à?

Tôi nhận ra vẻ mặt có phần hẫng hụt của chú nhưng chẳng thể lựa chọn khác được. Lâu lắm chú tôi mới ra Bắc, tôi lại bận tối mắt, chú cháu chưa được ngồi ăn với nhau bữa cơm nào:

- Cưới con một chị đồng nghiệp cháu. Nhà tít trong Rộc Trụ, mưa rét thế này nhưng là chỗ thân tình nên cháu vẫn đi.

Chú gật đầu không nói gì nhưng có vẻ không vui. Tiếng xả nước ào ào trong nhà tắm bỗng im bặt. Chú Huy gọi với ra:

- Cháu vừa bảo xóm nào, Rộc Trụ là vừa sáp nhập làng Rộc với bên Trụ à. Sáp nhập thì nghe mới ngang thế chứ nhỉ?

Tôi vẫn chăm chú theo dõi trận đấu trên ti vi chỉ vâng dạ cho phải phép.

Năm giờ sáng, trời tháng Chạp rét đậm, cái lạnh khiến da thịt như bị dao cứa. Tôi dậy, vừa mặc quần áo vừa co ro chưa duỗi thẳng được tay chân ra thì thấy chú Huy ló đầu ra khỏi chăn hỏi:

- Xe còn chỗ không. Cho chú đi cùng. Chị ấy không mời nhưng chả sao cả. Việc hỷ thêm người thêm vui, nhỉ!

May quá, xe còn đúng một ghế. Chú Huy quả quyết là số phận đã dành cho chú chỗ đó. Chú hỏi tôi rất nhiều về chị Hồng và gia cảnh. Chị đẹp, năm mươi rồi vẫn đẹp. Tôi đưa điện thoại cho chú Huy xem ảnh chị trên Facebook. Chú Huy xem ảnh chị xong rồi lặng im.

Xe băng qua một ngầm qua suối. Mùa khô nước cạn phơi những hòn đá nhẵn thín. Có vẻ như ngày xưa nguồn nước dồi dào hơn nên người dân phải dựng những mái nhà sàn tít trên gò cao vì sợ lũ lụt. Chú Huy bảo lái xe dừng lại, cẩn thận đi xuống bờ suối tìm kiếm mò mẫm thứ gì đó rồi gọi tôi váng lên:

- Việt, Việt, xuống đây giúp chú...

Tôi và mấy cậu thanh niên chạy xuống mới lật được hòn đá to lên. Vừa mắm môi mắm lợi nâng lên đã thấy chú lấy được thứ gì đó dưới đó rồi reo lên: “Xong rồi”. Chưa hiểu xong là xong cái gì thì chú Huy đã nhảy tót lên bờ đi về xe...

Chạy thêm một đoạn thì hóa ra làng Rộc khó tìm hơn trong định vị google maps. Cậu lái xe đoán già đoán non hết rẽ phải lại rẽ trái xe vẫn trở lại điểm cũ. Đang xế chiều mùa đông, trâu bò được nhốt trong chuồng nên chẳng có ai đi chăn trâu, chăn bò để hỏi. Tôi đâm ra lo, quay sang hỏi trách chú:

- Đi đường núi nhiều cấm kỵ lắm. Ban nãy chú lấy gì dưới suối mà xe cứ vòng vèo mãi ở chỗ này, hay chú quẳng đi cho nó hanh thông.

- Ơ này, không được, là báu vật của chú đấy. Gần ba mươi năm mới tìm lại được. Mà sao các cháu không định vị bằng nắng nhỉ, cứ chạy xe theo hướng nắng ngả sườn non phía kia nhé, cứ thế cứ thế sẽ đến...

Giờ thì xe đã chạy theo hướng ký ức của chú. Đường núi vắng và tất cả chúng tôi như đang bị thôi miên bởi giọng kể đều đều của người đàn ông có mái tóc bạc phân nửa. Chuyện đã xa, đã lâu rồi nhưng cây cỏ, núi non vẫn như tự năm nào.

*

Mùa đông ở đây khô lạnh và nứt nẻ, chỉ có con suối Rộc được nước từ khu rừng rậm đổ ra nên mùa này vẫn ắp đầy, trong vắt. Sáng chủ nhật, Huy vừa ngắm nghía khảo sát vừa để mắt tìm đá suối. Từ nhỏ, Huy mê mẩn hình dạng các hòn đá bởi ngỡ nó như một câu chuyện bí ẩn của tạo hóa. Nửa cái ba lô anh đeo đựng đá, đá cùng anh đi khắp các công trình miền Bắc. Vừa lúc anh gặp một hòn đá khá lớn. Biết không thể đem về nhưng anh vẫn cố nhặt lên xem. Bất ngờ từ sau lưng vang lên tiếng quát:

- Anh kia, anh đang làm gì, đứng im...

Huy bình tĩnh trở lại vì nhận ra đó là tiếng của một cô gái. Có gì mà nghiêm trọng thế. Chẳng có lẽ mình giống kẻ gian lắm sao nhưng cây súng trường trên tay cô gái người dân tộc thiểu số này thì không đùa được.

- Ấy ấy, tôi không phải là tội phạm đâu nhé... cẩn thận nhỡ cướp cò. Cô có biết sử dụng súng quân dụng không đấy.

Khi Huy quay hẳn người có lẽ nhờ cặp kính cận đang trễ trên sống mũi anh mà khiến cho cô gái bớt đi sự căng thẳng ban đầu. Sau này Huy mới biết vì dạo ấy đang có một tên tội phạm nguy hiểm trốn truy nã nên lực lượng dân quân hết sức cảnh giác. Sau màn “điều tra” khá kỹ lưỡng, đôi má cô dân quân xinh đẹp cứ dần ửng hồng lên. Nhưng Huy cũng chẳng vừa, anh cương quyết đòi gặp bằng được người già trong bản để lấy lại danh dự cho mình.

- Anh là bộ đội hay cán bộ để tôi còn dẫn đi.

- Ơ hay, thế nếu là bộ đội thì sao, còn kỹ sư thì sao?

- À, nếu bộ đội thì bố em bảo mời về nhà ăn cơm, uống rượu. Còn nếu là kỹ sư thì mời sang nhà bác cả làm chủ tịch xã. Bác ấy mong gặp kỹ sư lắm.

Hai người đi dọc con suối, thắc mắc vì sao đến giờ vẫn chưa có cây cầu bắc qua suối Rộc. Đi sau Hồng cả đoạn đường, nhiều lần, Huy cảm nhận được rõ làn hương từ mái tóc của cô. Khi câu chuyện cởi mở hơn, Huy biết tên cô là Hồng. Tới nơi, đón anh ở màn thang là một người đàn ông chừng năm mươi tuổi, áo bộ đội đã bạc màu. Ông tự giới thiệu mình tên Hậu, từng là bộ đội chống Mỹ giờ làm chủ tịch xã.

- Anh là kỹ sư ư, sao đi một mình?

- Lần này cháu về đây là để khảo sát trước vài ngày nắm tình hình. Mấy hôm nữa sẽ có đoàn về làm việc, cháu định đi thăm dò trước thì bị... Hồng tóm gọn.

Hồng đang lúi húi dưới bếp với nồi măng chua nấu cá ngóng lên nhà lẩm bẩm nhưng vừa đủ lớn để Huy nghe thấy: “Ai bảo một mình cứ lọ mọ, hay định ngắm trộm con gái nhà người ta tắm suối...”.

Ông Hậu nói với anh khá nhiều về sự thất thường của con suối này. Mùa khô, suối hiền hòa nhưng khi có lũ nó trở nên hung hãn, sẵn sàng cuốn phăng đi tất cả. Bao đời nay, nỗi ám ảnh về sự chia cắt giữa làng Rộc và thế giới bên ngoài khiến các thế hệ cán bộ vẫn ấp ủ ước nguyện về một cây cầu. Nhưng có điều, người dân lại e ngại về một điều cấm kỵ mà họ thường kể với nhau bên bếp lửa...

Tất cả chỉ xoay quanh hòn đá nơi duy nhất có thể đặt trụ cầu. Hòn đá tuy không lớn nhưng cả đám thanh niên lực lưỡng trong làng không ai dám xuống để di chuyển. Hồng cắn chặt môi khi thấy Huy là người dám bước xuống và chạm tay vào nó.  

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ 

Cầu qua suối Rộc đã hoàn thành trước thời hạn mấy tuần, đội thi công tiếp tục lên đường bắt đầu nhiệm vụ mới. Trước ngày chia tay, các mế, các ún đồ xôi, gói lá dong để các anh làm lương khô ăn đường. Những năm tháng đất nước còn khó khăn, tình người đơn sơ, mộc mạc. Có điều, đêm qua Huy lên cơn sốt cao, những loại thuốc có ở trạm xá đều không giúp Huy hạ nhiệt nên anh được chuyển gấp ra tuyến tỉnh. Hồng chạy đến trạm xá thì đã không kịp, ánh trăng soi bóng dưới chân cầu Rộc như một niềm bâng khuâng lưu luyến.

Ít hôm sau, Huy bình phục thì nhận được thông báo về cơ quan chuẩn bị gấp để đi học ở nước ngoài. Không kịp tạm biệt làng Rộc. Nhưng dù công việc, học tập giúp anh biết đến những công trình mới có quy mô lớn hơn, anh vẫn nhớ đến cây cầu bê tông nhỏ làng Rộc ngày nào. Sau này có một lần anh đã lặng lẽ quay lại cầu Rộc nhưng đúng vào cái hôm làng có đám cưới của cô dâu tên Hồng. Anh lặng lẽ cất một vật kỷ niệm mà anh đã ấp ủ chế tác từ rất lâu dưới hòn đá đó. Nếu không được trao tận tay, anh quyết không mang ra khỏi nơi đây.

Không lâu sau, anh được phân công chuyển vào phụ trách cơ sở phía Nam. Thời gian trôi qua nhưng con suối trong mát làng Rộc hình như chưa bao giờ ngừng chảy trong tâm hồn Huy.

*

Câu chuyện mà ông Huy kể phải dừng lại bởi tiếng reo của người tài xế:

- Đến rồi, nhà chị Hồng đây rồi.

Qua cửa kính xe, chú Huy thấy một người phụ nữ mặc váy đỏ, màu sắc đẹp nhất mà người dân ở đây dành cho những ngày vui. Đợi cho mọi người bắt tay chào hỏi, chú lặng lẽ ra ngồi một góc hút thuốc và chưa biết phải nói với Hồng như thế nào:

- Bác gì ơi, mời bác vào mâm...

Câu nói của Hồng nghẹn lại bởi ngưới đứng trước mặt. Mặc cho tiếng hát, tiếng chúc tụng đang vang lên trong rạp, họ đã nói với nhau về câu chuyện của ba mươi năm qua. Hồng xúc động khi cầm chiếc lược sau bao năm không bị nước suối Rộc ăn mòn. Chiếc lược khắc hình cây cầu năm ấy, cả ngày, tháng, năm... Kỷ niệm là độc bản. Gió xuân đang thổi trên vùng quê, những nụ đào chúm chím chực bung nở. Chú Huy lặng im giây lát rồi lên tiếng:

- Anh đâu biết ở nhà em có thêm tên khác nên đã tưởng đám cưới của chị Hồng xóm trên là của em. Nhưng thôi, cái gì đã qua dù tiếc nuối nhưng vẫn cho chúng ta một ký ức đẹp. Năm hết Tết đến nơi rồi, con cái lớn cả, cùng vui với các con nào.

Chú Huy nói rồi cầm chén rượu men lá đi khắp các mâm. Nhìn chú tựa như một người con của làng Rộc từ lúc nào...

Truyện ngắn của BÙI VIỆT PHƯƠNG