Dịp Tết Dương lịch này, theo lịch trực của đơn vị, Cường được về sum họp cùng vợ con. Điều ấy khiến Cường thêm háo hức và cũng là một phần nguyên nhân khiến anh khó ngủ. Sau vài động tác hít thở khoan khoái, Cường cố gắng lắng mình lại để cơ thể nghỉ ngơi. Bất chợt anh nghe tiếng khóc thút thít của trẻ con. Lại là thằng Chạc đây mà. Tiếng khóc của thằng bé 8 tuổi khiến Cường thấy lòng xon xót.
Ba năm trước, đồn nhận nuôi thằng Hon ở Tả Ngài Chồ. Năm nay, Vàng A Hon đã học lớp 8 rồi. Trộm vía, nó là cậu bé khỏe mạnh, thông minh và khéo léo. Nó gọi tất cả anh em trong đồn là bố, đặc biệt là Thuấn, người gần gũi nó nhất. Mấy hôm nay, Hon được thầy cô đưa ra tỉnh cùng mấy bạn nữa để tập huấn chuẩn bị cho hội thi thể thao sắp tới. Thằng Hon theo đuổi môn bắn cung mà nó yêu thích.
Thằng Hon đi vắng thì đứa đang khóc là thằng Chạc. Hẳn là nó nhớ nhà. Cường vội ngồi dậy, mở cửa, bước ra ngoài. Phòng hai thằng con nuôi của đồn nằm cuối dãy nhà, tiếp giáp với vườn hoa, quang cảnh thông thoáng. Anh em vẫn thường đùa, đây là căn phòng có phong thủy tốt nhất mà đơn vị dành cho hai đứa để yên tâm mà học hành. Nghe tiếng gõ cửa thì thằng Chạc ngừng khóc. Nhận ra tiếng Cường gọi, nó bật điện lên rồi đi ra mở cửa. Cường liếc qua căn phòng nhỏ gọn gàng với chiếc tủ quần áo, bàn học. Ngay cả chiếc giường cũng vậy, chăn gối vẫn vuông vức, phẳng phiu. “Khuya rồi sao con chưa ngủ?”. Thằng Chạc nhệch miệng ra: “Con nhớ mẹ lắm”. Cường ngồi xuống giường, bên cạnh thằng Chạc, khẽ xoa đầu nó và bảo ngủ đi, mai còn đi học, cuối tuần bố đưa về thăm nhà.
* *
*
Trái ngược hoàn toàn với thằng Hon, thằng Chạc là đứa trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, cùng lúc vừa có bệnh đường ruột và hen suyễn. Tám tuổi Chạc mới lần đầu đến lớp học nên nhút nhát. Thằng bé tuy yếu ớt nhưng lại rất khôn. Có lần, nó hỏi Cường:
- Thế con của bố ở nhà thì ai đưa đi học ạ?
- Thì vợ của bố đưa đi học. Với cả ông bà nội đưa đi.
- Ông bà nội là ai ạ?
Thằng Chạc không có bố nên hiển nhiên nó không biết ông bà nội là ai. Cường vẫn nhớ câu chuyện của một đồng đội. Đấy là khi về ăn Tết cùng vợ con. Anh ấy kể chuyện thằng Hon được các bố biên phòng tặng cho cái xe đạp mới, trên đường đi học, cứ chỗ bẩn là cậu ta xắn quần, vác xe lội qua. Bẩn chân thì xuống suối rửa, bẩn quần áo thì giặt. Chứ bẩn xe xót lắm. Mấy đứa con của anh cười phá lên, còn vợ anh thì xị mặt ra giận dỗi: “Hon, Hon cái gì. Cứ về nhà là lại kể chuyện Hon. Nó là con đơn vị hay là con của anh, ai mà biết được. Con mình thì bỏ phống cho vợ, cho ông bà, đi chăm con người ta”.
Kết thúc câu chuyện, anh ấy cười nhạt: "Phụ nữ mà. Họ nhạy cảm hơn cánh ta nhiều. Còn mình thì cứ vô tư thôi. Gian truân, vất vả là thế. Hy sinh là thế. Nhưng tôi đố các ông dám về mà kể với bố mẹ và vợ con ông những điều chúng ta cùng anh em trải qua mỗi ngày ở đây. Khi các con đòi bố kể chuyện biên giới thì ông kể chuyện gì? May còn có thằng Hon".
Giờ đơn vị có thêm thằng Chạc nữa. Ngoài hai đứa con nuôi tại đơn vị, đồn còn nhận chu cấp cho sáu cháu trong địa bàn ăn học và hai cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Những đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở vùng biên giới này thiệt thòi lắm. Thiên tai, bệnh dịch, tệ nạn, đói nghèo bủa vây, chặn đứng những cánh cửa ước mơ. Có em sinh ra trong gia đình có cả bố, ông nội và các chú ruột đều nghiện ma túy, mẹ bỏ đi sang bên kia biên giới làm ăn không về. Các anh em ở đồn biên phòng ai cũng tranh thủ hết mức hậu phương của mình. Anh nào có vợ là giáo viên thì vận động xin đồng phục cũ của học sinh, xin sách vở, sữa, đường, xin bánh trung thu của các mạnh thường quân. Anh có vợ làm bưu điện hay hành chính thì xin cước vận chuyển hàng, xin nhân lực để bốc dỡ hàng, trao quà cho các cháu...
Mới hôm trước, Cường gọi điện bảo vợ: "Em có ít quần áo nào còn mới mà không mặc đến, cả quần áo của cu Hùng nhà mình nữa, thì đóng gói gửi cho anh". Là khi đó anh nhớ đến thằng Chạc và mẹ nó.
Chạc lau nước mắt hỏi Cường: “Bố nhớ nhà không? Con thấy bố không về nhà”. Cường bật cười: “Nhớ chứ, nhớ cháy ruột. Nhưng mình là đàn ông, ai lại khóc hu hu giữa đêm bao giờ”. Thằng Chạc nhoẻn cười: “Thế bố về ngủ đi. Con hết nhớ rồi”.
Đúng hẹn, ngày cuối tuần, được nghỉ buổi chiều, Cường xin phép đơn vị đưa thằng Chạc về Tả Ngài Chồ. Nhà thằng Chạc cuối bản, nằm bên kia một dòng suối lớn nham nhở sau trận lũ quét vừa rồi. Nơi ấy cách đơn vị hai chục ki-lô-mét đường chim bay, nhưng đi xe máy thì vẫn cả hai giờ mới tới. Vì đó là bản heo hút nhất, xa đơn vị nhất. Nhiều năm rồi, đồn cử anh em đi tăng cường dưới xã, dưới bản. Cường cũng có gần hai năm tăng cường ở Tả Ngải Chồ nên anh biết rất rõ từng hộ dân vùng này.
Ngồi sau xe Cường, chốc chốc thằng Chạc lại reo lên: “Con nhận ra chỗ này đấy. Chỗ này hồi xưa có hai con đại bàng đánh nhau, rừng bị tóe lửa bốc cháy”. Đi một đoạn nữa, gặp tảng đá bị công binh xẻ đôi làm đường, thằng Chạc lại vỗ vào lưng Cường: “Núi đá này là do ông Thiên Lôi dùng búa chặt đôi ra. Anh Hon bảo thế”...
Khoảng năm giờ chiều thì hai người về đến Tả Ngài Chồ. Trời tối mịt mùng, sương mù ướt áo, trời như vừa làm mưa nhỏ. Thằng Chạc khoác ba lô nhỏ lon ton chạy trước. Cường xách ba lô to đĩnh đạc đi sau. Ba gian nhà gỗ lợp fibro xi măng của mẹ thằng Chạc cũng là công trình hỗ trợ mái ấm của đồn dành cho đồng bào. Mẹ thằng Chạc là người phụ nữ bị liệt hai chân. Ở bản này, không ai biết mặt bố thằng bé. Ông bà ngoại thằng bé đều mất trong một lần đi lấy măng rừng về gặp lũ suối. Mẹ con thằng Chạc bơ vơ rau cháo nuôi nhau... Chính Cường là người báo cáo đơn vị tình hình vô cùng khó khăn của thằng Chạc và được đơn vị lên kế hoạch làm thủ tục nhận thằng Chạc làm con nuôi của đồn sau khi dựng cho mẹ nó căn nhà này.
Nhìn thằng Chạc sà vào lòng mẹ, sờ nắn hai cẳng chân teo tóp của mẹ, Cường phải quay mặt đi chỗ khác. Anh lấy từ ba lô ra những bộ quần áo của Hằng, vợ mình, còn thơm phức mùi nắng, đưa cho chị Dẩu, mẹ của Chạc và nói: “Đây là quần áo mẹ Hùng gửi lên cho mẹ Chạc thay đổi”. Dẩu nhận túi quần áo từ tay Bộ đội Biên phòng mà rưng rưng nước mắt. Thằng Chạc vội đứng dậy, xoay một vòng quanh mẹ và khoe: “Con cũng mặc vừa quần áo của anh Hùng đấy”. Cường dặn dò Chạc, hẹn chiều mai bố đến đón, rồi vội vã quay về đơn vị vì trời đã tối, đường dốc quanh co nguy hiểm, lại còn dày sương.
Cường về đến đơn vị thì gần chín giờ đêm. Sương sa nặng hạt. Thấy sân đồn có đông người và đèn khu nhà chỉ huy sáng trưng. Hỏi một đồng đội thì cậu ấy bảo ở trên chốt, anh em đi tuần vừa đụng độ với một toán vượt biên trái phép. Phía ta bắt được hai đối tượng, nhưng... “Nhưng sao?”. Cậu ấy ngập ngừng: “Đồng chí Thuấn bị thương khá nặng ạ”. Vẫn biết, những sự việc như thế ở đồn là không hiếm. Nhưng lòng anh thắt lại. Mới hôm trước, anh Thuấn hồ hởi thông báo là Tết Dương lịch này, hai anh em mình cùng được về phép. Vậy mà, cơ sự này, anh Thuấn chắc chắn đón năm mới trong bệnh viện. Còn đang bối rối thì Cường thấy điện thoại có chuông. Là vợ gọi. Tiếng Hằng sốt ruột:
- Anh đi đâu mà tắt điện thoại, em gọi anh mấy cuộc không được. Cả chiều nay em cứ thấy nóng lòng.
- Anh không tắt máy. Anh vừa đưa cu Chạc về nhà, trong bản mạng yếu-Cường vội thanh minh.
Giọng Hằng trĩu xuống, đầy ghen tỵ:
- Con sốt virus, cô giáo cho nghỉ học chiều nay. Em đã đưa đi khám và bác sĩ truyền cho con rồi.
- Em lo cho con nhé, mua thêm quả tươi cho con ăn. Chỉ ít ngày nữa anh về. Anh có quà cho mấy mẹ con đấy-Cường cố động viên vợ.
Tiếng vợ anh nghẹn ngào:
- Mẹ con em không cần quà cáp gì cả. Em chỉ cần anh bình an, khỏe mạnh thôi...
Cường suýt nữa buột miệng kể chuyện anh Thuấn bị thương, nhưng kịp thời dừng lại được. Anh về phòng thay quần áo rồi đi luôn lên nhà chỉ huy. Anh em đã có mặt đông đủ ở đó để chuẩn bị cho cuộc họp nhanh. Chắc chắn sẽ có một nhiệm vụ mới đang chờ anh. Trời không có gió, nhưng cái lạnh khan làm Cường chợt nhớ câu hỏi của con trai: “Con đố bố biết gió từ đâu thổi về?”. Cường vội dùng kiến thức địa lý đơn giản để trả lời con, nhưng thằng Hùng lắc đầu nguầy nguậy bảo bố sai rồi. “Mẹ bảo gió từ đồn của bố thổi về. Gió mát là lúc bố đang đi tưới hoa, dạy anh Hon học bài. Gió nóng là khi bố đi tuần tra và chiến đấu với tội phạm...”.
Đêm nay, trời yên gió, sương mù bịt kín mắt. Thời điểm lý tưởng cho các thế lực đen tối ẩn mình, tiến hành những hoạt động phi pháp và anh em trong đồn cũng bước vào giai đoạn khó khăn trong năm. Hơn 16km đường biên và 365 ngày mỗi năm, anh em trong đồn chưa một phút lơi lỏng, mất kiểm soát. Dù khó khăn, gian khổ thế nào thì đồn vẫn vững vàng, là điểm tựa vững chắc cho đồng bào và là pháo đài thép trong phòng tuyến bảo vệ biên giới của Tổ quốc, luôn xứng đáng với niềm tin và trọng trách mà Đảng và Quân đội giao. Và giản dị hơn cả, là xứng đáng với những tiếng gọi bố đầy tin cậy và tự hào của những đứa con ngoan!
Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN