Hơn tám giờ tối Chá mới về đến nhà, người sũng ướt. Căn nhà gỗ cũ kỹ ẩn nấp trong vườn đào bị màn mưa bao phủ. Nếu con chó xồm không sủa lên vài tiếng thì cũng không ai biết là Chá đã về. Vợ con Chá đều đã ngủ hết, hoặc nằm im trên giường nghe tiếng mưa giội trên mái nhà. Bà Thẻn vẫn nhí nhoáy cuộn lanh trên tay dẫu lửa đã tàn trong bếp. Ông Thẻn đứng ngay cạnh con Xồm, vừa quát chó vừa hỏi đầy vẻ sốt ruột: "Có thấy không?". Chá cụp cái ô đen rách tơi tả, trả lời bố, giọng cố tỏ ra bình thản: "Không thấy bố ạ".

Khi Chá nhập ngũ, hai thằng em liền bỏ học và theo bạn bè đi làm ăn xa. Chúng bảo loanh quanh ở bản thì chỉ có mà nghiện hết. Thuở ấy, ngày chúng rời nhà đi, ông Thẻn chẳng những không can ngăn còn xòe hai bàn tay với những cái ngón nhăn nheo ra mà đếm rồi phụ họa: "Chúng bay đi cả đi. Bản này chỉ còn sót vài đứa con trai là chưa nghiện ngập thôi". Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về bản, Chá đảm đương công việc an ninh ở xã. Việc đầu tiên là Chá đi tìm hai thằng em về. Chá tìm thấy chúng ở một công trường đá trong tỉnh. Từ đầu đến chân đứa nào cũng trắng toát bụi đá. Nhưng ơn Giàng, đá và búa làm cho chúng rắn rỏi. Đưa chúng về bản rồi cầm tay chỉ việc từng thằng. Thằng Pá sáng dạ hơn thì đi học cái nghề sửa điện thoại, Chá sẽ xin việc cho làm trên phố, chỗ người quen. Thằng Cay chịu khó việc tay chân hơn thì đầu tư công sức cải tạo lại khu vườn của bố mẹ mà trồng cây. Chá bảo, bây giờ nhà nhà trong bản làm du lịch. Khách du lịch leo lên tận đây ngắm mây, thăm thú, chúng mày không tiếc sao? Cũng không rõ chúng có ngấm lời Chá hay không nữa nhưng chúng không cãi Chá. Bản nằm chênh vênh trên chân ông rồng đá, cuộc sống của đồng bào, nhất là thanh niên cũng chênh vênh sẵn thế, kê thế nào cho bằng, cho phẳng cũng không mấy ai quan tâm nữa. Nơi lưng chừng trời, giữa bồng bềnh mây trắng, giữa mịt mù sương giăng phủ, chúng đi hay về thì cũng chẳng ai biết rõ nữa. Thi thoảng những người già lại hỏi nhau một câu. Lâu chả thấy thằng nọ, thằng kia đâu cả. Thấy làm sao được mà thấy. Ông bà già suốt ngày ngồi bếp ôm củi lửa, đi đến đâu mà thấy mặt bọn trai bản đang độ tuổi bung cựa, quậy tung trời đất.

Thấy con trai cắm cúi ngồi ăn cơm không nói năng gì đến cái xe máy bị mất, ông Thẻn hậm hực đổ lỗi: "Cũng tại mày, đi bộ đội mấy năm liền mà không xin đơn vị lấy khẩu súng. Có súng, thi thoảng giơ lên bắn một phát đạn là bọn nó sợ". Chá dừng nhai, nhìn bố nhưng kìm lại tiếng cười.

Hai đứa em thất học của Chá rồi cũng lần lượt lấy vợ, tu chí làm ăn. Chúng như biến thành những con người khác. Và chỉ có Chá mới biết vì sao chúng thay đổi. Không phải chúng sợ Chá, mà là chúng thương Chá. Thằng Cay bảo bộ đội ở đâu cũng được dân thương. Những người đi bộ đội về làm gì cũng được dân ủng hộ. Dân còn ủng hộ anh thì ruột thịt máu mủ sao có thể phá anh được!

Trước đây, ông Thẻn thường than thở, cái ma túy làm hỏng hết bọn thanh niên ở bản này rồi, cho dù ngày còn bé, chính ông cũng theo bố mẹ đi lên nương phát đốt cây rừng, trồng thuốc phiện. Xưa kia, những sườn núi này được người Mông trồng đầy cây thuốc phiện để lấy nhựa bán. Đến mùa thu nhựa, người ta đem xuống thị trấn bán lấy tiền mua lương thực, thức ăn, dầu, muối. Sau này, có người vào tận hẻm núi cân mua, người trồng thuốc phiện cũng không phải đem đi bán nữa. Nhà nhà trồng thuốc phiện. Nhà nhà hút thuốc phiện từ trẻ con đến người già, từ đàn bà đến đàn ông. Nghiện là chuyện bình thường. Sau đó, nhà nước cấm trồng, cấm hút thuốc phiện thì dân lại vụng trộm trồng trên núi cao, trong những khu rừng heo hút để cán bộ không thể lần tới. Trồng để hút và lén lút bán cho nhau hút. Thuốc phiện bị cấm trồng từ khi ông Thẻn còn là cậu thanh niên, vậy mà giờ đầu ông bạc trắng rồi, nghĩ lại ông vẫn thấy sợ. Đến nỗi, hồi vợ ông đẻ thằng Chá xong, ông chỉ mong những lần sinh nở tiếp theo là con gái. Thế nhưng cả hai lần sau đều là con trai, ông sợ lắm. Mỗi lần vợ sinh con trai là một lần ông run rẩy cầu xin thần linh che chở chúng nó.

Một lần đi bán ngô dưới phố rồi vào quán chợ làm mấy chén rượu, ông chủ quán phở là người Kinh rất hay chuyện. Nghe ông Thẻn tâm sự chuyện nhà có mấy thằng con trai, thằng nào cũng ương bướng, ông chủ quán phở bật cười bảo: "Cứ cho đi bộ đội là yên tâm. Vào đó, người ta rèn luyện cho nên người. Như tôi đây, hồi thanh niên thuộc hàng "phá gia chi tử", nghịch đủ trò. Mẹ tôi phát ốm vì tôi, bố tôi thì lúc nào cũng nhăm nhăm cái gậy rình phang vào chân tôi. Nhà tôi có hai anh em trai, người đầu người cuối, bốn chị gái ở giữa. Ông anh cả của tôi hy sinh hồi chiến tranh. Nhẽ ra tôi không phải đi lính, nhưng bố mẹ tôi vẫn xin cho tôi đi. Giờ thì tôi là công dân gương mẫu của cả khu chợ này rồi". Ông Thẻn thấy hay quá, hỏi dồn: "Làm sao để người ta nhận con tôi vào bộ đội?". "Đi bộ đội thời bình này đâu có dễ. Bản tôi, mỗi năm chỉ có một người trúng tuyển. Có năm không có ai. Phải cho chúng nó học chứ. Ít nhất là phải hết lớp 9. Bây giờ để được đi bộ đội là phải biết chữ, phải có bằng cấp, chứ không như hồi ông anh cả nhà tôi, ông ấy có biết chữ nào đâu, vẫn vác súng bắn ầm ầm"-ông chủ quán phở mách nước.

Cho đến bây giờ, nhìn ba đứa con tạm thời lành lặn, vuông vức, ông Thẻn thấy ơn ông chủ quán phở vô cùng. Cứ rảnh là lại cuốc bộ lên phố, chui vào quán phở, gọi một bát phở và cốc rượu rồi gạ ông chủ quán kể chuyện người anh trai đã kiên cường chiến đấu như thế nào. Rồi hai người thân thiết nhau. Ông Thẻn chỉ thầm ước, cuộc sống cứ bình yên trôi đi như thế này thì tốt biết mấy. Thế mà đột nhiên giữa chiều, thằng Chá gọi điện thoại về nói là mất xe máy, nó đi bộ nên sẽ về nhà muộn hơn. Ông giận run người. Ai dám vào ủy ban mà dắt trộm xe của con ông? Chả gì, nó cũng người của võ trang.

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHÙNG MINH

Chá đã lên giường nằm cạnh vợ, người vẫn run lên vì lạnh. Vợ Chá, người phụ nữ ba nhăm tuổi, vốn rất hiểu chồng. Cô biết lúc nào thì nên nói, lúc nào nên im lặng. Chá thầm cảm ơn vợ vì điều đó. Nỗi xấu hổ cứ bùng lên. Hồi còn ở đơn vị, đồng đội gọi anh là "Chá lì". Đôi mắt một mí cộng với cái trán cao, mớ tóc xoăn và nước da bánh mật, trông Chá đặc biệt ấn tượng. Sau này khi ra quân, tác phong nghiêm ngắn từ trong ánh mắt của Chá khiến những thằng ngỗ nghịch nhất phải run sợ khi đối diện. Mọi lần đến ủy ban xã, bao giờ Chá cũng để xe máy trước cửa phòng làm việc. Nhưng lần này nhường chỗ cho xe của bà con về làm căn cước, Chá để xe phía ngoài cổng ủy ban. Chiếc xe với vợ chồng Chá là cả một gia tài mà hai người dành dụm 5 năm mới mua được. Ở xã này, những đối tượng nghiện ma túy, trộm cắp hay có tiền án, tiền sự, Chá đều nắm rõ. Sàng qua lọc lại, Chá chỉ thấy còn thằng Chú, mẹ nó là em gái mẹ anh, vừa đi cai nghiện về...

Mới nghĩ tới đó thì Chá nghe tiếng ông Thẻn gọi ngay ngoài cửa buồng: "Này, ngủ chưa, ra bố bảo". Chá như tìm được lý do để ra khỏi chỗ nằm. Trằn trọc bên cạnh vợ càng khiến vợ lo lắng. Ông Thẻn hỏi con trai: "Thế anh đã báo công an chưa?". Chá lắc đầu: "Chưa bố ạ". "Trời đất, thế còn đợi đến bao giờ? Phải báo để chặn đường tẩu thoát của chúng chứ". Chá bật cười. Mỗi khi Chá cười, đôi mắt một mí lại nom rất hiền. "Con chắc chắn cái xe đang nằm trong bụi rậm nào đó thôi. Những đứa vừa đi cai nghiện về ghét con bố ạ. Chúng nghĩ con đẩy chúng đi. Thật ra, con chỉ muốn cứu chúng nó. Bố thấy đó, người nghiện là gánh nặng cho xã hội. Để đưa một người nghiện ma túy trở về làm người bình thường phải tốn bao nhiêu công sức, tiền bạc. Không thoát khỏi ma túy thì khó có thể trở thành người tử tế"...

Tới gần sáng thì trời hết nước. Còn chưa rõ mặt người, vợ chồng Chá đã lỏn dậy đi tìm xe. Hai người lội bộ trên con đường đất hướng về phía ủy ban xã. Con đường không một bóng người, nền trời bắt đầu ngả xanh, xuất hiện những rạn mây màu vàng nhạt báo hiệu một ngày nắng lên. Hơn hai tiếng đồng hồ trôi qua, hai người vẫn không tìm thấy dấu vết gì của chiếc xe. Chá thấy mặt vợ tái mét thì thương lắm. Cảm giác như anh là người có lỗi với vợ con nhiều lắm.

Đúng lúc Chá đang định bảo vợ về nhà còn mình tới ủy ban làm việc, chiều tìm tiếp thì thấy thằng Chú ở đâu khật khừ đi tới. Trông nó chẳng khác gì một con gấu đói từ trong rừng ướt bò ra. Nó tỉnh bơ hỏi: "Anh chị dắt nhau đi đâu sớm thế?". Chá cười rất lành: "Đi tìm cái xe máy chứ đi đâu". Thằng Chú chất chưởng: "Cái xe cũ rồi mà, anh chị mua cái mới mà đi cho sướng". Chá lại cười: "Chú không bận gì thì đi tìm giúp anh, hai ngày anh đi bộ khổ quá rồi". Thằng Chú gật gù nói: "Anh nhờ hơi bị đúng người rồi đấy, mắt thằng em hơi bị tinh. Thôi, anh cứ đi làm đi. Chị dâu cũng về đi". Chá cũng giục vợ về, dù anh thấy vợ đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Anh thân tình vỗ vai Chú: "Anh có rất nhiều chuyện cần nói với chú, nhưng giữa đường thế này nói không tiện. Giờ anh chỉ muốn hỏi chú một câu thôi". Thằng Chú cười vẻ bất cần, như thể nó đoán rằng Chá sẽ hỏi nó về chiếc xe máy: "Anh cứ hỏi đi". Chá nhìn thẳng vào Chú mà hỏi: "Từ bây giờ trở đi, anh có thể yên tâm về chú được không?" Nụ cười chợt tắt, Chú bặm môi, cúi đầu, di di chân lên cỏ. Đoạn nó ngẩng lên, nhìn Chá, nói nhỏ nhưng chắc nịch: "Dạ, được anh ạ!".

 Chá vội chạy theo vợ khi ấy đang hối hả xuống dốc. Chá vừa thở vừa hỏi vợ khi đã bắt kịp: "Anh hỏi nhé, cái hồi em giận, em giấu cây khèn của anh đi, anh có tìm được không?". Vợ Chá nhoẻn cười: "Em giấu thì làm sao anh tìm được". Chá tủm tỉm: "Thì đấy, cái xe máy của chúng ta, cứ để cho thằng Chú tìm. Nó sẽ đưa xe về tận nhà. Thôi em về đi, về còn đem ngô ra mà phơi, nắng lên rồi kìa".

Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN