Cứ vào buổi sáng, cả nhà vội vội vàng vàng. Bố mẹ đến cơ quan, tan làm lại chơi thể thao, giao lưu thăm thú. Con cái đi học, hết chính khóa, lại học thêm ca một, ca hai, ca lỡ. Thành ra chỉ thứ bảy, chủ nhật, cả nhà mới đầy đủ, quây quần bên nhau.

Cha đang kể chuyện hôm nay đi những đâu, làm những gì:

- Gớm, cầu Mường Thanh dạo này đông thế, chiều nay bố đến, đứng mãi mà chả dám qua. Nghe rầm rầm mà xót hết cả ruột, chỉ sợ xe cộ nặng quá, nhỡ sập cầu một cái thì di tích mất tiêu.

- Gớm, cha chỉ lo xa, bao nhiêu là dầm sắt, xưa xe tăng còn qua được, sập làm sao nổi.

- Đừng chủ quan con ạ, nó 70 tuổi rồi, dầm mưa dãi nắng bao nhiêu năm rồi, khỏe mãi làm sao được.

- Vâng, cái gì cũng có tuổi của nó-Tôi lựa theo ý cha vì tranh luận tiếp là cha dễ nổi nóng lắm.

- Thế, Nghĩa trang liệt sĩ A1 cha thấy đã ổn chưa?-Tôi chuyển chủ đề vì biết cha hay vào đó.

- A1, Độc Lập, Him Lam... tất cả nghĩa trang liệt sĩ giờ đẹp lắm, khang trang lắm. So với hồi mới giải phóng Điện Biên thì một trời một vực. Khu mộ hàng lối quy củ, đài trang, tháp chuông linh thiêng... đâu ra đấy.

- Có khi cha thuộc lòng từng ngôi mộ liệt sĩ rồi nhỉ?

- Cha cũng cố nhưng không thuộc hết được. Hôm trước đến nhớ chính xác chỗ nào, chỗ nào, hôm sau lại quên. Thật chán cho cái tuổi già.

- Thì cha đã 90 rồi, suy giảm trí nhớ là bình thường. Mà cha làm sao hôm nào cũng phải ra đấy nhỉ. Ngày 7-5, 27-7, 2-9, tết nhất cha ra thắp hương là được rồi.

- Con có việc của con, cha có việc của cha... Một ngày không đi, cha cứ thấy chống chếnh làm sao ý.

- Sức khỏe cha xuống rồi. A1 cách nhà mình mấy bước chân, nhưng cũng là xa với tuổi già. Từ mai cha ở nhà cho con yên tâm.

- Con yên tâm nhưng cha yên tâm làm sao được. Con không nên lấy trẻ áp đặt già.

Cha nói rồi ngồi thừ ra. Tôi biết ý cha nên cũng im lặng. Giữa lúc không khí chùng xuống thì thằng Thanh tiếp lời:

- Ngoài nghĩa trang liệt sĩ toàn đồng đội của ông, ông thường xuyên ra đấy là đúng rồi. Bố cứ để ông làm theo ý nguyện của mình đi ạ.

Cha cười vuốt tóc thằng cháu nội, nhìn nó rất lâu. Tôi cũng cười, nói, đúng là cháu đích tôn, hiểu gan ruột ông.

*

*       *

Sau giải phóng Điện Biên, cha tôi ở lại đây, làm công nhân nông trường quốc doanh Điện Biên đến khi nghỉ hưu. Mấy năm đầu thỉnh thoảng cha bị sốt rét, nhưng càng về già cha tôi càng khỏe ra. Có lẽ đất trời, sông núi Điện Biên cho cha sức khỏe.

Năm kia, bệnh viện tổ chức khám bệnh cho cựu chiến binh, khi biết tuổi cha, vị bác sĩ không giấu nổi ngạc nhiên, thán phục: "Tim, phổi, đường máu của cụ cứ như tuổi thanh niên. Cụ có bí quyết gì để giữ sức khỏe không ạ?". "Không, tôi cứ bình thường lao động sinh sống". "Cụ có còn đọc được sách báo không ạ?". "Thích lắm, muốn xem tin tức cho đỡ lạc hậu, nhưng mắt chả chịu nghe mình, động đến chữ là lòe nhòe, đành phải mở to tivi lên nghe thôi". Vâng, giờ cụ là tuổi nghỉ ngơi, làm chỗ dựa cho con cháu". “Tuổi già chúng tôi đều là chỗ dựa cho con cháu, nhưng ông ấy thì là chỗ dựa cho đồng đội nữa”- một cụ bạn cha tôi nói thêm vào. Vâng, cựu chiến binh Điện Biên Phủ ở thành phố ta chỉ còn mấy cụ, các cụ dựa vào nhau thật quý-Vị bác sĩ nói theo.

Tôi xem các chỉ số xét nghiệm sức khỏe của cha, thấy mừng, tuổi này như thế là mừng lắm. Nhưng thời gian, tuổi tác không chiều mãi theo ý người. Dạo này, tôi thấy cha xuống rõ rệt. Mới tuần trước, tuần nay mà cha xọp hẳn. Ngồi xuống như ngồi mãi, muốn đứng dậy phải lấy đà mãi, rồi mới tự lần rờ bước một.

Chục ngày như thế, cả nhà tôi ai cũng buồn buồn, lo lắng, nghĩ vẩn vơ. Đến hôm nay, mới mờ sớm đã có tiếng cười nói oang oang ngoài cổng.

- Ông Phát có nhà không, ra đón khách quý này.

Tôi vội ra mở cổng. Quay lại đã thấy cha đang bước ra sân. Dáng đi khỏe khoắn, mặt tươi phấn chấn... không có vẻ gì của người đang ốm.

Đoàn khách ùa vào. Ba cụ là đồng đội thời Chiến dịch Điện Biên Phủ của cha tôi đã biết và hai người lạ. Cha bắt tay từng người, rồi đến vị khách lạ... thì cụ Hoán nhà bên C12, giới thiệu luôn:

- Đây là con của lính Điện Biên Phủ ta đấy. Hôm nay có việc nhờ ông đây.

Cha đi luôn vào phòng, để khách cho tôi tiếp rồi đi ra mang theo tập tài liệu, trong ấy là quyển sổ và mấy tờ Báo Quân đội nhân dân từ năm 1953, 1954, giấy đã cũ mèm. Tất cả cùng xúm vào lật giở quyển sổ. A1 không có rồi... Độc Lập cũng không... còn Him Lam xem nào. Cha lật nhẹ từng trang, tháo kính ra lau mắt, lau kính, vẫn không có tên Nguyễn Văn Sắn, quê Phú Thọ.

Từng cụ xem lại, thật chậm. Hai người con cụ Sắn xem đi xem lại cuốn sổ xong thì thở dài-Không thật rồi, không có ở trang nào cụ ạ.

Chiến trường Điện Biên Phủ hồi đấy ác liệt lắm, thiếu thốn trăm bề, công tác thương binh-liệt sĩ muốn mà hoàn cảnh không thể chu toàn. Nhiều năm sau còn phát hiện hài cốt liệt sĩ, quy tập về các nghĩa trang, nhiều trường hợp không có thông tin cá nhân, đành để bia mộ liệt sĩ chưa biết tên...

Cha ôm quyển sổ vào ngực, rưng rưng. Rồi cha cùng các cụ đưa khách đi viếng nghĩa trang. Tôi xin đi theo không được. Còn một mình, tôi cầm cuốn sổ trên bàn lên. Sổ này tôi thấy lâu lắm rồi nhưng chưa xem bao giờ. Chữ của cha to, nghềnh ngàng nhưng dễ đọc. Từng trang, từng trang là tên các liệt sĩ, cụ thể năm sinh, năm mất, quê quán, ở nghĩa trang nào, vị trí nào... được cha ghi rõ ràng. Cuốn sổ dày, thông tin kín hết. Như thế này thì công sức nhiều lắm, cha làm việc này có khi hàng chục năm rồi.

Tối tôi về thấy cha bần thần ngồi bên bàn liền hỏi thăm. Cha bảo, buồn quá, đành phải đưa họ đến viếng những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên. Thôi không ai trách đâu cha ạ, hoàn cảnh thời đó làm sao tránh được thiếu sót. Nhưng mình là lính Điện Biên ở Điện Biên thì phải có trách nhiệm, đồng đội cả nước trông cậy vào mình... Cha bỗng nói to lên, rồi ôm đầu rũ xuống.

leftcenterrightdel
 Minh họa: LÊ ANH

Tối nào tôi cũng hỏi cha, hôm nay bố đi bộ có vui không?... Cha cười bảo, vui chứ, thích lắm, một công đôi việc, vừa thấy phố phường đổi mới, vừa được thoải mái đầu óc.

Tôi tạm yên tâm về cha. Cho tới một tối thì lại tới chuyện thằng con. Cô giáo chủ nhiệm gọi điện thông báo, em Thanh tuần này đi muộn hai lần, buổi ngoại khóa hôm kia cũng vắng. Tôi chỉ biết xin lỗi rồi cảm ơn cô và sang phòng con trai ngay. Cửa mở, đèn sáng, Thanh đang ngồi máy tính. Không thấy tiếng pùm chíu của game. Tôi nhón chân, ghé vào... Màn hình đang phát video cảnh nghĩa trang liệt sĩ. Tiếng Thanh đang nói, giọng vang ấm, khác hẳn ngày thường. “Đây là ông nội tôi. Hôm nay, ông đến Nghĩa trang liệt sĩ Him Lam. Him Lam là nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ông tôi là chiến sĩ Điện Biên và ở lại Điện Biên luôn. Ông thường đến với đồng đội của mình. Nào chúng ta cùng theo gót chiến sĩ Điện Biên 90 tuổi...”

Thanh đang nói với ai?-Không có ai. Chỉ nền nhạc “Qua miền Tây Bắc”, “Giải phóng Điện Biên”... Tôi lặng đứng sau xem một lúc. Thanh vẫn mải mê. Màn hình đang cận cảnh cha lẳng lặng khom khom đi giữa hàng bia mộ. Chợt cha sụp xuống bên một ngôi mộ mới nguyên nước sơn, có lẽ mới được đưa về đây. Bia mộ rõ dòng chữ Lê Văn Minh, quê quán Quảng Xương, Thanh Hóa, hy sinh tháng 4-1953... Minh ơi, cuối cùng mày đã về, thanh thản yên nghỉ cùng đồng đội nhé. Tao vẫn ở Điện Biên từ hồi ấy đến nay, ngày ngày tao sẽ đến đây thăm chúng mày.

Ra là Thanh đang làm clip. Ông đến thăm đồng đội. Thanh theo dấu chân ông. Hai ông cháu cùng làm việc này từ bao giờ tôi không biết. Thanh thức khuya quá. Đi học muộn, bỏ hẳn một buổi... có lẽ là lý do này đây.

Tôi lại lặng lẽ quay ra, Thanh vẫn không biết gì. Tôi đợi dịp thích hợp sẽ góp ý với con. “Theo chân ông” là việc bố biểu dương, nhưng cần cân bằng hợp lý với học tập, năm nay lớp 12 rồi.  

*

*     *

Tôi chưa kịp góp ý với con thì nhà có khách.

Hôm ấy, tôi ra cửa đi làm thì cha đã bảo ngay, hôm nay nhà mình có khách nhé. Cha kể, có đoàn con cháu của cụ Minh lên Điện Biên tìm mộ cụ. Không hiểu sao họ biết được cha, gọi điện hỏi thăm và hẹn từ mấy hôm trước. Vâng, mình ở Điện Biên, lại gần các nghĩa trang liệt sĩ, con sẽ tiếp đón, giúp đỡ họ chu đáo, cha cứ yên tâm. Tôi liền gọi điện thoại xin nghỉ ở nhà cùng cha tiếp khách. Gần trưa khách đã đến nhà, cả mấy đồng đội của cha tôi ở gần cũng qua. Nước nôi chào hỏi qua loa, dường như ai cũng nóng lòng nên cha tôi làm trưởng đoàn, đưa con cháu hai nhà đi viếng nghĩa trang liệt sĩ. Bước chân, giọng nói cha như khỏe hẳn ra. Gió mùa thổi về những cơn cuối thu lành lạnh, những ngôi mộ như sáng lên trong dòng người thăm viếng. Qua bạt ngàn các bia mộ, cha dừng lại trước một ngôi: Minh ơi, hôm nay các con, cháu bạn lên Điện Biên, tớ dẫn chúng nó đến thăm bạn đây!...

Trưa ấy ở nhà tôi, chủ-khách hai mâm chuyện trò, nói cười, chúc sức khỏe... Khoảng cách 700 cây số giờ gọn trong tình người nhà, tình đồng đội. Con trai cụ Minh chốc lại vột vạt, quý hóa quá, may mắn quá, gia đình chúng con lại gặp được bạn chiến hào của bố con ngay giữa chiến trường Điện Biên xưa. Tôi hỏi luôn: "Như thế nào mà anh lại tìm ra cha em?".

... Là thế này, suốt mấy chục năm, gia đình tôi chỉ có tờ giấy báo tử nhưng đi tìm vài lần vẫn chưa biết bố tôi nằm ở nơi nao. Tôi cứ nghĩ bố mình là “liệt sĩ chưa biết tên” ở một nghĩa trang nào đó, thì một hôm thằng cháu về khoe toáng lên: Cháu thấy một tài khoản facebook tên Nguyễn Thanh, đăng clip “Theo dấu chân ông-chiến sĩ Điện Biên”, có quay tới bia mộ rõ hàng chữ Liệt sĩ Lê Văn Minh, quê Quảng Xương, Thanh Hóa... Còn có bài đăng mấy bức ảnh tờ Báo Quân đội nhân dân cũ, có ảnh chụp hai chiến sĩ Điện Biên, trong đó có người rất giống ảnh ông nhà mình hồi trẻ...

- Chúng tôi đã lần theo thông tin đó. Đúng là nhờ internet chúng ta mới có Điện Biên hội ngộ hôm nay. May nhờ cháu Thanh đã “theo dấu chân ông”. Cho bác ôm cháu một cái cảm ơn nào!

Thanh ngại ngùng bảo, tất cả là nhờ ông đấy ạ. Ông cứ đi khắp các nghĩa trang, có gì mới, có gì thay đổi là biết ngay. Tôi nhìn cha ngồi bên, khóe mắt cha đã lấp lánh nước nhưng nụ cười thật tươi khiến khuôn mặt cha như hồng hào trẻ lại.

Truyện ngắn của DU AN