- Bà lại nhớ ông của con đó mà!

Nguyệt mở to đôi mắt trong veo, rồi sau đó lập tức cau mày.

- Ơ ông mới là ông nội của con mà!

- Không phải, ông chỉ là ông kẹ ăn thịt con nít lắm chuyện thôi! Oàm...

Dứt lời, ông làm điệu bộ giống như con mèo mướp vồ đám chim sẻ hay đậu ngoài sân. Ôm lấy đứa cháu gái rồi cù khắp người làm nó bật cười nắc nẻ. Tiếng một trẻ một già vang vọng khắp khoảng sân vàng nắng. Bà nội từ trong nhìn ra, đuôi mắt loang nét cười, thoáng chốc thôi rồi lại ngưng. Bà khẽ buông một tiếng thở dài.

Ông bà nội đến với nhau muộn nên khi Nguyệt được sinh ra đã thấy ông bà già lắm. Bài văn miêu tả ông bà em đầy những râu tóc bạc phơ, lưng còng chống gậy. Má còn kể, ông nội nhỏ hơn bà vài tuổi, lẵng nhẵng bám theo bà vài năm bà mới chịu gật đầu. Nhưng Nguyệt thấy ông bà thương nhau lắm. Chỉ không hiểu sao lại có một ông nội khác ở trên ban thờ, lần nào cúng vái cũng thấy ông bà rơm rớm nước mắt.

Thế rồi bà mất, ông nội rơi vào trầm lặng một khoảng thời gian dài. Nguyệt không thấy ông cười nữa, cũng không trêu đùa mỗi khi Nguyệt lẽo đẽo bám theo chân ông. Đến một ngày, ông và ba thu xếp quần áo rồi đi đâu đó cả tuần liền. Nguyệt nghe má kể, ông vào Gia Lai, đi thực hiện di nguyện của bà. Má ngồi tẩn mẩn lựa đám lá dâu, thủng thẳng kể rằng, trước khi bà mất đã cầm tay ông của con, rồi dặn nhất định phải tìm được mộ của ông Quyết!

Ông Quyết chính là người ông trên bàn thờ, cái bàn thờ ấy giờ có cả bà nội. Hồi nhỏ, Nguyệt chẳng hiểu lý do vì sao mình có những hai ông nội. Chỉ biết một điều, tìm mộ đồng nghĩa với việc đã mất rồi. Nhưng mất ở đâu, vì sao lại mất, Nguyệt không rõ lắm, Nguyệt dặn lòng đợi ông về phải hỏi cho thật cặn kẽ.

Ngày ông nội với ba trở về, việc ông làm đầu tiên là thắp một nén nhang lên bàn thờ, lầm rầm khấn vái. Sau đó, ông trở về ghế, buông một tiếng thở dài rồi ngồi ngơ ngẩn hồi lâu. Cả người ông vừa mệt mỏi, vừa muộn phiền. Má vội gọi Nguyệt ra góc sân, dặn dò cấm được lẽo đẽo theo ông hỏi han mấy câu ngớ ngẩn. Nguyệt dạ vâng nhưng trong lòng lại tò mò hơn cả lúc trước. Chắc ông vẫn chưa tìm ra mộ ông Quyết. Nhưng đã ngần ấy năm vẫn bình yên trôi qua, sao đến giờ lại thấy ông lo lắng và vội vàng đến thế.

Từ ngày bà mất, ông nội không còn ngồi kể cho Nguyệt nghe chuyện đánh giặc ngày xưa nữa. Nguyệt nhớ những chiều hai ông cháu ngồi dưới bóng cây, trời chiều thả nắng hanh hao. Ông nội hào hứng kể cho Nguyệt nghe về chiến tranh, về chuyện ông ở chiến trường, khiến Nguyệt rưng rưng cảm động. Nguyệt tự hào vì là cháu của ông. Nhưng chẳng hiểu sao mỗi khi nhác thấy bóng bà nội, ông lại không kể nữa. Nguyệt chẳng bao giờ quên được đôi mắt sáng lên của ông mỗi khi kể về những ngày chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Nhắc đi nhắc lại về Chiến thắng Đắk Pơ mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng mà ông cùng đồng đội đã tham gia. Phải đổi bao nhiêu hy sinh, mất mát để có được hòa bình, độc lập như ngày nay. May mà ông vẫn còn ở đây với Nguyệt.

Bà mất rồi, ông lại giống bà năm nao. Ngồi nhìn ngơ ngác về phía bàn thờ rồi lầm bầm điều gì đó chẳng phát ra thành tiếng. Nguyệt mỗi chiều không đến lớp lại ghé ngồi bên cạnh ông, mè nheo đòi ông kể lại mấy câu chuyện xưa ngày ông còn đi chiến đấu. Nhưng ông chẳng kể mấy câu chuyện cũ về chiến thắng oanh liệt ấy nữa. Ông lại kể về những điều Nguyệt chưa nghe bao giờ.

leftcenterrightdel
Minh họa: BẢO TRÂM 

Ông nội với ông Quyết đi bộ đội chung một đợt. Hồi đó, bà nội với ông Quyết mới cưới chưa được chục ngày đã xa nhau... Nhưng chiến tranh nào mà không đổ máu, không hy sinh. Còn sống được lúc nào thì lại nhớ nhà, nhớ quê lúc ấy. Chỉ mong mau mau chiến thắng rồi quay về. Còn không thì... nếu mà lỡ hy sinh, dặn dò người còn sống nhớ mang tin tức báo về.

Ông Quyết hy sinh trong trận đấu nơi đoạn dốc Đắk Pơ. Cuộc chiến còn đang giai đoạn khẩn trương, sau này khi quay lại, đất đã cày xới bao trận, cảnh vật thay đổi, không tìm được mộ của ông Quyết nữa. Chưa kể ông nội cũng bị thương, nôn nóng sốt ruột thì cũng chẳng thể làm gì được.

- Ông sau khi hồi phục vết thương, thì về tìm bà nội. Hồi đó, đám lính trẻ khi ngồi nghỉ ngơi bên nhau chuyện trò rồi dặn dò nhau, đứa sống phải trở về thăm quê, thăm nhà đứa chết.

Giọng ông nội loang vào không gian tĩnh lặng, ngưng bặt. Hốc mắt chợt đỏ lên, có giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống. Trong một cuộc chiến sống còn, đối mặt với sinh tử, nhưng họ chẳng có sợ hãi, chẳng lo mất mát. Người nằm xuống vĩnh viễn sống trong lòng của người ở lại. Trong lòng ông và bà. Cái bàn thờ nghi ngút khói nhang đã chứng minh cho Nguyệt biết điều đó. Nguyệt lại càng hiểu hơn lý do bà đã dặn dò ông, hiểu hơn cái việc ông lặn lội đi đi về về nơi chiến trường cũ.

Ông đi được đôi lần, rồi chẳng còn đủ sức để lặn lội tìm kiếm nữa. Nguyệt nhớ lần cùng ông đến Gia Lai. Vùng đất ấy xinh đẹp hơn so với những gì Nguyệt tưởng tượng. Bầu không khí trong veo, mát dìu dịu. Những người đồng đội của ông nội ai cũng đã già lắm rồi, nhưng vẫn hào hứng đồng lòng đau đáu tìm đồng đội. Các ông ngồi dưới bóng cây, chỉ trỏ nơi này nơi kia, ngầm đoán xem vị trí khi xưa giờ đã biến thành thế nào. Vẫn chưa tìm ra phần mộ ông Quyết, ông trở về lại thắp nén nhang trên bàn thờ, lại ngồi thở dài. Nguyệt không dám nhắc ông chuyện xưa nữa. Nó như một vết thương âm ỉ trong lòng của cả ông và bà. Qua năm tháng lưu lại một vết sẹo, chưa bao giờ phai nhạt. Ông dần yếu đi, không cả còn sức ngồi nơi bộ ghế cũ, nhìn ngẩn ngơ lên bàn thờ rồi lẩm bẩm những câu rời rạc chẳng ai nghe rõ nữa.

Nguyệt học xong đại học chẳng vội đi làm. Nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo của ông nội hằn dấu năm tháng và chiến tranh, lớn tiếng dỗ dành.

- Con thay ông đi tìm ông Quyết về nha! Ông đừng buồn nha!

Ông già rồi, tai chẳng còn nghe rõ. Nhưng khi nghe Nguyệt nói lời ấy, mắt ông sáng lên, đầu liên tục gật. Nguyệt nhủ lòng sẽ lần theo vết để tìm cho bằng được. Hoàn thành tâm nguyện cuối đời của cả ông và bà. Ba má vẫn luôn ủng hộ Nguyệt thực hiện điều vô cùng ý nghĩa ấy. Chỉ là nhiều lần đi đi về về, hy vọng quá đỗi mong manh, nhưng chưa bao giờ đành lòng buông bỏ.

Một ngày ba ra ủy ban trở về lúc chiều muộn. Lúc ấy Nguyệt đang ngồi bên giường ông nội, vừa pha trò, vừa đấm bóp để dỗ dành ông ăn cơm. Ba vừa gọi ông, vừa gọi Nguyệt, giọng mang theo phấn khích lẫn chút gì đó run rẩy. Phát hiện tiếng Nguyệt đáp lại từ trong phòng ông, ba ùa vào nói lớn.

- Tìm được ông Quyết rồi! Tìm được rồi! Ủy ban mới gửi văn bản báo cho mấy nhà có liệt sĩ hy sinh trong chiến trường Tây Nguyên.

Ông ngước mắt nhìn về phía ba, ánh nhìn lờ đờ. Không hiểu được hết ý trong từng lời ba nói, Nguyệt quay sang vội vàng hỏi rồi mới nói lại với ông chậm rãi từng lời.

- Tìm được ông Quyết rồi! Người ta tìm thấy ông Quyết rồi ông ơi. Chính quyền đang kêu mình vô xác nhận. Con sẽ đưa ông Quyết về ông nhé.

Nguyệt nói to, rõ ràng từng câu. Nguyệt thấy mắt ông sáng lên, liên tục gật gật. Đôi mắt nheo nheo ý cười. Lâu lắm rồi đôi mắt ông mới sáng lên thứ niềm vui ấy. Nơi đuôi mắt nhăn nheo hằn dấu vết tháng năm có vệt nước chảy dài.

Ngày từ Gia Lai trở về, Nguyệt mang theo một nhánh hoa dại nơi tìm thấy hài cốt của ông Quyết. Lầm rầm khấn xin ông theo Nguyệt trở về nhà. Nơi đó có người đợi ông ngần ấy năm trời. Chứng kiến buổi lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh, Nguyệt lặng lẽ rơi nước mắt.

Đem nhánh hoa dại cắm vào bình hoa cạnh di ảnh ông Quyết trên bàn thờ, Nguyệt thắp nén nhang. Di nguyện cuối của bà cũng đã được thực hiện, ông Quyết đã nằm trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ Đắk Pơ, nằm bên cạnh những chiến sĩ, những đồng đội cùng kề vai chiến đấu năm nào. Nguyệt đỡ ông nội chân đã run rẩy chậm rãi đứng trước bàn thờ. Ông cũng thắp một nén nhang, tay vịn vào vách tường rồi cũng lẩm bẩm những câu không thành tiếng. Nguyệt chẳng nghe thấy, ba má đứng gần cũng chỉ lặng lẽ nhìn.

Ông nội đưa tay xoa đầu Nguyệt, bàn tay gầy run run trong vô thức. Nguyệt cong mắt cười, đưa tay ôm lấy vai ông. Nguyệt đỡ ông nội ngồi xuống ghế, chậm rãi hỏi ông có vui không. Ông gật đầu, hướng ánh nhìn về bàn thờ đang thả những vòng khói loang vào trong không khí.

- Vui chớ, về hết rồi... Vui chớ

leftcenterrightdel
 Tác giả Li Phan

Tác giả đã khéo xây dựng câu chuyện về một vùng ký ức anh hùng, oanh liệt và rất đỗi đáng nhớ. Quan trọng hơn nữa, từ trong khói lửa chiến tranh, tình đồng đội luôn trở thành mạch nguồn kết nối để mỗi người có thêm động lực sống, vươn lên. Truyện kể về hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của ba thế hệ trong một gia đình sau chiến tranh, xoay quanh mạch cảm xúc của cô cháu gái tên Nguyệt gây xúc động cho bạn đọc ở những tình tiết thú vị. Đọc xong, bạn đọc nhận ra “Từ chiến thắng trở về” không chỉ là hành trình đi tìm hài cốt một liệt sĩ, cũng không chỉ là thắng lợi ngoài mặt trận mà còn chuyện người sống giữ trọn lời hứa và tìm cách chiến thắng khó khăn, gian khổ để đạt được di nguyện của người đã khuất.

(Nhà văn NGUYỄN VĂN HỌC)

Truyện ngắn của LI PHAN