Nam ôm cây đàn tính đã chuyển màu bồ hóng gẩy lên những nốt đục trầm nhớ lại lời của bà nội: Đây là một nhạc cụ vô giá của người Tày, vừa là kho tàng, vừa là lệnh triệu hồi binh mã, vừa là lời của người xưa, cháu đừng bán nó nhé. Bán nó không được bao nhiêu đâu, cháu ạ. Đời cụ nhà ta làm ra cây đàn này để đi khắp mường, khắp bản cầu bình an cho nhà nhà, đón bao đứa trẻ đến ngủ trong lòng mẹ như bông hoa vàng hoa bạc, đưa người già thanh thản chống gậy đi về với tiên tổ. Cháu hãy giữ lấy, sau này để lại cho đời con, đời cháu. Cây đàn chắp lời thành bài then tháng tám mà ông nội đã hẹn hát dưới lá cờ đấy.
Bà Thảnh sang chơi, ngồi xếp bằng trên sàn nhà nhai trầu bỏm bẻm cũng rề rề kể về cây đàn tính ba dây tơ mỏng manh căng trên cần đàn thon thon một đầu nối với quả bầu khô bịt gỗ mỏng, một đầu có cần chỉnh dây chạm rồng lượn thủ công tỉ mỉ. Bà kể như nói với người bạn già về ngày xửa ngày xưa, hồi Nam chưa có mặt ở bản Nặm Thoong này. Năm ấy, quân Nhật thua đau ở đồn Đôn Chương, chúng chạy dọc sông Bằng xuôi về phía Nam đến châu Hòa An, lực lượng Việt Minh đã vây chặt đồn Nước Hai, triệt các đường liên lạc tiếp tế của địch. Ông nội theo cán bộ cách mạng cắm cờ đỏ sao vàng trên các mỏm đồi xung quanh đồn Nước Hai làm cho địch hoang mang. Các khu Việt Minh dân tộc Tày, Mông, Dao ở Cao Bằng từ lâu đã trở thành căn cứ địa lòng dân nối những con đường mòn xuyên qua rừng rậm xuống các tỉnh trung du và nối với quốc tế. Đêm hôm đó, đầu tháng tám, mưa sầm sập, nước sông Bằng ngầu ngầu dâng lên tràn bờ. Dân bản tranh thủ tối trăng đi vớt củi. Từng khúc củi lao vút vút từ thượng nguồn xuôi về ngã ba sông, chuyển dòng mắc vào khóm tre, đánh tan nhiều mảng bè neo ở đó. Người trong bản nghe tiếng súng dữ lắm, nhưng bên này có soi ngô mênh mông, không ai sợ. Bà nội ở nhà vật vã trở dạ sinh chú Nghĩa. Bà Thảnh hãy còn con gái, chạy đi tìm bà đỡ đến cắt dây rốn cho cháu và chăm sóc chị dâu. Loay hoay tận lúc gà gáy, bà Thảnh mới được bế chú Nghĩa đỏ hỏn, cựa quậy trên tay.
Quân Nhật bị dồn xuống tận Lăng Phja, Án Lại, ông nội tranh thủ về thăm nhà. Đêm bên bếp lửa, nghe tiếng bà nội ru chú Nghĩa trong buồng, ông lấy cây đàn tính treo trên vách xuống đánh. Cả căn nhà rộn ràng tiếng then. Lời ca kể những năm dân bản bị áp bức, lầm than, có người chết vì đói, gục xuống bên miệng hố đào củ mài. Có người mất tích trong hầm vàng sau trận roi da của bầy thực dân và tay sai. Có người vượt sông không về, tiếng ơ hời lạnh lẽo bên đồng lúa. Lời ca mừng ngày mặt trời lên đỉnh núi sau bản soi sáng con đường theo Đảng giành lấy chính quyền. Ông ngừng tay, rơm rớm vuốt ve cây đàn, bảo với bà nội:
- Mé thằng Việt à, tôi đã nhờ cắt thuốc ở bên thầy Bàn Thông, thuốc lá tắm của người Dao cho bà đẻ đấy, tốt lắm. Nhưng cô Thảnh chịu khó giặt giũ cho chị dâu ba tháng rồi mé nó hãy mó tay xuống nước. Bốn lần kề cửa tử mà tôi đều không có ở bên, lần này phải chăm chút cho cẩn thận, nớ.
Bà nội nói vọng ra:
- Việc ở nhà, pá thằng Việt đừng lo. Cô Thảnh với các chị em chu đáo với nhà mình. Thằng Việt cũng lớn khôn, biết giúp mẹ cắt cỏ trâu rồi. Đằng sau nhà còn hai đôi gà mái tơ của các thím đem sang thăm, pá thằng Việt thịt lấy kho mặn đem đùm với cơm nắm ăn đường.
Ông lại lên đường cùng đồng đội. Khắp nơi, thời cơ giành độc lập đã đến. Trước khi đi, bên con suối Tổng Ngả róc rách bốn mùa, ông hứa với bà nội sẽ viết bài then tháng tám và hát vào dịp lễ đầy tháng chú Nghĩa. Lễ đầy tháng của em bé người Tày được tổ chức to lắm. Các bà gói bánh coóc mò từng xâu để chia cho trẻ em. Người đến mừng đem theo gà giò, rượu gạo. Người tặng khăn mặt, vải chàm. Thầy then được mời đến chủ trì, lễ vật dâng lên Mẹ Hoa (Bà Mụ) với mong muốn ban cho em bé sức khỏe, ngủ ngon như con dúi trong hang, sớm biết chữ, trở thành người tài đức trong bản. Nhưng ông nội đã hy sinh khi đoàn quân vừa tiến vào làm chủ thị xã, bỏ dở ước mơ làm thầy giáo dạy học ở trường huyện khi cách mạng thành công. Người ở bản Nặm Thoong khát cái chữ như khát nước, đói cơm. Ông nội không trở về, sách còn để trong tay nải, cây đàn tính treo trên vách, phủ bụi chờ người.
Bà nội như ngọn núi cô đơn đổ bóng xuống cánh đồng Tổng Ngả dệt tuổi xuân của mình theo mùa lúa, mùa ngô, tháng mưa, ngày nắng. Bà nhớ ông. Dù không biết mặt chữ bà vẫn hát thuộc làu những trích đoạn then cổ cho đến các bài đặt lời mới ca ngợi quê hương, động viên nhau thi đua tăng gia sản xuất. Người trong bản kháo nhau rằng bà có căn then. Họ thường đến mời bà đi múa chầu trong nghi lễ Kỳ yên cầu bình an, may mắn nhưng bà không có thời gian nên từ chối. Bà Thảnh đi thay chị dâu. Lần nào hát hết buổi làm lễ khi trở về, đến cầu thang, bà vẫn thấy tiếng lách cách dệt cửi của chị trong đêm thanh vắng. Trong số các anh em, chú Nghĩa mê đàn tính từ nhỏ nên thường được bà Thảnh đưa đi theo hết bản trên, mường dưới. Tháng tám năm ấy, bà nội trao cây đàn cho chú Nghĩa để chú được toàn quyền sử dụng. Chú Nghĩa đánh một khúc then Vàn én rồi gửi lại đàn cho bà để lên đường nhập ngũ. Chú hứa rằng khi nào đất nước thống nhất, ngày xuân sẽ mang đàn đi biểu diễn ở hội Lồng Tồng. Nhưng chú đi rồi không trở về nữa, bỏ lại lời hứa với bà giống ông nội năm xưa.
Nam thường nằm trong lòng bà nội, ngắm nghía mười ngón tay thô rám của bà chỉ chịu ngơi nghỉ lúc đợi anh xâu kim, mà nghe bà hát. Tiếng then từ những đêm trăng bà hát ngấm dần sang Nam. Anh đem tiếng then đi thi hát và được tuyển thẳng vào trường nghệ thuật. Bà Thảnh trở thành nghệ nhân then, quanh năm đi làm lễ cho mọi người. Một ngày nọ, bà muốn cây đàn của các cụ nhưng bà nội không cho. Bà nội mắng bà Thảnh một trận to lắm. Người cô đơn thường hay tự ái. Bà Thảnh không lập gia đình cảm thấy mình không được tôn trọng nữa đã nói lại bà nội nặng nề. Chắc là từ sau khi chú Nghĩa hy sinh trong chiến tranh, pá của Nam cũng mắc bệnh hiểm nghèo nên lá xanh rụng trước lá vàng khuất núi lặn non, bà nội càng nhạy cảm. Hai người đàn bà cô đơn nhà ở cạnh nhau chỉ vì cây đàn mà từ mặt, ngọn khói bếp không muốn quấn quýt cùng giờ. Nam công tác ở đoàn nghệ thuật thành phố, mỗi lần về thăm quê thì buồn lắm. Quà biếu, anh chia làm hai, cho bà nội và bà Thảnh y như nhau. Hai bà ra đầu sàn nghiêng ngó rồi cùng chào thằng cháu am hiểu về hát then, muốn đến nói chuyện quây quần nhưng lòng tự ái còn cao lắm. Nam từng hỏi bà nội:
- Bà chẳng đi bản làm lễ cho ai, tại sao bà không cho bà Thảnh cây đàn này coi như nghiệp của tổ tiên được giữ ạ?
- Cây đàn tính này còn đợi bài then tháng tám cháu à. Ông cháu đi vẫn còn dở dang lời hẹn, với lại, bà Thảnh còn có cây đàn để làm lễ của thầy then đã ban cho đệ tử xuất sắc là bà ấy, đó là lời triệu hồi binh mã lên mường trời tiễn trừ xui xẻo, đón vía đi lạc và đem bình an trở về cho muôn nhà. Bà ấy già rồi vẫn dại, chắc nghe người nào xúi bẩy đấy thôi.
Nam thì không nghĩ thế. Bà nội coi cây đàn của dòng họ như báu vật. Nhưng bà Thảnh có cơ cầu cho bản thân thứ gì đâu? Một tay bà phụ chị dâu chăm chút bốn đứa cháu rồi lũ nhỏ cho pá mé chúng đi làm. Bà đi làm lễ tơ hồng se duyên cho bao lứa đôi nhưng bà lẻ bóng mỗi đêm trên căn nhà sàn trống trải. Nếu bà nội không cho cây đàn thì thôi. Lời nói lúc nóng vội thường sắc hơn lá mía.
*
* *
Lễ khánh thành cây cầu bắc qua con suối Tổng Ngả sẽ được tổ chức nhân dịp Quốc khánh mồng 2 tháng 9 ở sân nhà văn hóa của bản. Cây cầu do Nam đứng ra cùng địa phương vận động các nhà hảo tâm, đồng hương đi làm ăn xa đóng góp tiền và bà con trong bản bỏ ngày công xây dựng. Nối từ con đường bê tông trong đề án nông thôn mới, xe ô tô, xe máy đến tận giữa đồng, sang bản khác nhanh chóng. Bản Nặm Thoong không còn hộ nghèo. Câu lạc bộ hát then-đàn tính được thành lập, hoạt động sôi nổi. Ngoài những lúc đi bản, bà Thảnh lại làm cô giáo dạy hát cho mọi người từ già đến trẻ.
Tháng tám về rợp cờ hoa. Nam về thăm bà. Sau bữa cơm tối, bà nội đưa cho anh cây đàn tính được lau chùi sạch sẽ:
- Cháu đem cây đàn này đi biểu diễn cho bà con xem. Nó cần được nhiều người biết đến, không thể như cuộc đời bà chỉ theo một lối mòn quẩn quanh ở bản. Giá mà, ông ấy kịp gửi lời bài then tháng tám về cho bà thì tốt biết mấy. Ôi, thấm thoắt đã đi hết cuộc đời, có những lời hẹn không bao giờ thực hiện được. Con suối mùa này lũ quét thường xuyên, có cây cầu sang bản bên, sang cánh đồng Tổng Ngả, việc đi lại không còn gì lo ngại nữa.
Nam đón chiếc đàn từ tay bà, ngẫm nghĩ hồi lâu:
- Cháu vừa viết bài then tháng tám bà ạ, để cháu hát cho bà nghe.
Tiếng đàn vang lên trong đêm khiến nhiều người trong những căn nhà sàn xung quanh ngó ra sàn, gật gù. Bà Thảnh lần theo giọng hát lên sàn lúc nào không biết. Hai chị em mái tóc đã bạc gần hết nhìn nhau hồi lâu. Nam gật đầu chào, vẫn ngân nga câu then, anh khẽ mỉm cười như thỏa thuận với bà nội và bà Thảnh rằng chẳng còn gì giận hờn ở đây nữa. Miếng trầu têm đượm nghĩa tình thân:
“Tháng tám gió đưa hương trám về
Đồng lúa thắm miền quê thương nhớ
Nắng vàng tươi cờ đỏ tung bay
Tiếng then mừng tháng ngày đổi mới...”
Truyện ngắn của HOÀNG HIỀN