Chẳng là, Nam đã hẹn với An rằng năm nay hai đứa nhất định phải gặp mặt. Bố mẹ An ở mãi tận vùng mỏ gọi điện mời ông bà và Nam xuống chơi một chuyến và ông bà cũng đã nhận lời. Tối qua, ông lại bảo với Nam là ông đã sắp xếp nhờ chú lái xe liên tỉnh ở xóm dưới đưa Nam đi. Nguyên do tại con ỉn sề vừa đẻ những mười hai con làm ông bà thêm bấn, phải ở nhà lo cám bã và chăm lũ lợn con kẻo chúng bị ngộp hơi mà chết.

Nam và An quen nhau qua mục “Góc sáng tạo” của báo Thiếu niên Tiền phong hồi năm ngoái. Chả hiểu thế nào mà một đứa ở đồng rừng, một đứa ở ven biển lại có cùng ý tưởng là thả bèo trên các ao hồ bị ô nhiễm. Bèo sẽ lọc được nhiều cặn bẩn trong nước, tạo bề mặt xanh để bảo vệ cho các loài thủy sinh sống trong ao không bị chết vì nắng nóng. Còn nữa, bèo được ủ làm phân xanh để bón cho cây trồng rất tốt. Dạo ấy, mỗi đứa được tặng phần thưởng là một cuốn sách “Một nghìn lẻ một điều kỳ thú của thiên nhiên” và một năm đọc báo miễn phí. Sướng quá, Nam đã cầm cuốn sách chạy khoe khắp năm nóc nhà trên xóm đồi này. Rồi vào năm học mới, cậu cũng quên béng niềm tự hào ấy cho đến khi nhận được lá thư có đóng dấu bưu điện mãi tận Quảng Ninh. Đó là thư của An. Đọc thư, Nam mới biết cậu bạn chưa từng gặp mặt ở cách xa gần ba trăm cây số bằng tuổi mình và cũng đang học lớp 7. Thư đi, thư lại, loáng cái mà đã gần một năm rồi.

*

*     *

Bố mẹ Nam mất khi cậu đang học lớp 5, ông bà nội đón cậu về quê nuôi dạy. Từ cậu bé lớn lên ở thành phố, giờ Nam thành thổ địa. Những lần lên đồi cùng ông, cậu học được bao nhiêu điều hay. Vạt đồi hoang đang hồi sinh dưới đôi tay lao động của con người. Đất cằn được rải một lớp phân xanh ủ từ bèo hoa dâu qua một vụ để đất làm màu, sang vụ sau mới bón phân hóa học và cắm chồi sắn. Vào vụ, cả xóm đồi từ người già đến trẻ con lên đồi nhổ sắn đến tối mịt mới về. Sắn được thái mỏng, phơi khô nỏ rồi bán cho thương lái thu mua chế biến tinh bột. Đi nhiều, hỏi nhiều thành quen, giờ Nam đã có thể đi từ mé đồi này sang mé đồi kia mà không bị lạc, cứ lần theo vạt sắn mà đi. Cậu quen mặt từng thứ rau mọc dại có thể hái về cho bà nấu canh, mộc nhĩ và nấm mỡ thường mọc ở chỗ những cây mục sát rìa suối. Nhưng thích nhất là lúc được đi cùng anh Thắng vào sâu trong rừng tìm cây thuốc cho ông. Anh Thắng biết nhiều chuyện lắm, đi cả ngày không chán.

Thú nhất là lúc nghỉ, hai anh em nằm khểnh trên thảm lá mục, nghe chim hót. Những chú họa mi thường chỉ đi một mình, tiếng hót lúc nào cũng da diết như hót bằng gan ruột. Chim cu thì chỉ có mỗi điệu “cúc cù cu cu...” bình thản. Chỉ có đám sáo mỏ vàng là lúc nào cũng ênh oang, hễ chúng kéo về là y rằng váng cả góc rừng. Anh Thắng cho Nam một con sáo mới ra ràng, lại còn đan cho cả lồng nữa. Nam nuôi sáo bằng chuối, dạy nó gọi “Ông ơi, bà ơi, Nam ơi, anh Thắng ơi” và cả “An ơi” nữa. Con sáo nói sõi đến mức có lúc nó gọi "Nam ơi", cậu đang từ vườn sau tưởng nhà có khách vội chạy ù lên. Mà nó ranh đáng nể cơ. Nếu cậu lại gần huýt sáo nựng nó là lập tức nó véo von: “Nam ơi, An ơi... cho sáo quả chuối đi...” làm cả nhà cười no bụng. Nam định sẽ tặng con sáo này cho An, không hiểu sao, mỗi lần nghe nó líu lo gọi tên cậu bạn chưa từng gặp mặt, Nam cứ thấy âm thanh phát ra từ cái tên ấy sao mà đáng yêu quá đỗi.

*

*     *

Rồi cũng đến lúc lên đường. Ông bà cho vào ba lô của Nam bao nhiêu thứ quà. Gạo nếp nương cho mẹ An, củ khúc khắc sấy khô để ngâm rượu bổ cho bố An. Còn Nam, cậu đã có con sáo biết nói rất hay rồi, phen này nhất định đám bạn của An ở dưới đấy sẽ ngạc nhiên lắm đây. Bố An đón Nam ở bến xe. Chắc bác ấy vừa ở hầm lò ra, chưa kịp tắm rửa nên mặt còn đen bóng bụi than. Hai bác cháu về đến nhà thì trời đã sâm sẩm tối. Vừa dựng xe trước hiên nhà, bố An đã gọi to: “Cả nhà ra đón khách quý nào”. Từ trong nhà chạy ra một cậu bé trạc tuổi Nam, vóc người mảnh khảnh. Hai đứa đứng nhìn nhau một lúc rồi An mới cất tiếng: “Chào cậu”. Nam đứng ngẩn một hồi, bao điều dự định sẽ nói khi gặp An bay biến đâu mất, cậu ngượng nghịu đưa chiếc lồng chim: “Tớ tặng cậu”. Con chim tinh ranh mổ lách chách vào nan lồng, véo von: “Nam ơi, An ơi..., cho sáo quả chuối đi”.

Ngày hôm sau, khi người lớn vừa ra đến ngõ thì lũ trẻ trong xóm thợ lò đã tụ tập ở rặng phi lao cuối xóm. Mấy đứa bạn của An cứ thích mê con sáo. Chúng treo nó trên cành cây và chọc ghẹo, dạy nó tập nói. Sáo ta chưa bao giờ được chơi với đông trẻ con đến thế, cái mỏ vàng hườm cứ chốc chốc lại huýt lên vài tiếng. Khi bọn trẻ dạy sáo gọi tên chúng, sáo đi bệ vệ trên thanh gạc bắc ngang lồng, nghiêng nghiêng cái đầu nghe chừng suy nghĩ điều gì lung lắm. Lẽ nào sáo ta lại dễ gọi tên chúng như thế chứ. Nghĩ chán, sáo ưỡn ngực nói một câu thật rõ ràng, dứt khoát: “Cho sáo quả chuối đi” khiến cả bọn phục lăn con sáo tinh khôn, đứa nào cũng nhăm nhe gạ Nam lần tới xuống mang cho mỗi đứa một con.

Chơi với sáo chán, buổi chiều cả bọn rủ nhau ra biển mò ốc. Lần đầu tiên nhìn thấy biển, Nam thấy đẹp vô cùng. Phía xa, những hòn đảo nhô lên trên biển bạc như những giọt mực lam tím mà ông trời đã tô vẽ cho bức tranh thủy mặc. Những con sóng ruổi nhau xô vào bãi, tạo thành dòng nước nhỏ chạy thành vòng rộng trên cát. Khi nước rút, những con vật giống như lũ cáy ở quê Nam, chỉ khác là chúng có màu đỏ chạy rào rào, để lại trên cát những vòng hoa nhiều hình thù do hàng trăm viên cát được se tròn tạo nên. Rồi cả những con cá bò trên cát bằng hai vây thật lạ mắt, đám sò lông mở miệng ra đớp sóng rồi ngậm tịt lại. Phía ngoài xa, đàn hải âu chấp chới sát đầu song bạc tìm cá, chúng cất lên những tiếng kêu trầm đục làm náo động cả vùng bãi.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Hai đứa vừa đi dọc triền cát, vừa lúi húi tìm ốc. An giảng cho Nam biết bao nhiêu thứ kỳ lạ. An bảo, phải biết nhận mặt họ hàng nhà ốc loại nào ra loại ấy thì mới không bị nhầm, nhặt về cả mớ ốc lẫn lộn thì khó bán được lắm. Lại còn khéo mà nhầm bắt phải bọn ốc ở nhờ thì còn vô dụng hơn. Ấy là lũ tôm cật càng hoặc bọn còng nhát đế chui vào vỏ ốc trống để ẩn thân, nên chúng còn được gọi là ốc mượn hồn...

Cứ vừa đi dọc bãi vừa rủ rỉ, hai đứa đã đi đến tận ghềnh Ông. An bảo trên ghềnh có cái hang to lắm, chỉ sợ cậu không trèo được. Nam hăng hái khoe mình ở vùng đồi, có ngọn đồi nào quanh nhà mà Nam chưa trèo lên đâu. Thế là kéo nhau lên. Trong chiếc hang sâu hun hút đang tỏa hơi chiều này, như lời An kể, đã có hàng trăm quả thủy lôi được bộ đội ta vớt lên, nghiên cứu cách rà phá và giải mã, lấy ra hàng chục tấn thuốc nổ để đánh địch. Tiếng sóng biển vỗ oàm oạp phía ngoài ghềnh dội lại làm Nam và An cứ tưởng như trong hang còn vang tiếng búa, tiếng kìm của các chú Bộ đội Hải quân đang làm nhiệm vụ.

Đang say sưa với những nhũ đá óng ánh sắc màu, hai đứa chợt nghe tiếng bọn bạn xóm thợ lò í ới gọi ngoài bãi. Chiều đang dần xuống, mặt trời còn đỏ lửa mé rặng phi lao mà phía biển, trăng đã lên một vành tròn màu ngà. Leo xuống ghềnh, cả bọn nhìn nhau cười no bụng vì đứa nào đứa nấy đều nhem nhuốc, giỏ ốc bên hông trĩu nặng. Thường ngày, những giỏ ốc này sẽ được đổ dồn lại để phân ra từng loại rồi cân bán cho khách du lịch hoặc các bà hàng. Tiền bán ốc sẽ chia đều cho cả bọn. Nhưng hôm nay ngoại lệ. Hôm nay là Trung thu, xóm lại có khách quý từ xa về nên ốc sẽ là món đặc sản thết khách lúc trông trăng. Giờ thì cả bọn phải về tắm rửa và nấu cơm tối. Y hẹn, khi trăng rằm tỏa ánh vàng khắp bãi thì bọn trẻ đã lao xao đứng ngồi trên ghềnh Ông. Lúc này, trăng đã ở trên đầu. Nước biển sóng sánh như một chiếc thấu nấu nước đồng khổng lồ mà Nam thường thấy ở lò đúc đồng nhà cụ Bái xóm dưới. Đặc sánh và vàng rười rượi. Gió lộng nên không thắp được đèn ông sao. An ôm khẩu trống ếch đi đầu hàng đánh ỏm tỏi. Cả bọn rồng rắn đi theo chơi trò thả đỉa ba ba.

Để mặc cho đám bạn xì xụp ăn ốc, An kéo Nam ra phía sau ghềnh. Mai Nam phải về rồi. Nam dặn An hằng ngày phải cho sáo ăn chuối và cào cào, rồi phải thường xuyên múc nước cho sáo tắm. Nó mà không được tắm sẽ chết đấy. An gật đầu nhè nhẹ rồi đưa cho bạn một chiếc túi vải đựng đầy vỏ ốc, bảo, đây là quà của xóm dưới này tặng các bạn xóm trên ấy, mỗi khi nhớ biển, cậu hãy áp vỏ ốc vào tai sẽ nghe thấy tiếng sóng rì rầm và cả tiếng bọn tớ chào cậu nữa. Đây là sáng kiến của Dũng còng gió. Cái thằng trông ngông ngáo tợn tạo mà lại rất tình cảm. Nam nhặt một con ốc trong túi soi lên dưới trăng, con ốc hoa vỏ trắng ngà thật duyên dáng. Áp vào tai, Nam thấy mình tràn ngập những lời yêu thương của tình bạn và của biển xanh thăm thẳm.

Nam hỏi, sau này lớn lên cậu muốn làm gì? An đưa tay chỉ ra xa, nơi có những con tàu đang đỗ ngoài vịnh, bảo mình sẽ thành Bộ đội Hải quân. Mình bơi siêu lắm nên nhất định sẽ thi vào trường hải quân ở mãi tận trong Nam ấy, sẽ đi đến nhiều nơi, còn cậu. Nam nhìn theo tay An chỉ, thấy biển khơi thật hấp dẫn, trả lời khật khừ, nếu được đi biển cùng cậu thì còn gì bằng, lúc ấy hai đứa cùng học với nhau, ra trường sẽ cùng làm nhiệm vụ trên một con tàu thì chả ai bắt nạt được mình. Nhưng mà khó quá cậu ạ. Ông bà mình già rồi, mình không đi xa được. Với lại, mình cũng yêu vùng đồi quê mình lắm. Vậy nên, có lẽ mình sẽ học thủy lợi, để khơi dòng đem nước về vùng đồi khô khát ấy giúp không còn đồi hoang, rừng trọc nữa. An quay lại nhìn bạn, mắt long lanh, bảo, cậu nghĩ thế cũng đúng. Không gì bằng việc đóng góp công sức cho quê hương mình, bố mình thường dạy mình thế. Sắp vào năm học mới rồi, cậu và mình cùng thi đua nhé. Sau này, cậu sẽ làm cho rừng thêm xanh, còn mình sẽ giữ cho biển mãi bình yên và nhiều tôm cá. Nam nắm chặt tay bạn, cả hai cùng nằm xuống đá, ngửa mặt nhìn ông trăng đang hoan hỷ tỏa ánh vàng soi sáng cho lũ trẻ đùa chơi râm ran bãi vắng.

Ông trăng sẽ chứng giám cho tình bạn của chúng cháu, ông nhé!

Truyện ngắn của PHẠM VÂN ANH