Người ta thì thào nhỏ to, mắt liếc ra phía cổng làng nơi có cái quán xôi của bà Toàn. Gọi “cổng làng” ấy là cách của người dân gốc làng Mai. Xưa, đây vốn là ngôi làng ven đô nổi tiếng làm xôi ngon, những thúng xôi dẻo thơm đã từng theo người làng tỏa đi khắp vùng. Sau này thành phố mở rộng, làng Mai lên phường. Cổng làng vẫn còn đó nhưng bên cạnh được cắm thêm cái biển ghi số ngõ, các nhà trong làng cũng được đánh số. Dân ngày càng đông, người nơi khác đến làm ăn rồi ở lại thành phố ngày càng nhiều. Thế là, những mảnh vườn, khoảng sân, ao trong làng cũng dần được lấp đầy bởi những ngôi nhà cao tầng san sát.

Cạnh cổng làng, quán xôi bà Toàn nằm gọn gàng trong gian hàng chừng bốn mét vuông. Chỗ ấy vốn là mảnh vườn nhà bà, khi thành phố lấy đất mở rộng đường, còn lại góc chéo, bán chẳng được, cũng không đủ xây sửa làm gì nên bà dựng lên sơ sài lấy chỗ ngồi bán xôi buổi sáng. Bà Toàn và thúng xôi ở đấy đã mấy chục năm nay, từ hồi trong làng ngày nào cũng nức mùi hành phi, xôi mới. Giờ thì chỉ còn hai, ba nhà giữ nghề. Người trẻ tuyệt nhiên không còn ai làm xôi bán nữa. Cái thúng xôi của bà Toàn ở cổng làng mỗi sáng trở nên điều gì đặc biệt, như giữ lại cho người làng chút tự hào, chút hương vị thân quen xưa cũ. 

Hôm nay, hàng xôi bà Toàn có thêm người phụ bán. Người đi qua lộ ra ánh mắt tò mò. Vài người ghé vào mua như vừa muốn hỏi han, lại ngại không biết mở lời sao cho phải. Bên cạnh thúng xôi, bày thêm cái bàn bán trà đá với mấy cái ghế nhựa. Lan ngồi trên chiếc xe lăn nhỏ. Mái tóc đen dày buộc gọn sau gáy, bộ quần áo đơn giản nhưng kiểu trang điểm đậm có phần vụng về làm cho khuôn mặt cô rất khó đoán tuổi. Cô hết sắp sẵn thìa nhựa vào các túi nilon rồi lại lau những mảnh lá chuối, xếp gọn gàng. Bà Toàn tay nhanh nhẹn xới xôi vào mảnh lá chuối, thái vài lát đỗ xanh, thêm mỡ, hành phi rồi gói lại cho vào túi đưa khách. Vài ba người ngồi ăn tại chỗ, hôm nay có thể gọi thêm cốc nước chè nóng, vài thanh kẹo lạc nhâm nhi nếu không vội...

Lan cẩn thận rót nước cho khách. Động tác lóng ngóng của người lần đầu làm việc này, lại thêm di chuyển vướng víu xe lăn. Ánh mắt cô bối rối, né tránh trước những cái nhìn như muốn hỏi: Điều gì đã xảy ra? Cô hầu như chỉ im lặng làm theo yêu cầu của mẹ và những vị khách. Thỉnh thoảng nói vừa đủ khi trả lời khách.

Nửa buổi, sau khi dọn dẹp đồ vào hai cái thúng, chằng buộc lên sau xe đạp, bà Toàn sắp xếp lại mấy cái ghế nhựa. Để phích nước nóng, thùng đá, giá cốc gọn gàng quanh tầm tay Lan. Dặn dò con gái vài thứ rồi bà lên xe đi vào phía trong cổng làng về nhà. Chỉ còn lại mình Lan. Cô hiểu từ giờ quán trà đá này và những điều xảy đến, cô sẽ phải tự làm chủ. 

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Đã quá nửa đêm. Trong căn phòng cuối dãy nhà phía Tây của đồn biên phòng, Đại úy Phạm Minh đã tắt điện lên giường nằm từ lâu. Chuyên án A.51 do anh phụ trách coi như hoàn thành. Lẽ ra đêm nay anh phải ngủ ngon mới phải, nhưng anh không sao chợp mắt... Hơn ba tháng trước, Đại úy Phạm Minh được chỉ huy giao phụ trách trực tiếp chuyên án điều tra đường dây buôn bán phụ nữ từ Việt Nam sang bên kia biên giới. Từ những thông tin ban đầu, các mũi trinh sát được Đại úy Phạm Minh chỉ đạo tỏa theo những hướng điều tra trong nước và phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn.

Không giống nhiều vụ án trước đây bọn tội phạm thường lừa bán những phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, đường dây tội phạm này chọn đối tượng là những cô gái trẻ ở thành phố, thị xã, xinh đẹp, ham chơi, ham tiền. Bọn chúng tạo vẻ ngoài là đàn ông thành đạt có tiền, chịu chơi, ga lăng. Sau thời gian giả làm quen, tán tỉnh, yêu đương, chúng rủ các cô gái sang bên kia biên giới du lịch hoặc làm ăn. Sang đến bên kia, khi các cô gái nhận ra bộ mặt thật của anh “người yêu lý tưởng”... thì cũng đã muộn. Hầu hết các cô gái sẽ bị bán, ép làm việc trong các ổ mại dâm được chúng canh phòng hoạt động cẩn trọng. Bị giám sát chặt, không có phương tiện liên lạc, không tiền và sẽ bị tra tấn dã man nếu có ý định bỏ trốn, các cô gái bị bán vào đây nếu muốn sống sót phải đành chấp nhận và trông vào số phận. Chúng nhắm vào những cô gái ăn chơi, gia đình không sát sao và thường xuyên thay đổi địa điểm ở cách xa nhau để dễ xóa dấu vết. Vì thế mà bọn chúng đã hoạt động nhiều năm nhưng không bị phát hiện và quá trình điều tra cũng rất khó khăn. 

Chiều nay, khi tiếp nhận bàn giao nạn nhân người Việt được giải cứu ở hang ổ bọn buôn người từ cơ quan chức năng nước bạn, một người đặc biệt khiến Đại úy Phạm Minh phải tò mò suy nghĩ mãi. Trong số 5 phụ nữ được giải cứu ấy, cô luôn cúi xuống tránh ánh nhìn của người khác nhưng khuôn mặt ấy, dù được che bởi lớp phấn son dày anh vẫn thấy có vẻ rất quen thuộc như gặp ở đâu đó rồi. Lúc chiều, anh muốn gặp riêng để hỏi thăm nhưng nhiều việc và cũng đã muộn nên giao mấy đồng chí đưa họ về đồn biên phòng sắp xếp chỗ ăn nghỉ. Đêm nay, chắc cũng sẽ là một đêm khó ngủ nhiều cảm xúc với họ. Lúc này, anh thật sự muốn đi ngay sang dãy phòng bên kia để tìm câu trả lời...

Cầm tập tài liệu về thông tin các nạn nhân từ cấp dưới, Đại úy Phạm Minh giật mình dừng lại hồi lâu ở một cái tên. Năm sinh, thông tin về gia đình... Địa chỉ này chẳng phải gần nhà anh sao? Đúng là Lan học cùng lớp cấp 3 với vợ chồng anh rồi. Tại sao Lan lại rơi vào hoàn cảnh này cơ chứ? Điều gì đã xảy ra với cô... đến mức đôi chân trở nên tàn tật thế kia?...

Ngày ấy, anh không thân nhưng cũng biết khá rõ gia cảnh của Lan. Bố mẹ cô đều gốc làng Mai. Mấy năm ấy nhà Lan khá giả bởi có tiền đền bù đất, bán vườn. Lan vốn xinh xắn, có điều kiện ăn diện lại càng lắm anh "xin chết", học hành thì làng nhàng. Cuối lớp 12, trong khi Minh bù đầu lo ôn thi vào trường Quân đội, đến thích Hương mà cũng chẳng dám tỏ, thì Lan đã có người yêu đi xe máy đời mới đưa đón. Rồi Minh thi đỗ Học viện Biên phòng, Hương vào sư phạm. Môi trường học tập, rèn luyện đặc thù khiến anh ít gặp các bạn, chỉ thường thư từ qua lại với Hương và biết vài thông tin về bạn bè qua Hương. Có lần về nghỉ hè, gặp mẹ Lan ở cổng làng, hỏi thăm thì bà nói qua loa bảo Lan đi làm ăn xa. Lúc đó Minh còn nghĩ chắc Lan vào Nam lập nghiệp và lấy một anh chồng giàu nào rồi. 

Ra trường, Minh xung phong lên đồn biên phòng này công tác. Vài năm sau thì kết hôn với Hương. Bạn bè lâu lâu có dịp gặp nhau đều nói Minh gàn dở. Người ta miền núi muốn về xuôi. Đây trai thành phố bao cơ hội tốt không chịu lại chọn lên biên giới xa nhà mấy trăm cây số... Nhưng đây là con đường Minh đã chọn đi từ khi anh vừa đủ lớn để biết rằng bố anh đã từng ở đó, chiến đấu, hy sinh và nằm lại với bao đồng đội để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Anh không chắc nói ra lý do thì các bạn có hiểu, nên mỗi lần nghe vậy anh chỉ cười cho qua. May mắn là Hương yêu anh, hiểu anh, ủng hộ và hy sinh vì anh. Ngót chục năm nay, cũng nhờ vợ chu toàn con nhỏ và mẹ già ở nhà nên anh mới yên tâm làm nhiệm vụ, gắn bó với mảnh đất biên viễn xa xôi đầy gian khó này. 

*

*       *

- Đêm qua Lan ngủ được không?

- Minh nhận ra tôi rồi à? - Lan ngập ngừng trả lời câu hỏi của Minh bằng một câu hỏi khác. Ánh mắt vẫn tránh đối diện với người bạn trước mặt. 

- Lúc đầu mình chỉ ngờ ngợ cho đến khi xem thông tin gia đình mà Lan cung cấp. 

- Mình đã không dám nghĩ còn có thể sống trở về nhà...

- Bây giờ thì Lan an toàn rồi, không phải sợ nữa! Chắc Lan sẽ ở đây vài hôm đợi chúng mình và các cơ quan chức năng làm thủ tục rồi đưa về. Mấy ngày này cần gì cứ bảo mình, đừng ngại. Lan có muốn gọi điện thoại cho bố mẹ bây giờ không?

Suốt cuộc trò chuyện Lan giữ thái độ e dè. Cũng không muốn gọi điện thoại với người nhà như gợi ý của Minh. Có lẽ cô chưa biết sẽ nói gì với bố mẹ lúc này. Minh dặn Lan nghỉ ngơi rồi phải đi giải quyết công việc. Có thể lúc này Lan chưa sẵn sàng đối diện với ai, nhất lại là Minh. Minh cũng không hỏi han thêm gì nữa, vì anh đã hiểu những gì bạn anh đã phải trải qua! 

*

*    *

Bà Toàn đón con về, niềm vui xen lẫn xót xa. Bà chẳng thể ngờ chuyện tưởng chỉ có trong phim lại diễn ra với con gái bà. Nếu ngày xưa bà quan tâm con, bắt nó học hành thì kể không học đại học cũng phải kiếm lấy cái nghề, hoặc cùng lắm là về bán xôi với mẹ. Sau đợt đền bù giải tỏa, nhà có khoản tiền kha khá, chồng con bà ra sức tiêu pha. Cũng may bà nhanh tay bảo chồng xây lại ngôi nhà. Rồi khi hết tiền, nó bảo đi làm ăn, bà cũng chẳng biết nó làm cái gì, với ai. Lúc bặt tin cũng chịu không biết phải tìm ở đâu. 

Lan về nhà giấu mình trong phòng cả ngày. Anh em đến chơi hỏi thăm cũng không muốn chuyện trò. Mấy tháng trời như thế. Bà Toàn rầu rĩ nghĩ ngợi. Con gái bà mới hơn ba mươi, chẳng lẽ trốn tránh hết đời ư! Những ngày ấy chỉ thấy Hương qua chơi rủ rỉ nói chuyện với Lan được lâu. Hôm Hương bảo đưa Lan đi bệnh viện nhờ bác sĩ quen khám chân, mãi Lan mới chịu. Rồi Hương lại giục giã, động viên, thỉnh thoảng còn đến chở Lan đi trị liệu, tập luyện. Lúc nghe con nói muốn ra phụ mẹ bán hàng, bà Toàn mừng rơi nước mắt.

*

*     *

Phạm Minh mở cửa bước ra sân. Đất trời, rừng núi còn chìm trong màn sương trắng đục. Một làn gió nhè nhẹ lùa tới khiến anh khẽ rùng mình. Mùa thu đã đến thật rồi! Vậy là đã tròn mười mùa thu anh gắn bó với mảnh đất này. Thật tình, ngày mới khoác ba lô lên đây, anh không nghĩ mình có thể trụ được ở nơi này lâu đến thế. “Thành tích” này trước hết là của Hương. Không có sự sẻ chia, thông cảm, đồng tình của cô ấy, chẳng biết anh phải xoay xở thế nào...

Còn hơn năm phút nữa mới đến giờ báo thức. Hôm nay là đến phiên tuần tra song phương. Tự nhiên anh thấy háo hức khác mọi lần. Tối qua, vợ anh gọi điện thoại kể, Lan đã suy nghĩ tích cực hơn và đang quen dần với quán trà đá. Vui hơn là Lan đã có thể tự đứng dậy, bác sĩ bảo cứ kiên trì tập luyện sẽ sớm đi lại được. Cô ấy bảo sẽ học theo mẹ làm xôi để giữ nghề, khi nào chân khá hơn sẽ tiếp quản thúng xôi để mẹ nghỉ...

Minh hít một hơi thật sâu làn gió thu đầy lồng ngực rồi rảo bước một vòng quanh đồn. Giờ này ở quê nhà, chắc Hương cũng đã dậy, sắp xếp việc nhà để chuẩn bị đến trường...

Truyện ngắn của TUYẾT PHƯỢNG