Mây mở to đôi mắt đượm buồn nhìn ngọn lửa. Đêm đã qua mà không thấy bố về. Sau tiệc rượu nghiêng ngửa ở đâu đó, bố lại quên đường về nhà rồi. Liệu bố có được nằm ấm bên bếp lửa, hay co ro bên góc sàn nhà nào? Bố có rét không? Chiều qua, thấy Mây ngồi thừ bên Cổng Trời, bố cằn nhằn:

- Về mà lấy chồng thôi! Con gái Dao mười tám là có con dắt, con địu rồi. Mày đừng có chờ cán bộ tỉnh nữa. Nó vui miệng thì hứa thế thôi, chứ nhiều việc lắm, nhớ đến mày thế nào được.

Bố hất nhẹ cánh tay phải, như hờn dỗi, loạng choạng bước đi, bàn chân không bám đất, lưng áo chàm bạc cong như cánh nỏ.

Trong lòng Mây rất buồn. Lâu nay cô có tật ngồi bên cửa, ngóng ra con dốc trước nhà. Bên dưới Cổng Trời, nơi mặt trời lên, là con đường men theo sườn núi nhấp nhô, thấp dần, dẫn xuống trường dân tộc nội trú của cô năm nào. Sự chờ đợi làm trong người bứt rứt, khó chịu, không cho Mây làm được việc gì cả. Cô không tin cán bộ tỉnh nói dối, nhất là bác Phó chủ tịch tỉnh cơ mà.

Mấy tháng trước, xã Tân Sơn vui mừng tổ chức lễ thông đường. Con đường mới được làm nối xóm Thượng tới bản Dù. Trong đoàn cán bộ tỉnh lên dự, có một bác đầu hói, to cao, hỏi các em trong bản có ai học hết lớp 12 chưa? Cả bản chỉ có một mình Mây. Bác cán bộ khen giỏi, hỏi Mây có nguyện vọng gì không. Mây trả lời ngay, như là có ý định từ trước:

- Cháu muốn được học nghề thầy thuốc, mai này về chữa bệnh cho dân bản.

Nói được thế, mà cô rơm rớm nước mắt nhớ thương mẹ. Mây còn chưa quên cảnh mẹ cô ôm bụng quằn quại, đau đớn kêu thét lên trong tiếng cầu khấn ê a của thầy mo. Mẹ đau suốt một ngày, một đêm thì chết. Thầy mo nói con ma rừng bắt mẹ đi, vì bố Mây không làm lễ cúng sớm. Sau này xuống học trường nội trú, cô giáo Lan nghe Mây kể lại thì cho rằng mẹ bị đau ruột thừa. Bệnh này nếu biết sớm, đi bệnh viện mổ ngay thì đơn giản, nếu để lâu, ruột vỡ ra là chết.

Bác cán bộ tỉnh nghe nguyện vọng của Mây thì nói:

- Tốt lắm! Cháu cứ chuẩn bị bộ hồ sơ giấy tờ rồi gửi cho chú thư ký này nhé. Bác sẽ chuyển qua trường trung cấp y tế của tỉnh xem xét xét tuyển.

Mây nhìn bác cán bộ, còn ngỡ ngàng chưa tin vào tai mình, thì bác Chiến, Chủ tịch xã ghé tai:

- Bác ấy là Phó chủ tịch tỉnh đấy!

Từ lúc đoàn xe ô tô to, nhỏ nối đuôi bò ì ì qua Cổng Trời, Mây đã hồi hộp chờ đợi.

Mùa hè trôi qua thật nhanh, Mây vẫn không thấy tin tức gì về việc gọi học. Mây trở thành cô gái vụng về nhất bản. Làm cỏ nương thì cuốc xới bung cả gốc ngô, nấu cơm thì bữa sống, bữa chín. Tới khi thấy lũ nhỏ trong bản khai giảng năm học mới rồi, Mây đánh liều đi bộ hai ngày đường về trường nội trú. Cô giáo Lan mừng rỡ khi gặp đứa trò ngoan. Cô khen Mây lớn và đẹp hơn nhiều so với hồi ở trường.

- Cô có thấy cái giấy của trường y tế gửi về cho em không?

Cô giáo bảo, chẳng có giấy tờ nào gửi về đây cả. Mây ngược núi, trên vai như cõng gùi đá nặng.

*

*      *

Mây học xong lớp 5 thì mẹ mất, bố lại không muốn cho cô đi học xa. Chủ tịch Chiến đến tận nhà, khuyên:

- Ông Triệu à! Cả bản chỉ có con Mây học giỏi, phải cho nó xuống học trường nội trú nữa. Sau này nó còn về làm cán bộ xã chứ.

- Nó lớn rồi! Còn phải ngủ thăm, bắt chồng. Nó đi học xa, cái bếp nhà ta tắt lửa à?

- Sao người anh em nói lời ngắn thế! Phải cho cháu học thành bác sĩ, để dân bản không ai phải chết như mẹ nó nữa.

Nhắc đến vợ là ông Triệu buồn. Ông cúi đầu, nghĩ một lúc rồi nói:

- Vậy ta cho Chủ tịch mượn con Mây bốn mùa mận thôi đấy!

Mây học khá, hết bốn mùa mận, cô muốn ra trường nội trú tỉnh học nữa nên định cuối tuần này về nhà xin phép bố Triệu. Bố không có nhà, cánh cửa liếp xộc xệch buộc qua loa. Hỏi hàng xóm, có người nói hôm trước gặp bố ở lễ “Lập  tỉnh” nhà họ Cấn bên bản Nun. Mây liền đi tìm. Đám lễ đã tan, chỉ còn mấy anh say rượu, nằm gác chân lên nhau dưới gốc cọ. Thấy Mây hỏi bố, một anh cố gượng, ngóc đầu dậy:

- À... à...! Em Mây bên Cổng... Trời. Đi học... nội... trú về à? Lớn rồi... đẹp... rồi. Có người... ngủ thăm chưa?

- Có thấy bố tôi đâu không?

- Bố... em hả? Ông Triệu chứ gì? Sang bản Lấp uống rượu... nhà mới rồi. Để... anh đưa em đi!

Anh chàng định đứng dậy, nhưng lại ngã kềnh. Mây đi bản Lấp, men theo những bậc đá cao dần lên phía bản người Mông. Qua đám nương nhà, những thân cây ngô khô quắt, đổ gục giữa cỏ rậm, mấy con khỉ chí chóe tranh nhau vài bắp ngô còn sót. Bàn chân vấp phải hòn đá, đau điếng, máu chảy rịn ra khỏi dép. Mây ngồi sụp, quờ tay ra sau lưng tìm một nắm lá. Có tiếng con trai vỡ giọng ồm ồm.

- Đắp vào chân đi cho nhanh khỏi.

Trước mặt Mây là ba thằng trai trẻ mặc áo chàm, quần cạp lửng. Thắt lưng đứa nào cũng đeo dao, vai vác súng kíp. Rõ là mấy đứa Mông trên núi xuống. Thằng cao nhất, chìa cho cô miếng lá nhai sẵn. Cô vội đón lấy, đắp vào vết thương, cảm thấy nước bọt người trai lạ còn nong nóng.

- Em đi đâu về bản Mông ta?

- Tôi đi tìm bố trên bản Lấp.

- Đi tìm bố à! Nếu không thấy thì mai hãy về. Tối rồi đấy!

Ba thằng trai Mông lặng lẽ quay bước. Mặt trời đã lấp sau núi Quạ, hắt lên chút nắng vàng nhợt. Phía bản Lấp, núi đã đen sẫm. Mây tập tễnh bước đi, chân đau nhức. Nước mắt cô trào ra, tủi thân. Mây cất tiếng gọi. Bố ơi! Vách núi vọng lại ơi... ơi... ơi, như chế nhại. Có tiếng con thú nào kêu thảm trong rừng sâu. Hình như có bước chân rình rập đằng sau. Mây sợ hãi quay lại, chỉ có màn sương chiều giăng kín lối về. Gặp gốc cây to, Mây dựa lưng ngồi nghỉ.

- Bố ơi! Cô giáo ơi!

Mây sợ hãi kêu cứu, nhưng ai đó đã vác cô trên lưng, chạy vụt vào rừng. Mây ra sức giãy giụa, chợt tỉnh cơn mê ngủ, hoang mang. Bước chân vẫn chạy huỳnh huỵch... Người đàn ông đặt Mây xuống chiếc nệm trải dưới đất. Đèn dầu lờ mờ, cũng đủ cho Mây nhận ra khuôn mặt thằng trai Mông lúc chiều đã đưa cho cô nắm lá nhai sẵn. Cái mặt ướt đẫm mồ hôi, nhưng đầy hả hê. Góc nhà đằng kia nhô lên cái đầu tóc rối bù, tiếng nói ồ ề:

- Bắt được rồi à! Để mai mời thầy mo về cúng ma.

Mây hoảng sợ khóc lóc kêu lên:

- Thả tôi ra! Tôi còn đi tìm bố, còn phải đi học...

Có tiếng gọi cửa:

- Páo à! Công an Bàn đây!

Cánh cửa mở ra, ánh đèn pin quét khắp trong nhà, dừng lại ở chỗ tấm nệm Mây nằm. Tiếng ồ ề lại cất lên:

- Cán bộ Bàn à! Đến nhà ta có việc gì?

- Chào ông! Tôi dẫn ông Triệu bản bên đi tìm con gái thôi. Nghe nói thằng Páo mới bắt được một đứa à?

- Ờ! Nó bắt được rồi! Ngày mai ta cúng cho ma nhà nhận người mới.

- Ồ! Nhưng con Mây mới mười lăm tuổi, chưa cưới được đâu.

Mây chạy lại ôm chầm lấy bố. Ông Triệu người còn nồng nặc mùi rượu, xoa đầu con:

- Con gái về sao không nhắn cho bố biết? Để con gái lạc tới đây, khổ sở quá.

Đợt ấy nhờ có cán bộ xã nói mãi, bố mới đồng ý cho Mây đi học nữa. Chuyện bị bắt về bản Mông mới đó cũng đã ba năm.

Mây nghiêng người soi vào thùng nước, một “bông hoa” tròn trịa, trắng hồng với đôi mày vút cong đang nhìn cô. Cái cô nàng sau mặt nước kia có chờ đợi đám cưới không? Ta còn đang chờ một lời hứa để đi học nghề thầy thuốc. Nhiều đêm, Mây tắt đèn trong nhà, nhưng bố lại thắp đèn lên. Ngọn đèn đêm ở nhà một cô gái Dao mới lớn, báo hiệu rằng trong nhà chưa có chàng trai nào đến ngủ thăm. Ai chưa vợ thì có quyền đến. Mây chưa muốn có chồng. Thực lòng cô cũng có cảm tình với một người. Đó là Hải, người bản Lấp, đang làm công nhân lâm trường. Họ biết nhau qua những lần Hải đến hướng dẫn bà con bản ươm giống chè Shan. Hải ít nói, hiền lành và giỏi việc. Có lần Hải thật thà:

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

- Anh biết Mây từ hồi bị thằng Páo bắt về bản Mông cơ. Bây giờ Mây đẹp hơn nhiều, đẹp như hoa Hoàng Anh bên suối Chiềng ấy. Anh muốn hai ta thành chim đậu chung cành được không? 

Má Mây nóng ran, cô ấp úng:

- Mây còn phải đi học trường y. Cán bộ tỉnh hứa rồi.

Hải không nói gì thêm. Lại có lần tỉ tê trò chuyện, Hải nói thương bố Triệu góa vợ, cũng thương Mây nhiều lắm. Anh muốn về ở rể nhà họ Triệu, giúp bố làm thêm cái nương, trồng thêm cánh rừng, nuôi cho Mây một đàn dê thật đông, thật béo... Tiếng anh tha thiết:

- Anh thương Mây thật bụng đấy! Nếu em đồng ý, anh xin phép gia đình sang đây ở với bố, với Mây. Hai năm sau làm đám cưới cũng được mà.

Buổi sáng ấy, Mây thức dậy muộn hơn mọi ngày. Cô còn đỏ mặt, khi nhớ lại những lời của Hải. Nếu có được Hải, Mây mừng lắm. Theo luật tục, anh sẽ sang ở rể nhà Mây hai năm, rồi làm lễ cưới đón dâu về nhà, nếu có con rồi thì càng tốt.

Phía đầu dốc, tiếng chú cán bộ xã trên chiếc xe gắn máy đang tiến về phía nhà Mây, gọi lớn:

- Có giấy gọi đi học rồi Mây ơi! Ba ngày nữa là nhập trường đấy. Giấy tờ đi lâu quá. Phải uống rượu mừng thôi.

Mây bàng hoàng, tưởng ngủ mơ. Thì ra cán bộ tỉnh không quên lời hứa, mà tại bây giờ nhà trường mới chuẩn bị khai giảng. Nhưng thật khó cho Mây rồi. Thật lòng thì Mây đã nghĩ đến việc lấy chồng, thì có giấy gọi. Đi học ba năm, liệu Hải có đồng ý đợi không? Hay là mình trả lại giấy cho cán bộ? Tờ giấy lưỡng lự trên tay Mây. Vừa nghĩ đến thì thấy Hải áo xanh công nhân phanh ngực, chạy từ phía chiếc xe gắn máy ban nãy đi tới.

- Mây ơi! Có giấy đi học rồi! Có giấy gọi rồi.

Hải dừng lại, vừa thở vừa cười:

- Bây giờ bỏ anh cho ai đây?

- Anh Hải có đồng ý đợi Mây đi học không?

- Sao không đồng ý! Mây đi học làm thầy thuốc cho bản. Anh sẽ ở nhà với bố, chờ Mây đi học về. Xin ở rể thêm một năm nữa, bố Triệu cho thôi mà.

Bên cánh cửa nhỏ, ông Triệu lom khom đứng cười, gật gật đầu. Mặt trời rụt rè bò lên ngang núi Quạ. Mây trước Cổng Trời tan ra, loãng dần. Sắc núi xanh mướt mái tóc con gái vừa mới gội.

Truyện ngắn của PHÙNG PHƯƠNG QUÝ