- Cô Hươn, cô Hươn ơi...

Mấy đứa bé ôm chân Hương, dang tay đòi bế. Hương mỉm cười, cúi xuống bế đứa bé nhất. Đứa bé thơm lên má Hương, thơm lên chiếc mũ màu xanh trên đầu cô rồi vòng tay ôm chặt cổ cô không chịu buông.

Ôm đứa bé, Hương thấy nhớ con. Những ngày này ở trường, ở nhà, chắc con cũng đang vui Trung thu cùng các cô, các bạn, cùng ông bà, bố và các anh chị. Con sẽ đánh dấu từng ngày trên lịch bằng chiếc bút chì xanh đỏ, tính xem còn bao nhiêu ngày nữa thì mẹ được về. Lúc nghe mẹ nói sẽ xa nhà trong một khoảng thời gian dài, bằng một cái Tết, một năm học, một kỳ nghỉ hè của con, con bé nhõng nhẽo nhất định không cho mẹ đi. Hương cùng chồng kiên nhẫn giải thích cho con hiểu. Vợ chồng tranh thủ đưa con đi tặng quà ở trung tâm bảo trợ xã hội. Con thương các em nhỏ xíu mà không được bố mẹ ôm ấp, yêu thương, len lén quay đi lau nước mắt vì sợ bị trêu là khóc nhè chè thiu. Hương cho con xem tấm ảnh các bạn nhỏ ở nơi Hương sắp đến, khẽ bảo con:

- Các bạn ở đây còn chịu đói, chịu khát, còn bị thương nữa con ạ. Các bạn muốn được ăn no, được đi học, được bố mẹ đưa đi chơi như con và các bạn mà không được...

Con bé đưa tay chống cằm, im lặng suy nghĩ như một bà cụ non. Sáng hôm sau, nó ôm mẹ, thì thầm:

- Con cho các bạn mượn mẹ mấy hôm để các bạn đỡ buồn, đỡ khổ. Rồi mẹ lại về với con nhé!

Những ngày trước hôm Hương lên đường, con bé đòi ngủ cùng mẹ. Tối nào con cũng hát cho Hương nghe những bài hát, đọc cho Hương nghe những bài thơ được học ở trường. Con xòe bàn tay bé xíu đếm xem mẹ sẽ xa nhà bao nhiêu ngày. Ngón tay không đếm đủ, con nhỏm dậy, xòe luôn ngón chân ra đếm. Ngón chân không đủ, con lại tính thêm bằng que tính. Con nhẩm bằng ấy ngày con sẽ học được bao nhiêu bài hát mới để mẹ về hát cho mẹ nghe. Cả nhà tổ chức Trung thu sớm để con được đón Trung thu đoàn viên, được phá cỗ cùng gia đình. Những đêm ấy, Hương ôm con, thức trắng, tranh thủ hít hà mùi tóc con, thơm lên má con, ngắm nhìn con bù cho những ngày xa cách. Con bé giờ chắc đã cao thêm một chút, tóc đã dài hơn một chút, cũng đã học được thật nhiều bài hát mới. Hôm rồi, Hương gọi về nhà, con bé khoe đã xin bố đăng ký đi học võ. Cuối tuần cùng bố đi xem triển lãm ảnh, con bé nhìn thấy tập ảnh Hương tập võ được một nhiếp ảnh gia ghi lại. Nó bảo bố, sau này con cũng sẽ như mẹ Hương, thật ngầu.

Hương chưa từng nghĩ mình sẽ đến một nơi cách Tổ quốc hai chặng bay kéo dài mười sáu tiếng đồng hồ với khoảng cách mười nghìn cây số. Lúc biết tin, Hương vừa hào hứng nhưng cũng có chút bất ngờ, phân vân. Con nhỏ, chồng bận công tác, giờ vợ lại xa nhà. Biết rằng bước chân vào quân ngũ là xác định đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ nào Tổ quốc cần, nhưng còn vai trò của một người vợ, người mẹ cũng cần chu toàn. May mà chồng Hương cũng là quân nhân nên anh hiểu và thông cảm. Anh là một bác sĩ quân y, thường xuyên có những chuyến công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con nơi biên giới. Anh động viên vợ cứ yên tâm thực hiện nhiệm vụ, ở nhà đã có cả bà nội và bà ngoại lên ở cùng để chăm sóc con. Khéo đến lúc Hương về, không nhận ra hai bố con vì tăng cân, béo tốt. Chờ Hương về, nếu có cơ hội, anh cũng muốn xung phong lên đường làm nhiệm vụ quốc tế. Lúc ấy, Hương nhớ lại động viên anh cho cân bằng. Có những lời chia sẻ của anh và bố mẹ hai bên, Hương thấy mình như đã hoàn thành nhiệm vụ được một nửa.

Dù đã tìm hiểu trước nhưng khi đặt chân xuống miền đất hoang tàn, đói nghèo bởi những xung đột triền miên, bởi những trận chiến đẫm máu cướp đi hàng ngàn sinh mạng, đẩy hàng ngàn đứa trẻ vào cảnh tàn tật, mồ côi, bị bỏ rơi, Hương vẫn thấy những xót xa nghẹn ứ trong trái tim mình. Đáng lẽ, đây sẽ là một đất nước xinh đẹp với những cánh rừng nhiệt đới, những đồng cỏ ngập nước trải dài cùng những thảo nguyên hoang dã mênh mông vô tận. Hương thấy mình nhỏ bé quá. Nhưng dẫu nhỏ bé, Hương cũng cần phải làm điều gì đó. Vượt qua phút giây bồi hồi, bỡ ngỡ ban đầu, trách nhiệm, bản lĩnh của một quân nhân khiến Hương lập tức xốc lại tinh thần, bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ.

Đã trải qua những khóa huấn luyện đặc biệt, kỹ càng trước thời gian lên đường, từ huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ năng sinh tồn, lái xe tác chiến đến cách cứu thương, nhận biết bom mìn mà lúc đối diện với nhiệm vụ mới thấy những khó khăn phát sinh từ thực tế còn nhân lên gấp bội, chẳng có sách vở nào có thể lường trước, đặt ra hết được. Mùa khô khan hiếm nước sạch, mùa mưa thì đủ loại dịch bệnh, nhất là sốt rét. Biết là uống thuốc liên tục sẽ để lại ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng mỗi ngày đều phải nhắm mắt uống một viên ngừa sốt rét vào khung giờ nhất định. Rồi những cuộc xung đột, sự bất hợp tác của các bên. Đến lúc này mới thầm cảm ơn những hôm luyện tập đến nỗi tê cứng cả hai cánh tay, cả cơ thể rời rã ra như đi mượn. Nhờ những ngày đêm luyện tập không ngừng nghỉ ấy, mỗi người mới có thể nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mà thực hiện nhiệm vụ.

Mới hai ngày trước, Hương trở về sau khi cùng đồng đội tham gia chuyến công tác của lực lượng biệt phái ở khu vực biên giới trong gần một tháng, nơi thường xuyên xảy ra các cuộc giao tranh giữa các phe đối lập. Những túp lều xơ xác, những đứa trẻ giương cặp mắt thơ ngây nhìn người lạ trong khi những ngón tay đưa lên miệng mút vì đói. Chẳng riêng gì khu vực biên giới, với trẻ em trên đất nước này, một bữa ăn no là điều hiếm hoi tưởng như chỉ có trong những giấc mơ. Nhận một cái bánh, cái kẹo cũng là niềm hạnh phúc tột cùng với chúng. Một túi lạc từ quê nhà Hương mang sang rang lên làm quà, chúng reo vui hớn hở như được thưởng thức một bữa tiệc thịnh soạn. Có đứa bé nhận một nắm lạc rang, ngồi đếm từng hạt chia đều ra để mang về cho mấy đứa em ở nhà, nó chọn những hạt bé nhất, nhấm nháp thật chậm cùng các bạn cho lâu hết. Ở căn cứ, Hương cùng một nữ đồng nghiệp là bác sĩ thường xuyên đi xin thức ăn, gói ghém mang đến cho bọn trẻ. Những chuyến công tác lâu ngày không ghé qua, chúng ngóng và hỏi thăm mọi người về Hương suốt. Sắp rời xa nơi này, có lẽ, hình ảnh về bọn trẻ là điều Hương không bao giờ có thể quên được.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Bởi vậy nên vừa về đến căn cứ, Hương lại xung phong vào thăm trường học và tổ chức Trung thu sớm cho các cháu. Chiều mát, lũ trẻ đã ùa ra sân sau khi chia nhau bánh kẹo cất vào trong túi để dành ăn dần. Mấy đứa trẻ đi đầu cầm đèn ông sao xanh đỏ, những đứa theo sau cầm đèn lồng bằng vỏ lon, vỏ chai, bằng giấy màu do mấy sĩ quan khéo tay tự làm, chạy vòng quanh thành một đám rước đèn rộn rã. Chẳng cần chờ trăng lên, những nụ cười hồn nhiên như thắp sáng cả một khoảng sân nhỏ, những tiếng hát rộn rã ngân lên cao vút trên ngôi trường mà Đội công binh số 1 Việt Nam mới hoàn thành tháng trước.

Lúc mới nhận nhiệm vụ, cả đội chứng kiến học sinh mẫu giáo lớn phải học tập trung trong những lớp học là những căn lều lụp xụp, tạm bợ được dựng lên bằng các tấm liếp. Các cháu nhỏ lại càng tội hơn. Không có phòng học, các cháu tập trung dưới các tán cây, ngày nắng nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn bốn mươi độ, ngày mưa phải nghỉ học vì mặt đất ngập nước, lầy lội. Cả đội quyết tâm bắt tay dựng trường, làm tặng người dân một con đường dẫn vào trường học. Ngày trường được khánh thành, người dân và các em đổ ra nhảy múa, ca hát, vỗ tay hoan hô. Mấy đứa trẻ bảo nhau, các cô chú đội mũ nồi xanh, trên ngực áo thêu lá cờ đỏ sao vàng có phép thuật, úm ba la một cái là phòng học hiện ra, đường mới hiện ra, sách vở, bàn ghế, đồ chơi hiện ra. Lại còn có cả giếng, có nước trong mát lành, có cả điện chiếu sáng. Chúng còn vẽ những bức tranh tặng từng chiến sĩ của Đội công binh số 1, tặng Hương cùng đồng đội. Chẳng biết ai dạy, bức tranh nào chúng cũng vẽ lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh biếc.

- Tùng dinh dinh tùng tùng tùng dinh dinh...

Rước đèn một lúc, lũ trẻ đứng thành vòng tròn, say mê học theo bài hát “Rước đèn Trung thu”. Tâm trí của Hương bay qua muôn trùng xa cách và nhớ thương trở về quê nhà. Đêm rằm trăng tròn vành vạnh, con gái Hương cùng các anh chị trong hẻm rồng rắn kéo nhau đi rước đèn trước khi phá cỗ. Những chiếc đèn Trung thu nối nhau thành một vệt dài lấp lánh như dải ngân hà. Mùa trăng năm sau, Hương đã rời xa nơi này, trở về bên gia đình, bên con gái.

Còn ở đây, tiếng hát của đám trẻ cũng đang ngân lên như muốn xua đi sự nghèo đói, bạo lực diễn ra hằng ngày, xua đi những khắc nghiệt, đau thương của bom đạn. Nhắm mắt, Hương gửi điều ước theo những chiếc đèn lồng về những mùa trăng yên bình không xa cho những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ trên mảnh đất này.

Truyện ngắn của VIỆT CƯỜNG