Vừa về đến nhà, chưa kịp thay quần áo, mẹ tôi đã bảo:

- Mai cuối tuần, con đưa mẹ về quê. Dì Xoan vừa gọi điện cho mẹ, ầm ĩ hết cả lên.

Tôi ngạc nhiên. Mới mấy hôm trước tôi về thăm, dì còn khoe em Xuân-con gái dì năm vừa rồi được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dì tính cuối năm ổn định thì gả chồng cho nó. Tranh thủ lúc dì còn khỏe, còn trông cháu giúp được. Con rể tương lai của dì là người cùng xã, biết nhau cả. Cậu chàng làm việc ngay trên huyện, tính tình thật thà lại chịu khó, chững chạc. Hai đứa chơi thân với nhau từ bé, lớn lên hợp tính nên từ tình bạn chuyển sang tình yêu. Lấy nhau về, bảo ban nhau làm ăn, lại được sự giúp đỡ của bố mẹ hai bên là coi như ổn định, êm ấm. Nghe tôi thắc mắc, mẹ chép miệng:

- Chẳng biết con Xuân có chuyện gì. Dì gọi điện lên cho mẹ, thấy giọng căng thẳng lắm.

Ông bà ngoại tôi chỉ sinh được hai người con gái. Chẳng hiểu thế nào mà mẹ tôi và dì lại khác nhau một trời, một vực. Mẹ tôi bảo chắc tại lúc mang thai dì, bà ngoại mong dì là con trai nên tính nết dì y như con trai. Dì cao to, nước da ngăm đen, ăn nói thì dõng dạc, dứt khoát chứ không mảnh mai và nhỏ nhẹ như mẹ tôi. Dì còn lén bà ngoại tập võ. Lúc bà ngoại phát hiện, dì bảo nhà toàn đàn bà con gái, không học võ phòng thân lỡ có ai bắt nạt thì làm sao bảo vệ được mình.

Hồi nhỏ tôi nhìn thấy dì là thấy xa lạ. Dì chẳng bao giờ quát nạt, đánh mắng nhưng chỉ cần dì nghiêm mặt lại là tôi đã mất hết cả hồn vía. Mẹ tôi phải dỗ dành mãi tôi mới chịu theo dì. Mẹ tôi thương dì, thi thoảng, thở dài như vừa tâm sự, vừa phân bua. Cũng vì ông ngoại mất sớm, bà ngoại đau buồn mà sinh bệnh tật, đau ốm, mẹ thì nhút nhát, mềm yếu nên việc nhà dì phải gánh vác hết, từ việc đồng áng đến những công việc đáng lẽ là của người đàn ông trong gia đình. Dì buộc phải mạnh mẽ, gan góc. Nhìn dì thế nhưng sống tình cảm, siêng năng, hiếu thảo. Nết ăn, nết ở, nết làm lụng của dì cả làng trên xóm dưới đều khen ngợi. Nhưng dì vẫn muộn chồng. Ở quê ngày ấy, mười chín đôi mươi đã con bế, con bồng, dì gần ba mươi chưa có đám nào ngấp nghé làm cả bà ngoại và mẹ tôi đều sốt ruột. Bà ngoại trước khi mất vẫn còn canh cánh chuyện dì chưa có nơi chốn. Tôi nhớ có một lần về quê chơi, nghịch theo bạn, tôi cầm kéo cắt tóc mình nham nhở. Dì vừa cắt tóc lại cho tôi vừa bảo con gái phải biết chăm sóc tóc tai vì “cái răng cái tóc là góc con người”. Tôi lại buột miệng hỏi sao tóc dì dài, đen mướt, óng ả, dì lại khéo tay hay làm mà dì mãi chưa lấy chồng. Lần đầu tiên, tôi thấy dì buồn.

Đêm ấy, tôi thấy mẹ và dì ngồi nói chuyện đến khuya. Mẹ cứ thở dài mãi. Mẹ chưa thực hiện được lời hứa với bà ngoại. Cũng có đám thấy dì khỏe mạnh, hay lam hay làm đã ý tứ hỏi thăm nhưng thấy dì quyết đoán, mạnh mẽ, lại ngại cưới về dì làm chồng người ta. Dì cười an ủi mẹ, không ai lấy thì em ở vậy, có tiền thì cho các cháu, cho chị, chả phải phụ thuộc vào ai.

Thế rồi, hơn ba mươi tuổi dì Xoan đi lấy chồng. Tiếng là đi lấy chồng nhưng thực chất là chú Sinh-chồng dì về ở rể. Chú Sinh là bộ đội từng tham gia chiến đấu tại chiến trường K. Trong một trận chiến chú trúng bom, phải cưa mất cả hai chân. Bố mẹ đã mất cả, không muốn phiền anh em nên chú sống ở viện điều dưỡng nhiều hơn ở nhà. Ngày cưới dì, nhiều người xì xào chú mất cả hai chân như vậy thì dì sẽ vất vả thêm, rồi không biết còn ảnh hưởng đến chỗ nào khác không. Dì chẳng quan tâm đến những lời xì xào ấy. Khuôn mặt của dì cứ ngời lên niềm hạnh phúc. Lúc ấy tôi mới biết, thì ra dì Xoan cũng có lúc bẽn lẽn, dịu dàng như vậy.

Mấy năm sau đám cưới thì em Xuân và em Thắm ra đời. Mẹ tôi bảo chắc trời thương chú dì hiền lành, hiếu thảo nên dù chú bị thương, dì cũng đã cứng tuổi mà vẫn sinh được hai đứa con gái xinh như búp bê. Ngôi nhà nhỏ của dì tràn ngập tiếng cười. Chú Sinh mất hai chân nhưng lại có đôi bàn tay khéo léo. Chú đan rổ, rá, nia, thúng cho dì mang đi chợ bán kiếm thêm tiền trang trải. Dì Xoan thì suốt ngày ngụp lặn khắp các cánh đồng. Dì thầu cả khu đầm của xã trồng sen, nuôi cá. Mảnh vườn ông bà ngoại để lại, dì học tập kinh nghiệm về mở mô hình VAC. Dì xây được nhà mái bằng, mua được xe máy, sắm sửa các vật dụng trong nhà. Người làng lúc ấy lại tấm tắc khối người lành lặn mà không được bằng chú Sinh.

Khi em Xuân lên mười, em Thắm lên tám, chú Sinh mất. Những vết thương chiến tranh đã hành hạ và bào mòn sức khỏe của chú. Dì Xoan vừa làm cha, vừa làm mẹ. Dì bỏ tay nọ làm tay kia để nuôi con cái ăn học. Các em thương dì nên chịu khó học hành, Xuân ra trường có việc làm ổn định còn Thắm cũng chuẩn bị tốt nghiệp. Xuân giống dì, mạnh mẽ, bản lĩnh, đã muốn làm gì thì sẽ quyết tâm làm đến cùng.

leftcenterrightdel
Minh họa: Lê Anh 

Tôi đưa mẹ về đến quê thì trời vừa sẩm tối. Nhà vắng lặng. Mẹ tôi đẩy cổng bước vào, giật mình thấy dì ngồi im lìm ở hè, nhà cửa không buồn bật điện.

- Sao không bật điện lên cho sáng mà lại ngồi ở đây cho muỗi thế này!

Dì uể oải đứng dậy bước vào nhà, với tay bật công tắc điện. Hình như mấy hôm nay dì mất ngủ. Mẹ tôi vội hỏi:

- Thế có chuyện gì, dì nói chị nghe xem nào. Con Xuân đi đâu rồi? Đã cơm nước gì chưa mà bếp núc lạnh tanh thế.

Như tìm được nơi để trút tâm sự, dì Xoan nói một hơi không ngừng. Chẳng biết nghĩ gì, con Xuân viết đơn xung phong nhập ngũ. Mãi đến khi có giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nó mới nói cho dì biết. Đang yên đang lành, có việc làm ổn định, nhiều người mơ còn chẳng được mà nó thì không chịu yên phận. Nhà bên kia cũng đã đánh tiếng sang nói chuyện, thời gian nữa xin nó về làm dâu bên ấy. Bên nhà họ chỉ có mỗi một đứa con trai nên cũng mong có cháu. Tất cả mọi người đều lo vun vén cho nó, mong nó có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Cuộc đời dì vất vả, chỉ mong chúng nó được hạnh phúc mà chúng nó chẳng hiểu cho lòng dì...

Tôi rót ly nước ấm cho dì uống để bình tĩnh lại. Mẹ tôi cũng lựa lời khuyên dì. Tưởng có chuyện gì động trời, dì làm mẹ lo cả đêm qua chẳng ngủ được. Mấy năm nay, báo chí, ti vi vẫn đưa tin về những nữ sinh bảo lưu kết quả học tập hoặc nghỉ việc để nhập ngũ. Cũng không thiếu những cô gái được sinh ra trong gia đình có điều kiện, được bố mẹ cưng chiều nhưng vẫn háo hức bước chân vào môi trường quân ngũ để rèn luyện và cống hiến. Mẹ kể cho dì nghe mấy thanh niên gần nhà, đi bộ đội về rắn rỏi, chững chạc, bản lĩnh hẳn lên. Nhiều đứa trước khi đi bộ đội thất nghiệp, lêu lổng, hoàn thành nghĩa vụ quân sự về được hỗ trợ học nghề, chí thú làm ăn nên khấm khá, bố mẹ vui mừng mà hết cả ốm đau, bệnh tật. Dì Xoan có vẻ đã nguôi nguôi nhưng vẫn còn chút chưa yên lòng:

- Nhưng nó là con gái...

Mẹ tôi ngắt lời:

- Con gái thì đã làm sao. Dì cũng là đàn bà, con gái mà thử hỏi khắp cái làng này có ai không phục dì. Ngày xưa thì chăm mẹ, lấy chồng thì gánh vác thay chồng, chồng mất vừa nuôi dạy con vừa một tay xây dựng cơ ngơi chuồng trại, vườn cây ăn quả. Cái Xuân nó là con dì, nó mạnh mẽ, bản lĩnh như dì, dì phải lấy làm mừng chứ.

- Đúng đấy mẹ ạ, bác tin con thì mẹ cũng phải tin con chứ-Xuân đi ra ngoài vừa về tới, thấy bác bênh mình thì vội tiếp lời. Con bé dẫn cả người yêu về. Cả hai đứa cùng đăng ký nghĩa vụ quân sự và cùng trúng tuyển đợt này. Bên nhà trai ủng hộ hết mình. Bố người yêu Xuân cũng là cựu chiến binh, thấy con trai quyết tâm nhập ngũ, mấy hôm nay gặp ai ông cũng khoe.

Xuân kéo tôi xuống bếp nấu cơm. Con bé líu ríu kể nó và người yêu có suy nghĩ muốn được nhập ngũ từ hồi dịch Covid-19 bùng phát. Tham gia tình nguyện cùng các anh bộ đội tiếp tế lương thực và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hai đứa vừa thấy thương, vừa cảm phục. Xuân chia sẻ ước mong được khoác lên mình bộ quân phục thì người yêu ủng hộ ngay. Nhưng tới năm nay cả hai mới thực hiện được ước nguyện. Giọng con bé nghẹn ngào:

- Còn vì bố em nữa chị ạ. Bố mất lúc em còn bé, nhưng em vẫn nhớ bố yêu màu áo xanh vô cùng. Em càng cảm nhận được rõ điều ấy khi sau này đọc lại những trang nhật ký bố viết...

Trên nhà đã vọng xuống những tiếng cười. Chắc mẹ tôi và người yêu Xuân đã “thông suốt” công tác tư tưởng cho dì Xoan. Dì gọi Xuân lên nhà, hai mẹ con cùng thắp nén nhang cho chú Sinh. Dì khấn chú Sinh phù hộ cho hai đứa được chân cứng đá mềm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chưa hết những lo lắng, băn khoăn nhưng trong mắt dì cũng ánh lên niềm tự hào không thể che giấu. Dì gọi điện cho Thắm, dặn con cố gắng thu xếp về để tiễn chị lên đường nhập ngũ.

Chẳng biết ai đó đang ngân nga khúc hát “lúc còn thơ ước làm cô bộ đội, thấy ngôi sao sáng ngời con thích lắm mẹ ơi...”, tôi nhìn dì Xoan, nhìn Xuân và người yêu của em, chỉ thấy trong những đôi mắt thân thương như có những vì sao xanh lấp lánh ngời lên sức xuân biêng biếc...

leftcenterrightdel
 
“Những ngày này, mùa xuân như rộn ràng, háo hức và bừng lên sức sống mãnh liệt hơn khi hình ảnh những thanh niên tuổi đôi mươi nô nức lên đường nhập ngũ được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội. Tôi đặc biệt ấn tượng với những cô gái mảnh mai, dịu dàng nhưng cũng đầy mạnh mẽ, bản lĩnh, xung phong lên đường nhập ngũ, cống hiến sức trẻ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.  Truyện ngắn “Ánh sao lấp lánh” thay lời cảm phục, niềm tự hào của tôi muốn gửi gắm đến những chiến sĩ mới đã gác lại lợi ích riêng của bản thân và gia đình để thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của tuổi trẻ với sự nghiệp bảo vệ những mùa xuân bình yên của Tổ quốc”.
Truyện ngắn của THU HÀ