Giáo sư Đặng từ cabin bước xuống xe, ánh nhìn hiền hòa dõi theo bóng từng cán bộ của mình mang quân tư trang rời xe. Tiếng cười nói, chào hỏi của những chiến sĩ binh trạm và đoàn khách vang lên rộn rã phá tan khoảnh khắc im lặng của ban mai. Thiên nhiên rỡ ràng trong ban mai tinh khiết, dần mất đi vẻ u tịch, hiểm ác của một vùng rừng thiêng nước độc. Huân vội chạy lại đỡ chiếc hộp chuyên dụng từ tay Giáo sư, kính cẩn:

- Thưa Giáo sư, đêm qua xe đã vượt giới tuyến, giờ đến binh trạm rồi ạ. Các đồng chí bên binh trạm nói từ đây chúng ta phải hành quân bộ 40km để vào đến A Lưới mới tới địa điểm đặt trạm nghiên cứu của viện. Giáo sư vào trong nghỉ trước, để cháu mang hành lý cho.

Giáo sư Đặng cất lời:

- Cảm ơn cậu! Cậu để giúp tôi hộp đồ này vào nơi an toàn. Còn tư trang, tôi sẽ tự mang.

Huân không dám đề nghị thêm, đành ôm chiếc hộp đứng nhìn Giáo sư khoác lên vai chiếc ba lô nặng trĩu và hòm tài liệu ông luôn mang theo bên người. Kể từ khi theo Giáo sư tham gia huấn luyện, anh biết thủ trưởng của mình rất quật cường dù tuổi đã gần 60 và sức vóc cũng tầm thước. Chưa kể những đêm dài triền miên trong phòng nghiên cứu khiến ông hao tổn nguyên khí rất nhiều. Nhưng dù mệt đến mấy, ông cũng tự làm những phần việc của mình, không nhờ ai giúp đỡ.

Dù đã được báo trước về đoàn công tác đặc biệt này, nhưng khi biết trưởng đoàn là Giáo sư Đặng, tất cả anh em đều hồ hởi tiến về phía ông chào hỏi. Anh em đều còn rất trẻ, song câu chuyện về vị Giáo sư tài danh với nhiều công trình nghiên cứu sáng giá xin về nước tham gia phục vụ cách mạng giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng cam go, ác liệt được truyền trong toàn quân. Hành trang của Giáo sư là hai bộ quần áo và vô số ống nghiệm, thiết bị y tế, thuốc men. Chưa kể những nghiên cứu và các loại dược phẩm do ông cùng đồng đội chế tạo đã cứu sống biết bao mạng người. Đồng chí Binh trạm trưởng nắm tay Giáo sư, xúc động:

- Nay cháu mới được gặp Giáo sư để thay mặt dòng họ nhà cháu nói lời cảm ơn. Giáo sư biết không, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bố cháu cùng các chú trong họ cũng tham gia chiến đấu và vận chuyển lương thực tiếp tế cho bộ đội, một lần dính pháo của địch bị thương, may nhờ có “nước lọc Penicillin” của Giáo sư mà kịp thời được chữa trị. Đôi chân của bố cháu và một bàn tay của cậu cháu nhờ vậy mà giữ lại được, gần như lành lặn cho đến ngày chiến thắng trở về.

- Vậy đồng chí thực sự là con cháu của những người anh hùng. Tôi rất phấn khởi khi nghe câu chuyện của dòng họ đồng chí. Đúng là như lời Cụ Hồ đã nói, nhân dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn-Giáo sư hiền hậu trả lời.

Cả binh trạm ai cũng muốn tới gần ông hơn một chút, nhất là Thơm, y tá của binh trạm cứ đăm đắm nhìn người thầy thuốc vang danh như một huyền thoại. Nhận ra ánh mắt của cô, Giáo sư cười:

- Đồng chí tên gì? Nhìn đồng chí chắc cũng trạc tuổi con gái của tôi?!

- Dạ, thưa Giáo sư, cháu tên Thơm, y tá của binh trạm. Năm nay cháu 22 tuổi, ở binh trạm đã được gần 3 năm rồi ạ-Thơm bẽn lẽn.

- Vậy là cháu bằng tuổi con gái tôi. Thật đáng quý, cháu đã dành những năm tháng đẹp nhất ở vùng rừng này-ông nói với giọng bùi ngùi.

Đêm hôm ấy, Giáo sư Đặng trằn trọc không ngủ. Ông trở dậy, lấy chiếc đèn pin, viết thư cho con gái: “Nguyệt Anh thương nhớ của ba. Ba đang trên đường đi B nghiên cứu một loại vaccine từ thoa trùng muỗi để ứng dụng vào sản xuất thuốc tiêm phòng sốt rét cho bộ đội. Chiến trường trong này ác liệt hơn nhiều so với tưởng tượng của ba, nhưng cả đoàn ai cũng quyết tâm và tràn đầy niềm tin là sẽ thành công. Trên đường đi, ba gặp những người lính trẻ trung, căng tràn sức sống như con đã chiến đấu, bám trụ ở cung đường máu lửa này nhiều năm. Họ đã cho ba thêm động lực, thúc giục ba cùng đồng nghiệp phải nhanh chóng tìm được phương thuốc chữa sốt rét, không để bộ đội hy sinh vì loại bệnh quái ác này. Chỉ cần có thể tiêu diệt hết sốt rét ở cả hai miền Bắc-Nam, ba có chết cũng không ân hận...”.

*

*    *

Sáng hôm sau, cả đoàn hành quân bộ xuyên qua cánh rừng. Thuận, người giao liên được binh trạm cử đi trước dẫn đường bước thoăn thoắt trên những thảm lá rừng rụng dày đặc vì hóa chất. Khu vực này địch rải nhiều thám báo, biệt kích nên việc bảo đảm bí mật là rất quan trọng. Đoàn người thận trọng bám đội hình, lần lượt giẫm chân lên dấu bước của Thuận, không ai nói với ai câu nào. Suốt một ngày ròng rã hành quân, cuối cùng cũng tới nơi đặt trạm nghiên cứu. Ai nấy mỏi rã rời, tranh thủ ăn chút cơm nắm rồi treo võng ngủ.

Hôm sau, binh trạm cử đội hậu cần đến hỗ trợ dựng nhà. Nhưng cánh lính chiến vốn chỉ quen dựng lán trại dã chiến, nên cần có sự phối hợp, hướng dẫn của đoàn công tác. Giáo sư Đặng quán triệt:

- Các đồng chí bên binh trạm đã hỗ trợ chúng ta nguyên vật liệu và một số nhân công lành nghề. Song tôi đề nghị các đồng chí cũng tham gia cùng anh em dựng nhà, làm phòng thí nghiệm thật ngăn nắp, khoa học để thuận tiện cho việc nghiên cứu. Nhiệm vụ lần này của chúng ta hết sức quan trọng, liên quan đến sinh mạng của đồng chí, đồng đội đang chiến đấu trên chiến trường. Vì thế, chúng ta cần nỗ lực, nhanh chóng ổn định nơi sinh hoạt, làm việc.

Minh nhìn quanh vạt rừng, lòng hoang mang. Cô vốn là một thanh niên trí thức Hà Nội nên gần như không biết cách làm sao để dựng nhà bằng tranh tre, nứa lá. Mà không chỉ có Minh, gần như các bác sĩ, kỹ thuật viên, y tá của đoàn công tác cũng đều mù tịt với việc dựng lều, làm lán. Nhận thấy không khí có vẻ lúng túng, giao liên Thuận nhanh nhảu:

- Dựng nhà cũng không khó lắm đâu các đồng chí ạ. Những việc cần kỹ thuật như ghép cột, đóng vỉ kèo anh em binh trạm đã làm quen. Chỉ cần các đồng chí hỗ trợ thưng vách, kéo lá lợp mái thì khoảng hai ngày là xong. Nhưng đối với các nhà dùng làm phòng thí nghiệm thì cần các đồng chí cho biết rõ về yêu cầu, kích thước, có cửa sổ hay không có cửa sổ, cần cách âm, cách nhiệt như thế nào và các đồng chí phải cùng làm thì anh em mới hỗ trợ được.

Huân khoát tay:

- Không biết chúng ta có thể học, các đồng chí nhanh chóng tập kết máy móc, hóa chất và ống nghiệm lên phía gò cao. 

Phía rừng xa bỗng vọng lại tiếng chim rất lạ, vừa như thủng thẳng, vừa như thảng thốt... Nghe như tiếng ai đó từ rừng vọng lại “bắt cô trói cột”. Đoàn công tác ngừng tay lắng nghe. Giáo sư Đặng đang ôm trên tay bình hóa chất bước về phía gò cao, quay lại nói vui:

- Các đồng chí nghe không, đến chim rừng cũng ủng hộ chúng ta. Nó đang nhắc các đồng chí hãy “khó khăn khắc phục” đấy.

Mọi người cười xòa, sôi nổi sắp xếp hành trang, dọn dẹp cây bụi để chuẩn bị mặt bằng dựng nhà. Chẳng mấy mà những mái lá đơn sơ thành hình dưới tán rừng.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Đang trong phòng thí nghiệm, Giáo sư Đặng nghe tiếng rì rầm của máy bay tầm thấp. Ông nhướng mắt nhìn qua tấm liếp đang rọi những tia sáng yếu ớt của ban mai vào phòng rồi lại tiếp tục chú tâm vào những chiếc ống nghiệm đang chờ. Cả đêm qua ông không ngủ, đăm đăm theo dõi từng phản ứng lâm sàng của các liệu pháp phòng sốt rét. Sau nhiều ngày vất vả, các bác sĩ, kỹ thuật viên trong đoàn công tác đã lặn lội khắp vùng rừng này để thu thập mẫu vật, mải miết phân tích và thử các phản ứng hóa học. Giáo sư muốn tranh thủ từng giây phút để nhanh tìm ra loại thuốc có thể khắc chế căn bệnh quái ác này.

Từ phòng mình, bác sĩ Minh cũng nghe thấy tiếng động, cô bước vội ra ngoài quan sát. Đất trời ong ong một cảm giác khó tả thành lời, tất cả như gợn lên một cảm giác của sự chết chóc và hủy diệt. Khu làm việc chỉ còn lại Giáo sư Đặng cùng với cô và hai y tá. Cánh đàn ông hôm qua đã về binh trạm để nhận lương thực. Cô bất giác nhớ rằng bữa tối hôm qua Giáo sư ăn rất ít, chút gạo còn lại nấu lên chia mỗi người được một lưng cơm, ông nhìn anh em trẻ ăn cơm với vài hạt muối, liền mở cà mèn lấy chút ruốc thịt tiêu chuẩn riêng của mình chia cho mọi người cùng ăn.

Máy bay vè vè trên đầu rồi lại bay ra xa dứt Minh khỏi dòng suy nghĩ. Cô lắng tai nghe từ phía núi dội về những thanh âm nhỏ nhất và tiếng ì ầm quần thảo của không lực địch rồi khe khẽ gõ cửa phòng Giáo sư Đặng:

- Thưa Giáo sư, em thấy phía núi máy bay địch quần thảo ghê quá, em đề nghị Giáo sư tạm rút về phía hầm trú ẩn ạ.

Giáo sư nói vọng ra đầy tự tin, phấn khởi:

- Đồng chí cứ bình tĩnh, tiếp tục chú ý quan sát. Hiện nay một mẫu vật đã có dấu hiệu chuyển hóa tốt, tôi cần thêm thời gian để nghiệm chứng. Chúng ta cách thành công không xa nữa rồi. Cố gắng kiên trì thêm chút nữa rồi chúng ta rút.

Lời Giáo sư vừa dứt, Minh nghe thấy tiếng bom ì ùng đâu đó. Và rồi một chớp sáng rạch trời thổi bùng lên những cột lửa cuộn đỏ như vòi rồng, cuốn lên cao tất cả mọi thực thể trong vòng xoáy bạo tợn, hủy diệt của nó.

*

*    *

Huân cùng anh em trong đoàn guồng chân gùi gạo trở về. Sớm nay, anh thấy nóng ruột lạ lùng nên giục mọi người rảo bước thật nhanh. Tay anh còn cầm xâu cá suối đã được nướng chín mà anh em dành lại cho Giáo sư cải thiện. Vừa vượt dốc đến đỉnh gò, cả đoàn sững sờ nhìn xuống khu nhà của đoàn công tác. Giữa nắng sớm, tất thảy trước mắt họ chỉ còn lại những mảng màu xám lạnh đến rợn người. Mùi cây cỏ, mùi da thịt cháy còn quấn quện trên từng ngọn cây đen trĩu. Áp lực của quả bom hất ngược những kèo cột và đốt cháy đen mọi vật dụng. Trong căn phòng thí nghiệm đang còn âm u khói, Giáo sư Đặng nằm gục bên dãy chai lọ đã vỡ nát, khuôn mặt vẫn tươi như đang ngủ, bàn tay nắm chặt một ống nghiệm không rời.

Dưới nắng sớm dịu nhẹ như tơ, gương mặt ông thanh thản và mãn nguyện.

leftcenterrightdel
Tác giả Phạm Vân Anh 
Từ lâu, tôi vẫn luôn trăn trở viết một tác phẩm về đề tài nền y tế vệ quốc. Trong quá trình khảo cứu tư liệu, tôi thực sự xúc động và cảm phục trước câu chuyện của Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ-nhà khoa học xuất sắc, một nhân cách lớn lao, một tấm gương mẫu mực, một trí thức thực học, thực hành hiếm có. Tôi thấy được trong ông trái tim nhà khoa học tài ba hòa vào trái tim người chiến sĩ đảm lược, kiên cường. Và truyện ngắn “Nắng cửa rừng” được khai mở từ cảm xúc tri ân và ngưỡng vọng một người thầy thuốc đã hy sinh tất cả vì độc lập, tự do cho dân tộc.
Truyện ngắn của PHẠM VÂN ANH