Anh soạn tin nhắn rồi lại xóa, chẳng biết phải nhắn với mẹ, với An như thế nào, rằng Tết này anh không về được, cho hai người bớt buồn. Ngay từ giữa năm, mẹ đã dặn anh bằng mọi giá Tết năm nay phải thu xếp để về. Anh cũng đã hứa với mẹ, với An, vậy mà cuối cùng lại lỡ hẹn.

Đây chẳng phải là lần đầu mẹ nhắc Minh tính toán chuyện của anh và An. Đôi lần, mẹ thở dài tâm sự. Mẹ chỉ mong An là con dâu, nhưng nếu không được, mẹ sẽ coi An như con gái. Con bé đẹp người, đẹp nết, có việc làm đàng hoàng, bao nhiêu đám ngấp nghé mà vẫn chung thủy đợi Minh. “Hay mày đã nhắm được đứa con gái nào khác ở gần nơi công tác thì cũng phải nói rõ ràng để con bé còn đi lấy chồng”. Mẹ trách Minh hệt như một người mẹ đang hết lòng bảo vệ đứa con gái của mình trước kẻ phụ bạc.

Nghe mẹ nói, Minh chẳng biết phải giải thích thế nào. Anh ngập ngừng không phải vì tình cảm dành cho An phai nhạt. Chỉ cần nghĩ đến ngày cưới được An là anh đã thấy hạnh phúc như thể trên đời này chẳng còn niềm vui nào hơn thế. Nhưng làm sao để vẹn tròn được tất cả. Anh không thể về gần nhà, mà bắt An theo anh thì sợ cô không chịu được hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn ở đây. An lại giỏi giang, dạy ở trường trọng điểm thì cô mới có cơ hội phát triển.

Bố Minh mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con. Những năm Minh còn ở nhà, Tết nhất nhìn hàng xóm sum vầy nói cười rộn rã, nhìn lại cảnh nhà mình neo người, mẹ góa con côi, mẹ lại rơm rớm nước mắt. Mẹ phải gượng cười, bảo mong Minh sớm lấy vợ cho nhà thêm người để dằn nỗi tủi thân xuống. Ai biết lớn lên Minh lại trở thành Bộ đội Biên phòng, quanh năm ngày tháng biền biệt xa nhà. Cảnh nhà vắng lại càng thêm vắng. Không nghĩ đến thì thôi, cứ nghĩ đến dáng hình gầy gò của mẹ đứng ở đầu ngõ trong những chiều cuối năm liêu xiêu gió, ngóng đứa con trai ở xa về nhà ăn Tết, nghĩ đến hình ảnh mẹ run run thắp hương cho bố rồi một mình ngồi lặng lẽ đón Giao thừa với cái bóng cô độc của mình in trên vách, Minh không khỏi xót xa. Mẹ chưa bao giờ trách móc hay than thở, nhưng Minh luôn cảm thấy mình không làm tròn đạo hiếu với mẹ. Nhất là trong những dịp Tết đến, xuân về như thế này.  

Nơi Minh đóng quân cách nhà hơn 100 cây số. So với nhiều đồng đội của Minh, khoảng cách này không phải quá xa. Nhưng địa bàn trọng yếu, hiểm trở, thành ra công việc lúc nào cũng bộn bề. Nhiệm vụ chính của tổ trinh sát là chốt giữ vùng biên, ngoài những buổi tuần tra, canh gác thì dạy chữ cho bà con dân bản và lũ trẻ. Bản chưa có điểm trường, trường học lại ở xa nên lũ trẻ đứa thì không được đi học, đứa bỏ học giữa chừng. Ngày Minh mới về nhận công tác, bản còn chưa có điện. Đường vào bản là con đường độc đạo băng qua suối, cả bản quanh năm chìm trong sương mù ảm đạm và buồn tẻ. Mùa mưa, bản như bị cô lập với bên ngoài. Thời tiết lại khắc nghiệt, mùa hè nắng như đổ lửa, mùa đông lạnh như cật nứa cắt vào thịt da buốt nhói. Việc tuần tra vất vả, việc dạy chữ cho bà con cũng vất vả chẳng kém vì dân bản hầu như không biết nói tiếng phổ thông. Ban đầu, Minh không hiểu bà con nói gì, bà con cũng chẳng hiểu Minh giảng gì. Vậy là anh vừa dạy vừa học tiếng, vừa tìm hiểu phong tục tập quán của người dân. Lũ trẻ gọi anh là “thầy giáo quân hàm xanh”.

Ngần ngừ mãi, cuối cùng Minh cũng bấm gửi tin nhắn. Anh nhờ An lúc nào nói với mẹ rằng Tết này anh không về được. Càng lễ, tết càng phải nâng cao tinh thần cảnh giác ở khu vực biên giới, càng phải tăng cường tuần tra ở các đường mòn, lối mở. Tin nhắn gửi đi, Minh đã có thể tưởng tượng ra đôi mắt thăm thẳm của An, tiếng thở dài cố nén trong lồng ngực và nỗi buồn cứ mỗi ngày lại thêm hun hút. Minh công tác xa nhà, An hằng ngày chạy qua chạy lại trông nom, chăm sóc mẹ anh. Từ lâu, mẹ anh đã coi An là con trong nhà. Minh cũng mong lắm chứ. Nhưng anh sợ cô vất vả. Lấy chồng mà chồng cứ đi biền biệt, lúc mạnh khỏe bình thường chẳng nói làm gì, nhưng những lúc ốm đau biết nhờ cậy ai. Rồi lại còn con cái...

Tất cả điều ấy chỉ là Minh tự nghĩ, anh chưa từng bày tỏ với An. An cũng chưa bao giờ tỏ ra ngần ngại hay bóng gió xa xôi chuyện sau này sợ vất vả khi hai đứa kết hôn. Hai nhà chỉ cách nhau một con ngõ, hai đứa bằng tuổi, học chung với nhau từ lúc còn nhỏ xíu. Tình yêu nảy nở từ những năm tháng đưa đón nhau đi học, cùng tham gia sinh hoạt đoàn. Trải qua những năm tháng xa cách thời đại học, tình yêu ấy không hề nhạt phai mà ngày càng bền chặt. Gia đình An cũng có ý vun vào cho hai đứa, nhất là bố An. Cũng từng là bộ đội, ông luôn thông cảm với Minh, động viên anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ông bảo anh xa nhà có gần 100 cây số chứ ngày xưa, thế hệ của ông đi đánh giặc còn xa nhà cả nghìn cây số. Chẳng qua điều kiện hoàn cảnh chưa sắp xếp được chứ quyết tâm thì khó khăn nào cũng vượt qua được hết. Hai bên gia đình đã tính đến chuyện cưới xin nhưng mất mấy năm dịch dã, rồi An và anh thay nhau đi học nên mọi việc đành tạm hoãn lại.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Không phải Minh chưa từng có giây phút yếu lòng. Mẹ mỗi ngày một già yếu, sự chờ đợi của An đã có lúc khiến Minh muốn buông bỏ tất cả, tìm một công việc khác gần nhà. Nhưng nếu như vậy, Minh không còn là Minh nữa. Anh sẽ chẳng thể nào đối diện với đồng đội, với những người dân yêu mến anh, chẳng thể đối diện với mẹ, với gia đình An, với An và với chính lương tâm của mình.

Anh Tâm, người đồng đội, người anh đã dìu dắt Minh từ những ngày đầu tiên về đơn vị thường hay kể cho Minh nghe những câu chuyện về bà con ở bản. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nghèo khó, vất vả, nhưng nghĩa tình lúc nào cũng thắm đượm. Ngày anh Tâm mới nhập ngũ, có lần thực hiện nhiệm vụ bám bản, cùng ăn, cùng ở với dân, chẳng may đợt ấy mưa lớn ập đến bất ngờ. Những trận mưa rừng xối xả trắng xóa trời đất, cô lập bản làng với thế giới bên ngoài. Chưa quen khí hậu, anh Tâm phát sốt. Những người dân thật thà, chất phác đã chăm sóc anh, kiếm lá thuốc để anh xông cho nhanh hết bệnh. Họ ăn ngô, khoai thay cơm nhưng dành gạo nấu cháo cho anh Tâm. Có bữa, anh được ăn cả cháo trứng. Đứa bé con chủ nhà ngây thơ kể quả trứng mẹ để dành cho gà ấp, em xin mẹ mấy lần mà mẹ không cho, thế mà mẹ vẫn để dành nấu cháo cho chú bộ đội. Anh Tâm sẻ bát cháo cho em nhưng em từ chối. Em bảo gà nhà em còn đẻ, mẹ em sẽ cho ấp thành một đàn gà, gà lớn lên đẻ trứng, lúc ấy em tha hồ ăn. Còn bát cháo này để dành cho chú bộ đội ăn cho hết bệnh còn đi làm nhiệm vụ. Từ một chiến sĩ nghĩa vụ, anh Tâm đã quyết định gắn bó với màu xanh biên giới bắt đầu bằng tình cảm ấm áp của người dân như thế.

Minh làm sao có thể quên được ánh mắt háo hức của lũ trẻ khi được học một bài hát mới, khi có thể tự đọc một cuốn sách. Làm sao có thể quên niềm hạnh phúc của những người cha, người mẹ lần đầu tiên đọc được lá thư con mình gửi về. Làm sao quên được những đôi bàn tay quen cầm cuốc, cầm rìu run run cầm bút viết những chữ đầu tiên rồi cười ngượng nghịu. Anh làm sao có thể quên đứa trẻ đã nằm trên lưng anh chạy đua với thời gian, vượt qua quãng đường sạt lở để đi cấp cứu. Khỏi bệnh, gia đình cho đứa bé nhận anh làm bố nuôi. Mỗi lần Minh nghỉ phép, lũ trẻ con lại mong ngóng. Đến ngày Minh lên, chúng ùa ra, ríu rít. Có đứa còn bảo cháu chỉ sợ các "thầy giáo quân hàm xanh" không ở đây nữa. Bà con coi Minh và đồng đội của anh như con em trong nhà, như người thân. Biết chữ, biết tính toán, trong những đôi mắt thật thà, chất phác đã ánh lên những tia hy vọng. Minh làm sao có thể đi ngược lại những điều mình đã làm, đã nói; làm sao có thể dập tắt những ước mơ, hy vọng mà chính anh và đồng đội đã nhen lên.

***

Mấy ngày liền, An không trả lời tin nhắn. Có lẽ sóng điện thoại chập chờn. Hoặc là An giận. Minh tự nhủ, chờ hoạt động "Xuân biên phòng ấm lòng dân bản" xong xuôi, anh sẽ gọi điện về cho mẹ và An. Anh sẽ tâm sự để An hiểu và quyết định.

Minh ra đầu bản đón các thầy, cô giáo từ trường ngoài thị trấn cùng phối hợp với bộ đội tổ chức hoạt động vui xuân, đón Tết, tặng quà các em nhỏ ở bản. Hình như Minh hoa mắt. Bóng dáng ấy, nụ cười ấy sao mà giống An thế... Đúng là An thật rồi! Anh sững người, bối rối quên cả lời chào hỏi. Chờ mọi người đi trước, An mới giận dỗi nói với anh:

- Bố em bảo thuyền theo lái, gái theo chồng. Em đã làm xong hồ sơ, thủ tục. Ra Tết, em về dạy ở trường tiểu học thị trấn. Mẹ bảo mẹ cũng sẽ lên đây cùng hai đứa. Bây giờ cách nhau có gần 20 cây số, anh tính thế nào thì tính.

Chẳng chờ Minh trả lời, An rảo bước để theo kịp mọi người. Tiếng nói, tiếng cười của các thầy, cô giáo rộn rã con đường vào bản. Minh nghe bước chân mùa xuân đã đến thật gần, bắt đầu từ những cành mận trắng tinh khôi nở bừng bên sườn núi. chia sẻ: “Công tác dân vận khiến tôi có nhiều cơ hội được tham gia các hoạt động của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Từ những chuyến tuần tra biên giới, hoạt động giúp dân làm kinh tế, xóa mù chữ đến các hoạt động thiện nguyện “ấm lòng dân bản”. Càng đi, tôi càng hiểu thêm những khó khăn, vất vả của bộ đội và đồng bào các dân tộc vùng biên giới, càng thêm trân trọng, cảm phục những cống hiến, hy sinh âm thầm của Bộ đội Biên phòng. Với truyện ngắn này, tôi xin được gửi gắm tình cảm trân trọng, yêu mến, sự tri ân tới những chiến sĩ quân hàm xanh đang ngày đêm chắc tay súng để giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, bảo vệ những mùa xuân bình yên của Tổ quốc”.

Truyện ngắn của ĐÀO THU HÀ

leftcenterrightdel
Nhà văn Đào Thu Hà. 
Nhà văn Đào Thu Hà quê ở Ninh Bình, hiện đang công tác tại Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông. Chị chia sẻ: “Công tác dân vận khiến tôi có nhiều cơ hội được tham gia các hoạt động của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Từ những chuyến tuần tra biên giới, hoạt động giúp dân làm kinh tế, xóa mù chữ đến các hoạt động thiện nguyện “ấm lòng dân bản”. Càng đi, tôi càng hiểu thêm những khó khăn, vất vả của bộ đội và đồng bào các dân tộc vùng biên giới, càng thêm trân trọng, cảm phục những cống hiến, hy sinh âm thầm của Bộ đội Biên phòng. Với truyện ngắn này, tôi xin được gửi gắm tình cảm trân trọng, yêu mến, sự tri ân tới những chiến sĩ quân hàm xanh đang ngày đêm chắc tay súng để giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, bảo vệ những mùa xuân bình yên của Tổ quốc”.