Tuấn tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật mật mã thì được phân công về đơn vị làm công tác cơ yếu từ đó đến giờ. Đồn biên phòng ngày Tuấn mới lên khó khăn vô cùng, theo thời gian, mọi thứ cũng dần được cải thiện, nhất là khoản đi lại. Nhà Tuấn và đơn vị cùng một tỉnh. Nhưng từ đơn vị về nhà cũng phải mất cả nửa ngày trời đi xe khách, cộng với tính chất công việc nên một năm Tuấn chỉ về nhà đôi, ba lần, mỗi lần dăm hôm, vài bữa là lại nóng ruột lên đơn vị ngay. Lần nghỉ phép nhiều nhất có lẽ là đợt Tuấn tổ chức đám cưới với Hoài.

Hoài và Tuấn là bạn thanh mai trúc mã. Ngày bé, Hoài như con trai, Tuấn lúc nào cũng bị Hoài bắt nạt. Ngày ấy, trong mọi trò chơi, Hoài đều làm thủ lĩnh còn Tuấn chỉ cun cút làm theo mọi mệnh lệnh của Hoài. Hai đứa trẻ nhà sát nhau nên không trưa nào không trốn ngủ để đi chơi. Những trưa hè bỏng rát, Tuấn chẳng nhớ hết các trò chơi mà hai đứa bày vẽ ra với nhau. Từ cạo mủ mít gắn vào thanh tre để bắt chuồn chuồn, xây chòi bằng lá chuối làm nơi trú ngụ đến ra đồng đuổi theo những cánh bướm, chuồn chuông dập dờn giữa cái nắng oi ả mùa hè. Chẳng biết do trẻ con không sợ nắng như người lớn hay do ngày xưa nắng không gay gắt như bây giờ mà trưa nào cả hai cũng bêu nắng khắp làng, bất chấp những trận đòn roi của bố mẹ đến đỏ đít và những câu dọa mắng của người lớn.

Trong số những trò chơi mà hai đứa chơi cùng nhau có vô số trò nghịch dại nguy hiểm mà khi còn là trẻ con, cả Tuấn và Hoài đều chỉ vô tư nghĩ là vui. Có lần nghịch dại khiến Tuấn nhớ mãi đến tận bây giờ. Khi mọi việc qua đi, tất cả chỉ còn trong ký ức, nhớ lại có thể mỉm cười nhẹ nhàng nhưng hồi đó với Tuấn quả thật là ám ảnh. Ngược lại với sự “đầu gấu” của Hoài, Tuấn có phần nhút nhát. Trong những chiều tập bơi ngoài ao cùng lũ trẻ con ở làng, Hoài đã bơi tập tọe được chút ít trong khi Tuấn chỉ dám đứng gần bờ tập quẩy nước. Buổi trưa đó mặt trời như gay gắt hơn mọi ngày, Hoài rủ Tuấn xuống ao tập bơi cùng đám bạn. Thấy Tuấn lưỡng lự vì không có người lớn xung quanh trông chừng như những buổi chiều khác, Hoài vỗ ngực tự tin khiến Tuấn cũng nghe theo lời mà xuống ao.

Bụi tre trên bờ xòa bóng xuống góc ao râm mát. Giữa trưa nắng được đằm mình trong làn nước mát lạnh, cảm giác tuyệt vời như thể được ăn một chiếc kem khi họng đang khát khô. Cả hai thỏa thích té nước, cười hỉ hả. Thấy Tuấn chỉ mãi đứng mon men ở bên bờ để nghịch nước, Hoài dụ dỗ: "Ra ngoài này mát lắm, nước ở chỗ sâu mới mát, ở trên bờ cạn nóng lắm". Tuấn biết mình không thể bơi như Hoài nên lắc đầu nguây nguẩy. Thấy chẳng thể thuyết phục được Tuấn bằng những lời ngon ngọt, Hoài chuyển sang công kích để trêu tức. Hoài chê Tuấn là con trai mà yếu đuối, chỉ biết bơi ốc bám bờ, không bằng bọn con gái. Tuấn nghe vậy ức lắm, nghĩ rằng Hoài thấp hơn mình còn đứng được thì mình cũng đứng được, không sợ chìm.

Tuấn phải chứng minh cho Hoài thấy là mình không hề nhát gan, nghĩ rồi anh tiến một mạch về phía Hoài. Vừa đi được mấy bước, chân Tuấn đã hụt xuống một hố nước sâu húm. Cả người Tuấn chìm trong nước, chân tay bắt đầu đạp loạn xạ và nước bắt đầu òng ọc vào mồm. Tuấn cứ nhô lên, ngụp xuống chới với. Trong lúc ấy, Tuấn vẫn kịp thấy Hoài đang hoảng hốt kêu cứu. Tuấn chẳng nhớ mình đã uống bao nhiêu nước vào bụng, khi cơ thể bắt đầu lả đi vì mệt, cả người chìm dần trong lòng nước thì một bàn tay to lớn kịp túm lấy người Tuấn kéo lên bờ. Khi tỉnh dậy, Tuấn đã thấy mình nằm trong trạm xá, xung quanh là bố mẹ và các bác đứng chật kín. Trong đám đông, Tuấn vẫn nhận ra Hoài người ướt nhẹp còn mặt mày thì tái mét, đứng nép ở cửa nhìn vào giường Tuấn. Tuấn nhìn thấy trong ánh mắt Hoài sự sợ hãi, hối hận hiển hiện rõ.

Sau vụ đuối nước suýt chết, Tuấn phải nghỉ học mất mấy ngày, Hoài bị bố mẹ đánh cho một trận nên thân. Để chuộc lỗi với bạn, Hoài chép hộ bài Tuấn. Tuấn chẳng giận gì Hoài nhưng thấy hiếm khi có dịp Hoài phục tùng mình nên phải giả vờ như không còn muốn chơi với Hoài nữa. Hoài tưởng thật nên lần mang vở đã chép sang, Hoài đến gần giường Tuấn nằm, nói lí nhí: “Mày chơi với tao đi, mày có vấn đề gì, sau này tao lấy mày, mày không phải lo”. Tuấn nghe vậy bật cười ha ha. Ngày Tuấn đi học trở lại, hai đứa trẻ lại bám lấy nhau, càng thân thiết hơn.

*

Câu nói của Hoài khi xưa tưởng là lời nói đùa của con trẻ, vậy mà hai người lấy nhau thật. Giờ mỗi lần giận chồng, Hoài đều bảo nếu không vì anh suýt chết đuối, cô còn lâu mới lấy, mà cô không lấy anh thì có ma nó thèm lấy anh. Chỉ là câu nói đùa lúc dỗi hờn nhưng Tuấn nghĩ Hoài nói cũng đúng. Tốt nghiệp trung học phổ thông xong, Tuấn đi học luôn, mà trường quân sự thì chẳng mấy khi được ra ngoài để gặp gỡ làm quen người này, người kia. Sau khi ra trường, lên công tác ở miền núi, biên giới xa xôi, dân cư thưa thớt, gặp người đã khó chứ đừng nói tới chuyện tìm vợ. Từng ấy năm Tuấn chỉ quen thân Hoài là cô gái duy nhất, có chuyện vui buồn gì cũng đều kể hết với Hoài, dần dà hai người càng gắn bó hơn.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Hoài học ngành sư phạm mầm non rồi về quê làm cô giáo ở trường mầm non của xã. Hoài hồi nhỏ nghịch ngợm như con trai là vậy nhưng lớn lên là một cô gái tháo vát, chịu thương chịu khó. Chính bởi điều đó nên Tuấn dù công tác xa nhưng mọi việc nhà từ giỗ chạp, hiếu hỷ đều một tay Hoài lo liệu chu toàn. Từ bạn thân trở thành người yêu, rồi thành vợ chồng nên Hoài hiểu công việc của chồng, cô tin tưởng tuyệt đối vào chồng mình và hết sức cảm thông cho anh. Nhiều lần trong những cuộc điện thoại, Hoài còn phải động viên ngược để chồng giữ gìn sức khỏe, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, không phải bận tâm cho Hoài cũng như bố mẹ hai bên. Hoài động viên nhiều vì biết Tuấn lo lắng, nhất là giai đoạn cô bụng mang dạ chửa mà anh chẳng thể ở cạnh bên.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ 

Lấy chồng bộ đội nên Hoài đã quen với việc đi khám thai một mình. Có người không biết còn tưởng cô làm mẹ đơn thân. Nghe thấy Hoài bảo chồng là bộ đội, họ mới à lên một tiếng rồi động viên cô cố gắng vững tinh thần, làm hậu phương vững chắc, vợ bộ đội mà.

Bộ đội vốn đã vất vả, thường xuyên xa nhà, công việc cơ yếu của Tuấn lại càng đặc thù và bận bịu hơn. Cả đơn vị Tuấn chỉ duy nhất anh làm cơ yếu, trong khi đây là công việc phải túc trực hằng ngày để nhận và chuyển thông tin. Mỗi lần muốn xin nghỉ phép, Tuấn phải làm đơn đề xuất qua các cấp chỉ huy để cử người của đơn vị khác trực thay thì anh mới có thể nghỉ. Chính bởi điều này nên Tuấn gần như chẳng mấy khi xin nghỉ, chẳng phải đơn vị không tạo điều kiện vì lần nào Tuấn đề xuất, chỉ huy đều ký duyệt, người đến trực thay Tuấn cũng rất vui vẻ vì lâu lâu được đổi gió ở nơi mới, nhưng Tuấn cảm thấy mình phải có trách nhiệm với công việc. Người trực thay có như nào cũng chẳng thể quen thuộc được như anh: Cái máy tính bị liệt nút enter phải bấm hai lần mới được, vị trí ăng-ten cần nhích sang phải một góc 15 độ mới bắt sóng chuẩn... Nhiều lần chỉ huy đơn vị còn phải động viên Tuấn nghỉ phép về thăm gia đình nhưng anh lưỡng lự mãi rồi thôi. Anh định dành phép để đến gần ngày vợ sinh sẽ về bên cạnh Hoài. Cô đã phải một mình suốt những ngày mang bầu nên lúc sinh con, Tuấn không muốn vợ tủi thân khi không có chồng bên cạnh.

Thế nhưng Tuấn chưa kịp đề xuất cuối tháng xin nghỉ phép để về quê một tuần với vợ thì sáng hôm ấy, qua tin nhắn anh nhận được ảnh một bé trai kháu khỉnh Hoài gửi cho. Anh ngỡ ngàng tưởng vợ trêu mình nên gọi điện cho cả mẹ đẻ và mẹ vợ, đến khi cả hai xác nhận đúng là tối qua Hoài đã chuyển dạ, sinh em bé vào sáng nay thì anh mới tin. Có chút gì đó hụt hẫng trong Tuấn. Hoài giải thích vì đường xa và tính chất công việc nên biết rằng dù có báo tin, anh cũng chẳng về được ngay, có khi lại càng thêm lo. Trong khi đó, bên cạnh Hoài đã có ông bà nội-ngoại hai bên rồi. “Em không sao đâu, anh đừng lo quá, cũng không phải nghĩ ngợi gì cả”, Hoài nhắn nhủ chồng.

Tuấn vội báo cáo chỉ huy đơn vị xin nghỉ phép và được đồng ý ngay. Biết vợ Tuấn sinh con, anh em trong đơn vị người gửi chai mật ong rừng, người gửi vài chục quả trứng gà đẻ, chút trái cây... để Tuấn mang về. Chiều hôm ấy khi trời đã bớt oi nồng, Tuấn lỉnh kỉnh đồ đạc nhờ bạn chở ra đường lớn đón xe về nhà. Ngôi nhà ở quê đang có một thiên thần nhỏ chờ anh về, còn ngôi nhà phía sau lưng Tuấn, đồng đội vẫn không ngừng vẫy tay chào. Gió từ triền núi thổi từng cơn như xua đi cái nắng hạ miền biên viễn, lòng Tuấn cũng rộn ràng, mát lành như có cơn gió thổi qua.

leftcenterrightdel
Tác giả Lê Đình Trung. 
Lê Đình Trung là tác giả trẻ, mới xuất hiện trong vài năm gần đây nhưng đã ghi dấu ấn bằng một số giải thưởng văn học uy tín. Trung có lối viết dung dị, giàu cảm xúc với những sáng tác như được chắt ra từ ký ức, phản ánh vùng đất, con người nơi anh có dịp đến thăm hay gắn bó. “Mùa hạ có gió” khắc họa hình ảnh người vợ, người mẹ-hậu phương vững chắc để những người lính Cụ Hồ yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Câu chuyện như một nốt nhạc trong trẻo, một cơn gió dịu dàng gieo vào lòng người đọc niềm tin về tình yêu giản dị mà thấu hiểu và thủy chung. (Nhà văn THU HÀ)

Truyện ngắn của LÊ ĐÌNH TRUNG