Bà Miền đặt rổ rau muống xuống sân giếng, kéo cái ghế gỗ con ngồi xuống, thong thả nhặt. Ông Thinh đi từ trong nhà ra, ngẩng đầu nhìn ánh mặt trời chiếu qua vòm cây vú sữa lấp lánh. Loài cây này lạ thật, khi ánh ban mai chiếu vào, lá nó như dát vàng. Đã thế, quả còn rất sai, đang ngả màu tím sẫm. Ông Thinh chuyển ánh mắt từ cây vú sữa xuống lưng áo rịn mồ hôi và đôi bàn chân còn bám bèo tấm của vợ, định nói gì đó, nhưng lại thôi.

Bà Miền biết không thể cứ im lặng, lờ đi như không nghe tiếng loa oang oang suốt từ sáng đến giờ. Cả xóm làng đang náo nức cả lên. Đến nỗi cái người đang ốm dở, cả đêm rên rẩm đau xương nhức cốt cũng phải mò dậy, ra sân mà hóng. Bà thở dài một cái rồi ngẩng đầu. “Loa thông báo đấy. Ông muốn đi thì đăng ký”. Ông Thinh đã đặt một chân lên thềm rồi, nghe bà Miền nói thế lại nhấc chân xuống, quay ra chỗ bà, giọng hồ hởi: “Tôi đi, phải đi chứ. Cả làng đi, tôi ở nhà sao được”. Bà Miền vơ vén những gốc rau muống ném vào cái quây nhốt ngan rồi nhấm nhả: “Cứ khỏi đi, thì ông muốn lên cung giăng tôi cũng không cản”.

Bà Miền đi lên nhà. Mùi nhang ngào ngạt xui bà nhìn lên ban thờ. Sáng nay, bà hái xuống những quả vú sữa chín bày lên đĩa, đặng ông ấy dậy thì thắp hương. Nhà bà, theo như cách nói của ông là nhà truyền thống cách mạng. Ông cụ thân sinh ra ông Thinh là bộ đội chống Pháp. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cụ bị thương khi đánh đồi A1. Ông Thinh cũng có hai bà bác là dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch. Ông Thinh nhà bà là cựu chiến binh đánh Mỹ, cũng là thương binh. Và đứa con trai duy nhất của ông bà giờ cũng là sĩ quan biên phòng. Nhà người ta con cháu rinh rích quây quần, còn nhà ông bà cứ vắng tanh vắng ngắt. 

Mới năm kia, ông Thinh đi thăm chiến trường xưa cùng hội cựu chiến binh xã, tha thiết rủ nhưng bà không đi. Nhà thì còn khóa được chứ ngan gà ai cám bã, ai cho chúng ăn. Mà ông nhà bà ngày càng dở, đi đâu cũng chỉ thích sánh đôi. Đấy là đến chơi nhà bạn, những nơi gần gựa. Còn bà chưa bao giờ đi xa một chuyến cùng ông vào miền Trung hay Tây Nguyên. Bà thường bảo: "Mình ông đi là được rồi, về kể tôi nghe. Vả lại, đồng đội của ông nằm lại chiến trường, tuổi đời toàn mười tám, đôi mươi, nhiều người chưa có mảnh tình vắt vai, giờ ông nắm tay tôi đến đó chả phải là thiếu tinh tế hay sao, rồi đồng đội ông tủi thân thì sao?". Thế là ông yên tâm đi mà không chèo kéo bà nữa. Sau mỗi chuyến đi về, ông kể chuyện cả tháng, tỉ mỉ như thể người ta viết nhật ký. Ông kể tìm thấy phần mộ của một liệt sĩ người huyện bên, ông nhận ra ngay dù dòng thông tin có một số từ không chính xác. Ông kể những bông hoa mua ở nghĩa trang Trường Sơn thắm lắm, cả khi rụng xuống cũng không phai bớt màu. Ông khiến bà hình dung ra hết mọi thứ, ông khiến bà có cảm giác mình cũng đồng hành với ông trong suốt những hành trình ấy. Nhưng độ này ông đang ốm. Trận ốm rất lạ. Cứ ngầy ngật như người giả vờ. Trận ốm của ông Thinh khiến bà nhớ đến bố chồng.

Cụ Sáu là bố chồng của bà Miền. Hồi bà về đây làm dâu, bố chồng bà độ năm chục tuổi, là thương binh. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông bị cụt một bên chân phải ngay dưới đầu gối. Cái chân còn lại cũng rất yếu do bị mảnh đạn pháo găm vào bánh chè. Xương máu hao hụt, lại thêm hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên trông ông già lắm. Ngày ấy, cũng chưa có cái xe lăn mà đi. Cụ Sáu đi lại bằng cây nạng gỗ. Đấy là lúc ra đồng ruộng, hay đi trên đường. Còn khi ở nhà, cụ Sáu thường chống tay xuống mà lết đi. Hai bàn tay cụ xỏ vào hai miếng cao su cắt ra từ đế chiếc dép lốp cũ có xỏ quai bằng dây chạc. Năm ngoài 60 tuổi, cụ ốm một trận thập tử nhất sinh. Một buổi trưa, quãng đầu tháng ba dương lịch, cụ gọi con trai và con dâu vào và bảo: “Bố muốn đi Điện Biên một chuyến, nghe nói hội cựu chiến binh của huyện tổ chức đi trong tháng tư năm nay. Các con nghe ngóng thông tin rồi đăng ký cho bố”.

Hồi ấy, những năm đầu thập niên 1990, đường sá còn chưa đâu vào đâu. Các chuyến đi thăm chiến trường Đông Bắc và Tây Bắc do hội cựu chiến binh và Mặt trận Tổ quốc tổ chức chỉ mới lác đác, do kinh tế còn nhiều khó khăn. Chị gái ruột của cụ, tức người cũng tham gia dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thì nói át em đi vì lo em đang đau ốm: “Ôi giời, khỏe đi, rồi về Thủ đô hay ra biển mà chơi một chuyến có hơn không? Lại cứ thích mò tới cái chỗ hồi xưa mình suýt bỏ mạng ấy làm gì”. Nghe chị gái can thế. Lại thấy con trai, con dâu không đả động gì, thì cụ cũng không nhắc nữa. Nhưng để ý thì thấy tâm trạng cụ buồn lắm. Cụ có quyển sổ nhật ký bìa da màu nâu đã sờn rách, chữ bên trong thì ố vàng, nhưng không cho ai xem. Nghe nói, cuốn sổ ấy theo cụ từ ngày nhập ngũ. Cụ dặn sau này cụ chết đi, thì hóa theo cụ nếu không ai còn muốn đọc.

Cho đến tận bây giờ, trong thẳm sâu lồng ngực bà Miền như vẫn còn đó một chiếc dằm, đôi lúc lại nhói lên. Chỉ cần hồi ấy, vợ chồng bà cố lên một chút là tâm nguyện của ông cụ đã được thực hiện. Tính từ khi ông cụ bị thương rời chiến trường đến khi đi là tròn 40 năm. 40 năm không một lần cụ được quay về nơi cũ dù cho đoạn đường không quá xa. Mọi người cứ đem cái lý do chân cẳng thế chỉ tổ vướng chân người khác, phiền toái người khác để ngăn cản cụ. Chắc ông cụ thất vọng lắm.

Thêm 30 năm nữa đã qua đi, bây giờ, ông Thinh đang ốm. Lại ao ước trở về nơi bố mình từng chiến đấu. Ông bảo phải đến đồi A1, đến cánh đồng Mường Thanh, đến hầm De Castries, phải thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ... Bà Miền thấy cái dằm trong ngực mình lại bắt đầu cựa quậy. Bà mong ông khỏe lại để đi cho kỳ được chuyến này. Thấy bảo dịp này, vùng đất Tổ sẽ tổ chức cho hàng nghìn cựu chiến binh đi thăm Điện Biên Phủ. Đang xuôi ngược trong dòng suy nghĩ, bà nghe tiếng ông Thinh cất lên ngay bên tai: “Hay là tôi, bà cùng đi?”. Bà Miền giật mình: “Tôi đi sao được. Nhà cửa để cho ai mà đi? Gà vịt nữa chứ!”. Ông Thinh trả lời ngay lập tức, như đã chuẩn bị kỹ càng: “Nhà khóa vào, gà vịt tôi sẽ nhờ người cho ăn. Có ba ngày thôi mà”. “Thôi, tôi không đi, say xe lắm”. “Có thuốc, bà lo gì say. Không đi thì tiếc lắm. Đi đông nên rất vui, bảo đảm bà quên say”.

leftcenterrightdel
 Thiếu nữ rạng rỡ trong điệu xòe Thái.

Thế đấy, ông từng bước thuyết phục bà. Ngồi trên xe, bà dựa vào ông, nghe ông căn dặn đủ thứ. Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nhưng khi đứng trên đỉnh đồi A1, nhìn bao quát toàn cảnh thung lũng Mường Thanh, nghe cô hướng dẫn viên xinh đẹp trong bộ váy áo Thái thuyết minh, bà vẫn nhéo tay ông thì thầm: “Cánh đồng này to quá ông ạ. Tôi chưa thấy cánh đồng nào mà lại có cả đồi, cả sông, cả suối như nơi này”. Rồi bà cứ khóc suốt. Đời bà, trừ khi cha mẹ nằm xuống và ngày con gái bà đi làm dâu nhà người, đây là lần hiếm hoi bà khóc. Ông Thinh vụng về đưa tay lau nước mắt cho vợ và bảo: “Bà đừng khóc nữa, xem kìa, có ai khóc đâu?”. Bà nhìn quanh, đàn ông không khóc thành tiếng, nhưng mắt ai cũng đỏ hoe. Bà bảo ông: “Tôi khóc vì đã hoàn thành tâm nguyện của ông cụ nữa đấy”. Đến nghĩa trang liệt sĩ, bà chỉ vào những ngôi mộ vô danh, thì thầm: “Tôi tin là bố của bác Lâm làng mình cũng nằm ở đây ông ạ”. Ông Thinh khẽ bóp tay bà, “Chắc chắn thế, vì Sư đoàn 316 đánh ở A1 mà. Tiếc là đợt này bác Lâm không đi được”.

Đợi cả đoàn tập trung lại, theo chân cô hướng dẫn viên tiến ra cổng, thì ông Thinh nói với bà: "Bà ở lại cùng tôi, tôi có việc cần bà làm chứng". Vừa nói, ông Thinh vừa quỳ xuống, mở ba lô lấy ra cuốn sổ nhỏ đã sờn rách, úa màu của bố. Ông nâng hai tay, đặt cuốn sổ lên một ngôi mộ vô danh và chắp tay rầm rì khấn vái. Bà Miền thấy thế, ríu rít chắp tay làm theo chồng. Một số người trong đoàn ngoái cổ nhìn lại. Không ai thốt nên lời. Trên đường ra khỏi nghĩa trang A1, bà Miền tò mò hỏi chồng: "Nãy ông khấn gì đấy?". Ông Thinh dịu dàng bảo vợ: "Bà có biết, cuốn nhật ký, ông nội thằng Biên viết gì không?". Vừa nói, ông thẫn thờ đặt vào tay bà cuốn nhật ký. Lần đầu tiên bà được chạm tay vào cuốn nhật ký của bố chồng. Bà lật giở ra. Hơn hai chục trang đầu tiên để trống, có nhiều vết ố. Những trang sau có chữ viết mực xanh thì đã nhòe nhoẹt. Ông Thinh bảo vợ: "Những trang đầu, cụ viết bằng chì, theo thời gian, không còn đọc được nữa. Nhưng tôi đã thuộc lòng rồi". "Thế trang có bút mực này viết gì vậy? Ông còn nhớ không?". "Có chứ. Bố viết: “Tớ đã về đến quê nhà, nhất định sẽ quay lại thăm các anh em”. Cụ hứa với những đồng đội đã khuất nhưng cụ không thể quay lại. Vì thế mà cụ rất buồn". Đã 70 năm, cuốn nhật ký này từ những dòng đầu tiên, giờ chữ và người đều đã tan vào đất.

Biết ông Thinh còn đang rất xúc động sau một ngày đi thăm các địa danh, nên buổi tối, khi giao lưu cùng đội văn nghệ Hoa Ban do giáo viên, học sinh một trường cấp hai tổ chức, bà Miền kéo ông tới bằng được. Bên ánh lửa trại đêm tháng tư ấm áp, những vòng xòe khiến đất trời chao đảo. Những em bé gái, trai nắm tay nhau xen kẽ ở vòng trong cùng. Rồi đến những cô gái Thái duyên dáng trong bộ trang phục đẹp đẽ xếp vòng thứ hai. Những cựu chiến binh mặc quân phục xếp vòng ngoài cùng. Tất cả đều say trong một điệu nhảy rộn rã tươi tắn. Mắt ông Thinh lấp lánh trìu mến nhìn bà Miền mặc trang phục Thái đứng lẫn giữa các cô giáo. Vòng xòe cứ rộng ra, rộng ra mãi. Những dùng dằng, ngại ngùng như biến mất. Điệu xòe Thái như cơn lốc cuốn người ta vào, không ai cưỡng được thứ âm nhạc du dương dìu dặt, không ai cưỡng được những ánh mắt biết cười của các cô gái Thái. Vòng xòe giống như bông ban trắng khổng lồ bung nở giữa đất trời Điện Biên anh hùng.

Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN