Cuối xuân nhưng gió ở đây vẫn mang hơi lạnh. Tuấn thấy người nóng ran như thể đang có một cơn sốt. Sốt cũng mặc, tay rờ lại thủ pháo đeo bên hông. Ngồi bên cạnh, Sinh hỏi khẽ:

- Sao vậy, lại nhớ cô ấy à?

Tuấn đỏ mặt. Trong đêm, anh vẫn tự cảm nhận sự ngượng ngùng của mình. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh lấy chiếc khăn ra lau mồ hôi.

- Thơm thế, khăn được tặng có khác.

- Nhỏ tiếng thôi, đi trinh sát chứ có phải ngồi trên cành mít làng mình đâu...

Sinh cười, một nụ cười không phát ra tiếng. Tuấn chỉ nhìn thấy chiếc răng khểnh của bạn mà anh đã quen mắt từ lúc hai thằng còn đi tát cá, bắt chim.

***

Ở nơi ấy, làng Na nghèo lắm, nhìn mãi chỉ thấy những mái rạ xác xơ sau mấy mùa thất bát. Người trong làng nếu không đi ở đợ thì cũng chỉ biết lên rừng kiếm lâm-thổ sản. Nhiều người gặp lam sơn chướng khí ngã bệnh mà chết, người bị cọp beo vồ, nhà nào cũng tiêu điều.

Một hôm, hai thằng đang ngồi vắt vẻo trên cành mít, tự nhiên Tuấn bảo:

- Sinh, tao thấy sốt ruột quá, ngày nào cũng lên đây ngồi ngóng ra cái ngõ gạch kia mà chưa thấy thầy tao về.

- Thầy mày là thầy lang, chữa bệnh cứu người, đi đâu người ta cũng cần.

- Nhưng u tao bảo, giờ giặc Pháp càn quét dữ lắm, chỉ sợ chúng nó biết...

Tuấn chưa nói dứt câu thì Sinh đã lấy tay bịt miệng bạn lại: “Im, bí mật chứ”. Nhưng rồi một ngày, điều bí mật của những đứa con có cha theo Việt Minh ở làng Na cũng không giấu được mãi. Trưa ấy, Tuấn bỗng nghe tiếng dì Thu gọi về. Dì dắt Tuấn vào đến sân thì thấy mẹ đang ngồi bần thần trên cái chõng tre, ấm bát vối vừa rót ra chưa kịp uống đổ chỏng chơ bên cạnh. Dì Thu kéo Tuấn vào trong lòng, mắt dì đỏ hoe. Trong đầu đứa trẻ hơn mười tuổi lờ mờ hiểu điều gì đó chẳng lành. Thế là thầy đi rồi. Không để lại một giọt máu trên đất, một mảnh áo rách, một kỷ vật nào sót lại. Sau này, Tuấn chỉ biết thầy đã bị Việt gian chỉ điểm cho lính Pháp bắt và giết trong một cánh rừng Tây Bắc...

Bảy năm sau, khi nghe tin quân ta từ Việt Bắc về công đồn, đã chuyển từ thế trận phòng ngự sang phản công thì Sinh nhận được thư của cha gửi về. Lá thư nhuốm cả máu của người giao liên nên nhòe mực chỉ đọc được mấy dòng chữ: “Chiến dịch Hòa Bình thắng rồi. Quân ta bắn cháy nhiều máy bay, tàu xuồng của địch... Thu nhiều pháo, súng. Thầy bị mất một cánh tay trái...”.

Mấy chữ ấy đủ để nung máu trong người hai chàng trai mới lớn sôi lên. Ngồi trên cành mít, nhìn ra con sông đang cạn nước mùa thu, Sinh lấy con dao dắt bên hông chém phập vào thân cây:

- Tớ sẽ đi, phải đánh đến trận cuối cùng.

Tuấn ngồi cạnh, trong lòng cậu bấy lâu nay như có hòn đá đè nặng giờ có người giải thoát. Mắt cậu cay sè:

- Đi, nhưng để tôi bảo u tôi!

Sinh lắc đầu, bảo:

- Nhưng mà phải để lại điều gì đánh dấu ngày đi chứ.

Nhìn đi nhìn lại, hai đứa quyết định lấy dao khắc lên thân cây mít “5-4-1953”. Hai đứa lặng lẽ đi trong nắng trưa. Làng Na vắng vẻ như bỏ hoang, nhưng khi đang đi tắt qua lối vườn ổi bỗng nghe tiếng gọi giật từ phía sau: “Đi đâu thế, cho theo với!”.

Sinh níu tay Tuấn:

- Ai như cái Xoan nhà bà Lam.

- Không phải, Xoan đi dân công rồi. Đây là Huệ, em nó.

Dù đang sốt ruột nhưng Sinh vẫn nháy mắt với Tuấn đầy vẻ tinh nghịch.

- Có vẻ cậu hiểu rõ chị em nhà này quá nhỉ?

Huệ đang ngồi trên võng, dừng tay thêu đứng dậy. Cô bé ngước đôi mắt trong veo nhìn hai người đầy thắc mắc:

- Các anh lại đi trèo cây đa bắt chim sáo à? Như thế tội chúng lắm!

- Không...

- Hay các anh lại lên xóm đình đánh trận giả? Đang chiến tranh, có dũng khí thì theo bộ đội đi công đồn ấy.

Thấy Tuấn im lặng, Huệ lấy làm lạ. Rồi Tuấn cất lời:

- Huệ ở lại giữ gìn sức khỏe nhé. Tôi đi chuyến này... bao giờ hết giặc tôi về.

Thấy Huệ có vẻ chưa tin, Sinh giải thích:

- Bọn anh xin đi bộ đội thật đấy.

Huệ ngỡ ngàng đứng yên không nói gì. Bầu trời trung du phía trên cao vẫn lặng yên trong sắc xanh. Gió ngừng thổi, tưởng như có thể nghe được cả tiếng của những cánh ong. Không thể đợi được nữa, nếu không đi nhanh thì tối chưa ra khỏi tổng, Sinh kéo tay Tuấn, hai người lao đi về phía ngõ gạch đầu làng.

Khi con đò chuẩn bị rời bến Na, ông lão lái đò dáng khắc khổ như một pho tượng La Hán trong chùa Tây Phương vừa rút con sào vừa hát một câu bâng quơ trong gió: “Thuyền đi thì bến mới còn. Trai làng này chưa bao giờ phải ngoái đầu nhìn lại”.

Đúng lúc ấy, bỗng có người hớt hải chạy xuống bến, dáng người mảnh mai trong gió. Người đó lội xuống nước cố níu đuôi thuyền.

- Các anh cứ vậy mà đi à, dọc đường nhỡ bữa thì sao?

Tuấn đón lấy nắm cơm độn sắn gói lá chuối từ tay Huệ. Bất giác, những ngón tay họ chạm vào nhau. Anh lần đầu cảm nhận được từng ngón tay mềm mại của cô thôn nữ. Khoảnh khắc ấy như sợi tơ bứt ra từ ngó sen mong manh mà bền chặt cứ kéo dài mãi về hai phía. Cơn gió nhẹ thoảng qua, một bông gạo đỏ cuối mùa rớt xuống bàn tay họ. 

- Em giữ lấy bông hoa. Mùa mộc miên sau anh về!

Huệ khe khẽ gật đầu. Bàn tay trắng ngần run rẩy nâng bông hoa lên. Bàn tay ấy xa dần, xa dần nhưng trên tay Tuấn từ lúc nào đọng lại chiếc khăn tay thêu dở một bông hoa nhỏ. Thuyền xa bến, quê nhà khuất bóng, đá và gai nhọn sắc cứa rát dưới chân. Đôi vai những người trai làng Na ngày một vững vàng...

leftcenterrightdel
Minh họa: HÀ CHUYÊN 

Chiến hào ngang dọc dưới trời xanh Mường Thanh. Đêm nay, trong mũi trinh sát đầu tiên có hai người lính còn rất trẻ, dáng người dong dỏng nhưng khỏe khoắn và gan dạ. Tiểu đội trưởng Biêu cầm khối thuốc nổ nhìn lại khuôn mặt các chiến sĩ và nhắc nhở:

- Nếu địch tổ chức tấn công, lấp chiến hào thì coi như công sức của các tiểu đội công binh đổ xuống vực hết. Các đồng chí rõ chứ? Phải có phương án cảm tử nếu xe tăng địch đến. Tăng M24 Chaffee nguy hiểm nhưng chỉ cần đứt xích thì mất khả năng vận động.

Nói đến đây, giọng Tiểu đội trưởng Biêu nghẹn lại. 

Tuấn giơ cánh tay phải lên. Tất cả ánh mắt nhìn về phía anh.

- Để tôi, nếu M24 Chaffee dám tới lấp chiến hào... Đêm nay, nếu tôi nằm lại, các đồng chí hãy thay tôi công đồn trong trận đánh này.

Sinh vội đưa tay nắm chặt tay Tuấn:

- Cậu còn mẹ già, còn... Huệ. Để tớ!

- Không, Sinh à!-Tuấn gạt tay bạn ra-Sinh có nghe gió rừng đang thổi không? Thầy tôi đang gọi đấy! Bọn giặc Tây, bọn bán nước không thể nào chôn vùi được khí phách của thầy...

Trăng đã lên. Mặt trận hầm hập nóng bởi tiếng xẻng đào đất, tiếng những bước chân khẩn trương. Trời gần về sáng, chiến hào như bàn cờ ngang dọc, càng ngày quân địch càng bí nước đi khi vòng vây của ta càng siết chặt. Mồ hôi lẫn với sương đêm, hòa vào đất. Mỗi khi có pháo sáng vút lên, tất cả lại nằm rạp xuống ẩn nấp...

Nhưng điều gì đến vẫn phải đến, đám lính bộ binh của địch đang tràn sang. Trận đấu ác liệt diễn ra, trước sự kháng cự của quân ta, bộ binh địch phải lùi bước. Nhiều bộ đội vui mừng nhưng Biêu thì rất tỉnh táo, anh quán triệt các chiến sĩ không được chủ quan:

- Các đồng chí nên nhớ, địch rất hiếu thắng. Chúng như con thú đã bị vây bắt sẽ càng hung hãn hơn.

Đúng lúc ấy, mọi người nghe thấy tiếng động rất nặng nề. Sinh kêu lên: “M24 Chaffee đến”. Chiếc xe tăng như tảng đá lù lù xuất hiện, cán qua những ụ đất, bao cát. Một vài thủ pháo ném ra phát nổ, nhưng có lẽ khoảng cách quá xa nên địch không hề hấn gì. Cứ thế này nó sẽ cày nát cả chiến hào.

Tiểu đội trưởng Biêu mắt đỏ vằn bật lên khỏi chiến hào thì một loạt đạn nổ, anh bị hất tung xuống. Sinh cũng đang chấp chới lần tìm khẩu súng tiểu liên. Tiếng xe tăng mỗi lúc một gần. Bỗng có một bàn tay nắm chặt tay Sinh.

- Cậu, cầm lấy, phải mang về cho Huệ giúp tớ. Chúng ta phải thắng...

Sinh chỉ kịp nhận ra đó là bàn tay người bạn nối khố, người cùng anh lớn lên ở làng Na, dưới bóng cây mít già, bên bến sông vắng...

***

Huệ cầm chiếc khăn tay nghẹn ngào. Chiếc khăn đã đi một hành trình dài để trở về vườn ổi xưa sau hơn một năm trời.  

- Anh ấy đã hy sinh như thế nào?

Sinh đưa mắt nhìn về phía những dãy núi xa:

- Lúc ấy, chẳng nhìn rõ gì hết. Chỉ thấy sau tiếng nổ, xe tăng đứt xích, bọn địch không kịp tháo chạy bị quân ta tiêu diệt. Sau đó ít ngày, chúng ta tổng tiến công và giành thắng lợi...

- Anh ấy ít nói, ở nhà nhát lắm. Nhưng mà em biết trai làng mình chưa bao giờ hèn nhát chịu khuất phục.

Huệ và Sinh cùng ra gốc mít xưa. Vết dao khắc vẫn còn trên thân cây. Nhựa đã vun lại xung quanh. Chợt Sinh giật mình hỏi:

- Cây mít bị gãy một cành sao em?

- Vâng, vào cái đêm nhà nhận tin anh Tuấn hy sinh, làng mình mưa to gió lớn. Một cành to gãy xuống. Ông lái đò đã lấy cành gãy ấy đóng thành bàn thờ anh Tuấn, ông bảo để anh ấy quen lối tìm về. Còn em, em sẽ luôn giữ chiếc khăn này, coi như luôn có anh Tuấn ở bên...

Thế rồi nhiều năm sau, người làng Na vẫn thấy có một người đàn bà cứ độ cuối xuân lại ra bến ngóng một chuyến đò...

leftcenterrightdel
 Tác giả Bùi Việt Phương.
Tôi viết truyện ngắn này sau khi đọc được một câu chuyện về cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và mang chiếc khăn tay của đồng đội đã hy sinh về trao lại tận tay bạn gái của đồng đội. Hôm nay, thế hệ trẻ có dịp để thấy các thế hệ cha ông với khát vọng hòa bình, để kháng chiến thành công đã không ngại hy sinh xương máu, tính mạng và cả những tình cảm riêng tư... Truyện viết về một chủ đề không mới nhưng mang những giá trị tình cảm gia đình, quê hương, đồng đội, lứa đôi và trên hết là tình yêu Tổ quốc thiêng liêng... Đó cũng là những sắc màu nghệ thuật mà người viết muốn gửi tới bạn đọc.

Truyện ngắn của BÙI VIỆT PHƯƠNG