“Ông này, thấy bảo nhà thằng Sinh sắp về à?”. “Ai bảo với bà vậy? Nó còn bao nhiêu việc, về thế nào được...”. “Nay tôi ra phố thấy nườm nượp người khắp nơi đổ về Điện Biên, nhìn mãi chả thấy con cháu mình, tôi cứ lo lo là”. “Bà thật đúng là bà, từ nay tôi cấm không được mong ngóng nó nữa”.

Cụ É nói như quát, rồi đùng đùng xuống sàn. Hơn 70 năm vợ chồng, chẳng mấy khi cụ ông to tiếng, thế mà hôm nay, cụ bà nói nhớ con cháu thôi cũng to tiếng... Cụ Thâng ngồi tự nhiên nước mắt cứ trào ra.

Có tiếng quăng cây tre, tiếng gà táo tác, rồi im lặng. Chắc cụ ông ra ao rồi. Không phải... cụ É nhón chân lên sàn từ lúc nào.

- Bà khóc à?

- Tôi nhớ con, thương cháu mà ông cũng quát.

- Nó già lên ông rồi mà bà cứ làm như còn bé bỏng lắm!

- Tôi vẫn nghĩ nó giống như lúc được 3 tháng, như lúc tưởng chết đói, chết khát ở xứ người... May mà có bộ đội đến giúp, không thì nhà mình...

- 70 năm rồi mà lúc nào bà cũng nhắc.

- Thì lúc nào lòng tôi cũng nhớ. Lâu rồi không biết tin tức của bác bộ đội Thành cứu giúp mình hôm đó, không rõ bác ấy giờ thế nào?

- Anh Thành, vẫn còn.

- Ông biết tin à, bác ấy ở đâu, thế nào rồi?-cụ Thâng vột vạt.

- Tôi chỉ xem báo thấy ảnh anh Thành, có biết anh ấy ở đâu đâu...- biết mình nhỡ lời, cụ É bật nói dối.

Tuần trước, ông Sinh điện cho bố báo tin mừng đã tìm, gặp được bác Thành. Dịp 7-5 này hai bác cháu sẽ về Điện Biên. Bộ đội Thành là ân nhân của gia đình cụ É, cả bản, cả Mường Thanh này nên cụ É cũng mong gặp lại lắm. Nhưng nghe lời con phải giữ bí mật, để cụ Thâng được vui bất ngờ.

***

Hôm ấy, chiều 7-5-1954 nghe im tiếng súng, dân Mường Thanh hồi hộp bảo nhau sắp chiến thắng rồi, được sung sướng rồi. Nhưng nhà anh É và nhiều nhà khác lúc chiến thắng không ở nơi lòng chảo còn nghi ngút khói lửa mà đang trên đường chạy sang Lào. Sao mong chiến thắng, chiến thắng thật rồi lại “chạy trốn”? Chuyện là thế này! Mấy ngày đầu tháng 5-1954 ấy, chẳng biết tin từ đâu ra: Pháp sẽ cho máy bay ném bom gấp nghìn lần xuống trại tập trung Noong Nhai để xóa sổ Điện Biên Phủ.

Trận bom Noong Nhai, nghĩ lại mà kinh hoàng. Ở trại vô cùng cực khổ, phải chui rúc trong những cái lều chật chội. Ăn thì có ít lương thực mang từ nhà đi ngày càng cạn kiệt, phải chia nhau từng vốc gạo, nhúm muối, trâu, lợn bị đạn pháo bắn chết thối cũng mang về chia nhau nấu ăn. Sinh hoạt thì do ở chật chội nên phóng uế bừa bãi, rác rưởi chồng chất, người ốm la liệt, chết không phải bom đạn cũng lắm. Sống như con lợn đóng gông thế này mà bọn tạo bản, tạo lộng, dân vệ (tay sai cũ của thực dân Pháp) vẫn canh phòng nghiêm ngặt, sợ dân liên lạc với Việt Minh. Anh É và gia đình may mắn trốn vào rừng sâu nên không phải đi trại, nhưng cũng chẳng được sung sướng một phút nào. Đói mà chẳng về nhà lấy thóc được, chỉ kiếm củ mài, quả rừng qua bữa. Ở rừng, thấy đạn pháo rất gần mà lo, lo gia đình mình, anh em, họ hàng trong trại tập trung.

Nhà anh É trong đoàn người đang nhằm hướng biên giới Pa Thơm sang Lào. Những ngày ăn đói mặc rét, sống trong nơm nớp khiến tất cả mệt mỏi lê bước. Đi lúc gà gáy ngoài Mường Thanh mà giữa trưa mới đến Noong Luống. Tất cả đang mệt quá, nằm vật ra cỏ thì bộ đội đến. 4 anh, anh nào anh nấy mồ hôi, bụi đất bết bệt. Một anh giới thiệu tên là Thành, ngồi xuống bên chị Thâng, đưa bình tông nước. Thằng Sinh đang ngủ thấy hơi người lạ bỗng khóc ré lên. Anh É đỡ lấy cái bình tông, rót ra nắp cho thằng bé uống. Tiếng khóc giảm dần rồi hết hẳn. Chỉ còn những đôi mắt sung sướng ngắm cái miệng cười đứa trẻ. Khổ quá, mấy ngày rồi nó khát sữa, khát nước.

- Anh chị đưa cháu về bản thôi, không phải đi đâu hết-anh Thành nói nhè nhẹ.

- Sợ lắm, không về đâu, về là chết đấy!-mấy người xúm quanh bộ đội nói.

- Có bộ đội chúng tôi cùng về, bà con không phải sợ. Thưa bà con, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng, toàn bộ quân Tướng De Castries đã ra hàng. Không có chuyện Pháp ném bom Điện Biên Phủ nữa, đấy chỉ là tin đồn, ai đó sợ quá mà nghĩ ra thôi. Bà con yên tâm về Mường Thanh dọn dẹp nhà cửa, làm ruộng, làm nương, ổn định cuộc sống... Sẽ có nhiều bộ đội cùng giúp.

Mọi người nhìn nhau lưỡng lự, không biết nên về hay tiếp tục đi.

Nhà anh É đã cất bước rồi. Bộ đội Thành bế thằng bé, anh gánh chăn đệm, chị lếch thếch, tay túi tay bao...

- Về thôi mọi người ơi, Điện Biên giải phóng rồi, có bộ đội lên đón rồi còn sợ gì nữa-anh É quay lại nói to.

Một người, hai người, rồi tất cả thành một hàng theo các anh bộ đội.

***

"Đến bản mình rồi, dừng lại thôi!"-anh É nói đi nói lại mấy lần mà mọi người vẫn ngơ ngác. Bản mình đây sao? Chẳng thấy nhà đâu, chỉ đất bị xới tung lên, không còn đoạn tre, phên gianh nào. Khác quá, lạ quá... "Ô, nhà tôi đây rồi, đúng gốc xoài ở chân cầu thang". "Nhà tôi ở chỗ nào đấy? Nhưng sao chẳng thấy hàng ban bờ ao? A, nhớ rồi! Nhà mình nhìn thẳng lên núi Pú Hồng"... Tiếng "ô, a" nháo hết cả lên, những tiếng reo cùng tiếng thở dài.

- Thôi, mọi người cứ ang áng lấy đất rồi dựng lều ở tạm, giờ cả Mường Thanh, Điện Biên Phủ chúng ta sẽ bắt đầu cuộc sống mới.

Anh Thành nói, mọi người đang nhốn nháo, lặng nghe rồi làm theo luôn.

Nhà anh É, nhà anh Nẻ, nhà chị Pỏ... Lần lượt, tất cả các hộ đã “nhận đất”, “nhận nhà”. Mồ hôi vui, đôi mắt vui... bộ đội, dân bản cùng nhau.

Một tháng, hai tháng... Điện Biên mới đã mọc lên từ hoang tàn đổ nát. Bản Pa Pe của anh É, cuối năm 1953, đầu năm 1954 táo tác chạy loạn khắp nơi, chỉ còn 6 hộ thì cuối năm 1955 đã lên 30 hộ. Những tháng ngày hàn gắn vết thương chiến tranh ấy với biết bao công việc. Lúc bấy giờ đang thời gian vào vụ, phải khẩn trương làm đất, trồng cấy. Bộ đội và dân bản cùng nhau lấp hào, san ruộng. Trâu thiếu, người yếu nhưng vui, từ nay hết giặc, mình được tự do làm trên đồng ruộng của mình. Trong vòng hơn một tháng, các nhà đều đã có ruộng cấy, cũng tạm đủ ăn.

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHÙNG MINH

Sau nhà cửa, rồi mùa vụ ổn định, bộ đội và dân bản mới tiến hành quy tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang. Đợt ấy, anh É được vào đội quy tập mộ liệt sĩ. Hôm đó, anh É cùng tổ với bộ đội Thành làm khu mộ ở bản Noong Pết. Khi đào mấy mộ, anh É rất ngạc nhiên nhưng phải hết buổi sáng mới hỏi: “Sao huyệt thì có xác, huyệt lại không? Liệu có nhầm lẫn gì không?”. Anh Thành nghe hỏi vậy thì cúi mặt xuống: “Những cái huyệt này cả đơn vị đào trước khi vào trận đánh đấy. Cứ đào sẵn để nếu còn sống thì mừng, nếu chết rồi thì đồng đội chôn mình được ngay. Và nhỡ đơn vị không ai về thì đồng đội khác cứ sẵn hố đấy mà làm”... Buổi chiều, anh É đến bên thi hài một đồng chí, mở cái lọ lấy mảnh giấy xem... tên đã bị mờ, chức vụ đại đội trưởng, hy sinh sáng 7-5-1954. Tiếc quá! Còn mấy tiếng nữa thì giải phóng rồi, sao chiến tranh ác thế.Anh É nghẹn ngào: “Các anh từ mọi miền đất nước về đây, đã để lại xương máu vì mảnh đất này, tôi hứa sẽ làm hết sức mình cho quê hương”.

Những năm tiếp sau đó, anh É lao vào công tác. Công việc chiếm nhiều thời gian, đòi hỏi bản thân phải biết cách vận động, kiên trì là xây dựng phong trào xóa nạn mù chữ, kết hợp với các cuộc vận động sản xuất ở địa phương. Lúc ấy, dân Mường Thanh đa số mù chữ, số có học đếm trên đầu ngón tay, cả tỉnh có trình độ Ăng-phăng-tanh (tương đương tiểu học) khoảng hơn chục người. Anh được đi học, có chút chữ nên là thành viên cốt cán của phong trào xóa mù chữ. Dạo ấy, đầu năm 1956, chợ Mường Thanh làm hai cái cổng-cổng đi thẳng (cao) và cổng chui (thấp), trên cổng thẳng, É viết hai chữ Thái “tốc hạp” (nghĩa là vào chợ). Ai đọc được thì mời đi cổng thẳng, ai “bố hụ” (không biết) thì sang cổng chui. Cách phân loại chỗ đông người có tác dụng tốt. Buổi trưa, buổi tối trong bản lớp bình dân học vụ luôn ê a tiếng đánh vần. Chị Thâng tay bế thằng Sinh, tay cầm bút, không vắng mặt buổi nào lớp xóa mù. Dân bản bảo nhau, nhìn nhà É Sinh kia kìa, trẻ con chưa biết đi cũng theo mẹ đi học. Có tấm gương ấy, mọi người thêm quyết tâm gắng chí. Từ biết chữ, những hủ tục từng bước bị đẩy lùi, đặc biệt sản xuất phát triển.

***

Lần nào về quê Điện Biên, ông Sinh cũng bị bố “tra hỏi” xem có tìm được bác Thành không. Nhưng ngày trước các cụ chỉ biết bác quê ở Hà Nội, không ghi được thông tin chi tiết đơn vị, lại còn chuyển công tác, rồi Hà Nội mênh mông, bao người như thế!

Ông Sinh tiếp tục mang tâm nguyện của các cụ và mối lo thời gian ngày càng ngắn về Hà Nội. Tưởng như “chịu rồi” thì một buổi trong hội thảo khoa học về Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông trình bày xong bài tham luận của mình, vừa xuống chỗ ngồi thì có một cụ ông mang quân hàm đại tá đến bắt tay chúc mừng.

- Anh có phải con bố Lò Văn É, mẹ Lò Thị Thâng ở Pa Pe, Mường Thanh, Điện Biên không?

- Vâng. Nhưng sao cụ biết cháu?

- Thì bài tham luận của cậu chỉ cho tôi.

- Vậy cụ là... là bác Thành. Bác Thành bộ đội Điện Biên đúng không ạ? Bố mẹ cháu mong bác lắm, cả Mường Thanh muốn gặp bác-ông Sinh reo to.

Hai bác cháu ôm nhau. Cả hội trường bỗng im phắc, nhìn về.

***

Hôm nay, nhà cụ É vui nhất bản. Chẳng ai báo mà một loáng cả Pa Pe đã về hết 5 gian nhà sàn bê tông. Người đứng ngoài cầu thang, dưới sân vẫn đông, tiếng người lao xao "bộ đội Thành về bản, vui quá", dù hầu hết chỉ được nghe kể về bộ đội Thành.

Trong nhà, bộ đội Thành đang nói, giọng vẫn vang.

- ... Mỗi khi nhớ lại một thời lịch sử Điện Biên Phủ, lòng tôi lại rưng rưng xúc động. Điện Biên Phủ là quê hương thứ hai của tôi.

Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò rung cả nhà sàn.

Cụ É giơ tay ra hiệu, mãi mọi người mới dừng. Giọng cụ cứ nghèn nghẹn:

- Các anh bộ đội cứu sống dân bản, thằng Sinh nhà tôi hồi ấy mới được 3 tháng, không có các anh đưa về thì không có thằng Lò Văn Sinh làm cán bộ dưới Hà Nội. Các anh đã sinh ra bản mường chúng tôi một lần nữa. Tôi không biết nói hay, chỉ biết cảm ơn các anh bộ đội thật nhiều, mãi mãi.

Lại vỗ tay, reo hò. “Chúc bộ đội sức khỏe về nhiều nớ”. “Bộ đội Thành phải ở bản chơi một tháng mới được về”. Tiếng Thái, tiếng Kinh ran ran, vui lan.

Truyện ngắn của NGUYỄN ANH DŨNG