Chợt, khói thành cột, dựng đứng. Và, khói tan ra, trùng trùng đoàn quân...

Ông Soái cởi phăng áo, vớ cái khăn mặt, hắt vèo một cái lên vai. Đầu gối nhấc cao, hai vai nhâng nhâng, khuôn mặt đón gió. Ông bước như cảnh quay chậm. Nhạc “Giải phóng Điện Biên” càng lúc càng vang vang, rầm rập.

Ông Trà bắn liền hai điếu thuốc lào, tiếng rít như súng liên thanh. Khói trắng lờ lững.

Ti vi đã sang chương trình khác. Ông Soái đứng giữa nhà, đơ như tượng. Ông Trà nói to:

- Ông Soái, ngồi xuống uống nước đi.

Ông Soái lần ra ghế, đưa chén trà lên môi lại đặt xuống...

- Mỗi lần ti vi phát bài “Giải phóng Điện Biên”, tôi cứ nôn nao... khó tả lắm.

***

Hồi ấy, 7 thương binh đánh trận Điện Biên Phủ về làng Lâm làm con nuôi 7 gia đình. Soái cưới vợ sau cùng, rất đột ngột nhưng vui nhất.

Hôm ấy cả xóm Minh Khai đều tắt bếp. Bộ đội Điện Biên nổi bật. Các chàng trai áo trấn thủ, mũ lưới, sao vàng bên những cô vợ bồng con đến chung vui. Anh Trà làm chủ hôn, điều khiển văn nghệ. Giải phóng Điện Biên, Hò kéo pháo, Đường lên Tây Bắc, Inh lả ơi... hát mãi không hết.

Mâm dọn đi rồi, bàn nước chỉ còn mấy người chuyện vãn... Thế là mừng cho cánh lính Điện Biên. Từ nay con chim có tổ hết rồi. Phục ông Mít thật đấy. Con nuôi mà hơn cả con đẻ.

Ông Mít là bố nuôi Soái, có cô con gái tên Tỵ, tuổi 18. Tỵ có anh trai thì vui lắm. Nhưng chả riêng gì Tỵ, tất cả con gái làng Lâm đều ước thầm được làm vợ bộ đội. Có điều Tỵ với Soái là anh trai-em cô rồi nên đều ý tứ. Ông bà Mít cũng chỉ ngầm muốn hai đứa nên duyên. Nhưng rồi một tối, Soái và Tỵ cùng thưa chuyện với bố mẹ...

Sau đám cưới, được mọi người giúp đỡ, vợ chồng Soái-Tỵ có ngay một ngôi nhà nhỏ ven sông. Tỵ chăm chỉ, sớm hôm ruộng đồng. Soái, ngày phụ giúp vợ, tối lại xuống sông vớt củi. Những tưởng, cuộc sống như thế là ổn, nhưng Soái không bằng lòng. Một sáng, Tỵ dậy sớm không thấy chồng đâu... Chắc đêm qua nhiều củi, anh ấy chưa về, Tỵ nghĩ thế. Cho lợn gà ăn xong, quay vào buồng thì giật mình, trên bức vách có dòng chữ bằng than “Tôi phải đi xa một thời gian, Tỵ ở nhà tự lo liệu”. Tỵ đứng lặng, nước mắt cứ thế trào ra.

***

Soái lên ngọn sông với cánh phường bè. Chuyện này mình Soái quyết. Cái đêm đầu tiên ra nhà mới, khuya, vợ đã ngủ say, Soái vơ vẩn ra bến. Đang ngồi nhìn dòng nước lóa lóa thì thấy cái bè bắt neo vào. Người dưới bè lên, ướt như chuột lụt.

- Em hết thuốc, hết chè từ chiều, sợ đêm nay ngủ gật, thấy chỗ này có ngọn đèn...

- Được rồi, ngồi đấy đợi tí nhé.

Soái về nhà, một loáng mang ra, cái điếu, ấm trà và khoai luộc. Soái nhìn anh ta hút, uống, ăn lâu quá thì sốt ruột hỏi:

- Thế bè này xuôi về đâu?

- Em về Thái Bình.

- Thái Bình chắc lúa tốt lắm nhỉ?

- Cũng vụ tốt vụ xấu thôi. Bọn em phải đem mạng mình nhem nhem hà bá thuồng luồng thế này thì anh biết đấy.

- ... Cho anh đi theo được không?

Nói xong Soái mới biết mình lỡ lời:

- Nhưng anh thế này... Có khi lại làm vướng chân các chú.

Soái giơ giơ cái tay cụt lên. Nhưng anh kia đã reo:

- Ôi tốt quá, em đang cần người, anh đi với em... Bè em mà được anh thì như có lá bùa hộ mệnh rồi.

Soái đi, một tháng, hai tháng... nửa năm, không tin tức. Chồng đi rồi, Tỵ mới biết mình đã có chửa. Bụng kềnh càng, ngày ngày vẫn lủi thủi ra đồng nhưng nhất định không về ở với bố mẹ, ai thấy cũng ái ngại. Ông Mít đã kệch hẳn nấu rượu từ đận Soái “báo xã đến bắt”. Ông thay Soái vớt củi mấy đêm rồi vác lên vườn, xếp ba cầu gọn gẽ, đậy điệm cẩn thận. Ông Mít gọi Tỵ ra bảo, nấu ăn hàng ngày là cầu này nhé, còn hai cầu này, dành để đến lúc đẻ mà sưởi, sấy tã lót. Tỵ rơm rớm nước mắt: "Giá anh Soái ở nhà thì bố không phải khổ". Ông Mít lắc đầu: "Tại nó... mà cũng tại cả bố".

Đêm ấy, Tỵ không ngủ được, ngồi vơ vẩn, đăm đắm vào phía xa đen đặc.

- Chị ơi, cho tôi hỏi anh Soái...

Một người ướt lướt thướt đang cầm cái sào đứng trước mặt.

- Anh ở chỗ anh Soái về à? - Tỵ hỏi luôn.

- Không, anh Soái từng đi với bọn tôi đận trước nhưng... giờ không biết ở đâu.

Rồi anh ta kể: "Lần ấy, anh Soái đi với bọn tôi nhưng đến trạm thì gặp kiểm lâm. Bè chở toàn gõ dổi. Chúng tôi muốn nhờ anh Soái là bộ đội Điện Biên, lại là thương binh nói giúp, nhưng khi người ta hỏi anh làm một lèo:

- Bè này không có ai là thương binh hết. Không có ai từng là bộ đội Điện Biên Phủ hết...

Thế là chúng tôi lên bờ, ký vào biên bản. Độ hơn tiếng anh em chán đời, vạ vật trên bãi cỏ thì một kiểm lâm đi ra mời vào ăn cơm. Chúng tôi lưỡng lự, không dám, vì thân phận phạm lỗi, vì hai tiếng buôn bè. Một lúc, anh kiểm lâm mặc bộ quần áo bộ đội ra tươi cười: “Thôi việc gì ra việc ấy, chúng tôi vì nhiệm vụ không thể khác được... Gặp bữa sông nước như thế này, xin mời các anh”.

Đội kiểm lâm ngồi sẵn, phường bè vào, tròn hai mâm. Nhưng không thấy anh Soái đâu. Sau đận ấy chúng tôi cũng không gặp anh. Chuyến này nước êm, tôi lên nhà hỏi thăm, có khi anh Soái đã về đây...".

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Một buổi chiều, Trà ngồi đan giành dưới búi tre bờ sông. Có một cái đò dọc ngược dòng. Trên mũi, cao hẳn lên một người cởi trần, áo vắt một vai, khăn mặt bộ đội vắt một vai. Ai như thằng Soái? Trà vừa nghĩ thế thì... phóc một cái, Soái lên bờ, ngay trước mặt.

- Ơ, tưởng mày...?

- Hà hà hà, tưởng tao chết rồi phải không? - Soái giang tay, ưỡn ngực - Đánh D1, A1 không chết, chết làm quái gì với mấy cái trò ma toi bẩn thỉu.

Trà bỏ cái giành đan dở, kéo Soái về nhà. Tiếng Soái oang oang qua vườn chuối, vườn xoan. Loáng cái, cả xóm biết.

- Thế anh đi đâu mà bỏ vợ con, bỏ bố mẹ, xóm làng.

- Dạ... con đi buôn bè.

- Anh nói thế, đi bè thì phải qua sông này. Vợ trẻ hơ hớ trên bờ... có mà nửa đêm cũng nhảy ùm xuống chứ.

- ...Thôi con nói thật. Con trốn vợ theo bè, rồi thì lại bỏ bè lên Điện Biên, xong vừa trốn Điện Biên về đây...

- Lên Điện Biên? Mày không đùa đấy chứ? - Trà đứng lên, lắc vai Soái.

Soái hát to: "Giải phóng Điện Biên/ Bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa  mùa này hoa nở/ Miền Tây Bắc tưng bừng vui...", "Đoàn binh Việt Nam pay/ Lao hừ hứa hướn"(*).

Chợt cụ Thinh hỏi:

- Thế anh Soái chưa về nhà à?

Soái cười ngượng.

Rồi đoàn người rầm rập theo lối bờ sông. Soái dẫn đầu, gần đến nhà, mấy đứa trẻ ẵm em lếch thếch chạy lên trước báo tin.

Tỵ bế con, nép vào cây xoan. Soái ào tới, bế bổng thằng cu lên, quay tròn, thơm má chụt chụt.

Tối ấy nhà Soái, Tỵ như nhà có đám. Đèn trong nhà, chục cái Hoa Kỳ; đầu hồi, trước sân bốn cái đèn bão; cả cái trên cành xoan cũng đã thắp từ lúc nào. Tiếng cười nói, tiếng điếu cày roét roét rung cả vách. Cánh bộ đội Điện Biên ngồi hai bàn với Soái. Soái phải kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần... Tóm tắt lại là, Soái đi nhờ bè buôn ngược lên Điện Biên, có mỗi cái khăn mặt, cái thẻ thương binh. Lính Điện Biên ở lại đây rất đông, nông trường gần như trăm phần trăm công nhân từng cầm súng. Soái đến, cánh trên đấy mừng hú. Soái chơi hai hôm thì chính thức thành công nhân. Vui lắm, nhổ lạc, hái cà phê, lao động, sinh hoạt theo hiệu lệnh kẻng, y như thời ở ngũ.

- Nhưng làm sao phải biệt tích? - Trà ngắt lời Soái. Mấy anh bạn cũng nhao nhao.

- Tôi ổn định mới biên thư về nhưng mấy lần không thấy hồi âm, chắc bị lạc, sốt ruột quá nên sắp xếp lần này về, tính đưa gia đình lên đó luôn.

Sáng hôm sau, Soái trình bày kế hoạch đưa vợ con lên Điện Biên định cư, nhưng ông Mít nói luôn: "Bố sợ nơi rừng thiêng nước độc, lại xa cùng xa kịt...". Soái bảo trên đấy mùa hè nhẹ nhàng, mùa đông chả có mưa phùn gió bấc, rét cứ êm ru. Đồng Mường Thanh, lúa phân gio đơn giản mà tốt ù ù, nhãn xoài vụ nào cũng sai trĩu cành... Ông Mít im im, rồi chợt hỏi Soái nói thật hay là bốc lên đấy. Được dịp, Soái nói:

- Con lấy danh dự của bộ đội Điện Biên, xin thề. Tháng sau con xin phép đưa vợ con lên ổn định, rồi con về đón bố mẹ.

- Anh cứ lo cho vợ con anh, chúng tôi già rồi ở đâu mà chả được.

- Vâng, con cảm ơn bố, như thế là bố đã đồng ý rồi - Soái mừng rỡ.

***

Tháng ba mùa hoa ban, tôi về quê, đưa cụ Trà cùng hai cụ bộ đội Điện Biên làng Lâm lên Điện Biên Phủ thăm chiến trường xưa. Bảy cụ ngày ấy giờ chỉ còn ba. Cụ Soái cùng đại gia đình thuê cái xe 7 chỗ ra bến xe đón. Năm nay 89 tuổi, cụ Soái vẫn nói cười sang sảng, thông báo lịch trình với mọi người:

- Bây giờ các đồng chí về nhà tôi, nghỉ ngơi cho lại sức, từ mai trở đi mới thăm chiến trường xưa, đồng đội xưa.

- Mới có 4 giờ chiều, cho thăm luôn đi Soái ơi! - cụ Trà nôn nóng.

- Đúng rồi, lên đến Điện Biên rồi đừng bắt bọn tôi để dành đến mai... - cụ Hạt, cụ Sinh cũng hùa vào.

Cụ Soái nghiêm mặt:

- Các đồng chí có đủ sức khỏe leo đồi Him Lam, A1, D1... không?

- Báo cáo sức khỏe tốt ạ!

- 90 tuổi, cả ngày đường vài trăm cây số, sức khỏe làm sao mà tốt được... - cụ Soái lẩm bẩm.

Đang chưa biết nói lại thế nào thì anh con trai ý kiến:

- Bây giờ các cụ sẽ về nhà cháu dưới Noong Hẹt, trên đường cháu sẽ đi chậm để các cụ ngắm chiến trường xưa trước. Còn ngày mai, cháu sẽ đưa các cụ đặt chân tới từng di tích.

Xe chầm chậm trên phố phường Điện Biên. Kia đồi D1, đây đồi A1... Tất cả như mơ, ô a liên tục. Ngày xưa chỗ này... Bây giờ khác quá.

--------

(*) "Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc" (Quốc ca - tiếng Thái)

leftcenterrightdel
 Tác giả Du An.

Nông trường Điện Biên những năm đầu hầu hết công nhân là bộ đội ở lại xây dựng. Tôi rất “thân” với một cụ từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vài ba ngày, đôi bạn vong niên lại tìm gặp nhau. Thường câu chuyện cụ kể chỉ xoay quanh Điện Biên và Điện Biên Phủ. Mãi gần đây, cụ mới lộ bí mật mấy lần suýt chết mà không chết. “Anh biết vì sao không? Vì tôi là bộ đội Điện Biên Phủ, không thể chết vì mấy cái trò linh tinh ma mãnh ấy được”. Cụ hỏi rồi trả lời dứt khoát. Tôi viết truyện này về cụ, về những đồng đội của cụ với thật thà lòng tri ân, ngưỡng mộ.

Truyện ngắn của DU AN