- Rồi bây định chối bỏ quê hương? Bây chê cái xứ nghèo ni?

- Khổ. Con không chê, nhưng đã gọi là xứ nghèo thì làm chi mà vui. Mạ không chộ người trẻ bỏ xứ mà đi hết đó à?

Mạ lặng người, một tiếng thở dài thườn thượt nghe não nuột gan. Không ai nói gì, hai ánh mắt nhìn vào nhau. Không gian lặng thinh đến nỗi thằng Được nghe rõ cả tiếng thở nhè nhẹ đều đều của mạ.

Thôi, con ngủ. Mai mạ con mình đi - lời thằng Được như đang nhắc khéo mạ nó.

Thằng Được bước nhanh vào buồng, đóng cửa. Mạ vẫn ngồi đó, điềm nhiên nhìn sông. Khúc sông Ô Lâu chảy qua trước nhà, thao thiết chở những kỷ niệm buồn vui một phần đời của mạ. Đêm nay, trăng tròn vành vạnh, trăng lõa trên ngọn tre, trăng chiếu xuống rợn ngợp cả một khúc sông dần chìm vào giấc ngủ. Chỉ còn mạ vẫn thao thức, lặng lẽ nhìn sông như đang ngắm nhìn lần cuối người bạn tri âm. Sông Ô Lâu vốn ngàn năm hiền như bà mẹ quê xứ Huế, nhưng đêm nay trăng in hình xuống mặt nước, cảm tưởng như đang âm ỉ nhỏ lệ. Cả một khúc sông buồn thê lương.

Mạ nhìn vô định vào dòng nước, những đám lục bình cũng trôi vô định trên mặt sông. Mạ chẳng biết nó trôi về đâu, nhưng dù sớm hay muộn, nó cũng phải tìm cho mình một vị trí lý tưởng và đắc địa để tấp vào, để gá tạm đời mình. Như cuộc đời của mỗi con người, phiêu bạt đến chân trời góc bể, cuối cùng cũng muốn tìm cho mình một bến đỗ bình yên để dừng chân. Bến đỗ đó có thể là một ngôi nhà với nhiều tiếng cười đùa của con cháu, hoặc một nơi thân thuộc, hoặc... quê hương.

Mạ lom khom bước xuống bến sông, đưa tay xuống mặt nước phẳng lặng để nhận ra sự hiện diện của nước, và hơn hết, để nước nhận ra sự hiện diện của mạ. Mạ bụm một tay nước rồi vốc lên mặt, cái cảm giác mát lạnh tràn trề, chạy theo từng mạch máu, lan truyền khắp cơ thể. Nếu có ai nhìn vào mạ ngay lúc đó, chắc chắn sẽ không nhận ra mạ đang khóc nếu như không nhìn vào sâu trong ánh mắt. Con mắt mạ đỏ hoe, vẫn là ánh mắt đó, buồn tê dại lòng người.

Một quãng thời gian mạ sống bên ba thằng Được, một người đàn ông nát rượu. Có lẽ, trong mắt ba thằng Được, mạ không phải là con người. Nếu người ta xem mạ là người, là vợ, thì tại sao lại hành hạ không thương tiếc, tại sao lại đánh đập sau mỗi cơn say khướt với khoái lạc miên hằng? Men rượu nồng nặc, những vết bầm đỏ chồng chéo lên những vết tím lợt lạt, những hình ảnh đó ám ảnh suốt cuộc đời mạ. Mỗi lần nghe tiếng chồng chửi xối xả ngoài đường, mạ lại ôm thằng Được chạy xuống mé sông để trốn. Hồi đầu trốn, thằng Được sợ, nó khóc ré lên. Ba nó nghe, chạy xuống rồi nhấn đầu mạ xuống nước. Nhưng riết rồi quen, cứ mỗi lần thấy ba nó về là thằng Được hối mạ chạy xuống mé sông. Thấy con như vậy, lòng mạ quặn thắt. Một bữa, thằng Được ngây ngô hỏi: “Mình khổ lắm phải không mạ?”. Câu hỏi thơ ngây đến trong ngần ấy khắc cứa vào tim mạ. Mạ thấy mình tệ quá, không cho con được một cuộc sống bình yên, hạnh phúc như bao đứa trẻ khác.

Cuộc sống tăm tối tưởng chừng như một cuốn phim quay chậm chẳng có hồi kết, nhưng đến một ngày, người đàn ông ấy đã hòa tan thân xác vào dòng nước, chìm sâu mãi mãi dưới lòng sông. Mỗi lần bị chồng đánh, trong đầu mạ trôi miên những ý nghĩ tăm tối, ý nghĩ ấy đã vượt thoát khỏi ranh giới thiện lành vốn có của con người. Nhưng khi điều ấy thành hiện thực, mạ lại không muốn nó xảy ra. Buổi tang lễ với chiếc hòm rỗng tuếch, mạ khóc như mưa, đấm thềnh thệch vào lồng ngực. Thấy mình chẳng còn ra con người, thấy suy nghĩ trước đây chẳng còn nhân tính.

leftcenterrightdel
 Minh họa: Lê Anh

Sáng, trời âm u, những đám mây đen vần vũ là đà, như thể mây giờ đây cũng muốn nghiêng mình để chạm vào mảnh đất ruột thịt này. Tuyệt nhiên không một tia nắng nào lọt qua được đám mây dày đặc ấy. Không có nắng, lòng buồn lại càng thêm buồn, mà một khi người ta buồn thì nhìn thứ gì cũng rầu rĩ đứt ruột gan. Trời sắp chuyển mình, những đám mây chỉ chờ một đánh động nhỏ thôi là vỡ òa, vỡ òa như lòng người tức tưởi đã lâu. Thằng Được đứng trong buồng, nói với ra:

- Mạ chuẩn bị nghe, đi nhanh cho kịp chuyến xe.

- Mạ biết rồi.

Mạ quay vào bàn thờ, đốt trầm, thắp hương lên trước di ảnh chồng. Mùi khói trầm hương ngào ngạt trong căn nhà nhỏ ven sông buổi sớm mai. Không ai biết mạ khấn điều gì, chỉ thấy mạ chắp tay đứng lâu thiệt lâu trước bàn thờ, khi quay lại mắt đã ngấn lệ.

- Thôi mình đi mạ, đừng luyến tiếc cái nghèo, cái buồn nữa. Thằng Được đứng trước thềm, gọi mạ.

- Mô phải ưng xa là xa, đành đoạn rứa thì đứt ruột mà chết. Chừ bây chưa hiểu, nhưng tới khi bây tra như mạ, bây hiểu hết trơn.

- Thôi, xe đò không đợi mạ nói hết mấy câu mủi lòng nớ mô.

Chuyến xe đò lăn bánh buổi sớm mai. Con đường dày sương mù phủ mờ tấm kính ô cửa xe. Mạ đưa đôi tay chai sần, đen đuốc, nhăn nheo lên lau màn kính. Bất giác mạ nhận ra, thứ làm mờ ô cửa không chỉ là sương mù dày đặc, mà còn là nỗi buồn nơi đáy mắt.

***

Mạ dõi mắt nhìn xuống đường phố từ ban công tầng 12 của tòa chung cư cao chót vót. Xe cộ chen nhau để lăn bánh, hồi đáp với nhau là tiếng inh ỏi của còi xe. Ai cũng muốn đường về nhà của mình nhanh hơn, nhưng chẳng ai chịu nhường ai. Thật ra cái suy nghĩ của họ đều như nhau, tất cả là một rập khuôn. Chen chân nhau để bước trên con đường xô bồ. Chen lòng nhau trên một lối mưu sinh. Như vậy, người ta có đang thực sống không? Câu hỏi ấy cũng chập chờn giăng mắc trong đầu mạ.

Quanh đi quẩn lại với mạ bây giờ là những bức tường thô ráp kia. Ước gì bức tường kia cũng biết nói thì mạ sẽ đỡ buồn biết bao. Một không gian bí bách, ngột ngạt, tù túng đang dần chiếm lấy cơ thể mạ. Cô đơn giờ đây như một con thác, tuôn chảy một cách dữ dội vào tâm trí mạ.

Để khuây khỏa, mạ thường đi dạo dưới sân. Người đông như hội, nhưng tất cả họ đều là người xa kẻ lạ, trước tiên là với mạ. Nhiều khi mạ muốn đến bắt chuyện với một ai đó, nhưng chưa kịp mở lời, câu nói chưa trôi khỏi miệng thì đã có một vách ngăn vô hình ngăn cản. Vách ngăn ấy như thầm nhắc nhở mạ, rằng họ không như người ở quê hào sảng. Một bữa, chính mạ đã xé toạc khoảng cách ấy, đã xô ngã bức tường vô hình. Mạ đến bên một đứa trẻ đang chạy chơi một mình trên vỉa hè và chìa tay ra với hai cái kẹo. Thằng bé cười hồn nhiên và đón lấy kẹo từ tay của một bà già xa lạ. Nhưng nó chưa kịp cầm cái kẹo trên tay quá vài giây thì mẹ thằng bé đến với một thái độ không mấy hài lòng:

- Xin lỗi, nhưng cháu nó không quen nhận kẹo của người lạ ạ.

Nói rồi, người mẹ trẻ dắt tay thằng bé đi và càm ràm. Mạ không nghe người mẹ trẻ ấy nói gì với đứa con, nhưng chắc là đang nhắc nhở thằng bé không nên nhận kẹo từ người lạ. Chao ôi, tại sao người ta lại không bồi dưỡng cho một tâm hồn ngây thơ những điều tử tế, đẹp đẽ về cuộc đời mà lại luôn dạy nó cách đối diện với cái ác.

Mạ vừa buồn vừa thương những con người trong thành phố này. Chính cái ác, cái xấu trong xã hội khiến con người ta luôn căng mình trong tư thế phòng bị. Ở một xã hội mà vật chất lên ngôi thì tình người là một khái niệm cỏn con. Nếu như thằng bé đó sống ở quê thì giờ đây nó sẽ hạnh phúc với chiếc kẹo của một người hàng xóm sẵn sàng cho nó vô điều kiện chứ không phải tiếp thu những kỹ năng đối phó với cái bất thiện lương.

Ngay tối đó, mạ nói với thằng Được:

- Con cho mạ về quê. Cho mạ được sống. Nghe con.

Nghe mạ nói câu “Cho mạ được sống”, thằng Được lặng người. Nó không hiểu thật hay cố tình không hiểu? Cố nhiên chẳng ai biết được.

- Mạ răng ưng về đó rứa? Cái xứ nớ có chi hở mạ?

- Có sông Ô Lâu, có bàn thờ ba bây, có nhà, có... quê hương...

Nói chưa hết câu, mắt mạ đã ầng ậng nước. Hai hàng nước mắt dần lăn dài trên gò má.

- Thôi thôi, mai con đưa mạ về. Con nói rồi, mạ ở quê thì con không thường về với mạ được đâu đó.

Dứt lời, thằng Được đi vào phòng. Mạ vẫn ngồi đó, nhìn ra ban công, đêm buông rủ màn đen. Đêm nay, bầu trời thành phố đầy sao. Chắc ở quê mạ, trời cũng sẽ đầy sao.

Sớm mai, thằng Được đưa mạ về quê. Nó ở lại một buổi rồi lại lên thành phố. Gần chiều, thằng Được nhìn quanh nhìn quất khắp nhà, nó định chào mạ để về lại thành phố, nhưng tìm mãi không thấy. Thằng Được đi lui sau nhà, thấy mạ nó ngồi thảnh thơi, mắt dõi ra xa xăm. Nắng hoàng hôn rực rỡ. Thằng Được giật mình khi thấy cái bóng mạ đổ rạp lên tường, lưng mạ cong vòng như cây tre già liêu xiêu. Trời ơi, mạ mình đã già thế rồi. Tim thằng Được thắt lại, sao giờ mình mới nhận ra điều này. Nó thấy mình vô tâm quá.

Thằng Được đứng lặng lẽ nhìn bóng lưng mạ, nó cắn chặt môi để ngăn dòng nước mắt chực chờ ứa ra. Đúng rồi, sống là vậy nè. Ô Lâu không thoát ly được số kiếp làm sông, con người cũng đâu thoát ly được nhân sinh. Trên cao, từng cánh chim cõng mây về trời. Xa xa ngoài kia, dòng nước Ô Lâu đang âm thầm xuôi về phá Tam Giang. Đó là quy luật. Con người cũng vậy, đâu ai đi mãi mà không đến đâu. Cuộc đời là một vòng tròn, mạ nói vậy. Ngày trước thằng Được ậm ừ không hiểu, nhưng giờ nó thông ráo hết trơn. Một vòng tròn, điểm xuất phát cũng chính là đích đến cuối cùng, đó là... quê hương.

leftcenterrightdel
Tác giả Nguyễn Văn Đức Anh. 
Nguyễn Văn Đức Anh là cây bút trẻ, nhưng cách tiếp cận đề tài, nhìn nhận cuộc sống có chiều sâu, chạm vào cảm xúc không chỉ với giới trẻ mà cả với những người "muôn năm cũ". "Điểm cuối của dòng sông" như bản nhạc bâng khuâng trong lựa chọn quê nhà hay thành phố, là sự giao thoa chênh vênh giữa hai thế hệ mẹ-con, là được-mất trong cảm xúc chơi vơi tồn tại hay không tồn tại, lưu giữ hay phôi pha dần những giá trị tinh thần... Để sau cùng, thấm thía sâu sắc, ý nghĩa, không ai có thể bứt mình ra khỏi nơi đã neo giữ tâm hồn như một ấn ký cuộc đời. (Nhà văn HOÀI HƯƠNG)

Truyện ngắn của ĐỨC ANH