Từ nhỏ, Lan đã rất thích ăn món cá diếc kho tộ.

Mỗi lần mẹ Lan nấu món này, bà thường gắp khúc cá giữa vào bát cho con gái, sau đó gắp cho chồng phần đầu cá, còn phần đuôi thì bỏ vào bát mình. Lan lấy làm lạ, hỏi mẹ: “Đầu cá làm gì có thịt, đuôi cá cũng toàn xương, có gì ngon đâu mà bố mẹ thích ăn thế?”. Mẹ Lan ôn tồn: “Đầu cá tuy không có thịt nhưng nhai kỹ thì rất bùi, bố con dùng để nhắm rượu cũng rất ngon con gái ạ. Đuôi cá tuy xương nhiều nhưng thịt lại mềm”. Nói xong, mẹ Lan tiếp tục ăn phần đuôi cá còn lại trong bát một cách ngon lành, cứ như thể đuôi cá rất nạc vậy. Và lâu dần, điều đó trở thành nếp nghĩ trong Lan, cả tuổi thơ của mình, cô luôn mặc định rằng: Bố thích ăn đầu cá, còn mẹ thì thích ăn đuôi cá.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Sau khi kết hôn, Lan vẫn giữ nguyên sở thích ăn cá diếc kho tộ. Lan thường nấu món này bởi nó cũng không đắt đỏ, hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Nhưng vấn đề gặp phải là cô không biết xử lý thế nào với khúc đầu cá và đuôi cá.

Trong các bữa cơm có món cá diếc kho, chồng cô cũng chỉ thích ăn khúc giữa, không thích ăn phần đầu và đuôi. Mỗi lần ăn món này, vợ chồng thể nào cũng phải tranh luận qua lại vài câu về vấn đề xử lý đầu cá và đuôi cá thế nào. Có lúc, Lan ép chồng ăn khúc đầu cá, còn mình ăn phần đuôi. Nhưng mỗi lần như vậy, Lan không tránh khỏi bị xương cá dắt vào lợi, còn chồng cô thì cứ chực lúc cô không để ý là lén vứt phần đầu cá mà vợ “phân chia” cho vào thùng rác. Có lần biết được, Lan rất khó chịu, vì từ bé cô đã là một người ưa tiết kiệm, nay gia đình cũng không phải dư dả gì.

Lần khác, Lan để cho chồng ăn khúc đuôi cá, còn Lan ăn phần đầu cá. Và cũng như mọi lần, chồng cô vẫn phàn nàn vì luôn bị xương cá chọc vào lợi, rất khó chịu. Còn Lan cũng chẳng dễ dàng gì xử lý phần đầu cá, cố ăn được nửa, cô lại phải bỏ dở vì chẳng ngon lành gì mà lại quá nhiều xương to. Mỗi lần bữa cơm có món cá diếc kho tộ, vợ chồng Lan lại không tránh khỏi vẻ mặt khó chịu với nhau. Những lúc như vậy, Lan chợt nhớ tới những miếng cá diếc kho tộ được mẹ nấu cho ăn ngày còn ở với bố mẹ.

Hôm nay, cũng vì chuyện ăn cá diếc mà vợ chồng cô lại cãi nhau. Chồng Lan bực bội và không kiềm chế được đã lớn tiếng trách cô: “Bây giờ đâu còn là xã hội xưa kia nữa! Gia đình mình cũng không phải đến mức quá thiếu ăn. Nếu cả hai đều không muốn ăn thì bỏ đi là xong, tại sao lại cứ phải ép nhau?”.

Lan như bị chọc giận, cô vô cùng bực tức. Cô trách chồng rằng gia đình đã khó khăn lại còn lãng phí, không biết tính toán tiết kiệm. Vợ chồng lời qua tiếng lại, lôi cả những chuyện vụn vặt trong quá khứ ra để nhiếc móc nhau. Cơn bực tức bốc lên, Lan đập mạnh đũa xuống mâm cơm, đứng phắt dậy, không quản ngoài trời tối đen như mực, cô lao ra ngoài, bỏ về nhà mẹ.

Vừa chạy về đến nhà, khẽ mở cánh cửa nhà mẹ, bỗng một chú mèo đen nhảy xồ ra gặm vào ống quần cô, làm cho cái đứa vốn từ nhỏ đã sợ động vật nuôi như Lan được phen khiếp vía hét toáng lên. Mẹ Lan đang ngồi trong nhà xem ti vi vội chạy ra bắt con mèo nhốt vào bếp.

Lan tỏ ra không vui: “Mẹ, sao mẹ lại nuôi mèo thế, bẩn quá đi mất. Nếu như mẹ thấy buồn, mẹ hãy đến ở với chúng con đi!”. Mẹ Lan cười đôn hậu rồi nói: “Ngốc ạ, nuôi mèo thì bẩn gì chứ, mèo là động vật rất sạch sẽ con ạ. Mẹ thích nuôi mèo từ nhỏ, nhưng sau này khi mang thai con, bác sĩ bảo nuôi vật nuôi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, thế nên mẹ đành từ bỏ. Mặc dù thương nhớ vô cùng nhưng mẹ đã cố nén lại để mang con vật mình yêu thích nhất cho người khác. Lúc đó, mẹ đã khóc rất nhiều, mẹ rất nhớ nó con ạ. Sau này, khi con lớn hơn một chút, mẹ định nuôi lại mèo, nhưng bởi vì con rất sợ động vật nuôi nên mẹ lại một lần nữa đành từ bỏ sở thích của mình”. Lúc này, Lan như hiểu ra, đây chính là lý do tại sao mẹ lại không muốn dọn đến sống chung cùng vợ chồng cô.

Nói đoạn, mẹ Lan như chợt nhớ ra, vội vàng hỏi cô: “Sao muộn thế con còn về đây? Con lại cãi nhau với chồng phải không?”. Trong cơn tức giận, Lan tuôn một tràng những gì đã xảy ra. Cô hy vọng những gì mình kể sẽ nhận được sự ủng hộ của mẹ, bà sẽ đứng về phía cô và cho con rể “sang một bên”. Nhưng cô đã nhầm, mẹ không hề bênh cô như cô nghĩ. Nghe xong, mẹ chỉ mỉm cười mà không nói gì. Điều này càng làm Lan cảm thấy vô cùng mông lung. 

Trong phòng, tiếng mèo vẫn kêu không dứt, mẹ Lan nói với con gái: “Chắc con mèo lại đói rồi đây mà, cho nó ăn một chút vậy!”. Lan hiếu kỳ đi theo mẹ xem bà cho mèo ăn thế nào. Mẹ Lan dò dẫm xuống bếp. Lan thấy mẹ cô mở chạn bát, lấy ra một bát thức ăn. Vừa nhìn thấy bát thức ăn, tí nữa thì Lan kêu toáng lên, quả nhiên là một bát cá diếc kho tộ, nhưng có khác là bát cá này chỉ có phần đầu và đuôi cá.

Thấy con gái có vẻ hồ nghi, mẹ Lan giải thích: “Khúc cá giữa mẹ vừa ăn trong bữa cơm tối rồi!”. Lan nghĩ trong lòng: “Chắc mẹ cất món đuôi cá ưa thích nhất của mình để dành mai ăn đây mà”. Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của cô. Mẹ cô đã đổ hết phần đuôi cá vào bát cho mèo ăn. Lan sửng sốt: “Mẹ, mẹ quá cưng nó rồi đấy, sao mẹ lại cho nó ăn cả những thứ mà mẹ thích ăn nhất cơ chứ?”.

Mẹ Lan mỉm cười rồi ôn tồn nói: “Mẹ không thích ăn đuôi cá bao giờ! Bố con cũng không thích ăn đầu cá, con ạ!”. Lan ngơ ngác nhìn mẹ. Mẹ Lan kéo cô vào trong phòng, bảo cô ngồi xuống, rồi chậm rãi kể cho cô nghe về câu chuyện món cá diếc kho tộ. Bà nói với cô rằng, từ bé, bà đã rất thích ăn cá diếc kho tộ, nhưng cũng chỉ thích ăn khúc giữa và rất ghét ăn phần đầu cá và đuôi cá.

Sau khi kết hôn, cuộc sống vất vả, phải chạy lo ăn từng bữa, vợ chồng lại rất mực thương yêu nhau, thế nên trong mỗi bữa ăn, miếng ngon thường dành cho nhau. Mỗi lần ăn món cá diếc kho tộ, người này thường cố nhường khúc giữa cho người kia, còn mình thì giành lấy phần đầu và phần đuôi. Để người kia ăn hết khúc cá giữa thì người còn lại có lúc phải cố ý giả vờ như đang giận dỗi đối phương, chờ cho đến khi nào người còn lại ăn hết khúc cá giữa thì mình mới yên tâm vui vẻ ăn phần đầu và đuôi cá.

Sau khi sinh Lan, “nhiệm vụ” ăn khúc cá giữa được chuyển cho Lan, vợ chồng chia nhau ăn phần đầu và đuôi cá. Mẹ Lan rất sợ chồng ăn phần đuôi sẽ dễ bị hóc xương nên kiên quyết không để ông ăn phần đuôi cá. Còn bố cô thì cứ muốn giành phần nhiều xương hơn về mình. Nhưng sợ tranh giành trước mặt Lan sẽ làm con bé hiểu nhầm, thế nên bố cô đành để mẹ cô ăn phần đuôi cá.

Cứ thế, trong gia đình dần hình thành thói quen bố ăn đầu cá, mẹ ăn đuôi cá và con ăn khúc giữa. Để tránh hóc xương, mỗi lần ăn, mẹ Lan thường không nói chuyện, thế nên có lúc Lan nghịch ngợm giữa bữa ăn, bà cũng đành cười mà không nói gì, chỉ sợ chẳng may bị hóc xương cá thì khổ cả nhà.

Nghe xong câu chuyện của mẹ, Lan vô cùng xúc động, cô chợt nhận ra nhiều điều và cảm thấy rất xấu hổ. Lan nói với mẹ: “Mẹ, con biết mình sai rồi!”.

Ngày hôm sau, Lan trở về nhà. Lúc vợ chồng ăn cơm với món cá diếc kho tộ, cô tự gắp phần đuôi vào bát mình rồi từ từ ăn. Chồng cô vô cùng ngạc nhiên, anh quay sang hỏi vợ: “Hôm nay em làm sao thế? Lẽ nào mặt trời hôm nay lại mọc từ đằng Tây?”.

Lan ngước mắt lên, chồng cô chợt thấy những giọt nước mắt đang lăn dài trên má vợ, anh cũng không hiểu đã có chuyện gì xảy ra. Lan xúc động kể câu chuyện của mẹ cho chồng nghe. Nghe xong, chồng cô lặng lẽ nhìn vợ hồi lâu và sau đó, anh tự tay gắp miếng đầu cá bỏ vào bát mình...

----------

SONG VÂN (dịch từ truyện ngắn của Lý Mẫn, Trung Quốc)