- Vào đây thưởng trà thôi, tôi vừa pha được ít phút. - Ông Đức đon đả mời.
Ông Hiệp ngồi xuống, đôi mắt không thôi ngắm từng chậu hoa được cắt tỉa, uốn nắn gọn gàng. Ông khoe chậu mai của mình đẹp rực rỡ vào dịp Tết, nhưng sẽ vẫn còn tươi thắm qua tháng Giêng.
- Hoa vườn nhà tôi cũng nhờ ông hướng dẫn cả, không thì... - Ông Hiệp nâng chén trà lên, nói thay lời cảm ơn, cũng là để động viên mình.
- Có gì đâu, nhờ chia sẻ với ông mà hoa nhà tôi cũng đẹp hơn, tôi lại thêm kinh nghiệm để hiểu hoa, chăm hoa. Mà năm nay hội làng, ông vẫn hát chèo nhỉ? Gì chứ món chèo này thì tôi không hát được. - Ông Đức xua tay.
Ông Hiệp gật gù. Bên bàn trà, hương thơm quyện hòa với hương hoa xuân. Tiếng mấy con vành khuyên, họa mi líu lo trong lồng. Mấy chú chim sâu cũng lượn mãi trên tán cây tùng la hán dáng song long, vạm vỡ, uyển chuyển.
***
Ông Đức và ông Hiệp cùng nhập ngũ một ngày, ở cùng đơn vị pháo binh. Sau ngày đất nước thống nhất, hai ông về quê và lập gia đình. Một năm sau khi cưới cô gái xinh xắn nhất nhì cùng làng, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, vợ chồng ông Đức xung phong đi xây dựng kinh tế mới tại Sông Bé. Việc gì ông Đức cũng xắn tay làm với tất cả nhiệt tình, sốt sắng. Nào là khai hoang, sản xuất, rồi còn phối hợp với các lực lượng ở địa phương đảm nhận truy quét phản động FULRO, bảo vệ an ninh địa phương. Mồ hôi nhỏ vào đất cằn, đất không phụ lòng người đã sinh sôi cây trái. Những đôi bàn tay cần cù cải tạo đất, làm đất dậy hương. Sắc xanh cứ thế mà lan rộng. Con người sinh sôi nảy nở, lại bám đất, bám quê hương mới. Nơi ấy trở thành quê hương thứ hai của những cặp vợ chồng trẻ xung phong như ông. Có của ăn của để, ông lại trồng hoa, chơi chim, làm nên mỗi mùa xuân ấm. Hoa với chim không chỉ là những chất xúc tác cho cuộc sống thi vị, mà còn cho ông sự lãng mạn. Chẳng là ông thường nhìn vào sự kỳ diệu của thiên nhiên để nhủ lòng mình sống tốt, nhắc nhở các con ăn ở phúc đức. Nhưng cuộc sống ở vùng kinh tế mới còn cơ man là khó khăn. Học sinh ngoài đến trường còn phải đỡ đần bố mẹ công việc ruộng rẫy, trồng cây trái. Ông Đức thấy nhiều em khá thông minh nhưng bận bịu, học bữa đực bữa cái. Ông lại cất công vận động các em đến trường đầy đủ. Các thầy cô trong vùng quý mến ông. Mấy đứa nhỏ trong xóm học lực yếu, nhờ ông phụ đạo đã học khá hơn, siêng năng đến lớp. Bố mẹ chúng vui hơn được mùa, thích ơi là thích.
Sáu năm trước, lòng thao thiết nhớ quê, ông bàn với ba đứa con, đã trưởng thành, khá giả, rằng mình sẽ trở về quê cha đất tổ. Với ông, việc phụng sự đất nước, phụng sự đời sống là chuyện tốt đẹp. Nhưng ông cũng có tuổi, lại hay đổ bệnh, nên về dưỡng già ở quê nhà. Các con ủng hộ bố. “Gì chứ, việc gì chúng con cũng làm được, làm thay cả phần bố ở mảnh đất này, chỉ cần bố mẹ an lành”. Các con đã nói như thế, ông phấn khởi lắm. Anh con trai cả cũng dứt khoát đòi về quê sống cùng. Vậy là ông bà trở về Bắc, cùng vợ chồng con cả. Sẵn phần đất của gia đình rộng rãi, anh xây hai ngôi nhà khang trang, cạnh nhau, một để bố mẹ dưỡng già, tiếp khách, đỡ phải vướng víu, một dành cho vợ chồng anh và các con. Ông Đức mừng lòng vì các con thu xếp ổn thỏa mọi chuyện, tính trước tính sau. Ông lại được thuận tiện kết nối, gặp gỡ bạn bè, đồng đội cũ năm xưa. Ông Đức thân với ông Hiệp vì vốn là bạn, lại thành đồng đội vào sinh ra tử, tính tình cởi mở, hào phóng như nhau. Hai ông cũng kết nối những đồng đội ở xã bên để giao lưu, thăm hỏi lúc ốm đau, đàm đạo văn chương, cỏ cây hoa lá.
Vốn yêu thiên nhiên, hoa và cây cảnh, ông Đức mang cả “nghề cũ” về Bắc. Thời gian rảnh, ông sưu tầm cây, trồng hoa rồi tỉ mỉ uốn tỉa. Chẳng mấy chốc mà khuôn viên, khu vườn của ông bừng sắc xuân. Mấy đồng đội sang chơi, cứ tấm tắc, rồi muốn học. Điều đó thì khó gì đâu. Nhưng cây và hoa cần con người ở chữ “nhẫn”. Để trồng được hoa đẹp, uốn tỉa được cây cảnh, ta phải hiểu tính nết, đặc trưng của từng loại, rồi bỏ công bỏ sức ra. Cây và hoa dưỡng thần rất tốt. Ở bên cây và hoa thơm có thể cải thiện sức khỏe. Sức xuân của cây và hoa lan tỏa sang tâm hồn người. Từng giọt xuân sẽ đọng lại, làm cuộc sống thi vị. Trong những người bạn cùng theo trồng hoa, ông Hiệp “năng khiếu” hơn cả. Ông cũng tận tâm, chịu nghe, vì thế vườn nhà ông dần đầy lên những vóc cây hội tụ đủ bốn yếu tố: Cổ, kỳ, mĩ, văn. Ông Đức mừng lắm vì người đồng đội hợp với mình ở cái nết chơi cây.
***
Có những chuyện chen ngang vào tâm thức hai người. Chẳng là thằng Luyện con ông Hiệp thấy bố mình thân với ông Đức, lại thi thoảng qua nhà chơi nên gã biết ông Đức sở hữu những chậu mai chiếu thủy giá trị. Gã đã tìm cách khuân trộm hai chậu, đem bán được hơn hai mươi triệu đồng. Điều đó làm ông Đức mất ăn mất ngủ mấy ngày trời. Những người bạn, đồng đội đến chia sẻ cùng người cựu binh đang trĩu nặng cả lòng dạ. Có điều lạ là, khi về tay một người chủ, hai chậu mai chiếu thủy bỗng trở nên héo úa như bị rút hết sức sống. Lão ta đã mang đến tận nhà trả thằng Luyện và đòi lại tiền. Luyện ú ớ nhưng cũng phải nôn tiền ra. Mấy triệu gã trót tiêu, phải xin khất, trả sau. Ông Hiệp thấy chuyện thì hỏi con nhưng Luyện sợ, chỉ dám nói là nhặt được ở ngoài đồng. Ông Hiệp nhìn hai chậu cây ngoài cổng nhận ra dáng quen của cặp mai chiếu thủy. Ông gọi điện ngay cho ông Đức qua xem. Thằng Luyện phải cúi đầu nhận lỗi. Khi mang chậu cây về, chỉ ít ngày sau khi được ông Đức chăm sóc tận tâm, hai chậu mai chiếu thủy đã hồi sinh.
Vừa rồi, giới chơi lan đôn đáo về chuyện lan đột biến với những cái tên thật kêu: “Vương mỹ nhân”, “Bạch tuyết cánh trắng”, rồi “Hồng hoa hạc”, “Hồng minh châu”... Nhiều ông bố bà mẹ khản giọng, nhọc lòng khuyên can, nhưng bọn trẻ như con thiêu thân. Lãi được chút ít thì vống lên cả làng cả xóm biết, thua lỗ cả tỷ đồng thì im phăng phắc. Hôm rồi khách đến đánh cờ cũng rổn rảng nhắc đến lan đột biến. Thằng Luyện sau vụ cặp mai chiếu thủy cũng được ông Đức tha thứ, chẳng để bụng con trẻ. Lần này gã cũng lân la hỏi chuyện ông Đức về cách chơi hoa. Gã bảo: “Bác chuyển dòng đi. Người ta chơi những loại đó mới nhanh giàu”. Ông Đức lắc đầu. Những năm qua ông chỉ chơi dòng lan khó chăm sóc nhưng thanh tao “Thanh vũ”, “Hoàng vũ”, “Hoàng cẩm tố”, rất lặng lẽ nhưng đầy truyền thống. Ông không sính trào lưu. Nhưng Luyện đã âm thầm cùng chúng bạn gom lan đột biến về. Thị trường đảo chiều. Nghe đâu Luyện lỗ mất đến cả tỷ đồng. Đó là tiền gã bán mảnh đất cuối làng. Sau vụ ấy, Luyện vẫn không chừa, lại mua về những con chim đắt tiền, thể hiện đẳng cấp. Trong đó có con chim khuyên màu vàng, thị trường gọi là hoàng khuyên, giá đắt cắt cổ. Sang nhà chơi, ông Đức khuyên: “Cháu chơi gì thì chơi, nhưng phải nhìn người đi trước, đừng chơi theo phong trào. Chơi là phải hiểu lẽ chơi, thú chơi. Chơi để nhận về những giá trị sống”.
***
Hội làng xốn xang. Nắng nhảy nhót trên tán lá. Tiếng trống hội giục giã. Ông Hiệp đã sửa giọng chèo để hát cùng bà con lối xóm, những thành viên tích cực của đội văn nghệ làng. Đám thanh niên có khu vực chơi riêng. Nào chọi gà, khoe giọng hót của chim, đập niêu đất, bịt mắt bắt gà... Ông Đức say đắm nghe người đồng đội hát giữa không gian sân đình. Những cây cau vươn lên trời như ngọn bút. Ông Hiệp xong tiết mục, trở xuống ngồi cạnh ông Đức, nghe một cặp đôi trẻ xóm Bãi lên hát bài “Duyên phận đôi ta”. Lúc ấy, thằng Luyện chạy ra hốt hoảng, nói với ông Hiệp con hoàng khuyên đã xổng lồng, giờ không biết ở đâu. Ông Hiệp lặng đi. Con chim đó là cả gia tài của thằng Luyện. Giờ phải làm sao? Ông Đức trấn tĩnh hai bố con: “Chắc nó chỉ quanh quẩn bên vườn nhà, chứ không đi xa đâu”.
Trưa hôm đó, ông Đức trở về vườn thì bất ngờ thấy con hoàng khuyên đẹp mã đang đậu trên lồng của mấy chú chim nhà ông. Tiến lại gần, ông nghĩ, lẽ nào là con chim quý của bố con ông Hiệp, vóc dáng tinh nhanh, lông vàng ruộm, cặp mắt ruby. Nó có vẻ vẫn mải mê với những “ca sĩ bầu trời” khác, bên mấy chiếc lồng tre mộc mạc. Mà sao nó sang được đây? Ông đưa tay đón lấy con hoàng khuyên, đưa vào lồng rồi gọi điện cho ông Hiệp. Bố con ông Hiệp ào sang.
Ông Đức nói với Luyện:
- Cháu đặt con chim ở cái lồng sang chảnh cầu kỳ quá. Con hoàng khuyên này thích giản dị. Đấy, chú đưa được nó vào lồng, chính là nó thích những con vành khuyên bé nhỏ, giản dị nhà chú.
Bố con ông Hiệp há hốc miệng. Đúng là, nuôi chim cũng phải bằng cái tâm, thấu hiểu tính cách, sắc lông và thậm chí đôi mắt của nó để đoán biết tình cảm, tâm trạng, không thì sao dưỡng nuôi được nó.
- Cháu xin ghi nhớ lời chú. Cháu xin cảm ơn ạ. Bọn cháu trẻ người... Đúng là chỉ biết chơi là chơi, chứ thiếu sự sâu xa.
Hai ông nhìn nhau. Tin rằng, Luyện đã học được một bài học. Luyện mang chú chim quý về, còn ông Hiệp ở lại thưởng trà, thưởng hoa cùng ông Đức. Chim chóc, hoa lá có thể dưỡng chí, dưỡng thần cũng là dưỡng nuôi cái chất xuân trong lòng mỗi người. Trong vạn vật, có lẽ, chỉ con người mới đủ tầm lắng nghe mọi âm thanh từ thiên nhiên dội lại. Ngoài đình, tiếng chèo vẫn ngân vang, tươi mới. Ông Hiệp tấm tắc: “Năm nay thật nhiều bạn trẻ tham gia, lại hát hay, giọng khỏe. Đúng là hậu sinh khả úy!”.
Triết lý người xưa nói: “Nuôi cá dưỡng tâm, nuôi chim dưỡng chí, nuôi cây dưỡng thần”. Cái mạch của truyện ngắn này là dù chơi cây, chơi chim thì đều để dưỡng cái chất xuân trong lòng mình, giúp con người đẩy lui trào lưu thấp hèn, hướng đến những điều cao cả. Trong truyện, ông Đức-một cựu chiến binh với thú chơi cây cảnh, chơi chim đã khơi gợi và lan tỏa những giá trị, vẻ đẹp trong đó tới những người xung quanh. Nhà văn Nguyễn Văn Học trung thành với hướng viết về đề tài sinh thái. Anh đang công tác tại ấn phẩm Nhân Dân Cuối tuần, Báo Nhân Dân. (Nhà văn NGUYỄN VĂN SƠN) |
Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN HỌC