Thiệt ra thì cổng nhà ông luôn phần phật lá cờ đỏ sao vàng, chỉ là lần ni, ông thay hẳn một cái mới toanh, to, láng cáu, được may bằng loại vải dày và mịn. Cái Hân, phải rồi, nhất định cái Hân. Con bé nhanh nhảu và lém lỉnh ấy toàn giấu gậy của ông ra sau cánh cửa rồi vờ hét lên sung sướng khi tìm được. Và dĩ nhiên, mỗi lần tìm xong, con bé hả hê cầm mấy cây kẹo ông thưởng.

Trò chơi của con bé cứ tiếp diễn, còn ông phải tốn tiền mua kẹo. Kể cũng kha khá, nhưng không sao, miễn vui. Ông lại lần tay đếm những tờ tiền. Chúng nằm ngay ngắn theo từng mệnh giá từ lớn đến nhỏ, không sai tờ nào. Ông hay vuốt tóc Hân, khen mau lớn. Nó cười nghềnh nghệch, nói tại ông ngày càng nhỏ lại đó chứ! Phải rứa không hè, đúng là áo quần ngày mỗi rộng và dài ra.

Nó ríu rít như chim non khiến căn nhà ông bớt quạnh. Có chi ngon ông cũng dành phần nó. Kể ra thì ông thương quý nó như con, như cháu, có khi hơn. Mà ông đã kịp có con đâu.

Mụ béo, bà nội cái Hân, cứ nghe cái điệu nói chuyện lấy hơi lên của mụ là đã muốn nghỉ thở cho khỏe. Mụ vẫn chua chát với mọi người về cái ông mù khó ưa. Rằng mụ có béo thì cũng chẳng ăn hết cơm nhà ông, ơ hay. Ông cười sằng sặc, ra mụ không thích bị gọi là béo kia đấy, dù đoán chắc người mụ mập đẫy ra. Mụ nguýt ông một cái rõ dài, là ông cảm nhận qua cái âm vực trong chuỗi câu mụ tuôn ra.

Sáng nào ông lười dậy thì cứ y như rằng sắp động đất, mụ lê tấm thân chắc dễ gần tạ đứng trước thềm hiên, hai tay đập khí thế vào tấm cửa gỗ đã cũ rích, ý chừng mụ muốn phá nhà ông chắc? Ông hục hoặc đôi câu, tay quờ quạng, chân rê tìm đôi dép. Xỏ được chân vào dép thì tiếng đập cửa cũng ngưng, như thể mụ biết tay ông đang rờ tới chốt cửa.

Ông vừa cất giọng, mụ đã nguẩy mông ra tận đường, vừa đi vừa làu bàu. Rồi tự lầm rầm một mình, “mà mắc ông mắc cha chi mình lại lo cho cái ông nớ”.

Con bé cháu nội của mụ suốt ngày tót qua nhà ông. Có hôm nó dắt ông đi tới tận ngã tư ngoài trung tâm xã. Hôm nào trời mát, hai ông cháu còn ở đó mãi mới về. Ấy là vì ông hay mang theo cây sáo rồi ngồi thổi, khiến bà con quây xúm lại nghe, đòi ông thổi tiếp vài bài mới cho về.

Con bé Hân là đứa già đời, những lần như thế, nó thường quay video đăng lên mạng với vài dòng tìm ai đó giữa nhân gian, giọng điệu hơi sến. Nó cúng "ông phây" thường xuyên bằng những thước phim nó quay ông, xong còn gom tiền ăn sáng bố mẹ cho về bỏ vào thùng phước sương ngay chùa gần nhà. Mỗi lần thế, nó lại lầm rầm khấn vái, xin ông trời phù hộ cho ông mạnh khỏe, cho ông sớm tìm được người thân... Nó loay hoay miết, câu nọ xọ câu kia, chẳng biết học ở đâu.

Ông hấp háy đôi mắt đã trắng dờ, tận sâu nơi hốc mắt một vỉ ghèn trắng đục. Ông không khóc, dĩ nhiên rứa, chẳng bao giờ ông khóc, ông làm chi còn nước mắt chứ!

Dạo này ông hay có cảm giác gì đó lạ lắm. Nó cứ thôi thúc khiến ông không yên. Nằm nhà mấy bữa, ông lại nhớ cái ngã tư nườm nượp người xe. Ông nhớ cô ấy từng nói, chỉ cần nghe tiếng sáo là em nhận ra anh ngay, bất kể anh ở đâu. Bất kể ở đâu kia mà! Thì ông chọn ngã tư này, tấp nập người qua kẻ lại, nơi trung chuyển của các tuyến xe Bắc-Nam, biết đâu...

Mụ béo lại quở, kiểu ông đúng thứ tài hoa đa tình, nhưng ông chẳng chịu biết là mình già lắm rồi, sắp xuống lỗ rồi ấy. Ông mỉm cười không nói, tay vần vò cây sáo. Ông miết bàn tay thô ráp vào những lỗ gió, môi mấp máy. Cây sáo hiểu lòng người, âm thanh xuyến xao, những nốt thăng trầm ẩn uất, đôi mắt đục mơ màng theo từng khúc nhạc. “Róc rách, róc rách, nước luồn qua khóm trúc. Lá rơi, lá rơi, xoay tròn nước cuốn trôi...”.

Ông nhớ Hạnh-cô giao liên ngày ấy, miệng lảnh lót như chú chim sơn ca, hai bím tóc đuôi sam cuốn vào nhau chừa ra chiếc cổ trắng ngần. Tiếng sáo ông lạc nhịp mấy lần bởi chiếc cổ cao kiêu hãnh ấy, rứa mà...

Mặt ông chùng xuống, những kỷ niệm xưa cũ như chiếc hồ chứa mùa mưa bão cứ chực tràn bờ, và người ta đã nhẹ nhàng rút chốt. Nhẹ nhàng thôi mà từng đợt tuôn ào ạt không ngớt, dồn dập, trắng xóa, mờ mịt.

Rừng nhập nhoạng ánh trăng, từng mảng sáng tối nhấp nhô theo mỗi bước chân qua. Suối uống ánh bạc, dòng nước lấp lánh len lỏi theo những mỏm đá nhỏ. Đôi chân trần của cô gái nhún nhảy. Chàng trai cất cây sáo, lặng lẽ nhìn người yêu nghịch nước. Giá cứ được bình yên mãi thế!

Họ vùi vào lòng nhau thứ hương mật của đất trời, của núi rừng trong đêm trăng nên thơ hùng vĩ. Họ hẹn nhau mai này cùng nắm tay đi giữa mùa xuân.

***

Ông nghểnh mặt ra cười một mình, lần tay tìm chiếc gậy, tay kia quờ quạng. Những bước chân có phần chậm chạp hơn trước, nhất là xương khớp cứ lên cơn đau. May mà vài mảnh đạn còn nằm lẫn đâu đó trên cơ thể, bác sĩ nói không cần lấy ra nữa. Đến mảnh đạn mà cơ thể còn thích nghi được, thì cuộc đời và những quăng quật của nó có là chi. Nhưng càng cuối đời, hình ảnh Hạnh và những kỷ niệm thời bom đạn cứ như chiếc cọc nhọn, riết buốt.

Bị mù hai mắt, di chứng từ những lần bị thương nơi chiến trường, ông loay hoay gia nhập cuộc sống của người khuyết tật. Thứ khiến lòng ông đau đáu là biết tìm Hạnh ở đâu bây giờ. Thời gian dần nguôi ngoai, qua mối lái, ông cũng cưới được vợ, một bà vợ góa hiền lành.

Kể ra ông trời cũng thích trêu đùa, hay đó là thử thách của số phận, ông không biết, chỉ thấy nỗi bất lực dâng tràn. Đùng một phát, chồng cũ của vợ ông trở về. Họ ngồi với nhau nhiều đêm, và cuối cùng ông quyết định trả vợ cho người ta, dẫu sao, cô ấy cũng xứng đáng được hạnh phúc với người lành lặn, hơn ông.

***

Mụ béo từ đâu bỗng dưng chuyển đến, ồn ào. Như thể ông trời sắp đặt, đến để quấy đảo cuộc sống lão già mù tội nghiệp. Ban đầu ông thấy hơi phiền, nhưng dần đâm quen. Riết rồi không nghe cái miệng quát tháo của mụ, ông lại ăn ít ngon đi, lạ thiệt. Quan trọng là khi đến, mụ mang theo cả đứa cháu xinh xắn dễ thương, là ông hình dung rứa thôi. Dáng nó dong dỏng cao, cao gần bằng ông rồi, ông thường đưa tay sờ mái đầu của nó, hai bím tóc tết đuôi sam khiến ông chạnh nhớ. Nếu có phúc phận thì cháu ông chắc cũng bằng con bé Hân rồi. Ông dũi chân, tay xoa xoa vào chỗ vết thương cũ. Ông nhớ đến trận bom, những vết máu nhuộm cả một hố đất rộng, đồng đội ông nằm đó. Ông thoát chết trong gang tấc, như một định mệnh cuộc đời. Quỳ trước những nắm đất còn nồng mùi bom đạn, ông tự hứa sẽ sống tốt phần đời còn lại, thay đồng đội, rứa mà...

leftcenterrightdel
 Minh họa: THÁI AN 

Tiếng e e từ những chiếc máy trong buồng bệnh chẳng còn gây được cho ông thứ cảm giác chi nữa, nhưng không hiểu sao lần ni ông sợ chết quá. Rứa là chết thiệt sao trời. Ông cựa cựa những ngón tay, chúng vẫn còn hoạt động được, nghĩa là chưa chết ngay đâu.

Vợ cũ ông tới chăm, khóc đã rồi về. Bà còn biết làm chi nữa, ân tình với nhau chưa kịp mặn nồng, chưa kịp cho nhau một đứa con. Mấy hôm nay, trong cơn mê sảng, hình ảnh Hạnh nhấp nhô nhảy múa, cái dáng người bé nhỏ ấy, chiếc cổ cao và mái tóc dày. Mái tóc ủ hương hoa rừng cứ ám lấy hồn ông.

Ông lang thang, bước chân vô định lại dẫn vào một hang tối, sâu và lạnh. Ông cứ đi mải miết, chút ánh sáng le lói đâu đó rọi vào tiềm thức. Như người mê sảng chập choạng giữa miền sáng tối, ông mắc kẹt lại trong mớ hỗn độn đời mình.

Có tiếng mụ béo, cả tiếng ai đó nữa, chắc vài người chứ không ít. Giọng mụ béo ồ ồ:

- Ông Hai, coi ai tới nè!

Ông rướn mắt như một thứ phản xạ bình thường của con người, dù thứ phản xạ đó lâu rồi ông không dùng đến nữa.

Một bàn tay thô nắm lấy tay ông, run run. Thêm một bàn tay nữa đè lên. Rồi thêm hai bàn tay non mềm. Ông nghe như có luồng điện chạy dọc sống lưng. Thứ ấm nóng ấy kéo bật ông ra khỏi chiếc hang lạnh ma quái.

Ai biết được cái đêm trăng cùng nhau ấy, ông đã gieo một mầm sống vào đời. Cũng ai biết được mụ béo đanh đá ấy lại tìm được Hạnh cho ông giữa muôn trùng người. Ông có hẳn con trai, còn có cả cháu nội. Ôi, ông như không tin vào tai, vào tay mình. Đôi bàn tay đang được nắm chặt bởi những bàn tay. Nơi khóe mắt mờ đục ứa ra đôi dòng lệ nóng.

Cái Hân cầm chùm bóng bay ùa vào, mặt úp vào người ông nóng hổi. Ông sè sẽ tìm lấy tay đứa cháu, mỉm miệng một nụ cười hạnh phúc.

leftcenterrightdel
Tác giả Hồ Loan. 
 Hồ Loan, người Quảng Nam, là cây bút mới xuất hiện vài năm gần đây. Chị sinh năm 1981. Văn chương của chị không nghiêng về hướng thử nghiệm mà sục thẳng vào đời sống muôn màu đang diễn ra xung quanh. Truyện ngắn “Bóng bay hạnh phúc” cũng vậy. Truyện viết về cuộc sống của một cựu chiến binh-thương binh. Người ấy cũng từng yêu, từng có gia đình, nhưng rồi vì những trắc trở khó đoán nên giờ phải sống một mình. Nhưng trong hoàn cành ấy, bọn trẻ, bà con hàng xóm láng giềng chẳng ai bỏ ông. Họ luôn ở bên ông, tiếp sức cho ông chờ đợi những người yêu thương trở về... (Nhà văn ĐINH PHƯƠNG)

Truyện ngắn của HỒ LOAN