Nhưng tôi lại nhớ từ cốc nước giữa đồng của người nông dân đến những lần uống rượu với bà con, thân tình như người nhà lâu ngày gặp lại, nhớ chuyến đi bộ mỏi chân trong rừng già... Tôi còn cảm giác đau trong lồng ngực khi không biết trả lời ra sao trước những cậy nhờ của bà con vượt quá khả năng bản thân...

- Tại sao mẹ không là cô giáo? Làm nhà báo suốt ngày đi thôi!

Cô con gái năm tuổi phụng phịu ngồi giữa đống đồ chơi nhìn mẹ tất bật sắp xếp đồ chuẩn bị đi công tác. Phải, từ ngày có con, tôi vẫn đi suốt, dù có thưa hơn lúc chưa chồng. Thậm chí, bầu bụng to vượt mặt vẫn theo sự kiện để nối cầu trực tiếp, vì tôi được ở đầu nguồn thông tin. Trong mắt con gái tôi, cô giáo là người quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ trưa. Có hôm, bố đi vắng, mẹ đang dở việc không về kịp, phải nhờ cô đưa con về nhà đến tận tối mịt, tôi mới đến đón. Thật ra tôi đã học sư phạm, cũng từng muốn làm cô giáo nhưng duyên với nghề báo đến bất ngờ đã mở ra một con đường mới với tôi, gập ghềnh mà đầy hứng khởi, say mê.

*

- Mưa to lắm cô ơi, giờ đi lên huyện còn được chứ lúc về thì chưa chắc đâu vớ!

Anh xe ôm người Mông ái ngại về số một rồi rồ ga đưa tôi lên con đường đèo vắt vào mây trắng như một sợi lanh dài đã phơi đủ nắng. Mây đen từ đâu ùn ùn kéo đến, mưa trút xuống tầm tã. Ở nơi chỉ toàn đá xám, mưa không có chỗ nhảy múa trên cành cây, tán lá. Mưa cứ thế hướng mặt đất từng hạt rơi thẳng, bắn vào mũ bảo hiểm kêu ràn rạt. Những chiếc xe du lịch bắt đầu bật đèn pha đỏ lòe, chậm rãi miết vào khúc cua. Anh chủ tịch xã xắn quần cao đến gối, khoác áo mưa đứng đón tôi ngay đầu dốc lên ủy ban. Dưới xã vừa có vụ sạt lở, đất vùi mất căn bếp nhà dân. Pha ấm trà vừa xong thì anh nhận được điện khẩn phải chủ trì cuộc họp phòng, chống mưa bão, lũ quét triển khai đến từng xã, bản nên đi thẳng vào câu hỏi của tôi về khó khăn khi xây dựng nông thôn mới ở vùng biên giới này. Anh gợi ý cho tôi một số bản còn chưa có đường bê tông, nhân chuyến đi này thì nên đến thực tế, lắng nghe bà con có nguyện vọng gì để cùng địa phương tháo gỡ những vướng mắc. Cái bắt tay cũng vội vàng, người cán bộ cần mẫn đi xe vào màn mưa, bỏ lại sau lưng con dốc dựng đứng cùng sương mù giăng trắng xóa.

Dò hỏi mãi, tôi cũng đến được bản Na Cho Cai, Sùng Mí Dính rụt rè mở cửa mời khách lạ. Căn nhà lụp xụp vắt đầy quần áo cũ, chỉ chừa một lối vào tối om. Dính qua hai đời vợ, có bảy người con và một mẹ già bị bệnh nằm liệt giường. Hai vợ của Dính đều không may qua đời cả. Qua câu chuyện, tôi biết cháu Hầu Thị Mo là con riêng người vợ thứ hai của Dính. Mo mồ côi cả cha lẫn mẹ. Dù dượng Dính có thương nhưng hoàn cảnh như thế, năm nay mới mười tuổi mà em đã phải nghỉ học. Gãi mái tóc bù xù, Dính ngồi vân vê tà áo:

- Bây giờ, nhà không có tiền cho nó đi học. Chỉ mong có tiền mua gạo thôi. Ngô chưa trổ cờ, mưa lâu ngày vừa bị gió quật hỏng hết rồi.

Bọn trẻ thấy tôi thì trốn hết vào góc nhà, tôi nhờ Dính gọi Mo mấy lần, em mới rụt rè nép sau lưng dượng. Con bé có đôi mắt lanh lợi, bữa đói bữa no, việc học hành dang dở, người nó gầy và đen nhẻm lăn lóc như viên đá nhỏ ven nương.

- Anh nghĩ sao nếu có người nhận nuôi, đưa con bé về nhà, cho đi học, cho con bé một mái ấm?

Ngồi lặng bên bếp lửa hồi lâu, người đàn ông không rõ tuổi đuổi theo trăm ngàn nỗi lo khi nhận được câu hỏi bất ngờ. Mưa tối trời, tối cả mặt người. Mưa tuôn không thôi cho các chum, vại, chậu, thau vùng cao nguyên đá này hả hê cơn khát. Mưa lách vào chỗ mái nhà thủng lỗ chỗ sau trận mưa đá đầu năm, chảy xuống chân giường bà cụ ngoài tám mươi tuổi đang nằm thao thức đếm tiếng sấm. Thỉnh thoảng, cụ lại giật mình vì nước lạnh bắn lên tận mặt. Rụt rè, anh Dính gọi Mo đến, nói vài câu tiếng Mông. Con bé hết nhìn tôi lại nhìn dượng, giống chú chim non đang lựa cành cây để đậu khi cánh đã bắt đầu mỏi. Tôi lấy trong túi ra hai gói bánh gạo, bảo Mo mang cho bà nội và chia cho các chị em cùng ăn. Cô bé lí nhí cảm ơn rồi ngoan ngoãn làm theo.

Bác Thào-trưởng bản gọi điện cho tôi nói đập tràn qua suối Cạn đã bị ngập nên không thể qua đón tôi được. Nỗi lo bắt đầu từ người đàn ông ngồi đối diện chuyển sang tôi. Bao nhiêu mì tôm tôi mang theo trở thành bữa tối ngon lành cho cả gia đình này. Mưa suốt đêm, anh Dính lâu lâu lại khoác áo mưa ra phía sau nhà kiểm tra xem taluy có bị sạt lở không. Mưa nối nhau hết trận này đến trận khác. Trời sáng, tôi trông xuống thung lũng, bao nhiêu nước chảy về thành từng dòng đỏ ngầu dồn xuống con suối Cạn réo ầm ầm. Nhận tin của cán bộ xã từ mờ sáng nên tôi sốt ruột đợi đến lúc đồng chí bộ đội biên phòng ở đơn vị gần đó đến đón tôi ra chỗ sạt lở để tác nghiệp và đưa tin hiện trường. Nước đục ngầu từ thượng nguồn đổ về nhấn chìm nhiều ngôi nhà. Cảnh tan hoang chạy dọc dòng nước dữ, bung toạc những vỉa đất đồi đỏ ối, khoét sâu các bờ suối thành miệng hà bá, cuốn phăng nhiều vườn cây ăn quả dưới thung sâu, phá vỡ từng đoạn đường đổ nhựa kè đá kiên cố. Các anh bộ đội dầm mình trong mưa, cắm biển cảnh báo, cùng bà con dọn số đất đá và hướng dẫn, đưa người dân đến chỗ nghỉ ngơi an toàn. Mưa tạnh hẳn, tin, bài đã gửi về tòa soạn, đoạn đường sạt lở tạm được khơi thông. Tôi nhận của xã một thùng mì tôm và mua thêm yến gạo, ít đồ nhu yếu phẩm rồi vội quay trở lại nhà anh Dính.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ 

Chồng sẽ lắc đầu khi tôi dẫn về nhà một cô bé xa lạ, nói tiếng Kinh chưa sõi. Để lo cho gia đình và tôi được thỏa với đam mê nghề nghiệp, anh đã cố gắng rất nhiều. Biết hoàn cảnh của Mo, anh thương con bé nhưng lại ngại công việc làm báo của tôi không dành thời gian cho cả hai đứa con được trọn vẹn.

Tôi kể chuyện cho cô em đồng nghiệp về chuyến công tác đáng nhớ của mình và bé Mo, Thủy gay gắt:

- Chị chưa mang nổi mình ốc lại còn đèo bòng rong rêu. Trời ơi, chăm sóc một đứa trẻ không phải việc dễ dàng, huống hồ gia đình chị cũng không dư giả gì.

- Mỗi người có một cảnh riêng nhưng không hiểu sao chị lại có cảm xúc đặc biệt với bé Mo...

Thủy vẫn kiên định:

- Em còn gặp nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn thế. Như bài em viết về cháu Mí, cháu Chơ đó. Cả hai chị em ruột bị khiếm thị bẩm sinh, cha chết vì ma túy, mẹ bỏ đi lấy người khác. Em cùng đoàn thiện nguyện phát hiện ra các cháu sống trong căn lán trên nương, ai cho gì ăn nấy, cũng chỉ biết liên hệ với trung tâm bảo trợ xã hội đón về nuôi dưỡng... Mình là nhà báo, nếu sau mỗi chuyến đi công tác lại nhận một em bé về nhà nuôi thì phải là tỷ phú chị ơi!

Tôi uể oải tan sở cùng đống tài liệu cho một đề tài mới trên tay. Ngay cả Thủy cũng cho rằng tôi đã mang về thêm gánh nặng cho những người thân của mình. Nhưng hình ảnh Mo cứ ám ảnh tôi. Trong giấc mơ, tôi thấy nó bị ốm, người héo hon như tàu lá khoai sọ phải nắng ngồi ở ven đường, trông xuống con suối Cạn, nơi có con đường dẫn ra trung tâm xã. Nó thích đọc sách. Cuốn sổ tay mới nhỏ xíu tôi chưa viết gì nên tặng lại con bé khiến nó vui sướng cứ mân mê mãi. Tuổi thơ của những đứa trẻ thật thiệt thòi nếu không được đi học. Anh Dính còn mẹ già, lại từng ấy đứa con cũng thật khó khăn. Đồn Biên phòng đã nhận hai đứa con nhỏ nhất của anh làm con nuôi. Tôi cũng muốn đón Mo về làm con nuôi. Trong bữa ăn, tôi đem ý nghĩ táo bạo đó nói cho cả nhà, chồng tôi như đã đoán trước ý vợ nên chỉ bảo:

- Anh sao cũng được, chỉ sợ em vất vả thôi. Nếu em quyết thì vợ chồng mình cùng lên bàn bạc với anh Dính, hỏi ý kiến con bé. Nếu được, mình qua chính quyền làm thủ tục giấy tờ đầy đủ.

Con bé Bông nghe bố mẹ nói chuyện và hỏi ý kiến việc đón thêm người chị về nhà ở cùng thì vui lắm. Ngày Mo về nhà, con bé hớn hở lôi hết gấu bông ra tặng chị, rồi mang bút màu chìa cho chị chọn để cùng nhau tô bức tranh gia đình mà con bé đã vẽ từ trước.

Mo về với gia đình tôi được cả nhà thương yêu, chăm sóc, coi như con cháu ruột thịt trong nhà. Những đứa cháu của tôi trở thành anh chị em cùng chơi và học với Mo. Về ở với tôi có vài tháng mà Mo đã trắng trẻo, xinh xắn, hoạt bát hẳn lên. Tan làm về, mở cửa vào nhà, mùi thức ăn thoảng từ bếp ra, chắc là chồng tôi đang nấu ăn. Giữa phòng khách, trên tấm thảm màu sắc, bọn trẻ chụm đầu vào nhau vẽ tranh. Bé Bông cất giọng “cụ non”:

- Em đang vẽ chiếc ô tô màu đỏ. Mẹ nói sẽ cố gắng kiếm tiền để sau này mua ô tô chở cả nhà mình đi chơi, cho em lên thăm quê chị Mo nữa.

Bé Bi, con trai em chồng tôi cũng líu lô:

- Em vẽ bố em là chú bộ đội mặc áo màu xanh, mũ có ngôi sao màu vàng.

Mo hớn hở:

- Các em nhìn này, chị đã vẽ được ngọn núi hình gọt bút chì.

Bông ngẩng mặt mèo lên ngó sang:

- Sao ngọn núi hình gọt bút chì vậy chị?

Mo cười thích thú:

- Để chị tô màu đã, mẹ sẽ đưa chúng mình đi ngắm núi bằng chiếc ô tô màu đỏ của em Bông, sẽ gặp chú bộ đội của em Bi. Lên quê chị, các em sẽ thấy nhiều ngọn núi lắm. Núi giống cây bút, núi giống con ngựa đang phi, còn nhà chị ở sườn núi giống cái gọt bút chì.

Đàn chim trên cây xoài ngoài cửa sổ đã rời khỏi tổ và bay đi kiếm ăn. Chúng líu ríu gọi nhau và chuyền cành phía cuối vườn. Tôi ngước mắt nhìn đàn chim, có những giọt nước ấm áp lặng lẽ chảy xuống gò má. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một gia đình đầm ấm, yêu thương. Hạnh phúc của tôi đơn giản với tiếng cười của bọn trẻ trong căn nhà mới ngập tràn nắng sau cơn mưa rào.

leftcenterrightdel

Hoàng Thị Hiền là cây bút trẻ nhưng không hề mới, bởi sáng tác của chị đã xuất hiện nhiều trên các báo, tạp chí văn nghệ, cùng nhiều giải thưởng. Hoàng Thị Hiền có lối viết đơn giản, không sử dụng nhiều thủ pháp cầu kỳ mà đi sâu vào miêu tả bức tranh hiện thực đời sống đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc. Truyện của nữ tác giả dân tộc Tày luôn đầy ắp thông tin như một bài báo nhưng đằng sau đó là những triết lý sâu sắc. “Ngọn núi hình gọt bút chì” là một truyện như thế, với thông điệp: Nhà báo đâu chỉ đi và viết, phản ánh hiện thực mà còn nỗ lực góp sức cùng xã hội để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn. (Nhà văn Bùi Việt Phương)

Truyện ngắn của HOÀNG THỊ HIỀN