Vừa thở vừa bưng tay đỡ ngực, ông Minh thấy con trai cả ngồi khóc rưng rức dưới gốc cây. Cây sưa từng cao lừng lững, một thân ba cành lớn, vững chãi vươn ra, bóng tỏ cả một khoảng trời. Vậy mà giờ chỉ còn trơ một cành.

- Thằng đốn mạt đó trốn đi rồi bố ạ!

Anh Vấn ngẩng lên, nói với bố rồi sấp mặt vào đầu gối khóc. Nhìn vết cưa nham nhở, những vụn cưa và cành sưa tung tóe, la liệt mặt đất, ông Minh nghẹn lại. Lần trước, thằng Nên cưa cây, nó đã tạo ra vết thương cho cả dòng họ. Giờ nó gây thêm vết lớn hơn.

Gỗ sưa luôn sốt xình xịch. Hai năm trước, bọn buôn gỗ lân la kích động, hòng thuyết phục ông Minh và anh Vấn bán cây. Số tiền đủ để xây cả một căn biệt thự ở làng quê này. Mỗi lần gặp ông Minh, anh Vấn, bọn họ đều thất vọng. Bọn trộm cắp mang cái dã tâm của chúng ra đình làng. Chúng cưa trộm hai cây sưa trong sân đình Thượng. Làng mất cây, xóm trên đến xóm dưới nhớn nhác, rầu rĩ. Ông Minh bàn với con trai các phương án bảo vệ cây của gia đình. Anh Vấn mua chó về canh giữ, điện thắp suốt đêm, cửa cổng lúc nào cũng im ỉm khóa. Chưa hết, anh Vấn còn lắp camera ở sân và cổng. Trộm bên ngoài đã tránh được nhưng còn trộm trong nhà thì... Thằng Nên đã cưa trước một cành, mua ô tô phóng phè phè cùng đám thanh niên làng. Đó là cuộc cắt cây bài bản, được tính toán kỹ lưỡng, đến nỗi người nhà không kịp trở tay. Lần này nó muốn đổi con xe đắt tiền hơn nên tính toán chi tiết hơn lần trước. Thanh niên làng nhiễm cái thuốc lú, thuốc mê đó từ đâu không biết. Làng nhễ nhại vì xe. Chỗ nào cũng bàn tán xe cũ, xe mới. Mà không chỉ làng, cả xã 3 năm qua nhộn nhạo trào lưu mua xe để thỏa thói đua đòi. Nhiều người lớn cũng ngấm thói thực dụng của bọn trẻ. Nhà này đua nhà kia, bán đất đai của tổ tiên sắm ô tô cho oách. Nhiều bác nông dân vốn chân lấm tay bùn, nay một bước lên xe, đi nom đồng cũng phải đánh xe. Xe tắc cả đường làng vốn lành hiền, giản dị. Thằng Nên nghe chúng bạn về thuyết phục ông và bố bán cây để chạy theo mốt nhưng không được chấp thuận. Nó đòi bán đất nhưng chẳng ai chiều. Cuối cùng, nó làm bậy với cổ thụ.

- Tiếng cưa sẽ đánh thức mọi người. Làm sao thằng Nên có thể đưa người về cưa cây trong đêm?

Ông Minh tự đặt câu hỏi. Ông bảo con trai đứng dậy. Giờ khóc lóc thì giải quyết được gì. Việc cần làm lúc này là phải đi tìm thằng Nên và đề phòng chúng cưa nốt cành còn lại.

- Ông ơi, anh Nên đánh thuốc mê mọi người, cả chó nữa ạ-Giới nhanh nhảu.

Anh Vấn có hai con trai nhưng tính nết hoàn toàn khác nhau. Giới thì lành hiền, chăm chỉ, vâng lời. Còn thằng Nên luôn vâng theo sự sai khiến của đồng tiền và thói hưởng lạc. Khi thấy cháu nội đua đòi, tụ bạ với đám thanh niên nhố nhăng nhậu nhẹt, ông Minh bàn với các lão niên trong làng phải tìm cách cứu một thế hệ trẻ. Làng từng nhiều người học hành phát đạt, kể từ khi hai cây sưa cổ thụ bị cắt trộm thì chả đỗ đạt gì sất. Chỉ thấy hào nhoáng xuất hiện xe hơi, tắc cả đường quê. Lúc này phải soạn hương ước, đưa lời răn dạy vào. Nhưng lời mấy cụ không thuyết phục được trưởng thôn. Vả lại, chuyện làm hương ước còn phải được sự nhất trí của trưởng mấy dòng họ lớn. Nay mấy dòng họ lớn còn đang gầm ghè nhau về chuyện xe hơn xe kém nên không có tiếng nói chung. Ông Minh quay về đầm. Sen thanh tao tỏa điều nhân nghĩa. Ông hỏi sen phải làm gì? Sen trả lời ông bằng sắc hương êm đềm, dân dã. Ông tự nhủ, mình sẽ phải gìn giữ những đầm sen này tốt hơn, để giảm cái gay gắt, nắng nôi thực dụng của người đời. Chuyện giữ gìn đầm sen trước nhà, với ông Minh là cả một kỳ tích chứ chẳng chơi. Nếu ông buông xuôi, đồng ý sang nhượng để đổi lấy tiền thì khu đầm sen, là nhan sắc, là mắt làng đã bị lấp để mọc lên quán nhậu. Năm đó, gần như cả làng động viên ông bán nhưng ông dứt khoát không chịu. Bây giờ ông càng thấy mình đúng.

leftcenterrightdel

Minh họa: ANH KHOA 

Thằng Nên bị tai nạn. Nó mua con xe mới rồi chạy đua trên đường đê. Xe va vào điếm rồi lộn mấy vòng xuống chân đê. Nên bị đa chấn thương, rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh. Tai nạn chỉ sau đêm cưa trộm cây sưa hơn chục ngày. Hơn chục ngày đó nó không về nhà. Không ai liên lạc được. Khi về, nó làm mọi người... chết khiếp. Theo lời bác sĩ chẩn đoán sau hơn một tuần điều trị, thằng Nên có thể sống được, nhưng sống như thế nào còn do ý trời. Ông Minh đến viện thăm cháu. Nhìn nó thương tích đầy mình, hom hem, thật tội. Lúc về, ông ghé vào tai nó: “Cháu điều trị cho tốt, khỏe rồi về ra đầm sen với ông”.

Tai nạn, nghiện ngập là thứ kiểu gì đám thanh niên làng này cũng dính phải nếu không được cản ngăn. Chỉ trong hai tháng, 3 thanh niên chết vì nghiện. Một năm qua, riêng cái xã này có tới 28 vụ tai nạn ô tô. Ai là người nghĩ sâu được về những mất mát đó?

Khỏi phải nói, Nên đã ngốn mất bao nhiêu tiền. Người thân còn phải liên tục gặp bên công an lấy lời khai. Nên về nhà sau gần hai tháng nằm viện. Đầu óc nó lơ tơ mơ không bình thường, có lúc hét lên như động kinh. Đêm đến, nó vẫn lảm nhảm, mơ về những chiếc xe hơn thua với chúng bạn. Ông Minh đưa Nên ra đầm sen để cháu được gần gũi loài hoa thanh khiết, mong nó có chút hồi tâm. Nhưng Nên làm ngơ tất cả. Nó vẫn đòi xe, đòi tiền, đòi cắt nốt cành sưa để khỏa lấp trống rỗng. Nó nghiện ô tô như nghiện thuốc phiện, nhưng làm sao nỡ bỏ rơi. Hằng ngày, ông Minh trò chuyện với sen, với chim chóc và cho thằng cháu nội thưởng thức trà cùng. Ông cũng dạy Nên tập thể dục dưỡng sinh, nói cho nó nghe về ý nghĩa, giá trị các loài cây. Nên trầm tĩnh, bớt loạn thần, văng tục. Có khi nó ngồi trước sen cả giờ đồng hồ. Nên cũng về nhà với bố mẹ 5 ngày, ngồi dưới gốc sưa, bần thần bên mấy con chó. Những tưởng Nên hồi tâm, thay tính đổi nết, nào ngờ một ngày, nó để lại cho ông mảnh giấy: “Ông à, cháu đi để đổi đời. Ông bảo bố mẹ và mọi người đừng đi tìm”. Ông Minh chỉ còn biết nguyện xin tổ tiên dòng họ, cùng hương thơm tinh khiết của loài hoa mở mắt cho thằng Nên.

***

Lần này thằng Nên tính toán kỹ lưỡng. Nó muốn bứng nốt một cành sưa. Nên nghĩ, khi bỏ đi, hẳn mọi người sẽ đề phòng. Nó cử người dò la tình hình trong xóm làng và chính khuôn viên gia đình. Điện luôn thắp sáng, 3 con chó được thả canh giữ trong đêm. Mấy ngày nó về nhà ngồi bên gốc sưa là để quen thân với mấy con chó, tìm chỗ lẻn vào để cắt khóa cổng, cắt dây camera. Nó vẫn gây mê cho cả nhà bằng khí, rồi dùng cưa giảm thanh hạ cành sưa lớn còn lại. Phải đến khi xe chở mấy khúc gỗ lách qua cổng, ào ra đường thì hàng xóm mới phát hiện, tri hô. Lúc nhiều người trở dậy thì xe chở gỗ đã chạy biến. Cũng phải rất lâu sau, gia đình anh Vấn mới tỉnh mê.

Những tưởng thằng Nên đi hẳn nhưng chỉ ít ngày thôi, nó đã trở về. Lúc đó, ông Minh ngồi thưởng trà bên đầm sen, nghĩ cách tạo dựng tủ sách cho làng thì một bóng người lù lù xuất hiện. Mặt mày hốc hác, nhám đen, nó quỳ thụp trước mặt ông nội, khóc lóc van xin:

- Cháu xin lỗi ông, xin lỗi bố mẹ cháu và mọi người. Cháu là thằng đích tôn bất hiếu. Cháu đã quên mọi lời dạy của ông về cây, về nền nếp của gia đình. Cháu bị đồng tiền che mờ mắt và đã ăn cắp của tổ tiên. Cháu không xứng là cháu nội ông...

- Ừ. Anh lớn rồi. Anh phải chịu trách nhiệm về bản thân. Về mà xin lỗi bố mẹ anh ý. Sao anh không đi nữa?

- Ôi ông ơi, cháu sẽ về dập đầu xin lỗi bố mẹ. Nhưng cháu vẫn muốn về xin lỗi ông trước. Cháu chẳng còn chỗ nào để đi, cháu đã bị lừa.

Thì ra bọn theo Nên về cưa cây là một nhóm xã hội đen đầy dã tâm. Chúng làm Nên u mê, dẫn về cưa cây rồi giữ sạch tiền, đẩy nó vào cảnh khốn cùng. Không còn bấu víu được ở đâu, Nên buộc phải quay về.

- Cháu đã muốn chết đi, nhưng nghĩ bố mẹ còn thương, nên mới mò về.

Ông Minh không muốn nặng lời, ngộ nhỡ xảy ra chuyện chẳng lành. Ông nghĩ mình đã già cả, thôi thì để việc đó cho bố con thằng Nên giải quyết. Ông và cháu nội về bên nhà nó. Gặp bố mẹ, thằng con nhàu nhĩ đấm thùm thụp vào ngực, ăn năn. Vợ chồng Vấn nghẹn ứ cổ họng. Ông Minh nói với thằng cháu:

- Mày phải sám hối, cháu ạ. Mày không đáng được tha thứ, khi hết lần này đến lần khác làm điều dại dột. Ông sẽ cho mày một cơ hội cải tà quy chính.

Ông Minh lại đưa thằng cháu về nhà để gần hương sen. Nó vẫn chưa phải là thằng bỏ đi. Ông nghĩ, mình cần phải gột rửa tâm hồn Nên, phải làm mắt nó sáng lên, tâm hồn rộng mở và một con tim biết nghĩ.

- Nhìn vào sen cháu thấy gì?

- Cháu thấy thơm và đẹp.

Ông lão gật đầu, bảo thằng cháu:

- Cháu phải từ từ. Thơm và đẹp thì ai cũng nhìn ra. Cháu phải thấy vẻ đẹp ẩn tàng bên trong cơ. Phải cảm nhận được sen đang nói với mình điều gì. Từ đó cháu sẽ thấy, những hào nhoáng bên ngoài chẳng là gì cả.

Ông Minh đi hái sen về cho bà con trong làng, để thằng cháu ngồi đó bên sen. Hương sen tỏa khắp nền trời rộng. Ông thấy thằng cháu hít hà, nói gì đó với những đóa hoa thanh khiết.

leftcenterrightdel
Nhà văn Nguyễn Văn Học 
Truyện ngắn “Thầm thì lời sen” viết về bi kịch của những người trẻ đua đòi hưởng thụ nên phải bán đất đai, những thứ giá trị của gia đình, làng quê. Nhân vật trong truyện vì u mê mà cắt trộm cổ thụ quý của dòng họ đi bán để thỏa thói ăn chơi, hết lần này đến lần khác. Người ông nhân hậu, với phẩm chất và bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ đã dùng sự khoan dung của tình thân, sự gần gũi của thiên nhiên để cải hóa cháu nội. Nhà văn Nguyễn Văn Học trung thành với đề tài sinh thái. Tác phẩm của anh đôi khi để thiên nhiên là nhân vật chính, tự ngẫm, tự kể với dáng dấp và cá tính như con người. (Nhà văn PHẠM MINH QUÂN)

Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN HỌC