Cô đã lưỡng lự rất nhiều lần sau khi đóng tập nhật ký ấy lại. Tập nhật ký ố vàng lớp bụi thời gian, nhưng lại nóng hổi những câu chuyện mà lần đầu tiên cô được biết. Mãi cho đến lúc xe chở cô đi ngang cây cầu Nhật Tân, cô vẫn cứ thắc mắc. Ký ức đâu có chân, sao lại chạy từ người này sang người khác? Ký ức đâu có tay, sao nắm níu lòng cô tìm về? Ông đã dùng chính những ký ức xưa xa để đặt cho đám cháu con những cái tên. Ký ức ngày đấy, hay đám cháu con sau này mới là lẽ sống của đời ông?

***

Chuyến tàu Kilinski của Ba Lan đưa ông rời Sông Đốc và cập bến Lạch Hới khi ông mới chỉ 14 tuổi. Chuyến đi tập kết được chuẩn bị sau khi Hiệp định Geneva ký kết. Chiều đó ông chạy dọc con sông quê, nhìn dòng sông trôi mải miết về phía chân trời rực đỏ. Ráng chiều im bặt tiếng súng. Con sông xuôi dòng len lỏi khắp Nam kỳ lục tỉnh. Con sông che chở bao phận người chiến đấu và cũng ôm bao đứa con xứ này vào lòng. Có ba ông, có mẹ ông, có luôn cả những người bạn ngơ ngác đổ ập xuống lòng sông bởi súng đạn. Ông được cho đi, nhưng lòng ông sao cứ lắt lẻo những câu hỏi ngày về, biết quê xứ xóm làng có còn chờ ông hay cũng cháy rụi thành tro bay về những nơi xa thẳm.

Ngoại ông nói ông phải đi, đi để còn quay về và giành lại đất này. Đất là của mình. Sông là của mình. Trời mây kia phải xanh. Và người lục tỉnh phải được an lành. Ngoại gói mớ hành trang cho ông mà mắt không hề tuôn hột lệ nào. Ngoại đã sáu mươi, ngoại chẳng thể đi, ngoại phải bám đất, ngoại còn đào hầm, ngoại nuôi cán bộ. Nhưng bây còn trẻ, bây là tương lai. Đêm ông ôm ngoại nằm ngủ mà mơ lục tỉnh người xe nô nức như thời khói súng chưa phủ đất này.

Cho đến khi tiếng máy tàu Kilinski nổ sầm sập, sóng nước Sông Đốc ở lại phía sau, ông quay đầu nhìn ra mênh mông bầu trời rộng. Ông bắt đầu nhẩm tính ngày về. Trong mớ hành trang nhỏ gọn ngày đó, ông vẫn cố mang theo tấm hình ba má chụp chung ngày cưới và chiếc khăn rằn là kỷ vật của ba tặng má. Với ông, chỉ vậy là đủ hong ấm lòng trong những ngày sống nơi đất mới.

***

Có lần cô hỏi mẹ, sao nhà mình đặt tên gì mà lạ quá trời. Toàn mấy cái nơi chẳng phải quê xứ. Hồi nhỏ không biết cô cứ nghĩ đó là tên làng tên xóm, nhưng chừng lớn lên đó lại là những cái tên tuốt luốt ngoài Bắc. Mẹ chẳng giải thích gì, chỉ buông gọn câu nói bảo cô về thăm mà hỏi ông, ngay cả cái tên mẹ cũng là do ông đặt. Mỗi cái tên là một quãng đời của ông đã sống và chiến đấu. Trải dọc dải đất Tổ quốc, muôn triệu cái tên đôi khi cũng là từ những cuộc chiến mà ra. Có nhà còn đầy đủ Chiến, Đấu, Lập, Công như nhà dì Hai, hay cũng Anh Hùng, Kiên Cường như nhà cậu Tư. Mỗi cái tên là mỗi ước vọng. Mỗi cái tên đôi khi ẩn trong đó là cả câu chuyện.

Nhưng cô chưa có dịp hỏi ông, bởi ngày cô lớn lên ông đã thôi không còn ở thành phố này, ông về lại mảnh vườn xưa, xây căn nhà nho nhỏ, lợp mái lá, phía sau chái bếp trổ sàn lãng nhìn ra con sông, phía trước ông trồng giàn hoa khiết bông đỏ bời nỗi nhớ bà. Mẹ vài lần ngăn ông, thỉnh ông ở lại thành phố, về quê mình ông, lỡ có gì đâu ai chăm sóc. Nhưng, ông vẫn nhất quyết về, với ông bấy nhiêu năm gá thân nơi thị thành này là nhiệm vụ, cũng như cái nghĩa với mảnh đất mà bao xương máu đồng đội đã hy sinh, nhưng cái tình cũ thì ông dành cho Sông Đốc. Ngày rời đi, rồi ngày quay về là tròn nửa thế kỷ.

Mãi đến khi ông nằm xuống, nhẹ nhàng như giấc ngủ. Chiều hôm ông điện cho mẹ nói ông nằm mơ thấy con tàu lớn chở mình ra Bắc, ông nghe tiếng gọi của gia đình mẹ nuôi ở Sầm Sơn đã cưu mang ông trong hơn nửa năm để chờ được phân về trường. Mẹ nuôi khi tiếp nhận ông nhìn mảnh giấy ghi thông tin đã ôm ông vào lòng, bà cũng có đứa con cùng tên ông, đứa con nằm lại trong trận pháo ở đồi Him Lam. Mẹ nuôi bảo đó là duyên may cho mẹ gặp ông. Nhưng, nếu thêm vài ngày nữa thì có khi ông còn được gặp Bác. Giây phút ấy hồn ông lâng lâng niềm khó tả. Ông nghĩ sẽ phải cố gắng hết sức mình, phải giỏi, phải ngoan để một lần được gặp Bác...

Những cuộc điện thoại của ông luôn kèm theo một câu chuyện nào đó thật rõ ràng, rành mạch và khúc chiết như thế. Ông vẫn mẫn tiệp, dẫu đã ngoài tám mươi. Cho nên sáng hôm sau, mấy người em bạn già hay cùng ông uống trà sớm điện thoại nói ông đi rồi. Mẹ hụt hẫng, cuống cuồng tìm về Sông Đốc. Ông nằm đó, nụ cười hiền, cạnh bên là cuốn nhật ký ố vàng. Nét chữ run rẩy mới nhất, in màu xanh bút bi ghi ba từ: “Cho Phong Châu”.

leftcenterrightdel
Minh họa: ANH KHOA 

Từ Lạch Hới, ông được ở với mẹ nuôi cho đến giữa năm 1955 thì chuyển về Chương Mỹ. Ông được phân lớp, bắt đầu học và rèn luyện như trong quân ngũ với tiếng trống sáng sớm tập thể dục, rồi ăn sáng và lên lớp. Buổi chiều là giờ lao động và tối đến thì tự học. Có bốn trường nam sinh nằm liền kề nhau. Những đứa trẻ bắt đầu lớn lên trong sự đợi chờ một ngày quay lại với niềm khát khao đi về phía Nam. Đi để nối liền một dải non sông. Những đứa trẻ tự biết mình mang trong lòng một sứ mệnh.

Những đứa trẻ miền Nam năm đó được đón cái Tết Trung thu bất ngờ khi Bác đến thăm. Lời dặn và cái vuốt đầu khiến những đứa trẻ như được tiếp thêm động lực. Nhưng với ông, kỷ niệm mà ông nhớ mãi đó chính là Bác đã ghé thăm trường học sinh miền Nam vào một tháng năm trời miền Bắc hâm hấp nóng. Buổi chiều hôm đó, khu nhà ăn của trường đang tổ chức sinh nhật cho những bạn có ngày sinh trong tháng năm. Bác đến bất chợt để kiểm tra tình hình học tập và thi cử của con em tập kết. Bác đã ở lại, cùng ăn bánh và lắng nghe ước mơ của những đứa trẻ miền Nam một cách chăm chú. Rồi Bác quay về, ngày sau, Bác gửi đến trường mỗi em một phong bao đỏ, trong đó có 1 đồng. Bác còn gửi thêm cho trường bao thư chứa 300 đồng là nhuận bút một bài báo của Bác.

Cô lật đến trang sách này, trang sách rơi ra một phong bao đỏ ố vàng và đôi chỗ mục, đã được ép plastic kín. Dường như mấy mươi năm trôi qua, ông vẫn giữ kỹ càng. Như chính ký ức ngày tháng tập kết được ông nắn nót ghi lại trong quyển nhật ký. Những trang giấy tiếp theo như tái hiện lại hành trình băng Trường Sơn về cùng đồng đội, những ngày đầu tiếp quản Sài Gòn sau giải phóng. Và hơn hết là những cái tên, của con, rồi đến cháu luôn gắn liền với vùng đất, những địa danh mà thời trẻ ông đã đến, đã sống và đi qua sinh tử.

Trang nhật ký cuối, ông ghi bằng nét bút xanh mới, nét chữ đã nguệch ngoạc đi nhiều, thể như ông viết lúc tuổi đã mòn và đôi tay đã dần run rẩy. Ông mong muốn mình trở lại Ba Đình để được vào Lăng viếng Bác trước khi chân chùn gối mỏi và đi theo tiếng gọi quân hành của những người đồng đội. Chiếc khăn rằn ngày ông đem theo ra Bắc tập kết vẫn được ông xếp gọn trong một chiếc hộp gỗ đựng cùng quyển nhật ký. Mẹ đưa hết cho cô, bởi như mẹ nói, có lẽ ông thương nhớ vùng đất có tên Phong Châu lắm, nên đứa cháu gái duy nhất, ông quyết liệt đặt tên này.

Hôm cô nhận được chiếc hộp gỗ, cô lững thững đi ra mé sàn lãng ngồi nhìn sóng nước mênh mang. Nơi này, ông chọn trở về sau khi đã hoàn thành mọi lý tưởng của cuộc đời. Duy chỉ có điều mong ước cuối cùng, được quay lại với Ba Đình là chưa kịp. Có lần, trong cuộc điện thoại ông bảo muốn đi Bắc. Nhưng, bác sĩ bảo khó có thể bay. Ông buồn rười rượi. Cô hứa sẽ cố gắng thu xếp để đưa ông đi bằng tàu hỏa. Lời hứa mãi trôi theo cuộc mưu sinh nhọc nhằn cơm áo gạo tiền của đô thị xa hoa. Bây giờ, khi đã lần giở từng trang đời của ông, cô thấy lòng mình nghẹn ngào quá đỗi. Nước vẫn trôi, gió vẫn thổi, ông thì chẳng thể đợi lời hứa của đứa cháu. Đã mấy lần tháng năm đỏ bời nỗi nhớ trong ông.

***

Cô quyết định lấy ngày nghỉ phép, đặt ngay chiếc vé và bay liền trong đêm. Cô chẳng biết mình sẽ đi những đâu theo dấu chân ông, nhưng đầu tiên cô sẽ đến Ba Đình, cô sẽ choàng chiếc khăn rằn và cầm theo cuốn nhật ký của ông. Cô muốn thực hiện lời hứa dẫu có muộn màng nhưng tin chắc ông sẽ mãn nguyện. Cô cũng sẽ tìm về Phong Châu, dẫu có thể nay mảnh đất này đã thay tên theo sự phát triển của thời đại. Cô muốn đi lại hành trình của ông. Cô muốn tháng năm này, ở một miền mây trắng nào đó, ông sẽ được chạm vào ký ức. Cô cũng xuôi về cảng Lạch Hới, để nhìn mảnh đất đã tiếp nhận ông những ngày đầu tập kết.

Hàng dài xếp trong trật tự. Cô nghe loáng thoáng có những giọng nói miền Nam rì rầm. Có lẽ họ cũng như cô, những con người mang tấm lòng của mình vượt nghìn trùng xa xôi để mong trong đời một lần được đến và để gặp Người. Cô tin, mỗi một người đến đây đều mang trong lòng một sự ký thác nào đó, hay chí ít là một yêu thương lắng sâu nào đó. Ký ức không có chân, ký ức càng không có tay, nhưng ký ức chính là thứ khiến con người ta sống trọn vẹn với phần đời của mình, nhất là những con người ngược Nam về Bắc tập kết thì ký ức chính là máu thịt. Riêng với ông hay những người từng may mắn gặp Bác, ký ức chính là niềm tự hào.

Cô ôm cuốn nhật ký của ông sát vào lòng. Nắng tháng năm rải dải lụa mật hươm vàng Ba Đình. Mặt trời tháng Năm đỏ rực niềm thương.

leftcenterrightdel
 Tác giả Tống Phước Bảo.
“Mặt trời tháng năm” là sự kết nối giữa các thế hệ đã trải qua những tháng ngày chiến tranh và hòa bình, giữa quá khứ và hiện tại, giữa những miền đất nước từ Nam ra Bắc. Thông qua lời kể và tình cảm từ điểm nhìn của nhân vật người cháu gái về cuộc đời của người ông, đặc biệt, câu chuyện Bác Hồ đến thăm học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, chiếc phong bao bên trong có 1 đồng Bác gửi tặng được ông giữ gìn như vật báu suốt cuộc đời và ước nguyện cuối đời được ra thăm Lăng Bác... khiến bạn đọc không khỏi xúc động. (Tiến sĩ văn học HÀ THANH VÂN).