Mùa hè là thích nhất, dù nắng chói chang nhưng gió mang hơi biển mát lạnh vào tận giường ngủ. Chiều chiều, Hải leo lên mấy con dốc uốn lượn dọc sườn đồi, tìm bẻ củi, lượm lá khô làm mồi chụm bếp, hoặc quanh quẩn hái trái rừng. Nhớ biết mấy cây duối trĩu trái, phải dí nhau với bọn khỉ núi tranh từng trái chín vàng. Hoặc có bữa Hải theo chân người già trong xóm đi coi chặt cây ngô đồng. Họ đập cây vào đá rồi bóc vỏ, ngâm nước cho mềm, đem lớp xơ vỏ phơi thiệt khô rồi tước sợi.

Má ngồi bên hiên nhà xe từng sợi xơ nhỏ mềm, mảnh như tơ thành sợi to dài, chắc chắn, rồi bện đan thành cánh võng. Những sợi xơ vỏ ngô đồng trắng tinh, óng ánh, phất phơ trong gió. Má thoăn thoắt đôi tay, tỉ mẩn đan từng mắt võng, thỉnh thoảng hướng mắt ra phía biển khơi ngút ngàn xanh biếc chờ chiếc tàu gỗ có số hiệu quen thuộc đang lênh đênh sóng nước cập bến. Lúc đó, má ngưng tay đan, phụ ba lựa cá, mực, nửa gánh ra chợ, nửa dành phơi khô.

Sang mùa biển động, cơn gió áp thấp vừa thổi vào, dòng chảy mạnh lên đưa theo cá, tôm tấp vào. Ba cùng các chú, các bác tranh thủ dong thuyền neo gần bờ hoặc chèo thúng thả mành, bủa lưới. Những ngày trước khi bão đổ bộ, cù lao luôn ồn ã, tất bật. Người lo gom lưới thu cá, người đưa ghe vào âu thuyền tránh bão, người chằng chống nhà cửa, người cắt tỉa những nhánh cây cao. Tiếng í ới, hò dô rân trời. Suốt tuổi thơ của Hải, mỗi năm hơn chục lần hồi hộp nghe tin bão, canh từng thông báo xem thuyền bè nhà nào đứt dây neo, nơm nớp lo sợ có người quen trong xóm mắc kẹt trên biển giữa lúc bão đang quần thảo. Hình như những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong mặn mòi biển cả như Hải đều sẽ trưởng thành từ rất sớm. Cũng hiểu con sóng dữ lòng biển sâu, cũng biết lo cho nỗi lo của ba má và quê nhà.

*

Hải đang đứng trước lưng chừng lựa chọn, đắn đo nên đồng ý hay từ chối. Công ty thăng chức, yêu cầu chuyển công tác cho Hải vào trụ sở chính ở miền Nam. Được quay lại nơi lưu dấu thời thanh xuân sôi nổi thì còn gì bằng. Chưa biết chừng đi theo lộ trình thuận lợi, một năm sau sẽ được sang nước ngoài tu nghiệp. Phương ủng hộ Hải tìm hướng đi mới cho công việc, vào Thành phố Hồ Chí Minh sớm để hai đứa không phải chịu cảnh yêu xa nữa. Đây là cơ hội tốt, vừa phát triển sự nghiệp vừa nắm chắc tình yêu, biết bao người mơ ước còn chưa được, nếu Hải bỏ lỡ thì uổng lắm.

Năm chớm mười tám, Hải rời đảo, ba biểu cứ yên tâm đi. Được mấy đứa ở xứ heo hút, quạnh quẽ này thi đậu đại học tít thành phố lớn. Hải học cao được bao nhiêu, ba má nuôi tới bấy nhiêu. Bạn bè Hải, kẻ bỏ học theo nghề biển, đứa theo tàu vào đất liền rồi làm bảo vệ, bốc vác, thợ hồ... Bao nhiêu năm trời, nào có điện đài mà soi tỏ con chữ, thắp sáng ước mơ. Ngoài ánh nắng chói chang và trụ đèn chung từ năng lượng mặt trời, thứ sáng nhất trên đảo có lẽ là những bông ngô đồng đỏ rực bung nở khắp núi rừng lúc trời sang thu.

Cả đảo góp tiền mua dầu chạy máy nổ phát điện. Với người dân cù lao, điện quý hơn vàng. Mỗi ngày chỉ được dùng vài giờ, thắp cái bóng đèn dây tóc sinh hoạt buổi tối. Có khi gom trẻ con nguyên xóm túm tụm lại một nhà để chong điện học bài. Trời vừa chạng vạng, mỗi nhà đã nấu nướng, giặt giũ, tắm táp xong xuôi. Đêm mùa hè nóng nực, ngột ngạt thì cột chiếc võng ngô đồng giữa hai chạc cây rồi đung đưa hóng gió biển. Chiếc quạt nan từ tay các bà, các má vỗ phành phạch đuổi muỗi cho đám trẻ con. Bao đêm thao thiết hướng ánh mắt ra biển, nhìn những chùm sáng lấp lánh đằng xa xa chân trời, Hải đã mong ngóng được sống ở nơi náo nhiệt đó.

Chừng tám năm trước, nhờ cáp ngầm xuyên biển mà đảo nối được lưới điện quốc gia. Hải không có mặt để chứng kiến mọi người reo hò khi đèn bật sáng choang khắp thôn xóm. Nhưng biết rằng, những đứa trẻ thế hệ sau này của cù lao sẽ ngày càng tốt lên, có nhiều sự lựa chọn. Con đường đến với tri thức đỡ nhọc nhằn hơn Hải thuở trước.

*

Hải tỉnh dậy từ cơn ác mộng bởi tiếng cửa sổ đập vào tường. Cơn mưa dông giữa đêm xua bớt cái nóng oi bức của mùa hè miền Trung. Ngoài trời gió thổi ào ạt, nhưng chẳng bằng một góc so với cơn gió giật cấp bảy năm đó. Bão đến, biển động mạnh, tàu thuyền tạm dừng ra vào đảo. Người chị sinh đôi mới sáu tuổi của Hải bị sốt xuất huyết nặng, co giật. Cù lao thiếu bác sĩ, thiếu thuốc men, đành chữa tạm, ráng chờ biển bớt gào thét. Trời êm dịu một chút, thuyền chở chị được nửa đường thì trời lại lên cơn. Không thể vào tới cửa sông, thuyền đành quay đầu về cù lao. Chị gái Hải lơ mơ, rồi chị không mở mắt thêm lần nào nữa.

Ba má Hải đâu trách chi biển trời bão gió. Bao đời sống nương nhờ vào biển, nhận ơn những ngày bình lặng thì phải chấp nhận được vài ngày sóng dữ. Nhưng đau như đứt từng khúc ruột. Má phờ phạc một thời gian dài, ba đi biển nhiều hơn trước. Mỗi chuyến tàu chợ từ đất liền ra đảo bắt đầu chứa đủ loại thuốc men. Lúc đó Hải chỉ là đứa trẻ con nhưng đã khóc rất lâu bên mộ chị. Hình như giữa cặp sinh đôi dễ có thần giao cách cảm. Hải hay có cảm giác trống rỗng, mất mát và thi thoảng thấy chị ẩn hiện trong giấc mơ bị bão đuổi.

Vừa nãy, chị chập chờn gọi Hải về. Một mình chị trên đảo thiếu người chơi cùng, buồn lắm. Là chị cô đơn hay má đang lẻ loi với căn nhà trống trải? Dáng ngồi khom lưng đan võng của má, chốc lát vòng tay ra sau đấm thụp thụp hoặc xoay xoay cổ tay chống mỏi nhức, gương mặt an tĩnh dù ngấm bao gió sương cứ xoay vần mãi trong suy nghĩ Hải.

Hải đã tới tuổi khát khao có một gia đình nhỏ, có một người bạn đồng hành vượt qua mọi bão dông như má đã ở cạnh bên ba suốt đời người. Chiều tan ca, hai vợ chồng cùng nấu ăn, dọn dẹp, tưới cây, dạy con học hoặc chở nhau đi dạo mát. Hải rất muốn người đó là Phương, cô gái Hải yêu tha thiết tám năm qua. Nhưng trước khi mơ chuyện cưới vợ thì Hải phải chăm sóc tốt cho người sinh ra mình. Má đã dành cả đời âm thầm đan võng ngô đồng chờ chồng, Hải làm sao nỡ để má phải lặng lẽ bên hiên đan võng ngóng con.

Mấy chục mùa sóng dâng bão giật không quật ngã nổi người đàn ông vững chãi của má, vậy mà một căn bệnh quái ác đã cướp mất ba. Hai năm trước, ba đột nhiên sốt dài, hạch sưng to, kết quả kiểm tra chẩn đoán ung thư. Cơ thể ba không đáp ứng thuốc, chạy chữa hai tháng rưỡi là mất. Vết thương mới chồng lên vết sẹo cũ. Cũng lúc đó, Hải ứng tuyển vào công ty ở tỉnh gần sát cù lao để dăm bữa nửa tháng ghé nhà thăm má, cũng là phải bắt đầu quãng thời gian yêu xa với Phương.

*

Sau khi gởi thư điện tử cho sếp, Hải lên mạng đặt chuyến bay sớm nhất.

Nếu vào trụ sở chính phía Nam, đoạn đường xa nhà sẽ gấp hơn hai chục lần vị trí hiện tại Hải đang làm việc. Phải bay một chuyến gần ngàn cây số, rồi chạy xe máy chừng hơn ba mươi cây số tới bến cảng và ngồi ca nô cao tốc thêm mười mấy hải lý mới tới được đảo. Nếu Hải sang nước ngoài thì đường về nhà càng dài thêm, xa thăm thẳm.

Nhưng bây chừ quay về, Hải có cảm giác như mình thất bại. Chắc nhiều người nghĩ rằng Hải không trụ nổi ở thành phố, vì mất việc mà trở lại bấu víu, ăn bám biển đảo. Do đó, Hải quyết định nghỉ việc công ty, từ bỏ cái nghề đã đeo đuổi hơn chục năm cả học lẫn làm. Giả sử còn duyên, sau này Hải sẽ có cơ hội vận dụng tiếp tục thôi. Hải chọn học lại từ đầu, tìm hiểu thiệt kỹ ngành du lịch, dịch vụ, kinh doanh homestay...

Từ ngày lưới điện quốc gia kéo ra đảo, người dân dần chuyển sang làm du lịch. Một bên biển xanh biêng biếc, một bên núi rừng bạt ngàn, không khí trong lành, hải sản tươi rẻ. Gặp mùa hoa ngô đồng nở rực rỡ lại càng dễ khiến lòng người đắm say. Chỉ chạy xe ôm chở khách dạo chơi vòng vòng quanh đảo thôi cũng thu được một khoản. Huống chi khách du lịch khám phá cù lao ngày càng nhiều, bao nhiêu cơ hội để phát triển kinh tế quê nhà.

Lần này vào gặp Phương, Hải kể hết sự thèm gió biển của mình. Yêu nhau lâu như vậy, hai đứa đâu thể dùng dằng, chần chừ mãi. Có thể cùng nhau đi tiếp quãng đời sau này hay không, đành nhờ Phương lựa chọn. Đủ hiểu và thương sẽ chấp nhận, hoặc buông tay tìm con đường riêng khác. Hải biết mình hơi ích kỷ khi đẩy Phương vào thế khó, phải từ bỏ phố xá nhộn nhịp, tạm biệt gia đình, bạn bè và theo chân Hải tới biển đảo hoang sơ. Nhưng Hải có cách nào đâu, khi má nhất quyết không “bứng rễ xa chậu”, bỏ biển đảo sau lưng. Hơn nữa, má biểu, nếu đứa trẻ nào lớn lên cũng rời đi tìm chân trời mới thì cù lao còn lại gì?

Cù lao ơi, chờ nhé! Sớm thôi Hải sẽ về, ngồi nơi bờ cát trắng thỏa thích ngắm hoàng hôn chậm rãi rơi xuống biển, lắng tai nghe sóng rì rào hát tình ca, hít hà hương biển mặn mà như thấm vào da thịt. Chờ cuối hạ, cây ngô đồng rụng hết lá, nở bừng sắc hoa đỏ thắm trên nền biển trời xanh biếc. Chờ cuối thu, hái trái ngô đồng ăn hạt béo bùi, ngọt thơm. Biết đâu đầu đông gieo hạt ngô đồng xuống đất cù lao, thì xuân tới sẽ có “phượng hoàng” ghé thăm.

leftcenterrightdel
 Tác giả Ny An.
Ny An là cây bút trẻ với phong cách viết dung dị, thuần phác, trong trẻo, không hoa mỹ nhưng mang nét tính cách và sự sinh động của một giọng văn miền Trung có những trải nghiệm thực tế và quan sát tinh tế. "Lời hẹn với cù lao" là một truyện ngắn hay của Ny An viết về những trăn trở khi chọn lựa khởi nghiệp của người trẻ vùng biển, giữa quê nhà còn nhiều gian khó, thách thức khi phải bắt đầu từ con số "0" với thành phố lớn tương lai thênh thang rộng mở. Qua truyện ngắn này, thấy được những tư duy trách nhiệm và khát vọng cống hiến, kiến tạo xây dựng quê hương của người trẻ. Truyện còn đưa người đọc vào một chuyến du lịch thú vị, không chỉ được đầm mình trong không gian cù lao biển miền Trung với vẻ đẹp hoang sơ đầy quyến rũ, cùng những sinh hoạt rất đặc trưng của nghề đi biển đánh bắt cá mà ở đó còn bắt gặp cả những khoảnh khắc như được trở lại tuổi thơ hồn nhiên. (Nhà văn HOÀI HƯƠNG)
Truyện ngắn của NY AN