Suốt chuyến xe, tài xế mở mấy bài nhạc quê hương nghe tha thiết lòng. Đâu đó của một khoảng hoa niên, cô có từng về xứ chín nhánh với đôi dòng sông Tiền, sông Hậu vỗ đầy phù sa bồi xanh ruộng đồng. Chừng lớn lên, cô quăng quật đời mình với nhọc nhằn mưu sinh, quên bẵng luôn cái gốc tích miệt vườn khi lần lượt cha mẹ ông bà cũng theo con cháu mà gá thân nơi thị thành phương Nam. Ngày về cố thổ cứ vậy mà hun hút.

Con tàu Trưng Nhị tách bến nhắm hướng Côn Đảo khi mặt trời bắt đầu ló dạng trên ngọn dừa xanh. Bắt đầu có tiếng lào xào chung quanh. Lẫn trong tiếng máy phành phạch rẽ nước là dòng ký ức của mấy ông bà già cuồn cuộn hướng về nơi hàng dương đang vẫy gọi. Chỉ hai tiếng đồng hồ thôi, nhưng chừng như trên khoang tàu này, ai cũng vội. Tiếng nói, giọng cười và cả những khoảng lặng. Tháng bảy vẫn cứ hoài vọng lên mang mang sóng nước những chuyện lòng.

***

Cô ngồi hàng cuối, phía trên là một đoàn cựu chiến binh từ Tây Ninh tìm về. Câu chuyện của một người đàn ông đã ngoài bảy mươi nhưng trong giọng nói tưởng như thời lửa đỏ cháy tràn những cánh rừng khộp nơi biên giới Lò Gò-Xa Mát chỉ vừa mới trôi qua đây thôi.

Ông kể, ngày ấy mình mới mười sáu đã thoát ly gia đình, hoạt động ngay trong lòng thị xã. Ông đánh đồn được vài trận thì bị bắt trong một đêm năm 1972. Mười bảy tuổi, ông bị kết án tù và lưu đày ra Côn Đảo. Đó là những năm tháng hãi hùng nhưng ông chẳng sợ gì, đến cả thân mình còn tiếc thì sao mà sống cho đất nước. Ông càng im lặng càng bị cai ngục ác ôn treo ngược mình lên, đánh vào các bẹ sườn cho đến ói ra nước nhờn chua lè. Ba ngày không ăn cơm, mỗi buổi chỉ một chén nước. Có đêm chúng lôi đầu ông ra, ngồi đó nhìn chúng phả thuốc vào mặt. Chúng nói "bà chị mày làm du kích mới bị giết ở Thới Lai. Ba mày đang xộ khám Chí Hòa. Má mày thì thảm hơn, chết ruồi bu đen đặc không ai dám đến lấy xác. Còn thằng em mày bị bom văng tan xác. Khai đi, khai thiệt thà tụi tao tha".

Ông im lặng! Chẳng biết thật hư nhưng ông cũng nơm nớp lòng mình. Ông nhắm mắt lại. Nhớ đêm cuối của trận đánh sân bay Thiện Ngôn. Tháng bảy mưa như trút rừng đêm. Ông mò về nhà thì thấy má đứng ngoài hiên phơi đồ. Má cứ giũ đồ lên xuống ba lần rồi mới vắt ngang sào phơi. Ông hiểu ý lặng lẽ rút đi. Chẳng kịp nói với má lời nào. Đó là lần cuối ông thấy má.

Nhưng ông vẫn im! Mặc chúng đập bàn và đánh thẳng vào hai ống quyển của ông bằng cây làm bằng thân gỗ ré. Loài cây mỏng dẻo hay uốn mình trước phong ba bão táp của gió biển. Loài cây đánh vào đau thấu tận xương. Mỗi nhát roi vút xuống thân ông. Ông cắn chặt môi đến tứa máu. Nhớ như in ngày xin má đi theo cách mạng, má dặn thắng trận về má mới cho vô nhà. Nên giờ chưa thắng thì làm sao mà ông gục ngã trước đòn roi uy hiếp của bọn cai ngục ác ôn này. Cứ vậy, ông trân mình chịu trận. Tới hồi chúng mệt sức thì ông lả người đi. Chúng cho người lôi ông vào biệt giam, cùm hai chân.

Cứ vậy, ông bị chúng lôi từ Chuồng Cọp 30 khu F qua Hầm Đá Lao 2 rồi cuối đến căn phòng số 24, khu H của trại 7. Ông bảo đời mình cứ gắn vào con số 7 định mệnh. Tháng bảy bị bắt, cũng tháng bảy của năm 1975 ông mới được từ Côn Đảo về lại quê sau khi giải phóng. Cũng từ đó mỗi tháng bảy, ông lại tìm về đảo xa này, nơi Hàng Dương luôn nghi ngút khói.

Cô im lặng nghe người cựu chiến binh với đôi chân đã teo tóp lại đang kể bằng một giọng miền Tây sang sảng. Dường như đâu đó trong tâm trí cô, các mảnh ký ức rời rạc của ngoại được chắp nối trọn vẹn lại. Sóng vỗ mạn tàu. Sóng biêng biếc xanh. Sóng như reo lên, bởi phía cầu tàu Bến Đầm đang dần hiện ra.

Bước chân đầu tiên của cô lên đảo, lòng rờn rợn khó tả.

leftcenterrightdel
Minh họa: THẾ VỸ 

Cô từ chối chuyến đi, bởi vừa trở về sau khi dẫn một đoàn đi nước ngoài. Hơn mười năm theo nghề, với vốn ngoại ngữ tốt nên cô được chọn vào nhóm quốc tế. Cứ vậy, cô mải miết các chuyến đi. Nhóm nào sẽ chuyên nhóm đó, nên dẫu biết công ty kẹt hướng dẫn viên cho mùa cao điểm hè, cô vẫn từ chối bởi sợ vốn kiến thức bài vở trong nước lâu không dùng sẽ dễ vấp váp. Cô dẫn đoàn mà không chắc chắn những nội dung mình nằm lòng thì sao thuyết minh hay? Sao có thể kể những câu chuyện bên lề vốn luôn là thứ đem đến xúc cảm cho du khách? Huống hồ đây lại là một đoàn khách quá đặc biệt.

Sếp thở dài khi nghe cô trăn trở, rồi dứt khoát phủi tay cái rột: "Cô phải đi. Cô sẽ học được những điều mà hơn mười năm trong nghề cô đã thiếu sót. Sắp tới sẽ không hề có chuyện phân biệt từng nhóm. Hướng dẫn viên nào cũng cần kiến thức cho các chuyến nội địa lẫn quốc tế. Đến việc đơn giản hiểu câu chuyện đất mình còn chưa nắm thì làm sao có thể nói về một miền đất xa lạ. Học lại đi. Học từ chuyến đi này". Khi sếp chốt hạ câu cuối. Cô bần thần rời khỏi phòng họp.

Chiều vàng võ uốn cong tia nắng lên mái vòm của công ty. Cô lững thững xuống phố, hòa vào dòng người đan xen dày đặc buổi tan tầm. Cô dự định hôm đó là ngày nghỉ định kỳ sau chuyến đi dài để có mặt cùng gia đình quây quần bên mâm giỗ ngoại. Vậy là lần thứ ba, cô vắng mặt ngày giỗ. Mải miết đời mình cho những chuyến đi, nhưng chưa lần nào cô có chuyến về trọn vẹn cùng ngoại, từ lúc cô lớn lên và xuôi ngược cùng nghề hướng dẫn viên du lịch. Hơn ba mươi tuổi, cô chưa hiểu nổi những câu nói của ngoại. “Chuyến đi hay chuyến về thì đất luôn đợi con người ta. Chỉ là người mình cứ lạc hun hút ở những miền xa lắc lơ”. Đó là ngày ngoại khép cửa rào nhà nơi miệt Thới Lai để thuận theo con cháu về thành thị sum vầy.

Cô không về kịp với ngoại, đó là chuyến cuối, mấy ông bạn già còn sót lại sau gần 50 năm của cuộc chiến tụ về. Ai rồi cũng phải đi một chuyến cuối. Chuyến về với đất. Sống từ đất. Chiến đấu vì đất. Đất ôm mình vào lòng. Vậy thôi đó đã là một cuộc đời trọn vẹn. Dẫu ngày đất sanh mình ra đủ đầy thân thể, nhưng ngày về có khi thiếu trước hụt sau. Ông cụt chân, bà mất tay, có người cặp mắt mù tịt, cũng có khi tìm hoài chẳng sót lại thứ gì. Vậy đó mà đời vẫn xanh trong từng ký ức. Xanh như tuổi thanh xuân mười tám, đôi mươi đã biết ôm súng chiến đấu. Xanh đến tận tóc đã bạc trắng vẫn cười hềnh hệch mỗi bận kể chuyện hành quân gặp nữ giao liên, hay đêm lội sông mà mình trần như nhộng, bộ quần áo đội đầu để sáng mai còn gặp cô du kích. Quên gì thì quên, mấy chuyện đời chiến sĩ chẳng thể nào quên được với mấy ông cựu chiến binh.

Quên gì thì quên, nhưng làm sao quên được những đồng đội của mình đã nằm lại rải rác khắp dải đất Tổ quốc. Trong những ký ức của ngoại, đoạn đời 7 năm giam mình nơi “địa ngục trần gian” ngoài đảo xa như một vết cắt bén ngót, sắc lẹm rạch ngay tâm trí mình, tạo thành vết sẹo cứ nhưng nhức mỗi độ thương nhớ dày lên lòng dạ. Đoạn ký ức đó nằm giữa cuốn nhật ký của ngoại. Cuốn nhật ký mà đôi tay run rẩy ngoại chầm chậm ghi lại khi trí nhớ đã lẩn thẩn:

"Kiên gọi tôi vọng từ phòng bên. Khi tôi vừa được đưa về sau cơn bầm giập. Trong hơi thở thì thào tôi nói với Kiên về quê mình. Kiên khóc rồi gào. Chúng rắc vôi lên rồi tạt thẳng nước khắp mình tôi. Loang lổ da thịt là vết phỏng rộp. Vôi ăn da, để lại những vết loét. Kiên nói tôi ngủ chút đi. Ngủ cho bớt đau. Ngủ để còn có sức mà chiến đấu. Ngủ đi ngày mai là trời sáng. Ngày mai sẽ giải phóng. Rồi Kiên hát. Kiên kể chuyện má Kiên hồi nhỏ hay ôm Kiên vào lòng mỗi lúc trái châu ì đùng khu bốn. Má Kiên ru “Rạch sông tứ phía lửa ma. Giặc thù còn đó thì cha chưa về”. Rồi Kiên nói chân Kiên giờ què, tay Kiên chúng kẹp nát hết mười ngón, nhưng Kiên còn cái miệng. Còn cái miệng thì vẫn còn đấu tranh. Kiên lấy hơi hét lớn lên. Anh em tù chính trị cứ vậy mà la theo. Cả trại 7 bỗng sôi sục ngay trong đêm...”

Cô giữ lại cuốn nhật ký, bởi dòng cuối cùng ngoại ghi: Cho Sứ.

***

Cô cùng đoàn cựu chiến binh vào Nghĩa trang Hàng Dương khi ánh chiều ráng vàng lên những ngôi mộ. Khói nhang quyện vào đất. Hương trầm tỏa ngát trời. Tiếng người vọng âm kết nối hai miền không gian. Ký ức chảy tràn thể như anh linh hiện tiền theo từng câu chuyện. Lần đầu tiên trong đời, cô không thể hướng dẫn, không thể thuyết minh bất cứ điều gì ở nơi này. Bởi chính những người cựu tù Côn Đảo mới là người đem đến cho cả đoàn những câu chuyện đong đầy cảm xúc. Cô nghe và nén những câu chuyện ấy vào tâm khảm mình.

Chiều tháng bảy, cô cùng những con người mình khoác áo xanh màu lá ngụy trang năm xưa đi khắp nghĩa trang để thắp tâm nhang. Cô chọn ngồi lại ở một góc, dưới tán cây sứ vẫn ngạt ngào ra hoa trắng muốt. Cô lật tiếp trang nhật ký của ngoại, đoạn trong những ngày biệt giam ông vẫn ngửi mùi hương hoa này mà cảm nhận cuộc sống vẫn sinh sôi nảy nở qua những mưa giăng đạn lửa.

Ngoại đặt cho cháu gái duy nhất cái tên loài hoa đong đầy ký ức, như luôn ấp ôm quãng đời xanh lành lý tưởng sống đó vào lòng mình. Như cái cách ngoại luôn vỗ về thương yêu mỗi khi cô sà vào lòng ông sau các chuyến đi xa.

Nhưng, bây giờ, ở nơi này, ngoại hay là tháng bảy dắt cô về miền trắng ngần hoa sứ?

leftcenterrightdel
Tác giả Tống Phước Bảo. 

Khi điểm đến đủ sức giữ lòng người ở lại trong sự gắn bó mật thiết sâu xa, ấy cũng là lúc đi trở thành về. Hành trình của nhân vật nữ trong truyện ngắn “Trắng ngần hoa sứ”, làm hướng dẫn viên du lịch cho một đoàn cựu chiến binh thăm Côn Đảo ban đầu là đi, bởi ý định về giỗ ngoại của nhân vật không thực hiện được. Nhưng, từ câu chuyện của người cựu chiến binh trên chuyến tàu ra đảo, hành trình mở ra vùng yêu thương với hình ảnh ngoại cùng những dòng nhật ký bi tráng. Sự kết nối linh thiêng của ký ức, lịch sử, nhân chứng đã tạo thành một nguồn năng lượng hoán đổi, đi trở thành về. Về với điều thiêng liêng, cốt tử nhất làm nên giá trị của cuộc sống, đó là sự hiến dâng cho lý tưởng làm người. (TS NGUYỄN THANH TÂM)


Truyện ngắn của TỐNG PHƯỚC BẢO