Thức nhoáng nhoàng tỉnh dậy, mắt ngầu đỏ, uể oải hỏi vợ: "Mới 8 giờ thôi mà, sao em đã gay gắt thế?". Vân gào lên: "Anh ra mà xem chú Nam. Em không chịu được chú ấy nữa rồi. Nhà anh cả đàn con, cả đàn cháu, tại sao nhất định chú Nam phải ở với nhà ta? Hả, anh nói đi! Bố anh cũng không phải con cả của ông nội, cũng không phải con út, chỉ ở giữa thôi. Trong nhà mình, anh cũng ở giữa thôi. Mà hôm nọ bác Quy muốn đón chú về, sao anh không để bác đón? Ở đâu cũng được, sao chú cứ ám quẻ nhà mình? Em ăn mặc thế này thì làm sao? Tóc em làm thế này thì đã sao? Có bao nhiêu khách khứa ở đấy mà chú bảo em là tóc tai kiểu gì mà như búi rơm trên đầu thế hả Vân?".

Tuấn lờ mờ hiểu ra căn nguyên của sự việc. Anh ôn tồn hỏi: "Tóm lại là giờ em muốn thế nào?". Vân vùng vằng ném cái túi xách tay lên giường, ngồi phịch xuống, mắt lừ ngang: "Anh nghe cho rõ đây. Giờ tôi đem con gái về dưới ngoại ít ngày, con nghỉ học hè vài buổi chả chết. Bao giờ anh xử lý ổn thỏa mọi việc thì gọi tôi".

Ở làng, Thức nổi tiếng là chiều vợ, chiều con. 40 tuổi, nhà cửa đàng hoàng. Cửa hàng mua bán, thay thế linh kiện điện thoại trên phố có thu nhập tốt, Vân chỉ cần lo việc con cái, cơm nước thôi, còn lại về kinh tế, Thức lo hết. Đứa con trai lớn của Thức năm nay vào lớp 7, đứa con gái nhỏ vào lớp 3. Cuộc sống vợ chồng không có gì căng thẳng cả, vì tính vợ như thế nào, Thức biết rất rõ. Cứ mềm mỏng chút là sẽ đâu vào đấy thôi. Nhà Thức có 4 anh em. Anh cả tên Tuấn, điều kiện kinh tế rất khá vì nhà anh kinh doanh vật liệu xây dựng. Dưới anh Tuấn là chị Ngà, chị làm hành chính trên tỉnh, chồng chị Ngà là trai thành phố. Sau chị Ngà là Thức và út ít là Tú. Vợ chồng Tú đều là giáo viên dạy thể dục. Ngoài công tác giảng dạy ở trường, vợ chồng Tú còn có một phòng tập thể hình thu nhập khá. Nói thế để thấy, 4 anh em nhà Thức đều có điều kiện rất tốt, cư xử với nhau trong ấm ngoài êm, chưa từng ai ở làng nghe thấy điều gì trái tai, nhìn thấy điều gì ngang mắt.

Ông nội Thức có 3 người con trai. Bác Quy là cả, nay đã 78 tuổi. Bác ấy cũng có hai anh con trai đều thoát ly thành đạt. Rồi đến bố Thức, là thương binh, cộng với bệnh tật nên chỉ sau một tháng phát hiện ra căn bệnh ung thư phổi, bố Thức đã ra đi. Đến thứ bảy tuần sau là lần giỗ thứ ba của ông. Em trai của bố Thức-kém bố hai tuổi-là chú Nam, gọi thay con thì là ông trẻ Nam. Chú Nam cũng đi B và bị thương rất nặng vào cột sống. Vì thế mà chân tay chú teo tóp, cả đời phải ngồi xe lăn. Sau ngày giải phóng, chú Nam về quê, lúc thì ở với bác Quy, lúc thì ở nhà bố mẹ Thức, vì chú không có vợ con. Bố nói, chú Nam nhập ngũ khi mới 17 tuổi, còn chưa có người yêu. 19 tuổi chú đã bị thương rất nặng và trải qua rất nhiều đợt dưỡng thương trị liệu mới được như thế. Dù không nói ra nhưng cả hai anh con bác Quy và ba anh em trai nhà Thức, không ai sẵn sàng đón nhận việc chăm nuôi chú Nam. Bởi thế sau khi lấy vợ, tất cả đều ở riêng nên khó lòng thấy hết những khó khăn mà chú Nam gặp phải trong cuộc sống.

Tuy nhiên, Thức biết hết. Thức biết bác dâu và mẹ đã vô cùng vất vả trong một chặng đường dài chăm sóc người em chồng tội nghiệp. Nhưng cả hai người đàn bà ấy đều không ta thán, vì họ xem đó là trách nhiệm. Trong đầu chú Nam còn có mảnh đạn nên khoảng 6 năm trước, sau một trận ốm sốt, chú bắt đầu có biểu hiện lẫn lộn, bất ổn. Khi ở nhà của bác Quy, chú có xu hướng coi mình là chủ nhà, coi mình là bố đẻ của hai cậu con trai khôi ngô, tuấn tú, công thành danh toại. Chỉ cần khoảng một tháng mà không thấy anh nào đảo về nhà là chú cáu um lên, mắng chửi là lũ bất hiếu nọ kia. Khi chuyển về sống với bố mẹ Thức, chú lại coi anh em Thức là con của chú. Chỉ khác là hai anh con bác Quy ở xa, chú không tìm được, còn ba anh em Thức đều sinh sống, làm ăn ở huyện và cách nhà không xa nên đứa nào không về là chú mò đến tận nơi mắng chửi tơi bời. Trước thì mấy người con dâu của bố đều nhịn chú, vì chú ở vài tháng lại chuyển về nhà bác Quy. Nhưng kể từ khi bố Thức mất, tự nhiên chú Nam không muốn về nhà bác Quy nữa. Chú nói với mẹ Thức sẽ ở đây để hương khói cho anh và bầu bạn với chị. Như thế sao được! Dù chú là người tàn tật thì chú vẫn là đàn ông. Chú với mẹ Thức là chị dâu-em chồng, ở như thế sao được? Bác Quy nói hết nước hết cái nhưng chú không nghe. Để phá dỡ tình huống khó xử này, Thức mời chú về ở với vợ chồng mình. Thức nghĩ, chỉ ở vài tháng, chú chán thì sẽ về nhà bác Quy. Nào ngờ, chú không chán. Thấm thoắt đã 3 năm chú ở nhà Thức rồi. Vợ Thức mới tháng trước rất gay gắt với chồng. "Bố mẹ em, rồi cả bố mẹ anh, em còn chưa cơm bưng nước rót phụng dưỡng được mấy ngày. Mà anh xem, có năm chú của anh nằm bệnh viện đến 3 tháng, mọi người chỉ đấp đoảng ghé thăm, có ai đỡ đần ngày nào không? Hơn 1.000 ngày rồi, anh xem em vui vẻ, thoải mái được mấy ngày? Người ta bảo ở giữa không mất phần chăn. Thế bố anh giữa kiểu gì? Anh giữa kiểu gì mà khổ thế hả?"-Vân chì chiết. Độ ấy bận quá, Thức cũng không tìm hiểu xem, rút cục đã có mâu thuẫn gì giữa vợ mình và chú Nam.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Thức chạy xe lên tiệm, vừa mở cửa ra đã thấy chú Nam lăn xe vào. Chú thở hồng hộc, nhìn Thức chằng chằng, quy kết: "Làm ăn thế à? Trưa nứt ra rồi mới vác mặt đến. Mày mà còn làm ăn thế này, tao cho người khác thay thế mày, cho mày đi quét lá". Thức cười hề hề: "Giời ơi, con đang thèm đi quét lá cho sung sướng cuộc đời đây. Ông mau tìm người khác về thay con đi".

Ông trẻ lăn xe gọn vào góc cửa. Phía bên kia là bàn thờ ông thần tài, phía bên này là ông. Thức sau một hồi xếp nép thì mở máy tính kiểm tra lịch giao trả đồ và giá cả linh kiện, tình hình bán chác mấy hôm. Chú Nam ngồi độ 5 phút thì lăn xe vào trong quầy, ngó cái giường gấp trống không thì hỏi Thức: "Con gái tôi đâu?". Thức ngờ ngợ: "Con gái nào?". Chú Nam mở to đôi mắt mờ đục ra ngạc nhiên: "Con Vân chứ đứa nào? Anh đuổi nó đi đâu rồi?". "Ơ, ông lẫn à? Vân là vợ con chứ, đâu phải con gái ông?". "Anh vớ vẩn gì thế, tôi lại cho một gậy bây giờ. Nó là con gái tôi". Thức vẫn còn có hứng trêu ghẹo ông chú ruột anh vốn rất thương, nên vỗ ngực: "Thế Thức này là ai hả ông?". Ông trẻ gật gù: "Anh là chồng nó, thì là con rể tôi chứ thế nào nữa!".

Thì ra chú Nam lẫn quá rồi. Kể từ khi chuyển đến nhà Thức ở, chú không đòi đến nơi nào nữa. Không về nhà bác Quy, quên luôn hai anh con trai bác Quy, quên luôn việc hương khói cho bố Thức. Cũng không thích đến nhà anh Tuấn, chị Ngà hay thằng út Tú nữa. Là bởi suốt mấy năm được Vân chăm sóc ở nhà và bệnh viện, chú tưởng Vân là con gái chú, Thức là con rể chú. Mà đã là con gái chú thì không được ăn cóc, ổi chấm muối ớt vì sẽ bị đau dạ dày. Con gái chú thì không được mặc quần hay váy cộc quá ra đường để đàn ông thiên hạ nhòm ngó. Con gái chú thì phải nết na, thùy mị, tóc không được nhuộm, móng không được sơn. Thế nên những lời chú quát mắng Vân là quát mắng con gái, Vân không hiểu nên không chấp nhận được.

Thấy Thức đần mặt ra, chú Nam lại di chuyển xe lăn ra phía cửa, sóng đôi với ông thần tài và giục: "Anh mau gọi cái Vân về cho tôi. Về ngay còn chuẩn bị hoa quả, nước nôi, chiều nay nhà mình có khách". Thức chột dạ: "Khách nào hả ông?". Chú Nam tỏ ra rất minh mẫn: "Khách mặt trận. Anh quên là tháng 7 nào khách mặt trận cũng đến thăm tôi với bố anh à?". Thức thở phào. Đúng là khách của mặt trận Tổ quốc sắp đến thăm, tặng quà chú Nam và thắp hương cho bố anh. Thức vẫn muốn trêu ghẹo ông trẻ nên tiếp tục: "Con hỏi ông một câu nhé, nếu ông trả lời đúng thì con đi đón con gái ông về ngay". Ông trẻ cười hiền lành: "Ừ, cho phép hỏi". "Thế ông từng yêu ai chưa?". "Anh nói gì thế? Yêu chứ, còn cưới làm vợ nữa". "Thế vợ ông tên gì?". Ông trẻ lim dim mắt, ra chiều ngẫm nghĩ: "Lâu quá cũng quên rồi. Cưới từ hồi ở chiến trường mà". "Thế bây giờ bà ấy ở đâu?". "Bà ấy hả? Bà ấy chê tôi nghèo, chê tôi xấu giai nên bỏ tôi lâu rồi". "Bỏ ông nhưng vẫn để cho con gái về đây chăm sóc ông thì bà ấy cũng không tệ mấy nhỉ?". "Ờ thì, bà ấy với tôi là người dưng, còn con gái tôi là máu mủ của tôi thì phải khác chứ. Mà cái Vân về rồi đấy, tôi cũng chả mượn anh gọi nó. Anh lừa tôi để hỏi liên thiên". Thức giật mình đi ra cửa, thấy vợ và con gái đang đứng nép sát vào tường nghe lỏm chuyện. Thức quay vào hỏi ông trẻ: "Sao ông biết con gái ông về?". "Tôi biết chứ, cái mùi tóc thơm của nó, lẫn vào đâu được".

Vân bước vào, để túi hoa quả lên mặt quầy, nhấm nhẳng: "Con đã bảo ông đừng có ra đây rồi. Ông cứ ở nhà, mắt đã kém lại còn nỏ chân, đường thì xe cộ như mắc cửi". Chú Nam xịu mặt xuống, làm bộ giận: "Chị không coi tôi ra gì cả. Đời thuở con cái nhà ai, cứ mắng bố xơi xơi ra không? Chiều nay có khách, chị phải cho tôi tí mặt mũi chứ". "Vâng, con biết rồi. Thế ông bảo con phải làm gì?". "Thì chị cứ làm như tôi dặn, khi họ hỏi tôi có khỏe không, chị bảo tôi ăn khỏe, ngủ khỏe, đọc báo suốt ngày là được". "Vâng, con nhất trí, trừ một năm ba tháng nằm bệnh viện ra còn lại ông khỏe như voi nhỉ!". Chú Nam bật cười ngây ngô, tiến xe lại phía Thức dọa nạt: "Anh mà không dạy ngoan được nó, tôi không gả cho anh nữa!".

Câu chuyện hậu chiến trong truyện “Tóc thơm” gắn với gia đình vợ chồng Thức và Vân khi họ chăm sóc chú Nam, một thương binh nặng. Đó là đạo lý thông thường. Ai nói hết khi trái gió trở trời. Ai đoán hết tâm tính của một thương binh đã tận hiến tuổi trẻ cho đại nghĩa, nay ngồi xe lăn, thúc thủ trong một không gian sống o bế. Tất cả chỉ có thể hóa giải bằng tình thương, tình nghĩa giữa những con người dù thân hay sơ. Tình thương có thể cứu rỗi thế giới chính là thế. Nhờ tình thương mà Vân đã thoát khỏi những khúc mắc với chú Nam trong cảnh sống chung một nhà, đã ngộ ra chân lý-nếu chú Nam sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc thì hà cớ gì mình không trân quý, chia sẻ với một số phận không may mắn. Truyện kết thúc như thế là sát thực với chức năng “nhân đạo hóa” của văn học”. (Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG)

Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN