- Cho tao mượn đỡ năm trăm đi, lãnh lương hưu tao trả lại! - Ông Ba nói tỉnh queo, để cốc cà phê đã cạn chạm mặt bàn vang tiếng cốp.
- Anh Ba xài tiền lẹ quá! - Ông Thân, người em rể lắc đầu, vui vẻ móc bóp đưa tiền. Gì chứ chuyện anh mình thiếu trước hụt sau đã quá bình thường với ông.
Để ông Thân đoán coi, chắc anh Ba lại mua vé số. Mua một lần chục tờ, coi có ai mạnh tay vậy chưa. Mà đâu phải anh Ba ôm mộng làm giàu gì đâu. Nhà cửa có rồi, cũng từng sở hữu cơ ngơi tiền tỷ, chưa nghe anh ham thích hay ao ước thứ chi cao sang. Cũng vì vậy mà lần này ông Thân mới chạy lên coi tình hình, chứ nghe người ta xì xầm hoài cũng khó chịu lắm.
- Anh lại ủng hộ con Sáu mập hả? - Thấy vòng vo cũng không ích gì, ông Thân tông cửa vô thẳng vấn đề.
- Ờ-Ông Ba ừ hử-Mày mà tin người ta nói tào lao là tao từ mặt mày nha Thân. Mai mốt khỏi lên đây nữa.
- Em làm gì có ý đó... - Ông Thân cười xòa, lắc đầu nguầy nguậy.
Thật tình ông Thân đâu có tin mấy lời tầm phào. Nhưng lo thì vẫn lo chớ. Nghĩ thử coi, con Sáu mập có thằng chồng rượu chè say quắc cần câu một tuần bảy ngày, bắt nó đi bán vé số kiếm tiền cung phụng. Đó, vấn đề ở thằng chồng. Anh Ba cứ giúp vợ người ta hoài, có ngày thằng chồng ghen thì khổ một, mà con Sáu mập nó nhen nhóm tình cảm chi chi đó thì khổ hai, ba. Xui rủi sao nó lợi dụng lòng tốt anh Ba làm chuyện trời ơi đất hỡi thì khổ một trăm. Những suy nghĩ đó, ông Thân không biết phải lựa lời nói sao cho êm tai. Không nói thì không được.
- Thôi thôi, nhìn mặt mày tao đoán được trong đầu mày nghĩ gì rồi, khỏi nói... - Ông Ba xua xua tay can em rể. - Lâu lâu anh em mới gặp nhau cà phê, đừng có phá không khí đang vui nha mậy. Mới sáng sớm hà.
- Mà em không hiểu nha. Anh mua vé số thì cũng được đi, nhưng mua gì hết luôn lương với tiền mấy đứa nhỏ gửi về? - Ông Thân không chịu được chỗ cấn cấn này, phải biết mới tính được. Không thôi để anh Ba xài kiểu này cuối tháng ăn khổ ăn cực, sức khỏe mòn như gỗ gặp lưỡi bào, chịu gì nổi.
- Thì... lâu lâu tao có mua cho mẹ con nó chục ký gạo, mớ trứng gà! - Như con nít bị bắt quả tang ăn vụng, ông Ba bối rối gãi đầu. - Thấy người ta khổ chịu gì nổi mậy!
Ông Thân lắc đầu lần nữa. Ông thua người anh vợ này thật rồi. Cái tính hay giúp người không bao giờ thay đổi. Mà nó có phải tính xấu đâu để khuyên anh sửa. Không có gì sai để sửa. Chẳng phải cha mẹ, ông bà nào cũng khuyên con cháu làm người tốt, làm điều tốt sao. Nhưng mà... nhưng mà ông vẫn thấy rất kỳ. Tốt cũng có giới hạn thôi chứ. Tốt mà thiệt thòi thân mình nó rất là kỳ.
- Tại mày không thấy cảnh đó - Ông Ba trầm ngâm, nhớ lại chuyện xảy ra mới tháng trước. - Nó bán ế lắm, tao mua giùm nó mừng húm...
Ông Ba tả lại cảnh tượng ấy. Khi trao vé số, thằng con được Sáu mập cõng trên lưng khóc ré lên. Hỏi mới biết nó sốt mấy bữa chưa có tiền mua thuốc. Còn thằng lớn dơ hầy trốn sau lưng mẹ ốm nhôm như cây sào phơi đồ. Bụng tụi nhỏ réo như tiếng sấm báo mưa. Hôm qua lót dạ được mấy gói mì, hôm nay chưa biết tính sao. Ông Ba dẫn tới tiệm tạp hóa, kêu lấy cho Sáu mập chục ký gạo. Vậy mà con nhỏ quỳ sụp xuống lạy ông như tế sao. Con nó không hiểu gì, lóng ngóng đứng đờ ra. Nhưng khi mẹ nó nói “ông cho gạo, nhà mình có cơm ăn rồi con”, nó quỳ liền xuống bắt chước mẹ nó. Cái đầu gối nhọn chạm nền xi măng rớm máu, mà mặt nó vẫn cười tươi lắm.
- Tao biết làm vậy cũng chỉ tạm thời, kiểu chi thằng chồng nó cũng xúc gạo đem bán mua rượu - Ông Ba thở dài, tay ôm lấy ngực. - Nhưng không làm thì tao chịu không nổi, mày hiểu mà Thân!
Hiểu, ông Thân hiểu chứ. Nên ông chỉ biết thở dài theo anh. Chỉ là ông Thân không muốn người ta cười cợt gọi anh là ông già khờ. Nghe buồn lắm, anh ơi!
Nghe tin nhà anh vợ bị trộm ghé thăm, ông Thân tức tốc chạy lên coi liền. Nhà cửa cũng đâu có chi quý giá, lo là lo ăn trộm manh động sợ anh Ba có chuyện gì thôi.
Ông Ba không có vẻ gì sợ hãi, mặc kệ em rể nắn chân nắn tay ngó tới ngó lui coi có trầy xước miếng nào không. Ông điềm nhiên chặt dừa uống ừng ực, còn chặt một trái mời em uống cho mát.
- Ơn trời còn nguyên không sứt mẻ miếng nào! - Ông Thân ôm ngực thở phào, đón trái dừa hút một hơi giải khát - Quá đã! Ủa anh cơm nước gì chưa mà ngồi đây uống dừa? Ủa rồi than hết tiền mà anh mua nguyên buồng dừa, sang dữ ta!
- Tao đâu có mua! - Ông Ba cười hề hề trước đôi mắt thảng thốt của em rể. - Ăn trộm nó cho!
Sợ không kể lẹ chắc em mình hồi hộp lên cơn đau tim, ông Ba kể vắn tắt sự tình. Chuyện là vầy, hồi tối qua có trộm ghé thăm ông Ba thật. Chắc nghe đồn hồi xưa ông có tiền tỷ, lại thấy ông hào phóng hay giúp người, nghĩ giờ cũng còn chút đỉnh phòng thân mới mò vô. Trộm gì thiếu chuyên nghiệp, không điều tra kỹ càng, khi ly dị, ông đã chuyển toàn bộ tài sản cho vợ con rồi còn đâu. Còn mỗi thân già với căn nhà này, sống nhờ lương hưu, trợ cấp thương binh với tiền mấy đứa con gửi biếu. Ông trời sắp đặt cũng hay, nửa đêm, ông Ba có điện thoại, đồng đội cũ mất liên lạc lâu năm gọi hỏi thăm sức khỏe. Chắc thằng ăn trộm trốn đâu đó cũng nghe không sót chữ nào. Nó nghe cả câu ông than giờ cơm nước không ai lo, thèm buồng dừa cũng đắn đo chưa dám mua vì để tiền mua gạo cho mấy người bán vé số, chắc nó mủi lòng. Trong lúc ông Ba đánh một giấc thẳng tới sáng, thằng ăn trộm đi bẻ dừa, khệ nệ bưng vô đặt trong bếp.
- Rồi anh Ba biết nó là ai không?
- Biết chớ. Tao cũng biết nhà nó khó khăn mới làm liều vậy, chắc đi trộm ngày đầu gặp ngay ông già nghèo nên bỏ nghề. Tao có nhờ mấy anh cán bộ xã giới thiệu việc làm, sẵn coi chừng nó luôn - Ông Ba vuốt râu cười, ánh mắt thấp thoáng nét nghịch ngợm trẻ con. - Lúc tao gặp, kề tai nói nhỏ khen dừa ngọt mát ghê, mặt nó tái xanh hơn vỏ trái dừa luôn mày ơi!
- Anh Ba quậy gần chết, vậy đó mà người ta kêu anh Ba khờ! - Ông Thân cười, mọi gánh nặng trong lòng nhờ đó nhẹ đi phần nào.
- Miệng của người ta, người ta muốn kêu gì thì kêu mày ơi! - Ông Ba thủng thẳng đáp.
Nhìn gương mặt bình yên của anh vợ, ông Thân giấu nhẹm suy nghĩ của mình. Đành rằng miệng người ta xì xầm, nhưng ác cái, nó từ miệng người nhà thì sao hả anh? Mấy đứa em anh yêu thương, mỗi lần giả đò khổ sở qua vay mượn rồi về cờ bạc, nói anh Ba khờ muốn bao nhiêu đưa bấy nhiêu. Nghĩ mà xót xa lắm anh ơi!
*
Thằng nhỏ lấp ló ngoài hè hoài không chịu vô. Ngó nó như con chuột rình ăn vụng thập thò, thấy mắc cười quá, ông Ba đành tiếp thêm cho nó chút động lực:
- Ai đó? Không vô tui đóng cửa đi du lịch tháng sau mới về à nhe.
Nghe ông đi cả tháng, thằng nhỏ ốm nhôm hớt hải chạy vô liền. Tay nó ôm tô nghi ngút khói, ông Ba chặc lưỡi kêu nó đặt liền lên bàn kẻo nóng. Mà không kịp, những ngón tay nhỏ xíu, đen đúa của thằng con trai Sáu mập đã đỏ ửng hết rồi.
- Để ông xức dầu mù u cho nghe! - Ông Ba đứng dậy định vô buồng lấy dầu, nhưng thằng nhỏ nhanh hơn lên tiếng trước.
- Dạ... dạ khỏi... con quen rồi, lát hết liền ông ơi! - Nó khoe nỗi đau trong sự hãnh diện làm ông Ba cay cay mắt. Chợt, nhớ ra cái tô, nó nói tiếp - má con nấu chè kêu con bưng qua mời ông ăn cho nóng!
Chà, nay nấu chè nữa. Dạo trước ông nói với Sáu mập xem có làm ăn được gì, ông cho mượn ít tiền làm vốn, nó nói tính mở quán chè nho nhỏ.
- Con hỏi ông một chuyện được không ông? - Thằng nhỏ ấp úng.
- Con hỏi đi. - Ông Ba vỗ vỗ tay xuống bộ vạc nhắc thằng nhỏ ngồi xuống. Nó ngoan ngoãn làm theo.
- Dạ, con muốn hỏi là... sao ông Ba tốt với má con con quá?
Nghe câu đó, ông bật cười. Ông Ba cầm lấy tay thằng nhỏ, bàn tay bé xíu, còm cõi, run rẩy. Ông đặt tay nó lên ngực mình, nói bằng một giọng trìu mến hết sức có thể:
- Ông làm vì nơi này muốn ông làm. Mỗi lần làm việc tốt, trái tim ông thấy nhẹ nhàng con à. Trên đời này, người ta tưởng mình muốn thứ này thứ kia, nhưng kỳ thực đã sống đủ lâu rồi, cái người ta muốn chỉ là sự nhẹ nhàng trong tim thôi con.
- Cho dù người ta nói là ông khờ hả ông? Con nghe má nói người ta lợi dụng ông...
- Ông khờ chứ ông đâu có ngu con! - Ông Ba cười hề hề. - Ông giúp trong giới hạn do ông đặt ra, ai lấn qua thì không có lần sau đâu. Con giúp một người, người khác sẽ trả lại cho con. Như hôm bữa ông thèm ăn cam, có cậu tiên nhỏ nào đem tới trái cam để trước nhà ông, ngon hết sức hà.
Thằng nhỏ giật mình, nó không ngờ ông biết chuyện đó. Vậy là ông Ba đâu có khờ chút nào. Ông chỉ đang cho mọi người một cơ hội thôi.
Câu chuyện xoay quanh một cựu chiến binh thương người, khi thì tặng người nghèo túi gạo, lúc mua giúp người tấm vé số. Đáp lại cái thiện tâm ấy của ông, một đứa trẻ cũng biết mang những trái cam ngọt đến để trước cửa nhà. Trộm dẫu có ghé vô nhà cũng không nỡ lấy đi của cải mà còn để lại buồng dừa. Truyện liên tục thay đổi các điểm nhìn nhỏ nhưng lại khái quát được cả vấn đề lớn: Cái tốt vẫn luôn tồn tại ngoài kia, đâu có hiếm hoi đến mức người ta cứ phải nghi ngờ mọi sự tử tế ở đời? Vẫn có những người hãnh diện nhận về mình chữ “khờ”. Bởi họ biết họ làm như thế để “trái tim thấy nhẹ nhàng”. Triết lý sống ấy thật đẹp-mọi điều đều trở nên không đáng nếu để cho trái tim trở nên nặng nề bởi những nhịp đập tham lam và ích kỷ! (Nhà văn NGUYỄN ĐÌNH TÚ) |
Truyện ngắn của PHÁT DƯƠNG