Không rõ hát trống quân xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng nó đã tồn tại từ lâu trong đời sống sinh hoạt của người dân vùng Đồng bằng sông Hồng. Hình thức hát này thường diễn ra vào các dịp lễ hội, rằm tháng Giêng, rằm tháng Tám hay các buổi hội làng. Nam, nữ trẻ tuổi đứng hai bên sân đình, bờ đê hoặc bãi cỏ, dùng lời ca giao duyên đối đáp qua lại, với nhạc cụ đệm duy nhất là chiếc trống quân đơn sơ, một sợi dây căng trên chiếc thùng gỗ rỗng phát ra âm thanh vui tai mỗi khi gõ nhịp.

Hát trống quân không đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc cao siêu. Điều quan trọng nằm ở sự linh hoạt trong cách đối đáp, sự nhanh trí và duyên ngầm trong từng câu hát. Chính vì thế, người hát trống quân có thể là bất kỳ ai: Từ người nông dân đến anh học trò, cô thôn nữ. Điều đó làm nên tính đại chúng, tính cộng đồng và trên hết là tinh thần dân chủ của loại hình nghệ thuật này.

leftcenterrightdel

 Dạy hát trống quân ở thôn Bùi Xá, phường Ninh Xá, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: VIẾT CƯƠNG

Những câu hát trống quân phản ánh cuộc sống đời thường, tâm tư tình cảm, cả nỗi niềm yêu đương kín đáo lẫn những trò đùa hóm hỉnh. Đó là nơi thể hiện trí tuệ dân gian, ứng xử khéo léo, tình làng nghĩa xóm và đặc biệt là tính nhân văn sâu sắc. Trên sân hát trống quân, người ta không phân biệt sang hèn, địa vị, chỉ có tiếng lòng giao hòa trong không khí hội hè rộn rã.

Ở Liêm Thuận, Thanh Liêm, Hà Nam, hát trống quân còn được tổ chức thi dưới thuyền với lệ chơi là khi hai thuyền gần nhau, gặp nhau họ cất lên lời hát chào. Thuyền hát này, bè hát này muốn giao lưu, muốn hát đối đáp với thuyền hát kia, bè hát kia thì chèo thuyền tới gần, có khi kề mạn và họ bắt đầu nổi trống, cất lên lời hát chào, hát ra mắt. Những câu hát chào hỏi, ca ngợi, chọc ghẹo nhưng đậm chất giao duyên hóm hỉnh, tế nhị, sâu sắc cứ nối dài làm cho bè hát suy nghĩ, người hát mải mê mà quên đi thời gian sớm tối và công việc vất vả hằng ngày.

Nếu xem văn hóa là linh hồn của một dân tộc, thì hát trống quân chính là một biểu hiện sống động của linh hồn ấy ở làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Không chỉ là trò chơi giao duyên, hát trống quân còn mang trong mình nhiều tầng giá trị, trước hết đó là giá trị giáo dục đạo đức. Những câu hát thường ẩn chứa triết lý nhân sinh, lời răn dạy nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Hát trống quân còn có giá trị gắn kết cộng đồng ở chỗ tạo nên không gian chung để người dân cùng tham gia, cùng chia sẻ. Hay giá trị sáng tạo nghệ thuật dân gian của hát trống quân thể hiện ở việc khi hát thường không có kịch bản soạn sẵn, người hát phải ứng khẩu, vận dụng vốn ca dao, tục ngữ phong phú để đối đáp nhịp nhàng. Đó là biểu hiện của sức sáng tạo không ngừng trong văn hóa dân gian. Không chỉ vậy, hát trống quân còn góp phần lưu giữ tiếng Việt truyền thống. Qua hát trống quân, nhiều cách nói cổ, từ ngữ địa phương được lưu truyền. Đây cũng là cách để gìn giữ vẻ đẹp của tiếng Việt thông qua ngôn ngữ thơ ca.

Mặc dù giàu giá trị và từng phổ biến rộng rãi nhưng hát trống quân đang đối mặt với nguy cơ mai một nghiêm trọng. Nguyên nhân chính có thể kể đến đó là sự thay đổi của thị hiếu giải trí. Giới trẻ ngày nay ít còn hứng thú với những loại hình dân gian. Họ bị cuốn hút bởi các chương trình truyền hình thực tế, âm nhạc hiện đại, mạng xã hội... Trong khi đó, hát trống quân không có sân khấu hào nhoáng, cũng không tạo “trend” hay sự nổi tiếng nhanh chóng. Không gian diễn xướng bị thu hẹp. Làng quê xưa với đình làng, bến nước, bãi cỏ đã dần nhường chỗ cho nhà tầng, bê tông hóa. Không còn sân chơi, hát trống quân mất đi môi trường sống tự nhiên. Lực lượng kế cận thiếu hụt. Lớp nghệ nhân già đang ngày một vơi dần, trong khi lớp trẻ không được tiếp cận và học hỏi. Trong chương trình học phổ thông, rất ít khi học sinh được biết đến hát trống quân. Phương tiện truyền thông đại chúng cũng hiếm khi nhắc đến loại hình này.

Trước thực trạng đáng báo động ấy, việc bảo tồn hát trống quân không chỉ là nhiệm vụ của ngành văn hóa, mà cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là chính quyền địa phương, các trường học và các tổ chức xã hội. Việc cấp thiết là cần đưa hát trống quân vào chương trình giáo dục địa phương. Không nhất thiết phải dạy như một môn học chính khóa, mà có thể tổ chức dưới dạng câu lạc bộ văn nghệ, sân chơi cuối tuần, giờ sinh hoạt ngoại khóa. Điều quan trọng là tạo cơ hội để học sinh tiếp xúc với loại hình này, hiểu và yêu nó từ nhỏ.

Các địa phương cần phục hồi và duy trì những lễ hội truyền thống có hát trống quân như rằm tháng Giêng, lễ hội đình làng. Có thể tổ chức cuộc thi hát trống quân giữa các xã, các trường học, từ đó khơi dậy phong trào văn hóa dân gian trong cộng đồng. Việc ghi âm, ghi hình các làn điệu cổ, lưu trữ các bản đối đáp, xây dựng kho tư liệu số về hát trống quân là hết sức cần thiết. Có thể đưa lên các nền tảng số như YouTube, TikTok, Facebook dưới hình thức dễ tiếp cận để lan tỏa mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa đến những người đang góp phần lưu giữ trống quân qua việc hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần cho các nghệ nhân dân gian. Đồng thời, cần có cơ chế để họ truyền dạy, tổ chức các lớp học cộng đồng cho thanh thiếu niên trong làng. Đưa hát trống quân vào không gian du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm. Đây sẽ là cách hiệu quả để vừa quảng bá vừa bảo tồn.

Không thể phủ nhận rằng công nghệ đang làm thay đổi mọi khía cạnh của đời sống. Thay vì xem nó là mối đe dọa, ta nên biến công nghệ thành công cụ phục hồi hát trống quân. Ví dụ: Tạo các kênh YouTube chuyên về dân ca trống quân, có phụ đề, lời giải thích dễ hiểu, bắt mắt. Tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới trống quân cho giới trẻ, lồng ghép các chủ đề hiện đại... Hợp tác với các nhà sản xuất phim để đưa hát trống quân vào nội dung nghệ thuật đại chúng.

Hát trống quân không chỉ là một trò chơi dân gian mà là “tiếng nói” của văn hóa làng quê, là tâm hồn của một vùng đất, một thế hệ. Mỗi câu hát là một mảnh ghép của ký ức tập thể, của tình yêu, niềm vui, nỗi buồn và ước vọng của người Việt xưa.

Thực tế đã chứng minh: Nếu được đầu tư đúng hướng, di sản truyền thống hoàn toàn có thể hồi sinh mạnh mẽ trong thế kỷ 21. Trường hợp của Hòa Minzy sản xuất và cho ra MV “Bắc Bling" thành công thời gian qua là một ví dụ điển hình. Trong MV này, Hòa Minzy và ê-kíp đã khai thác đậm nét văn hóa Bắc Ninh, đặc biệt là dân ca quan họ, một di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Bài hát không chỉ sử dụng các yếu tố âm nhạc quan họ mà còn lồng ghép các loại hình nghệ thuật truyền thống khác của Bắc Bộ như xẩm, chèo. Ca khúc không chỉ giữ lại những giai điệu, hơi thở của dân ca mà còn được hòa âm, phối khí theo phong cách hiện đại. Sự kết hợp này tạo nên một bản nhạc vừa quen thuộc, vừa mới lạ, thu hút được nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là giới trẻ.

Thế nên cần có nhiều cách làm sáng tạo để giữ gìn và phát huy di sản văn hóa hát trống quân. Đó cũng chính là góp phần giữ gìn bản sắc, tạo nền móng tinh thần vững chắc cho thế hệ mai sau. Đừng để tiếng trống quân chỉ còn trong sách vở, trong bảo tàng. Hãy để nó tiếp tục vang lên trên sân đình, giữa lòng người, trong đời sống hôm nay và mai sau.

VÂN VŨ