Những triển lãm vắng bóng người xem

Tôi đã được dự khai mạc và đến xem nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, nhưng thấy bao năm nay, ở các phòng tranh thường có tình trạng chỉ có khách đến đông buổi khai mạc, họ chính là các tác giả có tranh, tượng được bày và người thân, bạn bè, còn những ngày sau thường chỉ có nhân viên bảo vệ ngồi cắn hạt dưa hoặc tán chuyện.

Tôi bắt đầu để ý đến điều này vào năm 2022, khi xem một triển lãm mỹ thuật tại Hà Nội. Đọc báo, biết có triển lãm nhưng vì bận công việc nên phải hai ngày sau mới đến xem. Điều đáng buồn là tôi ở phòng tranh cả tiếng đồng hồ mà không thấy vị khách nào ghé qua.

leftcenterrightdel

Quách Tố Nga, thành viên của Trung tâm Mỹ thuật Bụi bên những bức tranh xe đạp của mình tại triển lãm của Bụi.

Mấy triển lãm gần đây, tôi để ý vẫn thấy cũng tình trạng như vậy. Mới đây nhất là Triển lãm gốm Dáng xuân 2025 tại số 16 Ngô Quyền, TP Hà Nội, tôi cũng đến xem sau buổi khai mạc và giống như mọi lần: Hơn một tiếng ở đó chỉ lác đác vài người.  

Vào gặp người có chức trách về triển lãm, muốn hỏi chuyện về thị trường tranh Việt nhưng thấy anh không hào hứng nên đành ra về mà lòng vẫn day dứt: Bao giờ công chúng Việt Nam mới quan tâm đến xem tranh như xem phim, hay ca nhạc? Bao giờ Việt Nam mới có thị trường tranh lành mạnh, giới mỹ thuật mới có thể sống nổi bằng nghề?

Người Việt có yêu mỹ thuật không?

Tôi từng được Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam mời dạy môn Lịch sử và phê bình mỹ thuật, lớp học ghép hai khóa cũng chỉ có 6 sinh viên, nhưng các buổi học chỉ có 5 người đến dự, còn một em luôn... bận. Để chuẩn bị cho các buổi lên lớp, tôi đến thư viện của trường hỏi mua các tài liệu liên quan thì mới vỡ lẽ ngôi trường đã gần trăm tuổi chưa hề có giáo trình lịch sử mỹ thuật. Hỏi một giáo viên: “Các em sẽ học bằng gì?” thì được vị này trả lời đại ý sinh viên trường này coi trọng việc vẽ thôi, còn lịch sử mỹ thuật, các em ấy tự tìm đọc trên mạng.

Ở Trung tâm Mỹ thuật Bụi, một ngôi trường dành cho những người vẽ không chuyên, ra đời năm 2014, ban đầu chỉ là một phòng trọ sinh viên ở đường Láng, đến nay, theo một quản lý của Trung tâm cho biết, đã có tổng cộng 18 cơ sở ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với cả nghìn lượt người đến học mỗi tuần, bất kể sáng hay chiều, tối. Tôi cũng từng theo học mấy khóa mỹ thuật ở đây, từ cơ bản đến nâng cao, với các chất liệu khác nhau thì thấy ai đến học cũng thật say sưa. Kết quả, ai cũng phấn khởi bởi được đem những bức tranh do chính mình vẽ về nhà treo. Tôi cũng biết một nữ giáo viên từng dạy vẽ mấy năm ở Trung tâm này, 3 năm qua về mở xưởng riêng, dạy vẽ với tên lớp “Tôi vẽ” đã thu hút khá đông người tham gia. Gần đây, các học viên của “Tôi vẽ” còn tổ chức đi vẽ ngoài trời và bày phòng tranh “Tôi vẽ Hà Nội” được báo chí đưa tin và người tới xem khá đông.

Như vậy, người Việt đâu phải không yêu mỹ thuật!

Những bức tranh xa lạ với người xem

Ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi được phân công dạy môn Tìm hiểu nghệ thuật. Sau khi đưa sinh viên đi thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và xem các triển lãm, khi viết thu hoạch, tôi thấy đa số sinh viên đều bày tỏ thích xem tranh ở Bảo tàng. Có em còn đứng cả giờ trước bức chân dung “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn, bức “Tiếng đàn bầu” của Sỹ Tốt bày tại Bảo tàng mà quên cả giờ về.

Ngược lại, các em không hào hứng với các triển lãm khác, với nhiều bức tranh quá mới lạ. Hỏi thì được biết, vì “nhiều tranh chúng em chẳng hiểu gì cả”. Tôi nói lại: “Xem tranh cần gì phải hiểu, các em cảm nhận thấy thích là được, như nghe một bản nhạc không lời vậy”. Nhưng các em vẫn nói: “Có nhiều bức chúng em không thích vì không hiểu họ (các họa sĩ) vẽ gì? Không cảm nhận được nó đẹp ở chỗ nào”, hoặc “sao vẽ người lại móp méo, dặt dẹo thế, người chẳng ra người”, hoặc “em mà làm người mẫu, thấy tranh ấy cũng chẳng dám nhận là mình”.

leftcenterrightdel

Chớm thu Hà Nội (sơn mài 60x80cm) của Ngô Quang Nam, bày tại Triển lãm "Mỹ thuật Thủ đô" cuối tháng 9-2022. 

Nhận xét về đề tài, các em cũng đánh giá quá ít tranh, tượng phản ánh cuộc sống sôi động của nhân dân trong các lĩnh vực học tập, rèn luyện và sản xuất, mà đáng ra, số tranh đó cần phải chiếm tỷ lệ cao nhất. Tượng thì nhỏ mà đề tài cũng chỉ quanh quẩn với mẹ con hoặc đôi lứa, chưa kể nhiều tác phẩm có cách thể hiện chưa chỉn chu.

Phải chăng nhiều họa sĩ hiện nay đã đi trước thời đại quá xa hay chính họ đang lạc lõng, không biết vẽ gì do không chịu thâm nhập sâu vào thực tế học tập, lao động sản xuất, chiến đấu của nhân dân như các lớp đàn anh của làng hội họa Việt Nam, như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, hay Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái... Để đến mức, nhiều họa sĩ hiện nay cho ra những tác phẩm xa lạ với người xem.

Chúng ta biết có những bức tranh bán được với giá hàng trăm triệu USD mà chỉ là mấy mảng màu đơn điệu đặt cạnh nhau, chúng đẹp ở đâu? Ý nghĩa ở đâu? Tại sao có người, cả bảo tàng (họ có điên không?) mua bức tranh với giá như vậy? Nhưng dù khó đến đâu thì các nhà phê bình vẫn phải đánh giá và những tiêu chí họ cần dựa vào để đánh giá, đó chính là: Cảm xúc, sự chân thành của tác giả thế nào; phong cách và ý tưởng ra sao; đường nét, bố cục và màu sắc có hài hòa; và trên hết, có gây được hiệu quả tích cực cao nhất với người xem?

Phê bình nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng để cả người được khen hay bị chê tâm phục khẩu phục chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Người phê bình phải xuất phát từ cái tâm sáng, phải dựa trên kiến thức chuyên môn và xã hội, không chụp mũ mới thuyết phục được nghệ sĩ và cả công chúng. Người phê bình không dễ để nói rõ ràng tác phẩm ấy chất lượng thế nào, nó không thể đong đếm, xác định cụ thể, cũng không dễ nói nó đúng hay sai khi xã hội vẫn còn nhận thức khác nhau về quan điểm, vẫn còn họa sĩ không xác định được nghệ thuật để làm gì, nghệ thuật phục vụ ai.

Cần lắm những mạnh thường quân

Kể từ thời Phục hưng, thế giới đã có nền hội họa phát triển 6 thế kỷ, nhưng ở Việt Nam đến nay mới được 100 năm, đánh dấu bởi sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. 

Nước Nga cũng có nền mỹ thuật phát triển muộn. Mãi tới thế kỷ 18-19, nhiều họa sĩ Nga sang Paris (Pháp) học tập, nghiên cứu và trở về nước mở các trường lớp dạy vẽ. Nghệ thuật Nga như con gấu ngủ đông quá lâu lúc này mới thực sự thức giấc. Bên cạnh đó, nhờ các mạnh thường quân như Mamontov và Tretiakov bỏ tiền giúp đỡ các họa sĩ trẻ say mê sáng tạo và tài năng, hội họa Nga đã phát triển nhanh chóng.

Cũng phải kể đến Shchukin và hai anh em Morozov đã bỏ tiền mua rất nhiều tranh, tượng của Pháp, đều là những tác phẩm nổi tiếng và giá trị, được đánh giá là phong phú và giá trị hơn cả Bảo tàng Louvre ở Paris. Là nhà sưu tập tranh sành sỏi, Shchukin sang cả Paris kết giao với Matisse và nhiều họa sĩ khác, đặt hàng họ vẽ, trong đó có tác phẩm “Vũ điệu” nổi tiếng của Matisse.

Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển nhanh về kinh tế, nhiều tỷ phú, triệu phú đô la đã xuất hiện, nhưng đáng tiếc chưa có ai là mạnh thường quân nghệ thuật, để rồi số tranh đẹp đã ít lại không được bày bởi nó đã được các nhà sưu tập, buôn tranh lấy ngay từ xưởng rồi đem đi đâu không ai biết. Đó là một sự thật đáng buồn!

Bài và ảnh: TS NGUYỄN QUANG HÒA