Ông Nguyễn Thiều Quang, người sáng lập bảo tàng đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân về sự ra đời cũng như những mong muốn đóng góp vào việc gìn giữ, tôn vinh giá trị hội họa Việt Nam nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung của không gian văn hóa đặc biệt này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San với nhiều tác phẩm quý hiếm được coi là bộ sưu tập tranh giá trị lớn trong nước. Ông đã bắt đầu ý tưởng với bộ sưu tập và bảo tàng này như thế nào?

Ông Nguyễn Thiều Quang: Tôi sinh ra trong gia đình có cha là nhà văn Quân đội-nhà văn Xuân Thiều, suốt cuộc đời ông gắn bó với Quân đội và văn chương với một tình yêu vô bờ bến. Tôi là con trai trưởng nên ông muốn truyền bá tình yêu văn chương ấy cho tôi, sau này sẽ tiếp bước cha. Nhưng ngặt nỗi những trang văn tôi viết, những bài thơ tôi làm lúc tuổi nhỏ, kể cả những bức tranh tôi vẽ... dường như với con mắt tinh tường của ông, xem ra không phù hợp để tiếp bước con đường văn chương của cha.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi đi học ở nước ngoài theo một chuyên ngành kỹ thuật. Thế nhưng học kỹ thuật, tôi lại kết bạn với một số họa sĩ nước ngoài, thậm chí còn dành tiền mua tranh của họ về nhà thưởng thức. Mỹ thuật đã hấp dẫn tôi từ đấy. Tôi cứ mong ước mua được nhiều tranh quý, treo trên tường nhà, được ngắm nhìn thưởng thức nó mỗi ngày.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Ukraine, về nước, là kỹ sư công trình ngầm, tôi tham gia xây dựng các công trình thủy điện Trị An, thủy điện Thác Mơ, rồi tham gia xây dựng Ngân hàng Techcombank. Đồng thời, tôi cũng bắt đầu quan tâm tới thị trường tranh, với ý thức rõ rệt từ buổi đầu, sẽ là một nhà sưu tập tranh, mong muốn đưa về và lưu giữ cho nước nhà những tinh hoa mỹ thuật đặc sắc, lưu giữ những tác phẩm kinh điển của hội họa Việt Nam. Tôi nghĩ đây cũng chính là một kênh đầu tư tài chính tốt cho tương lai, với ước nguyện xây dựng một bảo tàng mỹ thuật tầm vóc. Nguyện ước ấy giờ đã thành hiện thực, với một bảo tàng mỹ thuật trang nghiêm, bề thế bên sông Sài Gòn.

leftcenterrightdel
                    

Buổi trò chuyện nghệ thuật được Bảo tàng Nghệ thuật Quang San kết hợp cùng sàn đấu giá Bonhams tổ chức vào tháng 4-2024. Ảnh: NGUYỄN TRIỆU 

Cách đây ít năm, khi chưa xây dựng bảo tàng, tranh tôi mua về còn treo khiêm tốn trong ngôi nhà ở đường Trương Định, quận 3. Nhiều bạn bè văn nghệ sĩ đến ngắm nhìn bộ sưu tập tranh và đều khuyên tôi nên xây dựng một bảo tàng tư nhân để lưu giữ và triển lãm những tác phẩm hội họa giá trị ấy cho mọi người đến chiêm ngưỡng. Và rồi sau quá trình thẩm định, tôi được cấp giấy phép xây dựng bảo tàng tư nhân để cho ra đời Bảo tàng Nghệ thuật Quang San.

PV: Không chỉ là doanh nhân thành đạt, với giới hội họa cũng như các nhà sưu tập tranh trong Nam ngoài Bắc, tên tuổi của ông cũng được nhắc đến như một “đại gia” có niềm đam mê đặc biệt, chơi tranh tầm cỡ lâu nay. Nhất là bởi bộ sưu tập tranh của ông, gồm cả ngàn bức quý hiếm, rất bài bản, lớp lang, đủ các tên tuổi trong suốt thế kỷ 20 ở Việt Nam. Ông có thể giới thiệu đôi nét về những tác phẩm ấy?

Ông Nguyễn Thiều Quang: Tôi có may mắn sưu tập được nhiều tranh quý hiếm, từ những gương mặt họa sĩ bậc thầy người Pháp và người Việt sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), lứa họa sĩ sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được đào tạo thành danh, như: Victor Tardieu, vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, hay Nam Sơn, học trò của Tardieu và sau này trở thành cộng sự của ông; bộ tứ vang bóng Trí-Lân-Vân-Cẩn; cho đến tên tuổi các danh họa thế hệ sau của bộ tứ tên tuổi Nghiêm-Liên-Sáng-Phái, tranh của Văn Cao, Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Tiến Chung, Lương Xuân Nhị, Văn Giáo...; hoặc của các họa sĩ được đào tạo trong kháng chiến chống Pháp như: Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân, Lê Huy Hòa...; cho đến tranh của lứa họa sĩ trẻ ở thế hệ sau như: Trịnh Thái, Văn Chiến, Lê Trí Dũng, Đặng Tiến, Đặng Xuân Hòa, Phạm Luận...; cùng tranh của những gương mặt trẻ đương đại tên tuổi mới xuất hiện 5 năm trở lại đây, như: Phương Bình, Nguyễn Nghĩa Cương...

Tôi cũng đã sưu tập được bức chân dung của người đẹp Huế xưa Dao Ánh-“người tình trong mộng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do họa sĩ Đinh Cường thể hiện thật “độc nhất vô nhị”, như đại diện cho dòng tranh của các họa sĩ phương Nam. Tôi rất vui và tự hào vì không ít bức tranh lụa quý hiếm của cụ Nguyễn Phan Chánh, Tôn Thất Đào, Lê Phổ, Lê Bá Đảng, Mai Trung Thứ... hay bộ tranh sơn mài của cụ Nam Sơn, Nguyễn Gia Trí... đều được “thỉnh” về từ những cuộc đấu giá tranh ở Paris (Pháp) hay Hồng Công (Trung Quốc), với niềm say mê, tự tôn dân tộc để giành giật từ tay các nhà sưu tầm tranh ngoại quốc đưa về lưu giữ cho nền nghệ thuật quốc gia.

PV: Trong việc sưu tầm cũng như lưu giữ những giá trị của hội họa Việt Nam, cha ông-Đại tá, nhà văn Xuân Thiều có ảnh hưởng đến ông không?

Ông Nguyễn Thiều Quang: Thật sự từ tuổi thơ đến hôm nay, tôi ít được gần cha. Tôi sinh ở Hà Tĩnh khi cha tôi đang là người lính ở một đơn vị Quân đội. Khi ông về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội mới đón mẹ con tôi từ quê nhà ra Hà Nội tụ họp. Nhưng rồi ông lại đi chiến trường suốt, còn chúng tôi thì lại học phổ thông ở Hà Nội. Dù không gần cha nhưng chúng tôi luôn được hấp thu từ ông một tình yêu vô cùng với văn chương, với văn học nghệ thuật, niềm tự hào và tình yêu dân tộc. Tôi học được từ cha tôi một điều rằng, đừng bao giờ bỏ sót các giá trị chân thực, dù chúng bị quên lãng. Chính những điều ấy đã góp phần tạo nên cho chúng tôi tình yêu, mong muốn đóng góp vào việc gìn giữ, quảng bá những di sản nghệ thuật của dân tộc. Nhưng cho đến khi cha tôi mất, ông vẫn không biết tôi âm thầm sưu tầm gìn giữ tranh quý. Tôi tin rằng ở nơi xa xôi nào đó, cha tôi cũng sẽ hài lòng với những đóng góp của tôi trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc.

PV: Ở Việt Nam, thị trường mỹ thuật vẫn được cho là chưa hoàn thiện để phát triển, sưu tầm nghệ thuật vẫn là một lĩnh vực rất kén người tham gia, thưa ông?

Ông Nguyễn Thiều Quang: Khi đời sống của người dân được nâng lên thì sự đầu tư của họ cho những lĩnh vực tinh thần như tìm hiểu tranh, mua, thưởng thức tác phẩm hội họa hay những chương trình nghệ thuật lớn cũng sẽ gia tăng. Đời sống của văn nghệ sĩ càng được nâng cao thì họ sẽ càng sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị. Đất nước ta đang trên đà phát triển, vị thế đất nước cũng được nâng lên, tôi nghĩ thị trường mỹ thuật cũng sẽ sớm hoàn thiện và phát triển hơn trong tương lai không xa.

PV: Mong muốn, ý định của ông hay nói cách khác, tương lai Bảo tàng Nghệ thuật Quang San hướng tới là gì?

Ông Nguyễn Thiều Quang: Như tôi đã chia sẻ, mong muốn của Bảo tàng Nghệ thuật Quang San là đưa về và lưu giữ cho nước nhà những tinh hoa mỹ thuật đặc sắc, lưu giữ những tác phẩm kinh điển của hội họa Việt Nam, từ những thế hệ họa sĩ đầu tiên của nước nhà đến thế hệ đương đại giàu tài năng hôm nay. Qua các di sản nghệ thuật còn được bảo tồn, ta sẽ thấy được lịch sử phát triển của cả đất nước Việt Nam và đó chính là mong muốn của bảo tàng. Đồng thời với việc thỏa mãn tình yêu mỹ thuật của người thưởng ngoạn trong nước, là hấp dẫn và thu hút những nhà sưu tập tranh, những người yêu hội họa toàn cầu đến Việt Nam, thưởng ngoạn nghệ thuật cũng như vẻ đẹp của con người và thiên nhiên Việt Nam qua những tác phẩm hội họa giá trị của các thế hệ họa sĩ Việt Nam. Như là những cuộc gặp gỡ ý nghĩa với lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc và thiên nhiên Việt Nam. Bảo tàng Nghệ thuật Quang San đang cố gắng trở thành một không gian văn hóa vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại và tư duy sâu sắc về nghệ thuật và văn hóa.

PV: Trân trọng cảm ơn ông! 

DƯƠNG HÒA (thực hiện)