Phóng viên (PV)Theo dõi bộ phim truyền hình “Không thời gian” đang chiếu trên kênh VTV1 dễ thấy có những cảnh kỹ xảo điện ảnh ấn tượng. Là đơn vị thực hiện phần kỹ xảo điện ảnh cho phim, anh có thể chia sẻ thêm về công việc này?

KTS Đinh Việt Phương: “Không thời gian” là bộ phim truyền hình đang thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả cả nước. Công ty chúng tôi may mắn được cộng tác trong bộ phim ý nghĩa về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong phim, đơn vị chúng tôi đảm nhiệm việc thực hiện phần kỹ xảo điện ảnh cho các cảnh phim đặc biệt, như cảnh lũ lụt, sạt lở, cảnh cầu gãy và các hiệu ứng mưa cũng như các hiệu ứng thời tiết đặc biệt để bảo đảm sự khốc liệt trong những phân cảnh của bộ phim. Công nghệ AI và 3D đã được sử dụng để thiết kế, xây dựng và triển khai các hiệu ứng đặc biệt vào những cảnh quay. Chẳng hạn, cảnh ngập nước lũ trong phim thực chất được chúng tôi thực hiện quay trong một ao cá của doanh trại bộ đội, dùng công nghệ AI phân tích dữ liệu, rồi sử dụng công nghệ 3D dựng hình và tái tạo thành cảnh phim với những chi tiết như trong thực tế. Ngoài ra, trong phim còn có những phân cảnh thời chiến tranh. Chúng tôi đã xử lý và làm cho các cảnh bom rơi đạn nổ trở nên khốc liệt hơn; hay những cảnh quay trong rừng nhiều cây xanh, để chân thực hơn, chúng tôi đã xử lý cho khung cảnh giống với thực tế lúc đó nhất, ví dụ như cây cối bị bom đạn cày xới, trở nên trơ trọi, đổ nát, cháy sém.

leftcenterrightdel

Cảnh trong phim truyền hình "Không thời gian". Ảnh: VTV.vn 

PV: Quá trình đó có gặp khó khăn gì không, thưa anh?

KTS Đinh Việt Phương: Thật may là trước đó tôi đã làm kỹ xảo điện ảnh cho một số bộ phim về đề tài chiến tranh, phim lịch sử nên đã có ít nhiều kinh nghiệm khi thực hiện bộ phim này.

Dự án phim đầu tiên tôi tham gia làm kỹ xảo là hợp tác với đạo diễn Văn Lượng cách đây hơn 10 năm, đó là bộ phim truyền hình về cuộc chiến đấu của quân và dân Hải Phòng trong chiến tranh. Một số phim khác như: Phim điện ảnh “Cuộc đời của Yến” của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ; phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh... Gần đây, chúng tôi thực hiện phần kỹ xảo cho bộ phim điện ảnh “Bình minh đỏ” về đề tài chiến tranh của đạo diễn Thanh Vân. Một mảng nữa chúng tôi cũng thường tham gia là dựa trên nền tảng công nghệ AI và 3D để làm các bộ phim tài liệu, lịch sử, video trình chiếu, hiệu ứng tương tác với người dùng của các bảo tàng. Ví như các bộ phim về nhà Tây Sơn cho Bảo tàng Quang Trung (Bình Định); phim tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; gần đây nhất là hợp tác với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm một số phim tư liệu về Chiến thắng Bạch Đằng, Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không"..., một số phần mềm sử dụng công nghệ 3D, thực tế ảo cho những trải nghiệm của khách tham quan.

PV: Theo anh, tiềm năng cho kỹ xảo điện ảnh nói chung, trong phim lịch sử và chiến tranh nói riêng ở Việt Nam hiện nay ra sao?

KTS Đinh Việt Phương: Có thể nói, tiềm năng cho kỹ xảo điện ảnh ở Việt Nam rất lớn. Lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc ta là nguồn tài nguyên quý giá cho điện ảnh khai thác. Với đặc tính, lợi thế của mình, kỹ xảo điện ảnh có thể giải quyết được các không gian chiến tranh, không gian lịch sử, khung cảnh hoành tráng, cũng như các hiệu ứng đặc biệt trong phim mà thực tế khó có thể tái hiện được... Thay vì xây dựng trường quay cũng như đầu tư các thiết bị rất đắt tiền cùng nhân lực để thực hiện những cảnh thật thì các giải pháp về kỹ xảo điện ảnh sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho phim. Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ trên thế giới, ở Việt Nam, công nghệ thông tin cũng có nhiều điều kiện để phát triển. Đây là những điều kiện lý tưởng để điện ảnh phát huy vai trò của công nghệ cũng như kỹ xảo điện ảnh, tạo nên những bộ phim hấp dẫn cả về nội dung lẫn cách thể hiện, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

PV: Có thể hiểu là lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh cũng đang có nhiều cơ hội, thuận lợi để phát triển?

KTS Đinh Việt Phương: Thực tế thì ở Việt Nam hiện nay, do thị trường điện ảnh còn chưa thực sự phát triển và hấp dẫn các nhà đầu tư lớn nên các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này như chúng tôi có rất ít, chủ yếu là các công ty 100% vốn nước ngoài thực hiện cho các dự án nước ngoài. Nguồn lực đầu tư cho công nghệ và nhân lực trong lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh ở Việt Nam chưa nhiều, trong khi đây là ngành nghề đòi hỏi nhân sự chất lượng cao, lành nghề. Đặc thù công việc kỹ thuật, đòi hỏi kiến thức đa ngành và sáng tạo, tốn kém thời gian, công sức... nhưng nếu không có việc làm và thu nhập ổn định thì rất khó để hấp dẫn người đầu tư, tập trung và theo lâu dài, chuyên nghiệp được.

Lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh ở Việt Nam chưa phát triển, nhân lực chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Bản thân các đơn vị sản xuất, làm phim khi nhìn nhận, đánh giá về lĩnh vực này cũng như đòi hỏi liên quan đến chuyên môn sâu còn hạn chế. Điều đó dẫn đến việc lên kế hoạch cũng như trong quá trình làm việc giữa các ê kíp làm kỹ xảo điện ảnh dễ xảy ra không ăn khớp. Chẳng hạn, khi chúng tôi tham gia hợp tác trong phim “Thương nhớ ở ai”, theo hợp đồng ban đầu là thực hiện khoảng 600 cảnh nhưng thực tế lại phát sinh lên tới 2.000 cảnh. Trong khoảng thời gian nhất định, để không ảnh hưởng đến tiến độ phim, việc xử lý số lượng công việc tăng quá nhiều khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn.

PV: Rõ ràng, phát huy được vai trò công nghệ nói chung, kỹ xảo điện ảnh nói riêng góp phần tạo nên sự thành công cho bộ phim. Trong khi trên thế giới, điều này đã và đang được làm khá tốt thì ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần làm gì?

KTS Đinh Việt Phương: Khó có thể so sánh công nghệ của nước ta với công nghệ kỹ xảo điện ảnh đỉnh cao, phát triển lâu năm và được đầu tư lớn như nhiều nước trên thế giới, nhưng có thể nói, dư địa phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam là rất lớn, điều cơ bản nhất là chúng ta thiếu sự đầu tư bài bản.

Đảng, Nhà nước đang có nhiều sự quan tâm, đầu tư lớn cho phát triển văn hóa cũng như công nghiệp văn hóa, trong đó điện ảnh được coi là ngành mũi nhọn, sẽ có nhiều điều kiện để phát triển. Đây sẽ là cơ hội, môi trường rất tốt cho các đơn vị làm kỹ xảo điện ảnh như chúng tôi. Nếu Nhà nước có các quỹ để đầu tư cho các dự án điện ảnh có hàm lượng kỹ xảo cao về chiến tranh, lịch sử, truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam thì sẽ rất tuyệt vời. Bên cạnh đó, mặc dù kỹ xảo điện ảnh có thể thay thế được rất nhiều trường quay thật, giúp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn cần những trường quay nền, đồng bộ cho kỹ xảo điện ảnh dựa vào, làm tăng hiệu quả hiệu ứng hình ảnh.

Trong lúc đó, chúng tôi đã và đang chủ động trang bị, nâng cao trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm qua thực tế làm việc các dự án trong nước; qua hợp tác, học hỏi từ các đối tác nước ngoài... Cùng với kiến thức chuyên môn, tôi cho rằng để kỹ xảo điện ảnh phát huy được hiệu quả và nâng tầm cho những bộ phim thì bản thân người làm kỹ xảo điện ảnh cũng phải trang bị cho mình những kiến thức lịch sử, hiểu biết về đời sống xã hội để xử lý hình ảnh đúng, đẹp, hấp dẫn. Đặc biệt là với phim đề tài lịch sử, về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, bản thân chúng tôi cũng cần tìm hiểu một cách kỹ lưỡng hơn. Thông qua việc tham gia làm các bộ phim như “Không thời gian” hay “Bình minh đỏ”, chúng tôi được học hỏi thêm nhiều kiến thức, thêm tự hào về lịch sử dân tộc và càng thêm khát vọng cống hiến cho đất nước.

 PV: Trân trọng cảm ơn anh! 

HOÀNG DƯƠNG (thực hiện)