Một thế hệ đọc vội, sống nhanh

Nếu hỏi một số bạn trẻ, ta sẽ nhận câu trả lời, giới trẻ không rời bỏ tri thức, chỉ là đang tìm kiếm nó theo cách mới. Thay vì cặm cụi gập người bên bàn, họ tranh thủ nghe sách trên quãng đường tắc xe, rẽ qua vài ứng dụng tóm tắt nội dung sách hoặc lưu những trích dẫn hay lên mạng xã hội để cùng bình luận. Họ không né sách mà muốn sách cất tiếng theo nhiều cách.

Theo PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu thế hệ X (1965-1980), Y (1981-1996) kiên nhẫn, quen phương thức đọc truyền thống, thì Gen Z (1997-2006) sinh ra trong bối cảnh công dân số. Mạng internet, smartphone, mạng xã hội... mọi thứ đều rộng mở, kéo họ vào biển thông tin đa chiều, vận động từng giây. Theo khảo sát của PGS, TS Trần Thành Nam, chỉ khoảng 36% Gen Z tự nhận mình là người ham đọc sách, trong khi con số này ở thế hệ X đều trên 50%. Nhiều ý kiến vội kết luận: “Bọn trẻ đang dần mất hứng thú với sách”. Nhưng có lẽ, cần nhìn sâu hơn vào cách tiếp cận tri thức dần thay đổi của họ.

leftcenterrightdel

Chị Nhàn (bên trái) cùng đồng nghiệp đọc sách trong giờ nghỉ trưa. 

Thật ra, Gen Z vẫn đọc, chỉ có điều không nhất thiết phải cầm trên tay cuốn sách dày cộp. Họ tiếp nhận tri thức qua nhiều kênh: Trang web, podcast, ứng dụng tóm tắt, sách nói... Dáng vẻ nghiền ngẫm ngày xưa giờ hóa thành đôi tai luôn cắm tai nghe, tay cầm điện thoại. Họ sẵn sàng dành thời gian cho tri thức, miễn sao tri thức ấy xuất hiện đúng lúc, đúng tần số: Ngắn gọn, cô đọng, có sự tương tác tức thời. PGS, TS Trần Thành Nam cho biết: 50,8% Gen Z vẫn luôn nói họ “tìm kiếm những cuốn sách hay để đọc”, 49,4% “thích nói về sách” và không ít bạn trẻ lưu sẵn danh sách những cuốn sách muốn đọc trong tương lai. Điều đó cho thấy sách không vắng bóng trong ý thức thế hệ này. Không phải họ ghét sách, mà là sách chưa bắt nhịp được với guồng quay cuộc sống họ đang phải theo đuổi.

Hình dung một ngày của bạn trẻ Gen Z, buổi sáng đi học, chiều học thêm, tối làm bài tập hoặc đi làm thêm. Thời gian còn lại là những khoảng trống chắp vá, chen giữa những buổi livestream, video ngắn, mạng xã hội. Một chiếc điện thoại thông minh có thể đồng thời là công cụ học tập, máy nghe nhạc, thư viện sách điện tử, kênh giải trí. Sách nếu không đủ linh hoạt để chen vào những khoảng trống ấy sẽ dễ bị gạt sang một bên.

Tốc độ sống nhanh, thói quen xử lý đồng thời nhiều luồng thông tin cũng ảnh hưởng đến cách Gen Z tiếp cận tri thức. Nhiều người tương tác với 3-4 màn hình đồng thời, vừa làm bài tập, nhắn tin, nghe nhạc... đã làm giảm khả năng tập trung lâu dài vào một hoạt động như đọc sách kiểu truyền thống. Họ sẵn sàng đọc lướt, nắm lấy ý chính nhanh nhất, ưu tiên những đoạn trích, những hình ảnh hoặc âm thanh thay vì ngồi nghiền ngẫm hàng trăm trang giấy. “Thói quen đa nhiệm và tốc độ khiến đọc lướt tăng, đọc nghiền ngẫm đi xuống”, PGS, TS Trần Thành Nam nhận định.

Động cơ đọc cũng thay đổi, Gen Z đọc không chỉ để thư giãn hay thỏa chí tò mò mà họ đọc những gì sát sườn cuộc sống như sách kỹ năng khởi nghiệp, lối sống xanh, quản lý thời gian, tài chính, tâm lý... Họ muốn áp dụng ngay những gì đọc được vào công việc hay học tập. Việc muốn “đánh nhanh thắng nhanh” tuy rằng thể hiện sự thực dụng của giới trẻ nhưng cũng phản ánh bối cảnh căng thẳng, cạnh tranh thông tin cao trong xã hội hiện đại. Vì tiếp nhận thông tin theo cách ấy, Gen Z khá nhạy cảm với những gì giàu hình tượng, nhiều cảm xúc, có khả năng chạm tới tâm hồn qua nhiều giác quan. Video giới thiệu sách, sách nói... là cách họ chọn để thu nhận tri thức theo cách riêng.

Phải biết chuyển mình

Trong lần ghé quán cà phê gần khu văn phòng ở quận Hoàn Kiếm, tôi bắt gặp khung cảnh yên bình giữa giờ nghỉ trưa: Nhóm nhân viên trẻ ngồi lặng lẽ, mỗi người cầm một chiếc máy đọc sách nhỏ gọn. Không tiếng lật trang, không mùi giấy mới, nhưng ánh mắt chăm chú, thỉnh thoảng khẽ gật đầu đồng tình với những dòng chữ đang đọc.

Hỏi chuyện, họ cho biết thiết bị ấy là “người bạn đồng hành” không thể thiếu, nhất là trong môi trường công việc năng động, di chuyển nhiều. Chị Ngô Thị Nhàn, nhân viên một công ty gần đó kể rằng, từ nhỏ chị đã say mê sưu tầm sách giấy, tự tay tích góp từng cuốn sách dày cộp trong nhiều năm. Nhưng khi trưởng thành, xa nhà, sống trong căn phòng trọ nhỏ giữa thành phố đông đúc, chị nhận ra mình không thể mang theo tất cả những gì yêu quý ấy. "Hành lý thì giới hạn, sách thì cồng kềnh... có lúc tôi gần như phải từ bỏ thói quen đọc", chị bộc bạch. Mãi đến khi biết đến máy đọc sách, chị Nhàn như tìm lại được chiếc cầu nối với thế giới tri thức. Chị chia sẻ: "Chiếc máy ấy giúp tôi giữ được đam mê, dù ở đâu hay di chuyển thế nào. Những lúc quá bận để cầm máy đọc, tôi chuyển sang nghe sách nói cũng rất thú vị và chạm vào cảm xúc".

Câu chuyện ấy phản ánh rõ nét văn hóa đọc của người trẻ đang chuyển mình, từ thói quen lật giở trang giấy sang những hình thức linh hoạt hơn, phù hợp với nhịp sống gấp gáp và không gian di động của thời đại số. Những thiết bị nhỏ gọn, kho sách điện tử, nền tảng sách nói... đang dần trở thành cầu nối để người trẻ giữ sợi dây bền chặt với tri thức.

PGS, TS Trần Thành Nam chia sẻ, những con số thống kê về Gen Z cho thấy họ không có nhiều thời gian, dễ mất tập trung, cũng thích tương tác và muốn tạo dấu ấn cá nhân. Cách giải quyết là cần biến hành vi đọc thành trải nghiệm giàu kết nối, giàu tương tác, từ đó mới duy trì được hứng thú. Thay vì níu kéo hình thức cũ không còn phù hợp, hãy cho sách diện mạo mới, hít thở cùng nhịp sống 4.0.

Thế nhưng, hành trình chuyển mình không đơn giản. Máy đọc sách hay sách nói có lợi thế là gọn nhẹ, có khả năng xoay xở nhanh. Với thư viện truyền thống, hệ thống xuất bản giấy, mọi thứ cồng kềnh hơn. Trước đây, thư viện chỉ cần không gian tĩnh lặng và kệ sách ngăn nắp là đủ. Nhưng nay, muốn thu hút giới trẻ, thư viện có thể phải chuyển thành trung tâm trải nghiệm, nơi người đọc tham gia sự kiện, đọc sách điện tử, chia sẻ trực tuyến, mượn và trả sách đa phương tiện... Với các nhà xuất bản và doanh nghiệp công nghệ cũng cần thay đổi. Không chỉ là sách nói đơn giản mà là những ứng dụng có thể cá nhân hóa trải nghiệm đọc, gợi ý sách dựa trên thói quen và sở thích, hay mở các diễn đàn nhỏ để người đọc thảo luận... Các cuộc thi video cảm nhận, chiến dịch giới thiệu sách trên mạng không chỉ là quảng bá, mà là cách kéo sách về gần hơn với lối sống của người trẻ. Đó là chuyển đổi số thực sự, đòi hỏi quyết tâm lẫn kinh phí và còn rất nhiều rào cản ở tầm chính sách.

Tuy nhiên, thói quen cần được bắt đầu từ gia đình. Khi bữa cơm có thêm những câu chuyện về cuốn sách mà cha mẹ đang đọc hay cuối tuần cả nhà cùng tham gia thử thách đọc sách theo chủ đề. Khi đó, thói quen đọc không phải là ép buộc mà trở thành niềm vui chung. “Hiệu ứng soi gương” luôn mạnh hơn bất kỳ lời khuyên lý thuyết nào.

Văn hóa đọc cũng không thể tách rời môi trường giáo dục. Trong nhà trường, nếu những bài đọc quá dài, khô khan, học sinh bị “nhồi” thiếu cảm hứng thì khó duy trì niềm vui đọc sách lâu dài. Các hình thức sáng tạo như thảo luận nhóm, bài tập đọc hay ứng dụng công nghệ để học sinh tự xuất bản dự án cá nhân... đều giúp gắn kết người trẻ với hành vi đọc. “Chúng ta không thể quay lưng với internet, smartphone mà cần biến chúng thành kênh học tập bổ trợ cho sách”, PGS, TS Trần Thành Nam nói.

Dẫu hình thức thay đổi ra sao thì cốt lõi của văn hóa đọc vẫn là nuôi dưỡng chiều sâu nhận thức, tình yêu tri thức. Khi nghe sách hay lướt sách, người trẻ sẽ học được gì? Liệu sách nói hay tóm tắt mấy phút có truyền tải hết nội dung? Làm sao để không biến đọc thành hành động qua loa, hời hợt, chạy theo “mốt” hay “trend”? Điều này đòi hỏi sự cân bằng giữa tốc độ và chiều sâu, giữa công nghệ và giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, chuyện ấy không phải bất khả thi. PGS, TS Trần Thành Nam lạc quan: “Vấn đề là chúng ta khởi đầu ở đâu và ai tiên phong. Giới trẻ không hề lười nếu ta trao cho họ môi trường phù hợp”.

Gen Z đang mở ra những lối đọc mới, tiêu thụ sách nhanh nhưng sẵn lòng dành thời gian cho những gì thật hay, thật chân thành. Một máy đọc sách nhỏ gọn, một giọng đọc êm ái, một đường dẫn trực tuyến trao đổi đôi dòng cảm nhận... Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ níu chân họ, hình thành cộng đồng nuôi dưỡng tình yêu tri thức theo cách riêng. Đó chẳng phải là biểu hiện sinh động nhất của văn hóa đọc trong thời đại mới hay sao?

Bài và ảnh: HẠ ANH