Khi phái nữ đứng lên khởi nghiệp

Trong quá trình tác nghiệp tại Hà Giang, chúng tôi gặp chị Vừ Thị Hà, người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở Đồng Văn. Từ nhỏ, chị đã học cách se lanh, nhuộm chàm, thêu thùa-những kỹ nghệ truyền thống đòi hỏi sự kiên nhẫn và sáng tạo. Trong lần thấy du khách trầm trồ trước vải lanh thêu hoa văn truyền thống, chị nhận ra giá trị văn hóa của dân tộc mình. Từ đó, chị nảy ra ý tưởng khởi nghiệp: Biến nghề dệt lanh thành mô hình kinh doanh giúp phụ nữ thoát nghèo.

leftcenterrightdel

Chị Vừ Thị Hà. Ảnh: KHÁNH NGÂN 

Là Tổ trưởng Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm thôn Vần Chải B, chị Hà đối diện với muôn vàn thách thức: Đa số chị em trong thôn không biết chữ, chưa từng sản xuất hàng hóa để bán, phải học thêm tiếng Anh để giao tiếp với khách quốc tế, thiếu vốn, sản phẩm đơn điệu, cạnh tranh gay gắt với các hợp tác xã lớn... Chị Hà cùng chị em trong tổ đã trải qua biết bao ngày tháng miệt mài bên khung cửi. Những ngón tay quen với nương rẫy, giờ làm bạn với kim chỉ, không ít lần bị kim đâm chảy máu, những vết xước chồng lên nhau, bàn tay thô ráp hằn đầy sẹo. Nhưng họ không nản chí. Họ tin rằng sự tỉ mỉ và giá trị văn hóa trong từng sản phẩm sẽ giúp sản phẩm có chỗ đứng riêng. Những tấm vải lanh không chỉ dệt bằng sợi, bằng màu chàm mà còn bằng cả sự kiên trì, giấc mơ đổi đời của những người phụ nữ Mông ngày ngày gắn bó với núi rừng.

Nhờ sự kiên trì, không nản lòng trước khó khăn, những chiếc túi xách, khăn, váy từ vải lanh do tổ hợp tác sản xuất ngày càng được khách du lịch ưa chuộng. Chị em trong thôn còn tạo ra các họa tiết bằng sáp ong trên vải lanh, biến sản phẩm thủ công thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Chị Hà còn lên kế hoạch kết hợp các trò chơi dân gian, điệu múa truyền thống vào mô hình du lịch, hướng tới phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng. Hiện mỗi ngày, gian hàng của chị đạt doanh thu khoảng 5 triệu đồng, thu nhập của các chị em đạt khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, giúp họ có cuộc sống ổn định hơn.

leftcenterrightdel

Du khách trải nghiệm dệt lanh. Ảnh: KHÁNH NGÂN 

Năm 2024, Dự án “Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm thôn Vần Chải B” đoạt giải nhất Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" khu vực miền Bắc. Đối với chị Hà, đây là bước khởi đầu. Chị mong muốn đưa sản phẩm thổ cẩm Mông ra thị trường quốc tế, để văn hóa quê hương vươn xa hơn.

"Phụ nữ dân tộc thiểu số muốn thoát nghèo, thay đổi định kiến cần có sự tự tin và sẵn sàng học hỏi. Tiếp cận thông tin và nâng cao kỹ năng là điều vô cùng quan trọng", chị Hà bộc bạch.

Nếu chị Vừ Thị Hà lựa chọn con đường khởi nghiệp là nghề thủ công truyền thống lâu đời để gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc thì chị Ngô Thị Thanh, Phó giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ công nghệ Phương Minh lại hướng tới tương lai số, nơi công nghệ trở thành công cụ đắc lực trong giáo dục trẻ em. Là người mẹ và làm trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ, chị Thanh hiểu rõ tác động hai mặt của thiết bị số. Từ suy nghĩ ấy, chị cùng đồng nghiệp bắt tay xây dựng ứng dụng học tập cho học sinh, kết hợp trò chơi giáo dục, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo để mang đến trải nghiệm học tập thú vị và hiệu quả.

Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp của chị Thanh không dễ dàng. Cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ giáo dục rất khốc liệt, gọi vốn là một thách thức lớn và định kiến về phụ nữ trong ngành công nghệ là rào cản mà chị phải vượt qua.

leftcenterrightdel

Chị Ngô Thị Thanh. Ảnh do nhân vật cung cấp     

"Nhiều người nghĩ phụ nữ không đủ kiên trì và bản lĩnh để theo đuổi công nghệ đến cùng. Nhưng tôi tin rằng đam mê và quyết tâm không phân biệt giới tính", chị Thanh chia sẻ.

Quá trình khởi nghiệp, chị gặp khó khăn khi tìm kiếm đội ngũ nhân sự, trong nắm bắt thị hiếu thị trường, bám sát chương trình giáo dục, đồng thời phải hiểu tâm lý học sinh. Nhiều năm đúc rút kinh nghiệm, ứng dụng đang trong quá trình hoàn thiện. Sau khi cho học sinh các trường: Mầm non Smart Kids (Cầu Giấy, Hà Nội); Mầm non Ánh Dương (Đông Anh, Hà Nội); Mầm non Hoa Hướng Dương (TP Vinh, tỉnh Nghệ An)... sử dụng bản thử nghiệm, những tính năng mới lạ và tiềm năng trong giáo dục đã thu hút nhiều nhà trường và phụ huynh. Nhiều đơn vị mong muốn được thử nghiệm sản phẩm, đóng góp để hoàn thiện hơn trước khi sản phẩm chính thức ra mắt.

Chị Thanh kỳ vọng ứng dụng không chỉ phổ biến tại Việt Nam mà còn vươn ra thị trường Đông Nam Á, giúp trẻ em dù ở thành phố hay nông thôn đều có cơ hội tiếp cận nền giáo dục chất lượng.

Cơ hội và thách thức

Từ câu chuyện của hai chị Vừ Thị Hà và Ngô Thị Thanh, có thể thấy bình đẳng giới trong kinh tế đang là xu hướng tất yếu. Tại Diễn đàn “Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng thông qua các công cụ phát triển bền vững” tổ chức tại Hà Nội năm 2024, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, nếu phụ nữ tham gia bình đẳng vào nền kinh tế, GDP toàn cầu năm 2025 có thể tăng thêm 28.000 tỷ USD. Nếu các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng trưởng theo tỷ lệ tăng trưởng như nam giới, GDP toàn cầu sẽ tăng khoảng 2.000 tỷ USD, tương đương 2-3% GDP toàn cầu, đồng thời tạo ra từ 288 triệu đến 433 triệu việc làm mới.

Nhận thức rõ vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nữ doanh nhân, tiêu biểu như: Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP, 2021), đặt mục tiêu đến năm 2030 có 30% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Bên cạnh đó, để cụ thể hóa Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP, trong đó đề ra chương trình hành động với mục tiêu đến năm 2030, 20-25% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 30-35% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ...

Theo số liệu của cơ quan thống kê, năm 2024, phụ nữ chiếm 46,6% lực lượng lao động Việt Nam, thấp hơn nam giới (53,4%). Dù số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang tăng nhưng hiện nay, chỉ hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là nữ. Tuy nhiên, 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, tỷ lệ cao hơn nhiều quốc gia khác.

Theo Chỉ số khoảng cách giới toàn cầu (GGI) 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đạt 71,1% (xếp thứ 72 thế giới, thứ 6 khu vực châu Á-Thái Bình Dương), riêng lĩnh vực kinh tế đạt 74,9% (xếp thứ 31 toàn cầu). Mặc dù thứ hạng khá tốt nhưng khoảng cách giới trong kinh tế vẫn chưa thu hẹp đáng kể. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các ngành có tỷ lệ lao động nữ cao như dịch vụ, bán lẻ và giáo dục cũng khiến khoảng cách này tăng 1-4%.

Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, mặc dù số lượng nữ doanh nhân tham gia vào nền kinh tế ngày càng tăng nhưng họ vẫn gặp nhiều rào cản đáng kể. Một trong những thách thức lớn nhất là khả năng tiếp cận vốn. Theo khảo sát của VCCI năm 2019, có tới 60% doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo gặp khó khăn trong việc vay vốn, chủ yếu do thiếu tài sản thế chấp, hạn chế về kinh nghiệm quản lý hoặc bị đánh giá là ít chấp nhận rủi ro. Áp lực cân bằng giữa công việc và gia đình cũng là trở ngại không nhỏ. Phụ nữ khởi nghiệp không chỉ điều hành doanh nghiệp mà còn gánh vác trách nhiệm chăm sóc gia đình. Nhiều người rơi vào tình trạng kiệt sức, nhưng không kiên trì thì khó để thành công.

leftcenterrightdel

Học sinh trải nghiệm phần mềm giáo dục. Ảnh do nhân vật cung cấp    

Định kiến xã hội là rào cản vô hình nhưng có tác động sâu sắc. Trong lĩnh vực công nghệ hay tài chính, nữ doanh nhân thường không được đánh giá cao bằng nam giới, do quan niệm truyền thống cho rằng họ phù hợp với các ngành nhẹ nhàng hơn. Để tháo gỡ những rào cản này, theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, cần có giải pháp và sự phối hợp giữa Chính phủ, xã hội và bản thân các nữ doanh nhân. Đầu tiên cần cải thiện chính sách tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Chính phủ và tổ chức tài chính nên có các gói tín dụng ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục vay và khuyến khích quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho nữ doanh nhân. Cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ, bao gồm mạng lưới cố vấn, chương trình đào tạo về quản trị, tài chính và thương hiệu. Tạo cơ hội kết nối với đối tác, nhà đầu tư qua diễn đàn kinh doanh, hội thảo khởi nghiệp. Thay đổi tư duy xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới trong kinh doanh cũng là điều cần thiết. Cần đẩy mạnh truyền thông, tôn vinh nữ lãnh đạo tiêu biểu và xóa bỏ định kiến về vai trò của phụ nữ trong kinh tế.

Vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế ngày càng được củng cố, thể hiện qua sự gia tăng doanh nghiệp, hợp tác xã do họ điều hành. Tuy nhiên, để hỗ trợ hiệu quả hơn cần những chính sách khởi nghiệp thực chất và kịp thời.

"Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cấp địa phương phải đóng vai trò chủ chốt trong việc đồng hành với nữ doanh nhân. Các chương trình ưu đãi của Nhà nước cần cụ thể hóa, rõ ràng về hình thức, thời gian và phạm vi hỗ trợ, giúp phụ nữ khởi nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội và phát triển bền vững", PGS, TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Câu chuyện của chị Vừ Thị Hà, chị Ngô Thị Thanh là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của phụ nữ Việt Nam trên hành trình khởi nghiệp. Bình đẳng giới trong kinh tế không chỉ là khẩu hiệu mà cần được hiện thực hóa bằng hành động.

DUY ANH