Nhiều mô hình hiệu quả

PV: Thưa đồng chí, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò là bệ đỡ, chắp cánh khởi nghiệp cho thanh niên như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Minh Triết: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn giai đoạn hiện nay là nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của hội viên, thanh niên trong và ngoài nước, tham gia kiến tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây được xác định là một trong 3 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2022-2027 được xác định tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Nghị quyết Đại hội cũng đã xác định chỉ tiêu, 15.000 tỷ đồng được hỗ trợ cho thanh niên vay vốn để khởi nghiệp, lập nghiệp, làm kinh tế và 7.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên được tổ chức Đoàn hỗ trợ.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo tới cơ sở, tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đặc điểm thanh niên và điều kiện thực tiễn tại địa phương, như ban hành: Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021”; Đề án “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019-2022”; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 897/QĐ-TTg về Chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2030”.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Minh Triết. 

PV: Sau thời gian đầu triển khai thực hiện Chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2030” đã mang lại kết quả ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Minh Triết: Trong năm 2023, nhiều hoạt động kết nối, kêu gọi, thu hút nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp được Trung ương Đoàn chú trọng thực hiện. Công tác tìm kiếm, phát triển, hỗ trợ đưa các ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng trong thanh niên vào thực tiễn được triển khai từ Trung ương đến địa phương. Hơn 20.174 ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên đã được tổ chức Đoàn các cấp ghi nhận. Từ những ý tưởng này tạo tiền đề cho việc tạo dựng, phát triển các doanh nghiệp mới, góp phần vào sự phát triển toàn diện của đất nước.

Trong năm qua đã giải ngân hơn 1,468 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp của thanh niên do Đoàn quản lý; liên kết, kết nối từ các nguồn như: Quỹ giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn, Quỹ quốc gia về việc làm, ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn từ Chương trình khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên nông thôn.

PV: Đồng chí hãy chia sẻ một số mô hình, cách làm hay mà các đơn vị đã thực hiện hiệu quả trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thời gian qua?

Đồng chí Nguyễn Minh Triết: Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động tạo mẫu, định hướng cơ sở như: Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp; trao Giải thưởng Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc; Giải thưởng Lương Định Của; Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc; Cuộc thi Startup Founding Camp; Hành trình “Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo”...

Nhiều mô hình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được các cấp bộ đoàn triển khai hiệu quả, có sức lan tỏa tốt như chương trình phim chuyên đề “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp”, chương trình “Café khởi nghiệp”, mô hình “Học kỳ doanh nghiệp”...

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động kết nối các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của hội viên, thanh niên với các nhà đầu tư tiềm năng thông qua các sự kiện, diễn đàn, hội thảo... đã được tổ chức, như: “Sàn giao dịch ý tưởng khởi nghiệp”; Ngày hội “Pitching day”; Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”; hỗ trợ tư vấn pháp lý cho hội viên, thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Thông qua các hoạt động này, đã hỗ trợ hiệu quả cho thanh niên trong khởi nghiệp.

Khuyến khích khởi nghiệp tại quê hương

PV: Những năm gần đây, ở các địa phương, phong trào khởi nghiệp của thanh niên có xu hướng phát triển, nhất là sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều thanh niên ở thành phố chọn về quê lập nghiệp. Việc hỗ trợ cho các đối tượng này được quan tâm như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Minh Triết: Trung ương Đoàn và tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp luôn khuyến khích, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trên con đường lập nghiệp, khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Trong thời gian qua, việc xây dựng và thúc đẩy cơ chế, chính sách khởi nghiệp cho thanh niên tại địa phương trở thành một ưu tiên hàng đầu của các cấp ủy và chính quyền địa phương. Các chính sách này thường bao gồm hỗ trợ về đào tạo kỹ năng, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, cũng như hỗ trợ quy trình và thủ tục hành chính, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ về vốn đầu tư thường được ưu tiên, cung cấp vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ tài chính không hoàn lại. Ngoài ra, việc xây dựng mạng lưới cộng đồng, các quỹ hỗ trợ và các chương trình đào tạo kinh doanh cũng là những yếu tố quan trọng giúp thanh niên có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Các cấp bộ đoàn đã chủ động phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chia sẻ, nhân rộng mô hình, gương thanh niên làm kinh tế giỏi; giúp đỡ đoàn viên, thanh niên có ý tưởng kinh doanh tìm đầu ra cho sản phẩm, đăng ký mẫu mã, nhãn mác, bao bì, thương hiệu. Sử dụng hệ thống OCOP trong giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đoàn viên thanh niên.

Nhiều tỉnh, thành đoàn đã thành lập đơn vị chuyên trách hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương như "Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp", hay "Vườn ươm thanh niên khởi nghiệp" để tổ chức tư vấn và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Những nỗ lực trên của các cấp bộ đoàn đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ thanh niên ở lại hoặc quay về địa phương sau khi tốt nghiệp để làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp. Trung ương Đoàn xác định đây là một nội dung cần phải kiên trì, bền bỉ triển khai và còn nhiều mặt cần tiếp tục làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

PV: Một trong những yếu tố quan trọng cũng là khó khăn mà hầu hết thanh niên gặp phải trong quá trình khởi nghiệp chính là thiếu nguồn vốn, kinh nghiệm. Đâu là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Minh Triết: Nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp trong thanh niên, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tập trung vào việc khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp; trong đó có hỗ trợ nguồn vốn, vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ tài chính khác để thanh niên có thể tiếp cận vốn cần thiết cho việc khởi nghiệp.

Ban thường vụ các tỉnh, thành đoàn chủ động ký kết chương trình phối hợp với tổ chức hỗ trợ, thúc đẩy kinh doanh cho thanh niên như ngân hàng, hội doanh nhân trẻ, các sở, ngành có liên quan. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn quỹ như: Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm qua nguồn vốn kênh Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cấp tỉnh ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội... Sự hỗ trợ về vốn từ các nguồn tài trợ công và tư nhân đã tạo ra cơ hội đáng kể cho thanh niên khởi nghiệp.

Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công, bản thân mỗi thanh niên trong thời đại 4.0 như hiện nay cần trang bị cho mình một tâm thế sẵn sàng để không bị tụt lại phía sau, không bị đào thải. Tự mình trang bị những kỹ năng, tri thức, kỹ thuật, công nghệ mới của nhân loại và có khả năng áp dụng hiệu quả vào đời sống. Đặc biệt, tích lũy kinh nghiệm từ những người xung quanh, từ chính mình, hay thông qua kiến thức khổng lồ trên internet... Chủ động, sáng tạo, nhiệt huyết và không ngừng học hỏi sẽ là những tố chất mà một thanh niên trong thời đại 4.0 cần có để đáp ứng yêu cầu của thực tế cũng như khi bắt tay khởi nghiệp.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀNG DƯƠNG (Thực hiện)