Những chương trình ươm tạo khởi nghiệp

Phóng viên (PV): Thưa chị, mới đây CSIE phối hợp với các đơn vị mở khóa huấn luyện đầu tiên về khởi nghiệp tự thân cho sinh viên Trường Đại học KTQD và các trường lân cận Hà Nội. Chị có thể chia sẻ rõ hơn về chương trình này?

PGS, TS Trương Thị Nam Thắng: Mục tiêu chính của khóa huấn luyện là trang bị các kiến thức về khởi nghiệp tự thân; nâng cao kiến thức và năng lực kinh doanh cho các bạn trẻ tiềm năng, có khả năng triển khai những mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội ở các địa phương. Các sáng kiến khởi nghiệp và mô hình kinh doanh từ mỗi khoá huấn luyện sẽ được lựa chọn và cố vấn đồng hành để triển khai nhằm đóng góp vào những kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực nội tại và tài nguyên sẵn có ở mỗi địa phương.

Khóa huấn luyện đầu tiên về khởi nghiệp tự thân là chương trình được CSIE cùng Trung tâm Nghiên cứu tư vấn và đào tạo về phát triển địa phương, Vườn ươm tăng tốc khởi nghiệp tạo tác động Việt Nam, Nhóm cựu du học sinh của Chương trình học bổng quốc tế Quỹ Ford (IFP Vietnam alumni), Khoa Khoa học quản lý (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng tổ chức cho sinh viên nhà trường và các trường lân cận tại Hà Nội. Nội dung huấn luyện sẽ bao gồm: Thay đổi tư duy và khơi gợi đam mê khởi nghiệp; xác định và huy động nội lực của bản thân và cộng đồng trước khi khởi nghiệp; khởi nghiệp tự thân dựa trên nội lực (boostrapping); 7 bước khởi nghiệp cơ bản và xây dựng chiến lược kinh doanh theo mô hình kinh doanh 9 ô BMC; Module bổ trợ các kiến thức cơ bản kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo và đạo đức kinh doanh, 7 thói quen của người thành đạt, kỹ năng gây quỹ, kỹ năng xây dựng kế hoạch tài chính, kỹ năng phân tích SWOT và quản lý rủi ro... Đặc biệt, sau khóa học, các sáng kiến khởi nghiệp triển vọng và tiềm năng sẽ được kết nối với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

PV: Các dự án, khóa học, huấn luyện như vậy có được diễn ra thường xuyên không, thưa chị?

PGS, TS Trương Thị Nam Thắng: Thực tiễn trong nhiều năm nay, các chương trình đào tạo, ươm tạo sinh viên như thế này thường xuyên được diễn ra tại Trường Đại học KTQD. Các chương trình có thể do chính nhà trường thông qua CSIE, Trung tâm hướng nghiệp, các khoa, viện khởi xướng, hoặc phối hợp với các đối tác bên ngoài nhà trường tổ chức; với mục tiêu là truyền cảm hứng, cung cấp kiến thức, kỹ năng, công cụ cơ bản, thúc đẩy tinh thần thử nghiệm và thực thi cái mới trong sinh viên.

leftcenterrightdel

Sinh viên được trao giải tại Chương trình Ươm tạo Khởi nghiệp NEUrON 2023, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. 

PV: Hiện nay, nhiều đại học, trường đại học có các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. CSIE ra đời với sứ mệnh và những kết quả, tác động xã hội đã mang lại ra sao?

PGS, TS Trương Thị Nam Thắng: CSIE được thành lập vào tháng 2-2017, với sứ mệnh là thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp vì xã hội trong Trường Đại học KTQD cũng như các trường đại học tại Việt Nam, được cho là tổ chức nghiên cứu đầu tiên và duy nhất chuyên về mảng sáng tạo xã hội, khởi nghiệp xã hội trong trường đại học tại Việt Nam. Trung tâm có 3 mảng hoạt động chính là nghiên cứu, đào tạo và ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; với các sản phẩm nổi bật bao gồm các nghiên cứu lớn về doanh nghiệp xã hội, hội thảo khoa học quốc tế thường niên CSIE, chương trình ươm tạo khởi nghiệp sinh viên trong và ngoài trường cùng nhiều sự kiện, hoạt động lớn nhỏ hữu ích cho sinh viên cũng như giảng viên, nghiên cứu viên và cộng đồng nói chung.

Mỗi năm, CSIE tổ chức một chương trình ươm tạo khởi nghiệp cho 100 sinh viên của nhà trường với khoảng 20 nhóm khởi nghiệp tham gia một chương trình 4-6 tháng. Rất nhiều nhóm được ươm tạo đã được nhận vốn đầu tư để phát triển dự án của mình. Mỗi năm có một nhóm khởi nghiệp được ươm tạo đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp.

Định kỳ hằng năm, Trung tâm tổ chức một hội thảo quốc tế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, quy tụ các nhà nghiên cứu và thực hành trong nước và quốc tế đến chia sẻ, thảo luận những hướng nghiên cứu mới cũng như các giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; chủ trì tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn như: Hội nghị sáng tạo xã hội thanh niên châu Á-Thái Bình Dương của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (Youth Colab) năm 2019; Hội nghị các nhà lãnh đạo trẻ các trường đại học Hoa Kỳ và ASEAN (YSEALI Regional Workshop) năm 2023... Trường Đại học KTQD cũng là trường đại học đầu tiên đăng cai tổ chức Ngày hội khởi nghiệp học sinh, sinh viên lần thứ nhất (SV-Startup) của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018; là trường đại học đầu tiên đăng cai tổ chức Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Techfest) năm 2020.

Sau 7 năm hoạt động, CSIE đã ghi nhận được những thành quả đáng kể, đánh đấu được chỗ đứng của mình trong mạng lưới học thuật cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và trên thế giới. CSIE là điểm sáng thúc đẩy, góp phần định vị Trường Đại học KTQD là trường đại học đi đầu trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và là trường đại học lớn trong khu vực Đông Nam Á; hỗ trợ các khoa, viện trong trường phát triển đội ngũ giảng viên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cũng như xây dựng các chương trình đào tạo, môn học mới liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đến nay, CSIE đã đào tạo khoảng 500 giảng viên các trường đại học trên toàn quốc về nội dung, phương pháp giảng dạy khởi nghiệp và khởi nghiệp xã hội. Đây cũng là nơi mỗi năm các lứa thực tập sinh được đào tạo, ươm tạo và trở thành những nhà nghiên cứu, học giả, doanh nhân có đóng góp tích cực cho xã hội.

Cần nhất là người đồng hành

PV: Từ các hoạt động thực tế và kết quả mang lại, theo chị, các nhà trường cần trang bị cho sinh viên những gì để thực sự là bệ đỡ vững chắc cho các em trên hành trình khởi nghiệp, lập nghiệp sau này?

PGS, TS Trương Thị Nam Thắng: Theo tôi, các nhà trường cần trang bị đầu tiên cho các em là nhận thức đúng về khởi nghiệp. Nhận thức đúng rằng khởi nghiệp, lập nghiệp chưa bao giờ dễ dàng. Đây là một con đường khá cô đơn, nhiều thách thức, đòi hỏi phải chuẩn bị sức khoẻ thể chất và tinh thần tốt cho chặng đường chông gai này. Nhận thức đúng thứ hai là không nên đi một mình, hãy kết nối, xây dựng vốn xã hội và tìm kiếm người đồng hành khởi nghiệp cùng mình. Người đồng hành này có thể là người đồng sáng lập hoặc cố vấn cho dự án khởi nghiệp của mình. Khởi nghiệp là một vòng lặp của thử, sai và làm lại hoặc cải tiến, chứ không có gì là hoàn hảo và thành công ngay ở lần thử đầu tiên.

leftcenterrightdel
PGS, TS Trương Thị Nam Thắng. 

Các nhà trường cần trang bị cho các em kiến thức đúng. Đó là kiến thức về ý tưởng sáng tạo, nguồn vốn, kinh doanh, quản trị, sản phẩm, thị trường... Vì người làm khởi nghiệp là ông chủ của chính mình nên người khởi nghiệp phải như con dao pha. Phải nắm được các công cụ khởi nghiệp như: Khởi nghiệp tinh gọn, tư duy thiết kế, tư duy sáng tạo, thấu cảm người dùng, lược đồ mô hình kinh doanh, nghiên cứu thị trường, truyền thông số, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) là những công cụ cơ bản để hỗ trợ quá trình khởi nghiệp hiện nay. Đồng thời, trang bị cho các em những kỹ năng về gây dựng, lãnh đạo, làm việc nhóm, giao tiếp, truyền thông, quản trị tài chính. Đây là những nội dung cơ bản mà các nhà trường cần trang bị cho sinh viên để phục vụ hành trình khởi nghiệp.

Nói rộng hơn, không chỉ sinh viên mà mỗi thanh niên khởi nghiệp đều cần tự trang bị, trau dồi cho bản thân những yếu tố trên để có thể đi chắc, đi dài trên con đường lập nghiệp.

PV: Theo chị, sinh viên, thanh niên hiện nay cần được hỗ trợ những gì để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp hiệu quả?

PGS, TS Trương Thị Nam Thắng: Theo tôi, điều các bạn thanh niên, sinh viên cần được hỗ trợ quan trọng nhất đó là người cố vấn đồng hành hay còn gọi là mentor. Mentor không chỉ là người hỗ trợ về ý tưởng, kinh nghiệm mà còn là chỗ dựa tâm lý cho các bạn thanh niên, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn của quá trình khởi nghiệp. Nguồn cố vấn này có thể đến từ các thầy, cô trong trường, các anh, chị cựu sinh viên đang là quản lý các tổ chức, doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp, hoặc là các doanh nhân ngoài cộng đồng. Các nhà trường, tổ chức, đơn vị trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cần tạo ra mạng lưới cố vấn khởi nghiệp, hoặc tạo những cơ hội giao lưu, kết nối giữa các nhóm sinh viên, thanh niên khởi nghiệp với những mentor tiềm năng. Từ kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp của mình, tôi quan sát thấy khá nhiều trường hợp chính các mentor trở thành những nhà đầu tư thiên thần (angel investors) đầu tiên cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên, thanh niên thành công.

PV: Trân trọng cảm ơn chị!     

DƯƠNG THU (thực hiện)