Khi Ngũ hổ trở mình
Một sớm mai trong trẻo bên bãi sông Hồng (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), xưởng nghệ thuật nhỏ nằm nép mình giữa cánh đồng trải dài tít tắp. Bên trong là “thánh đường sáng tạo” của họa sĩ Lương Minh Hòa cùng đồng nghiệp nhóm Latoa Indochine (nhóm Latoa) đang hoàn thiện tranh Ngũ hổ của dòng tranh Hàng Trống-gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu, theo cách rất riêng. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy tranh Ngũ hổ lại được “tái sinh” theo cách khác biệt đến vậy. Tranh Hàng Trống xưa vốn nổi tiếng với màu tươi tắn, lối tô viền điêu luyện, 5 ông hổ 5 màu tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Nhưng, những mảng màu nguyên gốc rực rỡ, sáng chói thường thấy nay bỗng hòa quyện với chất sơn mài trầm ấm.
Thú vị thay, họa sĩ Lương Minh Hòa và nhóm Latoa không chép lại nguyên bản mà tái hiện ông hổ vàng ở trung tâm bằng lá vàng được thếp công phu, khiến con hổ vừa toát vẻ uy dũng, vừa phảng phất chiều sâu cổ kính. Xung quanh, những cụm mây thếp bạc ánh lên, mài loang, lẫn với lớp nền sơn nhiều tầng. Tất nhiên họ không chỉ dùng sơn mài mà còn kết hợp với sơn khắc để chuyển tải sự độc đáo, nhất là nét vẽ chính (nét đen) trong tranh dân gian.
Quả thật muốn giữ hồn tranh Hàng Trống, những nét in cần được tái hiện sao cho đúng chất. Ở Ngũ hổ, nhóm Latoa vừa giữ nguyên bố cục gốc, vừa đưa những nét đen lên bề mặt bằng cách khắc âm xuống lớp vóc (cốt gỗ làm sơn mài, sơn khắc). Từ nét in phẳng phiu truyền thống, giờ đây chúng hiện rõ trên bề mặt tranh, hòa vào lớp sơn mài được dát vàng, dát bạc... Sự kết hợp khéo léo ấy tạo nên hiệu ứng thị giác mới: Sâu lắng mà uy nghi, “nửa xưa, nửa nay”, đánh dấu cuộc hoán chuyển chất liệu thành công. "Để nghiên cứu kết hợp sơn mài-khắc trên dòng tranh dân gian như bây giờ, chúng tôi đã nghiên cứu vô cùng tỉ mỉ...", họa sĩ Lương Minh Hòa chia sẻ.
    |
 |
Các họa sĩ Latoa Indochine chăm chú làm tranh.
|
Nhóm Latoa ra đời từ khát khao chung của 4 họa sĩ trẻ đã gắn bó lâu năm với sơn mài và tranh dân gian. Họ nhìn thấy vốn quý dần mai một: Tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng... vốn gắn bó sâu sắc với đời sống người Việt nay chỉ còn lác đác trong những dịp lễ, tết hoặc nằm im trên các kệ của bảo tàng. Vì vậy, họ quyết định tập hợp lại thành nhóm, lấy tên "Latoa", viết tắt của "lan tỏa". Mong muốn lớn nhất là tái tạo tranh dân gian để vừa bảo tồn, vừa mở đường sáng tạo mới.
Ban đầu, các thành viên Latoa chỉ đơn thuần chuyển thể tranh dân gian sang sơn mài. Nhưng, dẫu bề mặt sơn mài bóng bẩy, họ vẫn cảm giác thiếu đi nét in quá đặc trưng của tranh dân gian truyền thống. Thế là, họ tiếp tục thử nghiệm sơn khắc: Khắc âm xuống lớp vóc, rồi tô màu, mài ra. Lúc này lại nảy sinh tình trạng các mảng màu đơn điệu, dễ bị chuyển thành sản phẩm mỹ nghệ phổ thông. Phải đến khi đặt hai hướng tưởng chừng thất bại ấy cạnh nhau, họ mới nhận ra đáp án: Kết hợp sơn mài và sơn khắc trên một tác phẩm.
Chính phép cộng này đã khai sinh ra lối đi rất riêng, vẫn lưu giữ mô típ tranh dân gian, từ nét in, hình dáng, bố cục đến nội dung, nhưng có lớp sơn mài tạo thêm sắc độ phong phú, chiều sâu huyền bí. Nếu tỉ mỉ, chi li quá, tác phẩm dễ sa vào lối thủ công mỹ nghệ thiếu tính nghệ thuật. Nhưng nếu cho bay bổng tùy ý, yếu tố dân gian sẽ bị biến dạng. Các họa sĩ đã phải đắn đo, cân nhắc cứ như đang bước trên dây để bảo tồn và sáng tạo ở mức hài hòa nhất.
Tranh dân gian xưa có công đoạn in từ ván khắc, tạo nét đen nổi bật. Ở đây, họ khắc hẳn trên nền vóc sơn mài, hạ nền phần họa tiết, nhân vật, phần nền giữ nguyên. Cái hay là tranh dân gian thì nét đen nằm phẳng, còn sơn mài-khắc thì nét đó được nâng lên, hoặc khắc chìm vào lớp sơn mài. Đến công đoạn mài, phần nét bỗng loang tỏa, có khi tạo những vệt xước, hoặc phản chiếu ánh vàng bạc. Nếu chỉ nhìn bề mặt, tưởng như những bức tranh dân gian đó trong dạng sơn mài-khắc đơn giản là phiên bản cao cấp. Nhưng càng ngắm, càng thấy các mảng màu thăm thẳm, nét in nổi lên-xuống, độ loang thiên biến vạn hóa, không bức nào lặp lại giống nhau.
Chạm tay vào di sản
Trong bối cảnh nhà cửa trang trí hiện đại, tranh dân gian dần ít chỗ đứng. Còn bao câu chuyện thú vị trong mỗi tác phẩm, chẳng mấy ai biết. Với nhóm Latoa, mỗi bức tranh gốc như một viên ngọc thô, mang giá trị truyền thống đầy nhân văn. “Chúng tôi nhận ra, nếu chỉ "nhân bản" tranh dân gian theo truyền thống, chưa chắc đã thu hút thị trường ngày nay. Nhưng chuyển nó qua sơn mài-khắc, vừa biến hóa chất liệu, vừa giữ nguyên bố cục và nét in cổ sẽ tạo ra diện mạo mới, bền vững, sang trọng hơn và phù hợp với nhiều không gian sống”, anh Hòa chia sẻ.
Qua sự sáng tạo của các họa sĩ, những cốt cách nhân văn, triết lý dân gian ẩn trong các tranh: "Vinh hoa", "Cá chép trông trăng", "Thần kê"... lại có cơ hội được tôn vinh, bồi đắp. Ở góc nhìn khác, nhóm Latoa nhận làm tranh theo yêu cầu đã phần nào thúc đẩy một dòng chảy thương mại hợp lý, giữ sự độc bản của từng bức tranh, mỗi sản phẩm có thể đến tay đông đảo người yêu tranh hơn, giá thành cũng không quá cao. Người mua vì thế cũng cảm nhận rõ hơn: Đó không chỉ là sắm một bức tranh để trưng mà còn tham gia vào hành trình gìn giữ hồn cốt của dân tộc.
Nhận thấy sự lan tỏa cần mở rộng hơn nữa, Latoa đã tổ chức hai buổi triển lãm: “Con đường” vào năm 2022 và “Mạch di sản” vào năm 2024. Cả hai triển lãm đều thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu, công chúng và đặc biệt là giới trẻ. Nếu Triển lãm “Con đường” là nơi để Latoa giới thiệu những bức tranh đầu tiên thì “Mạch di sản” lại là nơi họ sáng tạo và kết nối giữa quá khứ với hiện tại. Với ý nghĩa trong mạch chảy của văn hóa, họ đang mở thêm một nhánh mới, khẳng định “Mạch di sản” của nét đẹp xưa và nay chưa bao giờ đứt đoạn, nó chỉ được chuyển hóa, khoác thêm lớp áo mới để bền bỉ song hành cùng thời đại.
Triển lãm “Mạch di sản” không chỉ có tranh dân gian như “Con đường” mà còn được các họa sĩ của Latoa sáng tạo lên cả các vật dụng như: Tủ quần áo, bình hoa, cốc nước... Nét đẹp tranh dân gian không còn bị đóng khung trong sự hoài niệm, mà đang dần trở thành nguồn cảm hứng cho xu hướng thiết kế nội thất, quà tặng, trang trí đương đại. Mỗi lần làm vóc trên bình hoa hay tủ quần áo... họ phải tính toán độ cong, độ nhám, khả năng bám sơn, rồi khắc như thế nào để nét dân gian không bị biến dạng khi miếng vóc đó không đơn giản phẳng như mặt gỗ. Thử thách ấy vô hình trung tạo ra nhiều tác phẩm mới lạ, khiến “Mạch di sản” tràn vào ngóc ngách đời sống.
Có lẽ vì sự mới lạ mà Latoa tạo ra đã thu hút đông đảo công chúng đến tham quan triển lãm. “Ban đầu, tôi nghĩ loại hình nghệ thuật như sơn mài, tranh dân gian thì chỉ có những người lớn tuổi đến xem. Nhưng chúng tôi bất ngờ khi bạn trẻ lại chiếm phần lớn. Vậy đâu thể nói giới trẻ không quan tâm đến văn hóa truyền thống, họ yêu và muốn tìm hiểu đó chứ”, họa sĩ Lương Minh Hòa vui mừng bày tỏ.
Nhận thấy sự quan tâm của đông đảo giới trẻ, Latoa đã mở các sự kiện trải nghiệm, hướng dẫn làm tranh sơn mài-khắc trên nền tranh dân gian truyền thống. Với những người mới hoàn toàn, chỉ cần một buổi đến hai ngày là có thể hoàn thành một phiên bản tranh cỡ nhỏ, đủ để cảm nhận được sự kỳ công và nét độc đáo của kỹ thuật “mài-khắc-dát”. Có thể tác phẩm còn vụng về nhưng lại là kỷ vật thú vị để mang về, gói trọn trải nghiệm chân thật và niềm hứng khởi khi lần đầu làm tranh. Đối với giới trẻ, các buổi như thế là dịp hiểu giá trị thực thụ của tranh dân gian. Nhiều bạn từng nghĩ: “Tranh Đông Hồ, Hàng Trống xưa lắm rồi, chỉ treo ngày Tết”. Nhưng khi tận mắt, tận tay tham gia vào hoàn thành một tác phẩm, họ nhận ra nghệ thuật ấy hoàn toàn có thể sánh ngang bất kỳ trào lưu nghệ thuật đương đại nào, mang vẻ đẹp riêng và chiều sâu văn hóa độc đáo.
Trong tương lai, với sứ mệnh lan tỏa của mình, Latoa dự định mở làng nghề để công chúng có thể quan sát, đến gần hơn với sơn mài-khắc nói riêng và dòng tranh dân gian nói chung. “Mạch di sản” mà nhóm Latoa khởi xướng chẳng những gắn liền giấc mơ gìn giữ dòng tranh dân gian mà còn gieo niềm tin vào sự trường tồn của văn hóa. Họ tin rằng, làm mới những nét truyền thống không phải là phủ nhận giá trị xưa cũ mà là trao cho nó một cuộc sống mới, để chúng không bị phủ bụi, dần bị lãng quên mà tiếp tục song hành, trở thành một phần của nhịp sống đương đại.
Bài và ảnh: HẠ ANH