Từ Pháp lam Huế đến Họa kim sa

Cách đây 10 năm, khi còn là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp (Hà Nội), Hoàng Anh đến thăm cố đô Huế. Nơi đây đem đến cảm giác nhẹ nhàng, thư thái với lối kiến trúc, hoa văn, mỹ thuật được khắc họa phong phú, phù hợp với sở thích khám phá văn hóa cổ truyền của Hoàng Anh. Những hình mẫu trang trí trên mái cung điện tại cố đô thu hút sự tò mò của cô. Đó là nghệ thuật gì? Sao có thể bền bỉ sau hàng trăm năm phơi nắng, phơi sương? Những suy nghĩ ấy lặp lại thôi thúc Hoàng Anh tìm hiểu...

Lần theo lịch sử, vào thời Vua Minh Mạng (1820-1841) đã xuất hiện nghệ thuật rất phổ biến có cốt làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng, bề mặt được tráng một hoặc nhiều lớp men rồi đem nung đốt mà thành. Nghệ thuật này có nguồn gốc từ châu Âu, qua con đường tơ lụa mà đến nhiều nước châu Á và phát triển rực rỡ tại Trung Quốc, có nhiều tên gọi khác nhau. Năm 1827 mới du nhập vào Việt Nam với tên gọi Pháp lam Huế.

Mùa đông năm Đinh Hợi (1827), vua Minh Mạng lệnh cho Nội phủ xây dựng Pháp lam tượng cục (cơ quan sản xuất Pháp lam Huế) chuyên phục vụ làm đồ tề tự, đồ dùng sinh hoạt, nội thất... gồm 15 nghệ nhân, do ông Vũ Văn Mai-thợ vẽ nổi tiếng ở xưởng Nội tạo (cơ quan chuyên việc vẽ, trang trí trong cung Nguyễn) đứng đầu. Đến đời vua Thiệu Trị (1841-1847), Vua Tự Đức (1848-1883), kỹ nghệ này phát triển hưng thịnh, rồi sa sút sau thời kỳ tứ nguyệt tam vương do tài chính eo hẹp, không nhập được màu men từ nước ngoài. Mặc dù dưới triều vua Đồng Khánh (1885-1889) đã cố gắng phục hồi và chỉnh đốn Pháp Lam Huế nhưng không phục hưng nổi mà rơi vào thoái trào rồi thất truyền. Tuy rằng, Pháp lam Huế chỉ tồn tại hơn 60 năm, nhưng di sản của Pháp lam Huế vẫn còn lưu giữ trên bờ mái, bờ nóc, trang trí ở các lăng tẩm, tam quan, quần thể di tích tại cố đô Huế, khiến nhiều người thán phục về độ bền bỉ, kỹ nghệ chỉn chu, độc đáo.

leftcenterrightdel
 Công đoạn đổ màu bằng cát thạch anh khi làm Họa kim sa.  Ảnh do nhân vật cung cấp
 

Là người yêu nghệ thuật cổ truyền dân tộc, sau nhiều lần tìm hiểu những di tích của Pháp lam Huế còn sót lại, Hoàng Anh nảy sinh ý tưởng làm mới dòng tranh dân gian Việt Nam bằng nghệ thuật này. Cô mong việc áp dụng kỹ nghệ mới vào tranh dân gian Việt Nam có thể giúp nghệ thuật truyền thống ghi dấu ấn mới trong xã hội đang ngày một hiện đại; từ đó gắn kết nghệ thuật, văn hóa truyền thống với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Có ý tưởng nhưng Hoàng Anh gặp cái khó khi Pháp lam Huế đã bị thất truyền tại Việt Nam. Cô tìm tài liệu trên các trang mạng rồi dịch thuật và đúc kết: Pháp lam Huế có rất nhiều công đoạn, nổi bật là uốn tơ đồng, tráng men và khó nhất là nung đốt ở 1.000 độ C. Do chênh lệch nhiệt độ nóng chảy của men và dây tơ đồng, nên phải nung sao cho men chín mà dây đồng không được chảy.

"Dây đồng là nguyên liệu quan trọng", Hoàng Anh bày tỏ. Ban đầu, tài liệu không ghi rõ nên cô nghĩ rằng đó là dây đồng tròn, nhưng khi đưa vào sử dụng, sản phẩm không thể kết dính để ngăn màu trên cốt đồng. Sau gần một năm thử nghiệm, cô tìm ra phương pháp ép dẹt mỏng dây đồng hoặc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, gọi là sợi tơ đồng vàng mới đạt độ hoàn thiện ngăn chia ô màu, đổ màu không bị tràn loang lổ.

Do kỹ thuật gốc khó khăn và phức tạp nên Hoàng Anh mất 7 năm để nghiên cứu hoàn chỉnh kỹ nghệ. Cô cho rằng, nếu làm nguyên kỹ thuật gốc sẽ khó để nhiều người tiếp cận. Bởi vậy, Hoàng Anh đã lược bỏ khâu nung đốt, thay cốt đồng bằng nền nhôm và đơn giản hóa kỹ nghệ với 3 giai đoạn: Uốn tơ đồng, thay công đoạn tráng men bằng cát thạch anh để tạo màu và tráng bằng keo epoxy resin cho ra hiệu ứng trong như men trong kỹ thuật cổ. Với những tranh lớn sẽ sử dụng keo tạo màng để bảo quản tranh mà vẫn giữ được kết cấu của cát. Kỹ thuật mới này mang tính ứng dụng cao, công chúng dễ tiếp cận và được Hoàng Anh gắn tên mới là Tân Pháp lam-Họa kim sa, với ý nghĩa: Họa là vẽ, kim là dây kim loại tạo nên cốt tác phẩm, sa là cát-chất liệu tạo nên linh hồn tác phẩm.

Làm mới tranh dân gian

Trong 7 năm nghiên cứu, Hoàng Anh dành nhiều thời gian để thực hành ứng dụng Họa kim sa vào dòng tranh dân gian Việt Nam. Hoàng Anh rất tôn trọng những nghệ nhân gạo cội của mảng tranh dân gian. Trước khi thực hiện dự án làm mới tranh bằng Họa kim sa, cô tìm đến các nghệ nhân để tham khảo kinh nghiệm.

Ông Lê Đình Nghiên, nghệ nhân phát triển tranh dân gian Hàng Trống chia sẻ về Hoàng Anh: "Khi cô ấy đến gặp tôi, điều khiến tôi bất ngờ là cô gái trẻ có thể làm mới tranh Hàng Trống bằng kỹ nghệ mới lạ, phù hợp với đời sống hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng truyền thống. Thật tốt khi có thể đưa tranh Hàng Trống đến gần với công chúng trong một hình hài mới, từ đó quảng bá những giá trị văn hóa mà tranh dân gian để lại".

Hoàng Anh lên ý tưởng đầu tiên là bức tranh "Ngũ hổ thần tướng" của tranh dân gian Hàng Trống. Cô thay đổi nét vẽ ban đầu của tranh "Ngũ hổ thần tướng" thành 5 ông hổ nổi lên bằng dây đồng, phối thêm sắc độ màu cát, độ loang màu từ vàng đậm sang vàng nhạt, nâu đậm sang nâu nhạt... rất tinh tế thể hiện được chiều sâu của tranh. So với tranh gốc, màu sắc có chút khác biệt, đậm và nét hơn, hiệu ứng 3D sinh động do nét vẽ nổi bằng dây đồng, đổ bóng nhân vật khéo léo, màu vẽ được dùng bằng màu cát lấp lánh, bắt mắt. Hoàng Anh giữ nguyên bố cục, cách dùng màu của tranh gốc để giữ hồn cốt, ngụ ý tinh tế cùng giá trị văn hóa, truyền thống, nghệ thuật của ông cha ta bao đời. Năm 2022, sau chừng 300 giờ thực hiện, "Ngũ hổ thần tướng" ra mắt công chúng và nhận về nhiều phản hồi tích cực. Dưới nền Họa kim sa, bức tranh toát lên vẻ oai nghiêm, đường bệ, sinh động và cuốn hút người xem với màu sắc nổi bật.

leftcenterrightdel
Tranh "Ngũ hổ thần tướng" làm mới bằng Họa kim sa, được giới thiệu đến các em nhỏ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nối tiếp thành công, Hoàng Anh tiếp tục mở rộng dự án làm mới nhiều tranh dân gian như: "Thần kê"-tranh Kim Hoàng, "Gà đại cát"-tranh Đông Hồ, "Phổ Hiền Bồ Tát"-tranh Hàng Trống... Năm 2023, nhiều dự án của Hoàng Anh dần nổi tiếng. UBND phường Hàng Trống tin tưởng kết hợp với cô thực hiện triển lãm 9 tác phẩm tranh Hàng Trống làm mới bằng Họa kim sa. Ngoài ra, Hoàng Anh còn chuyển thể Họa kim sa trên áo dài, các trang sức cổ của người Việt và nhiều sản phẩm đa dạng khác khiến không ít vị khách tò mò, thích thú.

Không chỉ dừng lại ở sản xuất tranh, để Họa kim sa đến gần hơn với công chúng, Hoàng Anh mở nhiều lớp hướng dẫn làm Họa kim sa trên ốp điện thoại, hộp gương, quạt giấy, móc chìa khóa..., bằng hình ảnh từ các dòng tranh dân gian đã tạo nên làn sóng không nhỏ trong cộng đồng, thu hút nhiều người yêu nghệ thuật, du khách trong nước và nước ngoài trải nghiệm. Mỗi bước làm Họa kim sa, Hoàng Anh đều tỉ mỉ hướng dẫn, đồng thời giới thiệu với du khách về ý nghĩa tranh dân gian qua những hình mẫu trang trí họ chọn như một cách quảng bá văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Đằng sau thành công của Họa kim sa là những ngày Hoàng Anh rong ruổi ở nhiều làng nghề tranh dân gian, hay vất vả tìm nguồn vốn đầu tư cho những dự án lớn... Dù vậy, cô luôn cảm thấy hạnh phúc khi có thể chạm tay đến ước mơ. Sắp tới, Hoàng Anh còn tiếp tục tìm tòi và nghiên cứu làm mới tranh dân gian bằng nhiều kỹ thuật khác, để ứng dụng nghệ thuật vào cuộc sống nhằm kết nối cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ với văn hóa, nghệ thuật cổ truyền dân tộc.

HẠ ANH